“Nhiều người gặp tôi từ ngày ngã bệnh đã tâm sự hết mọi chuyện riêng tư mà không hề giấu giếm… Nhờ trải nghiệm qua những câu chuyện như thế nên tính đến thời điểm này tôi có cảm giác như mình đã sống hơn vài trăm năm dù thực tế đang ở tuổi 90”, vị bác sĩ viết.
Có lẽ chính từ sự dấn thân sống trọn vẹn cả tuổi trẻ và tuổi già, là một bác sĩ điều trị không hề nghỉ hưu nên những lời khuyên của bác sĩ Shigeaki Hinohara được viết ra rất nhẹ nhàng, nhưng sâu lắng và giàu cảm hứng đối với bất cứ đối tượng người đọc nào, dù là ở độ tuổi nào. “Người chưa già” chắc hẳn sẽ suy nghĩ và hành động ngay để có thể sống hạnh phúc ngay từ khoảnh khắc này, chuẩn bị làm “người già thời đại mới” – như cách nói của tác giả. “Người đang già” chắc hẳn sẽ hưng phấn hơn khi mỗi sớm mai thức dậy và tận hưởng cảm giác rằng mình đang khỏe, đang hạnh phúc.
Vị bác sĩ có lẽ giàu thâm niên bậc nhất thế giới này không khuyên chúng ta phải “ăn uống một cách hoàn hảo” mà khuyên nên “cảnh giác với sự quá đà”. Theo ông, những người Nhật Bản trên 75 tuổi hiện nay vẫn còn khỏe mạnh bởi từng bị buộc phải ăn uống kham khổ lúc trẻ và khi xã hội giàu có hơn vẫn không chạy theo việc ăn uống quá đà. Thực ra, nếu ta sử dụng hết, không lãng phí năng lượng nạp vào qua ăn uống thì đó là điều không gì tốt bằng.
Ông cũng thúc giục mọi người hãy xem lại thói quen sinh hoạt ngay từ hôm nay vì ở độ tuổi nào ta cũng có thể thay đổi lối sống. Quá nửa những căn bệnh phổ biến người ta thường mắc phải ngày nay là huyết áp cao, xơ cứng động mạch, đột quỵ, bệnh tim, ung thư. Ông gọi đây là “bệnh do thói quen sinh hoạt” vì những căn bệnh này thực chất bén rễ từ thói quen sinh hoạt của người bệnh từ thời trẻ.
Và với tác giả – bác sĩ Shigeaki Hinohara, “bao nhiêu tuổi vẫn không quên khởi đầu”. “Tôi không hề muốn hạ thấp mục tiêu chỉ vì lý do tuổi tác”. Mỗi ngày đều sống hết mình, không có lúc “về hưu” cũng là một bí quyết trường thọ vì “già không phải là suy nhược mà là chín muồi”.
Tâm Mai