Có một dạo khi mà tôi ở Sài Gòn, tôi chỉ muốn thức thật sớm, bắt đầu một ngày khi mặt trời còn chưa thức giấc để đón không khí bình minh, thứ không khí an ủi tinh thần đến lạ. Nhưng chẳng biết đã bao lâu rồi tôi không làm điều đó nữa. Sáng không còn ngồi cà phê bệt thưởng thức cái hương vị trong lành tích cực, tối cũng chẳng còn chọn bước chân vào rạp chiếu bóng - Thú giải trí lẫy lừng bỗng dưng trở thành sự ngượng ngùng giữa guồng quay phố thị.
Đã một thập kỷ nữa trôi qua và không ai ngăn được sự chuyển mình mạnh mẽ của Sài Gòn. Và dù đã trải qua rất nhiều cuộc “cách mạng trào lưu” trở về sự phong lưu chốn cũ thế nhưng Sài Gòn vẫn cứ là chiếc đồng hồ - không bao giờ chạy ngược. Và trong đó, văn hóa giải trí ở Sài Gòn là một trong những thứ thay đổi rõ rệt và dễ thấy nhất.
Từ giải trí công viên ngoài trời đến bên trong những tòa nhà là biểu tượng thành phố
Sau khi Saigon Water Park - Công viên nước đầu tiên tại Việt Nam đóng cửa từ năm 2006, người dân thành phố lúc này lại có thêm nhiều lựa chọn hơn, lúc bấy giờ các công viên quy mô lớn được đầu tư và khánh thành cấp bách tạo sân chơi mới cho người Sài Gòn Công viên nước Đầm Sen (xây dựng năm 1999), Công viên cá Koi Rin Rin Park lần lượt ra đời. Đến thập kỷ sau (2010 - 2020), không có bất kỳ một công viên nước nào được khánh thành nữa và đáng tiếc nhất là lời tạm biệt từ Công viên nước Đại Thế Giới vào đầu năm nay (2020).
Văn hóa giải trí ở công viên của người Sài Gòn có lẽ bắt nguồn từ những công viên nước đầu tiên và sau này hình thức giải trí này “vắng bóng” trong tìm thức người Sài Gòn, nó đã để lại nhiều kỷ niệm. Tôi nhớ những ngày trẻ, cuộc hẹn hò nào cũng đổ về công viên cả, từ những công viên nước lớn đến những Công viên trên cạn như Công viên Văn hóa Lê Thị Riêng (tức Công viên Thỏ Trắng - 2011) hay vào những chủ nhật dạn dĩ tôi cùng đám bạn ôm đàn ra Công viên 23/9, Công Viên Tao Đàn, dưới những tán cây xum xuê cao hàng chục mét và tiếng xe cô vồn vã vẫn có thể ngồi ngân nga mấy bài nhạc hit, bây giờ trong lòng không còn nhiều can đảm để thực hiện một cuộc hành trình vui chơi tự do như thế ở Sài Gòn. Những kỷ niệm ấy làm mình nôn nao, ký ức teo tóp dần theo chiều cao của những tòa nhà chọc trời.
Năm 2010, Diamond Plaza và Thuận Kiều Plaza chào đón thêm một “người em” trong công cuộc phát triển đô thị của thành phố - Vincom Center Đồng Khởi - khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp sầm uất mở ra một thói quen mới cho người dân thành thị. Đồng thời cũng vào năm 2010, Sài Gòn có những cú “chuyển mình” đáng kinh ngạc, Bitexco tòa nhà 68 tầng cao nhất thành phố lúc bấy giờ được khánh thành, người Sài Gòn “làm quen” với một biểu tượng mới.
Bitexco tòa nhà 68 tầng (trái) khánh thành năm năm 2010 và Landmark 81 khánh thành năm 2018 là tòa nhà cao nhất Việt Nam, biểu tượng mới của Sài Gòn.
Và để giải quyết tập cho người dân thói quen giải trí mới, theo một cách “Tây” hơn là vào các trung tâm thương mại bên trong những tòa nhà.
Năm 2012, tòa nhà Saigon Times Square (khách sạn The Reverie Saigon) được khánh thành và giữa quá nhiều món mới người dân Sài thành phải thử và biết đâu chừng vừa kịp quên cả những “món cũ”.
Sau đó sự góp mặt của AEON tại Việt Nam với trung tâm mua sắm đầu tiên AEON Mall Tân Phú Celadon vào năm 2014 với hình thức phức hợp ăn uống - vui chơi - mua sắm như góp thêm vào sự cạnh tranh giữa các trung tâm thương mại lớn nhất thành phố, định hình rõ thêm về văn hóa giải trí hiện đại của người Sài Gòn. Hàng trăm tòa nhà cao tầng từ Đông sang Tây mọc chi chít nhau.
Năm 2018, Bitexco sau 8 năm liền chiếm thế thượng phong và giờ phải nhường “ngôi vương” lại cho The Landmark 81 trở thành biểu tượng mới trên đường chân trời của thành phố, người dân lúc này không khỏi sững sờ, có người ước 1 lần được đứng nơi cao nhất thành phố. Lúc bấy giờ, sự vươn mình của đàn anh, khiến Thuận Kiều Plaza ngủ quên hơn chục năm “chuyển mình” khoác áo xanh thay cho áo đỏ với tên gọi mới là The Garden Mall tiếp tục giữ vững vị trí là 1 trong 10 tòa cao ốc nổi tiếng nhất thành phố.
Thay vì đến công viên, người ta bỏ một số tiền lớn hơn để được đến các Trung tâm thương mại để “tránh nóng”, để giải trí và thậm chí là để được chi trả cho những bữa ăn gia đình ấm cúng và đắt đỏ.
Cạnh tranh từ kịch nói, rạp chiếu phim đến TV Show chiếu trên YouTube
Kịch nói - Rạp chiếu phim - TV Show chiếu trên YouTube đang trên một quãng đường đua lớn, mặc dù mỗi thứ là một phạm trù riêng nhưng xu hướng giải trí của khán giả gần như chỉ nghiêng về một số.
Rất lâu rồi chúng ta không còn tìm vé của những vở kịch ở nhà hát kịch thành phố, xem kịch từng trở thành một trong những nền văn minh của thành phố, có điều gì đó xảy ra với người dân thì thành hay sao? Chẳng biết phải trả lời như thế nào khi người Sài Gòn có nhiều hơn 1 lựa chọn. Tôi thường nghe trong câu chuyện của những người dân thành thị, rằng là dân Sài Gòn ngày xưa mê kịch, mê tuồng không cản được và đặc biệt là không bao giờ phân biệt tuổi tác. Lúc bấy giờ có Nhà hát kịch TP.HCM, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Sân khấu Hồng Vân, Sân khấu Kịch IDECAF, Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Sân khấu kịch Nụ Cười Mới,... cạnh tranh sôi nổi, nhà hát kịch liên tục nâng cấp và thay đổi. Thế nhưng, 10 năm trở lại đây rạp chiếu phim mở ra cho người dân thành thị một sự thay đổi bất ngờ.
Người ta lướt mắt qua những kỹ xảo phim Hollywood, dự án phim tiền tỷ thu gọn còn khoảng 1 giờ đồng hồ trên màn ảnh nhỏ.
Nhớ dòng chữ “Chúng tôi biết bạn có nhiều lựa chọn. Cảm ơn đã chọn cụm rạp chúng tôi ngày hôm nay” chạy trên màn hình trước giờ chiếu phim của hệ thống BHD Cineplex mà cảm thấy chạnh lòng. Thay vì tán dương phong cách phục vụ 5 sao của cụm rạp hiện tại ra mắt sau năm 2010 thì có lẽ câu nói ấy còn cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường phim chiếu rạp lúc bấy giờ.
Và không ai có thể đoán trước được tai họa về dịch bệnh COVID-19, người dân Sài Gòn lại phải theo thời thế, TV Show có thể đảm đương cả nhiệm vụ của những rạp chiếu phim, sân khấu kịch giúp người dân thành thị xả bỏ hết những căng thẳng, áp lực và vẫn có thể thực hiện tốt nghĩa vụ của một người công dân và cách ly an toàn.
TV Show ra đời và chẳng cần phải đầu tư một kênh truyền hình hẳn hoi để phát ti vi. Gia đình nào cũng chỉ cần có chiếc SmartTV có kết nối mạng Internet, bật YouTube hoặc ứng dụng chiếu phim là sẽ thấy "cả thế giới bỗng chốc bé lại", người ta có thể thư giãn theo cách tiện nghi và tiết kiệm thời gian hết mức có thể.
Cà phê “dưới đất” nhường chỗ cho cà phê “trên cao”, "chụp hình check-in" chính là khái niệm mới của thư giãn?
- Đi đâu bây giờ?
- Ra Bệt nhé!
Đó từng là những câu trả lời rất ngắn gọn của đám sinh viên chúng tôi trong mỗi dịp nhau ở trường. Công viên 30/4, Nhà thờ Đức Bà - nơi có cà phê bệt trở thành điểm hẹn cho tất cả những cuộc hội ngộ của những đứa trẻ lớn lên ở Sài Gòn.
Một tờ giấy trải lên vỉa hè, dưới những tán cây xanh, bầu trời lộng gió, tiếng xe cộ qua lại tập nập. Ấy vậy mà có thể bỏ qua sạch mọi buồn phiền, căng thẳng.
Cà phê bệt từng là "văn hóa" rất riêng ở Sài Gòn mà người ở khắp nơi đến đây may mắn được trải nghiệm. Ở bệt cũng có "văn hóa" riêng, các cô chú đến các bạn sinh viên không bày vẻ, rao bán như chợ trời mà chỉ cần những câu hỏi rất khẽ: "Giờ uống gì nà?", đợi khoảng vài phút sau mỗi đứa sẽ được cấp phát một tờ báo kèm theo thứ nước mà mình gọi, sau đó các món vặt như bánh tráng trộn, tráng nướng, xoài, cóc, ổi… lần lượt được mời chào một cách dễ thương, không có sự ràng buộc.
- Đi đâu bây giờ?
- Lên mạng xem có quán nào lạ lạ, view đẹp không?
Vẫn là câu hỏi ấy nhưng câu trả lời thì không giống như xưa nữa. Đi "bệt" có vẻ nóng và nắng quá, phố xá lẻ tẻ sự trong lành nên chúng tôi hay bất kỳ người thành thị nào đương nhiên cũng sẽ chọn quán có phòng lạnh, rồi điều đó dần dần thành xu thế, có cầu thì sẽ có cung ấy chứ!
Có ai mà muốn ngồi giữa trời nắng oi ả, đàn hát, nói chuyện phím đâu, dù là nó đã từng rất vui đấy.
5 năm trở lại đây, quán cà phê ở Sài Gòn mọc lên như nấm, người ta thậm chí còn tìm cách thuê các ki ốt bên trong trung tâm thương mại làm quán cà phê. Bên trong Bitexco, Vincom Center, Landmark 81,... số lượng quán cà phê đếm không xuể. Ngoài là nơi gặp gỡ giữa khách hàng và các nhà đầu tư, những quán trên cao như thế này còn là điểm đến của rất nhiều tín đồ "nghiện check-in''.
Tôi có dịp trò chuyện với 1 chủ quán trẻ chỉ vừa là sinh viên năm cuối nhưng đã khởi nghiệp bằng việc quán cà phê rộng hơn 90 mét vuông theo phong cách cổ điển. Khi được hỏi yếu tố gì khiến cậu quyết định không theo nghề cậu đang theo mà lại mở quán cà phê, cậu bảo: "Vì giờ người ta đi cà phê nhiều. Mở cái quán đẹp đẹp, có tiếng tí làm gì cũng được". Có lẽ, bây giờ người ta định nghĩa sự thư giãn là việc được check-in ở những quán cà phê đẹp, được ngồi máy lạnh hàng giờ đồng hồ mà không bị phụ thu phí. Và không thể phủ nhận rằng là có những quán cà phê ở Sài Gòn mở ra chỉ để người ta đến... check-in.
"Thời hoàng kim" của công nghệ, giải trí "thụ động" và an toàn
2020 là năm đánh dấu 10 năm "hoàng kim" của công nghệ kể từ khi sàn điện tử thương mại đầu tiên ra mắt (2010) và cực kỳ thành công sau 7 năm hoạt động. Các ứng dụng gọi xe, giao hàng lần lượt ra mắt và chỉ mất 1 thời gian ngắn đã trở thành ứng dụng đáp ứng "nhu cầu thiết yếu" của người Sài thành. Và trong các phiên chợ dần vắng bóng người dân dù đó là từng là thói quen.
- Alo anh chị cho em hỏi mình đặt đồ ăn giao đến chung cư C.V đúng không ạ?
- Đúng rồi em!
- Anh chị chờ em 5 phút nha, em đang lấy đồ ăn cho mình ạ!
Sau những cú chạm trên màn hình điện thoại, cuộc gọi đến kéo dài chưa đầy 1 phút và chỉ cần phải chờ thêm khoảng 5 phút, bất kỳ ai ở Sài Gòn cũng có thể đã có một bữa ăn no, ngon hay thậm chí là chất lương khẩu phần ăn hợp tiêu chuẩn nhà hàng. Những tiện nghi này đang ở thời "thịnh" nhất.
Sự phát triển và vươn lên mạnh mẽ của công nghệ đã kích hoạt một đế chế mới là "Đế chế online", các hàng quán ra đời bổ sung thêm hình thức online. Ngay lúc này, hoạt động review ra đời như một cách sàng lọc, giúp người dân Sài thành có những sự lựa chọn chất lượng hơn.
Thời hoàng kim của công nghệ thay đổi tương đối thói quen của người Sài Gòn. Thay vì chủ động đi mua sắm, ăn uống,... thì ngày nay "thụ động" vẫn được xem là một cách giải trí. Sự bùng phát không thể lường trước của dịch bệnh COVID-19 cũng là một trong những nguyên do khiến người ta quen với cách giải trí "thụ động" này.
TẠM KẾT
Có lẽ đã có rất nhiều sự thay đổi trong 1 thập kỷ vừa qua thế nhưng những điều đơn giản nhất lại bị bỏ qua hoặc rồi có thể 10 hay 20 năm nữa, những thứ hiện đại mà chúng ta thấy bây giờ sẽ không còn là "nhất" nữa, thay đổi là những quy luật bất biến mà Sài Gòn đã giữ trong hàng trăm năm qua mà...
Pháp luật & Bạn đọc