Nhưng sẽ ra sao nếu đó là lời từ biệt cuối cùng? Việc thừa nhận rằng đây có thể là lần cuối cùng bạn còn gặp và nói chuyện với người bạn yêu thương sẽ giúp bạn tôn trọng hơn giá trị và ý nghĩa của mối quan hệ mà các bạn đang có.
Vậy là việc khó khăn nhất cũng đã đến, không né tránh mãi được. Bạn đã ở đây, đối mặt với chương cuối của cuộc đời. Đã đến lúc phải nói lời từ biệt với người thương yêu rồi sao? Bạn phải làm gì để tận dụng tối đa khoảng thời gian còn lại? Và làm thế nào để nói lời từ biệt một cách dịu dàng, chân thực và ý nghĩa nhất?
1.Cám ơn vì đã chăm sóc cho anh thật tốt
Một vài tháng trước khi chết, Harold bắt đầu nói: “Anh biết anh đã nói điều này rồi và anh xin lỗi vì cứ lặp lại mãi, nhưng anh cám ơn em vì đã chăm sóc anh thật tốt”. Tôi không biết trả lời sao. Nói “Có gì đâu!” nghe thật sáo rỗng.
Thường thì sau đó anh sẽ hỏi tiếp: “Em sẽ nhớ anh chứ?”. Tôi cố nén chặt lòng mình và chỉ có thể nói: “Tất nhiên rồi, em hứa sẽ không hẹn hò trong hai thứ Bảy đầu tiên”. Cả hai chúng tôi cùng cười một cách miễn cưỡng. Quả là một câu trả lời thảm bại! Tôi không thể nói thật lòng mình. Tôi không muốn ngã quỵ trước mặt anh và làm anh thêm buồn.
Năm ngày trước khi anh qua đời, anh bắt tôi hứa sẽ nói với các con rằng anh yêu chúng như thế nào và anh cũng rất yêu đám cháu nội ngoại của mình. Tôi khiến anh bật cười khi hỏi: “Anh có gì nhắn nhủ với em không?”.
Và rồi 48 giờ trước khi chết, Harold bỗng thèm một chiếc bánh mì đen kẹp thịt bò hun khói, kèm đồ chua và một lon nước uống có ga. Anh muốn tôi đưa đến cửa hàng thức ăn nhanh yêu thích trước đây và đó là bữa ăn nhẹ cuối cùng của anh. Anh khoan khoái thưởng thức từng miếng bánh một.
Tôi đã hoàn thành mong ước cuối cùng của Harold và thật trớ trêu khi bữa ăn cuối cùng của anh lại diễn ra ở một nơi đông đúc, ồn ào và được phục vụ bởi những cô hầu bàn thiếu kiên nhẫn. Harold dường như không để ý tới xung quanh cũng như tới cái nhìn đầy thông cảm của những vị khách xung quanh với người đàn ông yếu đuối được tôi cẩn thận chậm rãi dắt vào nhà hàng. Cảm giác đau khổ và bất hạnh bao trùm lấy tôi khi nhìn thấy hình ảnh của chúng tôi trong mắt người khác.
2.Hãy chăm sóc con gái tôi
Căn bệnh ung thư của bà Gretchen đã tiến triển xấu đến mức không còn hy vọng gì nữa. Người bạn thân nhất của bà, bà Regan, thường xuyên đến thăm dù phải ngồi tàu suốt đêm mới đến nơi.
Trong một lần ghé thăm, hai người phụ nữ đã cùng nhau chia sẻ nỗi sợ chết của bà Gretchen. Bà tâm sự với bạn về quyết định đau đớn khi không chuyển qua liệu pháp hóa trị khác, vì liệu pháp này chỉ có 30% hy vọng. “Bên cạnh đó, tôi không thể chịu được khi nghĩ đến khuôn mặt sưng phù sau hóa trị”, - bà Gretchen trần tình một cách buồn bã. – “Lý do duy nhất để tôi cân nhắc về việc này là tôi sẽ có nhiều thời gian hơn với Libby. Tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả để được thấy con gái trưởng thành, nhưng mọi thứ dường như đang chống lại tôi”.
Trong lần đến thăm cuối cùng của Regan, bà Gretchen đã nằm liệt giường. Lần này, bà Regan mang theo một chiếc máy ghi âm để bà Gretchen ghi lại những lời nhắn nhủ cho chồng và con gái. Người phụ nữ sắp chết mở đầu: “Đây là lời nhắn nhủ cuối cùng mẹ dành cho hai bố con, những người quan trọng nhất trong cuộc đời của mẹ. Hai người đã đem lại cho mẹ rất nhiều niềm vui và là lý do để mẹ đấu tranh với cái chết”.
Bà Gretchen nói với Libby: “Mẹ thật may mắn và hạnh phúc vì được làm mẹ của con. Mẹ rất tự hào khi con luôn sẵn sàng phụ giúp mẹ. Con bây giờ đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp và mẹ thấy được con sẽ trở thành một người vợ, người mẹ tuyệt vời”.
Với chồng mình, bà Gretchen nhắn nhủ: “Anh là người bạn tâm giao của em, người luôn đồng hành cùng em trong mỗi bước đi trên hành trình đầy đau khổ này. Anh là tình yêu duy nhất của cuộc đời em và em sợ hãi khi nghĩ đến việc phải rời xa anh. Em sẽ luôn mang theo bên mình tình yêu anh dành cho em. Xin đừng quên em”.
Gretchen còn buộc Regan hứa rằng sẽ luôn giữ mối quan hệ với Libby bởi “con bé luôn cần một hình mẫu phụ nữ mạnh mẽ để chỉ bảo cho nó mọi điều hay ý đẹp”. Regan hứa sẽ luôn chăm sóc cho Libby.
3.Lá thư cho đứa cháu ngoại
Bà ngoại Margo, người mắc căn bệnh ung thư tuyến thượng thận giai đoạn cuối, sợ mình không thể sống đến ngày được tham dự buổi lễ rửa tội đầu tiên của cháu ngoại Tara. Mỗi khi nghĩ đến việc mình sẽ bỏ lỡ sự kiện quan trọng này, lòng bà lại đau nhói.
Bà Nellie, một thành viên của nhà thờ, đã gợi ý bà Margo nên viết các bức thư cho cháu gái, và chúng sẽ lần lượt được mở ra nhân các sự kiện trọng đại trong tương lai của cháu. Bà Margo nhờ Nellie mua một số văn phòng phẩm cùng sợi dây ruy băng để chuẩn bị viết thư. Bà Margo đã dùng cây bút đẹp nhất của mình để đề tựa lên bốn bao thư:
Gửi cháu gái yêu quý
Tara nhân ngày lễ rửa tội đầu tiên
Gửi cháu gái thông minh tài giỏi nhân ngày lễ tốt nghiệp
Đến Tara, cô dâu đẹp nhất trên thế giới
Đến Tara, mừng cháu mẹ tròn con vuông
Những ngày sau đó, bà Margo đã dồn hết tình cảm chân thành của mình vào những lá thư gửi cho Tara, và cuối mỗi lá thư đều là dòng chữ: Bà ngoại yêu cháu. Bà Margo bỏ những lá thư này vào bao, mỗi lá thư đều được trang trí bằng dải ruy băng rồi giao cho mẹ Tara.
Hài lòng khi biết rằng mình vẫn sẽ hiện diện trong mỗi dịp trọng đại của Tara, bà Margo cảm thấy mình đã có thể thanh thản nhắm mắt.
4.Đôi mắt
Kasim, sĩ quan hải quân Mỹ, 42 tuổi, bị đột quỵ khi đang thi hành nhiệm vụ ở Cota, Tây Ban Nha. Các bác sĩ quân y tỏ ra bi quan về khả năng phục hồi của Kasim. Ngay sau khi được báo tin, vợ anh, Shireen đã ngay lập tức đáp máy bay đến Tây Ban Nha.
Trên chuyến bay, Shireen ngồi cạnh một người phụ nữ có cậu con trai lên mười, Geraldo, bị khiếm thị. Khả năng tiếng Anh của cậu bé tốt hơn hẳn mẹ và cậu chịu trách nhiệm phiên dịch cho mẹ. Shireen rất ấn tượng về sự dạn dĩ và thông minh của Geraldo và cô được biết cậu bé đợi để ghép giác mạc đã gần 5 năm.
Khi Shireen đến bên giường bệnh của chồng thì tình trạng của Kasim trở xấu, tuy anh vẫn tỉnh táo. Cô kể với chồng về hai mẹ con Geraldo. Một cách thận trọng, cô đề cập đến việc cậu bé thông minh đó đã gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống ra sao khi đôi mắt không thể nhìn thấy. Câu chuyện khiến Kasim vô cùng xúc động.
Sau cuộc trò chuyện về tình trạng nghiêm trọng của Kasim, Shireen hỏi chồng rằng liệu anh có đồng ý ký vào giấy đồng ý hiến giác mạc, như thế sau khi qua đời anh vẫn có thể tặng một ai đó món quà ánh sáng thật giá trị, rất có thể người được nhận món quà đó là một đứa trẻ như Geraldo. Cảm thấy ấm lòng vì món quà ý nghĩa, Kasim đã ký giấy đồng ý.
5.Bạn đã làm cho thế giới này tốt đẹp hơn
Madison và Cambrien cùng nhau tận hưởng bầu không khí tươi mát của mùa thu khi ngồi bên bờ hồ và cùng nhau trao đổi về ý nghĩa của cuộc sống. Hai người phụ nữ này đã sống cùng nhau suốt 20 năm qua, dành trọn đời mình cho nhau và cho nhà Phật. Hiện tại, Madison đang mang trong mình căn bệnh ung thư giai đoạn cuối và Cambrien là người chăm sóc duy nhất cho bà.
“Niềm tin của tôi vào lời giáo huấn của Phật Tổ đã cho tôi sức mạnh để đương đầu với đau đớn”, - bà Madison nói với bạn. – “Tôi chịu đựng tất cả vì tôi biết rằng cuộc sống chỉ đơn thuần là vấn đề thời gian. Linh hồn tôi một ngày nào đó sẽ chuyển sang một dạng vật chất khác”.
“Nhưng cuộc sống này cũng vô cùng giá trị mà Maddy. Hãy nhìn lại tất cả những điều tốt đẹp mà bạn đã làm”, - Cambrien nhắc Madison nhớ lại khoảng thời gian bà che chở cho những trẻ em mắc AIDS tại phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh, giúp đỡ những người vô gia cư về cái ăn, chỗ ở, và giúp họ học nghề để ổn định cuộc sống. Khi bà Cambien khen ngợi những việc làm đầy tính nhân văn này, bà Madison chỉ đáp lại một cách khiêm tốn: “Đó chỉ là công việc, và tôi là người có trách nhiệm thực hiện chúng”.
“Bạn đã làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn”, - Cambrien nhắc bạn, - “và tình yêu của bạn đã đến được với rất nhiều người trên trái đất này”.
Trích Phút cuối