Sếp của Einstein - Cách lãnh đạo những người xuất chúng

Trí Việt03/12/2020 08:30
Sếp của Einstein - Cách lãnh đạo những người xuất chúng

Đúc kết 10 nguyên tắc để lãnh đạo những người xuất chúng, “Sếp của Einstein” là cuốn sách đầy cảm hứng và hữu ích về nghệ thuật lãnh đạo, quản lý nhân sự cấp cao.

Năm 1933, nhà bác học Albert Einstein chạy trốn khỏi Đức Quốc xã tới những con đường rợp bóng cây ở Princeton, New Jersey, Mỹ. Nhà vật lý thiên tài khi ấy đã nổi tiếng với những công trình nghiên cứu và được chào đón ở bất cứ đâu tại nước Mỹ. Tuy vậy, Einstein đã chọn dừng chân tại Viện Nghiên cứu Cao cấp IAS – một trung tâm nghiên cứu còn non trẻ ở thời điểm đó.

ein.jpg

Ngài Abraham Flexner, người sáng lập viện IAS không phải là một nhà vật lý hay toán học - nhưng ông là một nhà quản trị tài ba. Dưới sự lãnh đạo của Flexner, IAS đã trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu thế giới. Trung tâm có 33 người đoạt giải Nobel, 38 người đoạt huy chương Field, và vô số người đoạt giải thưởng uy tín như Wolf và MacArthur. Nhóm các chuyên gia mà Flexner tập hợp được đã tạo ra một số tiến bộ khoa học được đánh giá là vĩ đại nhất thế kỷ 20.

Qua lăng kính quản trị hiện đại, tác giả Robert Hromas và Christopher Hromas đã nhìn nhận Flexner như một nhà lãnh đạo xuất chúng với cách quản trị nhân tài rất đặc biệt. Flexner không chỉ là người có con mắt tinh tường, phát hiện sớm các tài năng xuất chúng mà ông còn là người biết cách gắn kết, lãnh đạo đội ngũ đi đến nhiều đỉnh cao.

“Sếp của Einstein” kể những câu chuyện hấp dẫn về vai trò thầm lặng của Flexner đằng sau những công trình thay đổi thế giới. Quyển sách chia sẻ 10 nguyên tắc giá trị về thuật lãnh đạo cho bất kỳ ai đang quản lý nhóm các thiên tài giống như Einstein. Đó là việc nắm trong tay nhóm nhân tài kiệt xuất nhưng đồng thời biết cách khai thác hiệu quả tiềm năng và sức sáng tạo của họ, để chiếm lĩnh những lợi thế trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện toán, công nghệ sinh học và những lĩnh vực đang phát triển với tốc độ nhanh.

Mười nguyên tắc mà tác giả Robert Hromas và Christopher Hromas đề cập trong trong cuốn sách gồm: Chiếc gương không biết nói dối, Tránh sang một bên, Im miệng và lắng nghe, Lật ngửa những hòn đá, Thuật giả kim, Quá khứ không phải là sự thật của tương lai, Đừng để ý đến những con sóc, Hòa hợp con tim và khối óc, Hãy để vấn đề cần giải quyết cám dỗ thiên tài, Chung sống hòa bình với khủng hoảng. Thông qua câu chuyện và bài học được đúc kết, các nguyên tắc này giúp chúng ta hiểu được cách những người xuất chúng tư duy, từ đó biết cách lắng nghe, hợp tác, khai thác tiềm năng của họ một cách phù hợp và đạt hiệu quả.

Nhận xét về cuốn sách, bác sĩ Stanley Prusiner – người được trao giải Nobel vào năm 1997, Giám đốc Viện Neurodegenerative Diseases, Đại học California nói: “Đây là một quyển sách giá trị, hấp dẫn về mặt quản lý các nhà khoa học và kỹ sư để họ có thể phát huy năng lực, tạo ra nhiều đột phá mới về khoa học và công nghệ.”

Bác sĩ Peter Agre thuộc Viện nghiên cứu Johns Hopkins Malaria, đạt được giải Nobel vào năm 2003 thì nhận định: “Thuyết phục những người thông minh làm việc với nhau là một trong những điều khó khăn nhất mà người lãnh đạo phải thực hiện. Những bài học giá trị từ mối quan hệ giữa Abraham Flexner và Albert Einstein sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những nhà lãnh đạo đang dìu dắt nhóm các thiên tài”.

“Sếp của Einstein” được dịch bởi nhà báo Lương Trọng Vũ – cựu biên tập viên kỳ cựu của tờ báo Forbes Việt Nam. Trước cuốn sách “Sếp của Einstein”, Lương Trọng Vũ từng là dịch giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng nhất về đề tài công nghệ như “Tứ đại quyền lực”, “Streampunk – Kẻ nổi loạn định dạng lại ngành truyền thông”.

Đề tài mới lạ, lối văn phóng khoáng, dịch thuật mạch lạc là điểm sáng của tác phẩm này.

Robert Hromas là một nhà quản lý, cố vấn, nhà khoa học và bác sĩ. Ông là hiệu trưởng trường Y khoa Lozano Long thuộc đại học Texas Health Center. Trước đó, ông từng là trường khoa Dược thuộc Đại học Florida và là cố vấn cho nhiều tổ chức y khoa.

TS. Christopher Hromas là giám đốc dự án làm việc tại trường Đại học Florida Health. Ông giảng dạy đạo đức học tại Đại học Forham ở New York. Christopher Hromas từng là ủy viên của Forham University Graduate Council, chủ tịch của Fordham Philosophy Society.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 4, 30/10/2024