Sếp của Einstein: Đừng ngáng chân các thiên tài

18/01/2021 08:30
Sếp của Einstein: Đừng ngáng chân các thiên tài

Điều khiến cho việc dẫn dắt thiên tài trở nên phức tạp chính là bản thân họ nhận biết mình quá thông minh. Họ không thích bị dẫn dắt.

 
Sếp của Einstein: Đừng ngáng chân các thiên tài - Ảnh 1.

Sếp của Einstein ra đời nhằm giải quyết vấn đề trên. Robert Hromas, đồng tác giả, là một nhà quản lý, cố vấn, nhà khoa học và bác sĩ. Ông là hiệu trưởng trường Y khoa Lozano Long thuộc Đại học Texas Health Center (San Antonio, Mỹ).

Từng dẫn dắt một đội ngũ toàn những người xuất chúng, nhiều lúc Hromas tự hỏi sếp của nhà khoa học lừng danh Einstein là người phải như thế nào để lãnh đạo được nhân vật "thông minh nhất" thời bấy giờ.

Sau đó, ông phát hiện ra Abraham Flexner - người sáng lập Institute for Advanced Study (IAS) - không chỉ quản lý riêng Einstein mà dẫn dắt cả một nhóm những thiên tài nổi tiếng thế giới.

Không có bằng tiến sĩ, không phải bác sĩ hay nhà toán học, cũng chưa từng viết một bài báo học thuật nào, dẫu vậy, Flexner vẫn tạo ra được một "dòng chảy" vô số thiên tài đến với IAS.

Nơi đây đã trở thành ngôi nhà của 33 nhà khoa học đạt giải Nobel, 38 nhà toán học đạt giải thưởng Fields tại Mỹ. Nhóm do Flexner tập hợp đã tạo ra những thành tựu khoa học vĩ đại trong thế kỷ 20.

Abraham Flexner cho rằng "thiên tài làm việc cũng giống như trẻ em học mẫu giáo". Việc khám phá ra giải pháp là điều thúc đẩy thiên tài làm việc, chứ không phải việc đưa giải pháp đó vào thị trường thương mại. Điều này cũng giống như cách trẻ em mẫu giáo vẽ tranh.

Một thí nghiệm tâm lý được thực hiện vào năm 1970 trên các nhóm trẻ mẫu giáo: Nhóm đầu tiên được hứa hẹn về phần thưởng là một dải ruy băng xanh nếu vẽ đẹp. Nhóm còn lại không được thưởng gì hết cho dù có vẽ đẹp đi nữa.

Sau 2 tuần, các em trong nhóm không được thưởng gì hết vẫn tiếp tục vẽ rất sáng tạo và say mê. Các em trong nhóm đầu tiên mất hứng thú trong các bài vẽ và vẽ được rất ít. Tác động từ bên ngoài đã hủy hoại sự hứng thú sáng tạo của các em.

Tương tự, nếu niềm vui khám phá từ các em tạo ra nhiều sáng tạo nhất, thì nhà lãnh đạo phải học cách tạo ra nhiều cơ hội để thiên tài có niềm vui khám phá trong nhóm làm việc. Đồng thời, để lay động được trái tim thiên tài, lãnh đạo phải hiểu và yêu mến con người thật của thiên tài.

Nếu lãnh đạo không quan tâm đến họ thì sẽ không đủ tinh tế và nhạy bén để cám dỗ bằng cách giúp họ khám phá giải pháp, điều thúc đẩy thiên tài làm việc.

Trong quá trình lèo lái IAS, Flexner có rất nhiều quan điểm lãnh đạo khác biệt. Ông muốn những suy nghĩ mới mẻ đến đây và đi, để các nhà khoa học cơ hữu ở IAS không bao giờ ỷ lại và tự mãn.

Với Flexner, thành tựu chứ không phải vị trí xã hội định nghĩa đẳng cấp học thuật. Ông phá vỡ những rào cản xã hội, tuyển dụng người giỏi nhất và sáng chói nhất bất chấp học vấn của họ đến đâu.

Sếp của Einstein đúc kết kinh nghiệm, thành công, thất bại, những cơ hội bị bỏ lỡ, đan kết với câu chuyện về tầm nhìn phi thường của Abraham Flexner và khả năng đạt được kết quả tốt nhất từ các thiên tài mà ông cùng làm việc.

Cuốn sách cũng hé lộ những góc khuất về nỗi khó khăn mà các thiên tài hàng đầu thế giới phải đối mặt trong quá trình làm việc, cùng với đó là những kiến thức quản trị giúp nhà lãnh đạo tránh được nguy cơ khiến thiên tài rời bỏ nhóm.

Một trong những mục tiêu của Robert Hromas khi viết Sếp của Einstein là cung cấp cho bạn đọc những công cụ để tạo ra nhóm làm việc của những thiên tài, tập hợp các cá nhân xuất chúng vào một nhóm gắn kết và mang lại những thành tựu to lớn.

"Mặc dù các thiên tài thu hút sự chú ý của công chúng, người dẫn dắt họ đạt được những thành tựu cũng quan trọng không kém. Một mình các thiên tài chưa đủ để đưa họ đến thành công", ông kết luận.


Gửi bình luận
(0) Bình luận