Gần đây, tôi có xem phim Sex Education trên Netflix. Ban đầu, tôi chỉ định xem thử 1, 2 tập để giết thời gian. Nhưng khi xem rồi, tôi thấy phim cuốn hút, rất "đời", ẩn chứa nhiều bài học đắt giá. Đặc biệt, một tình tiết trong phim khiến tôi phải bật khóc nức nở, nhớ lại kỷ niệm buồn của mình.
Trong phim Sex Education, nhân vật Aimee đối mặt với dư chấn của việc bị xâm hại tình dục trên xe bus. Aimee nghĩ bản thân mình cũng có lỗi. Cô bé cho rằng, nếu không cười với tên biến thái trên xe thì hắn đã không tiến tới và giở trò đồi bại.
Câu chuyện mà Aimee gặp phải, tôi cũng đã từng trải qua. Năm lớp 11, tôi đến nhà một người bạn để đón cậu ấy cùng đi chơi. Hôm đó, tôi mặc một chiếc áo sơ mi khoét vai điệu đà. Trong lúc chờ người bạn đi xuống, bố cậu ấy có ra hỏi chuyện và liên tục có hành động chạm tay vào vai tôi, phần vai không có vải che chắn. Thậm chí, còn chạm vào rất lâu!
Tôi đã rất sợ hãi và xấu hổ, không dám kể với ai. Giống như Aimee tôi đã nghĩ, phải chăng mình gặp phải chuyện đó là do đã mặc chiếc áo không phù hợp? Nếu mình không mặc chiếc áo đó thì đã không xảy ra chuyện.
Tôi bị ám ảnh và không dám mặc những chiếc áo, chiếc váy điệu đà thêm một lần nào nữa. Chiếc sơ mi khoét vai đó bị tôi cất dưới ngăn cuối cùng của tủ quần áo, cùng với nỗi tủi nhục của mình.
Khi xem phim Sex Education, điều Tiến sĩ Jean nói với Aimee khi nghe cô bé tâm sự khiến tôi như bừng tỉnh: "Điều hắn làm với cháu trên xe buýt không hề liên quan đến nụ cười của cháu hoặc tính cách của cháu mà là vấn đề từ phía hắn ta. Và đó hoàn toàn không phải là lỗi của cháu".
Đúng vậy, Aimee hay tôi đều không có lỗi gì. Việc chúng tôi cười, hay mặc một chiếc áo điệu đà không phải bao giờ là lý do để bị xâm hại tình dục. Nạn nhân không bao giờ là người có lỗi.
9 năm đã trôi qua, giờ nghĩ lại tôi nhận thấy rằng, không chỉ cha mẹ tôi mà các bậc cha mẹ thời trước dường như đều rất ngại ngùng, thường bỏ bê việc giáo dục giới tính, dạy con những kiến thức cần biết để bảo vệ bản thân.
Chính tôi cũng chưa được cha mẹ dạy kỹ lưỡng về vấn đề này nên mới nảy sinh tâm lý bản thân có lỗi và sống trong mặc cảm suốt một thời gian dài.
Hiện tại, tôi đã lập gia đình và có một cô con gái nhỏ gần 1 tuổi. Bộ phim Sex Education và chính câu chuyện của bản thân khiến tôi nhận ra tầm quan trọng của việc giáo dục giới tính cho con.
Tôi sẽ giáo dục con từ sớm về ranh giới cơ thể và quyền tự chủ. Con tôi sẽ phải hiểu rằng không ai có quyền chạm vào cơ thể của con nếu không được phép. Khi gặp tình huống khó chịu, con sẽ thẳng thắn nói "Không", thay vì chịu đựng.
Bên cạnh đó, lỗi luôn thuộc về kẻ gây ra hành vi sai trái. Nạn nhân không bao giờ có lỗi, bất kể hoàn cảnh nào. Khi gặp chuyện, con không phải tự trách mà hãy tìm kiếm sự giúp đỡ kịp thời từ cha mẹ. Lịch sự, vui vẻ, hay trang phục con mặc không bao giờ là cái cớ để biện minh cho hành vi xâm hại của người khác. Bình đẳng giới và quyền được tôn trọng sẽ là những thứ mà tôi phải nhấn mạnh và dạy cho con hiểu.
Tôi cũng sẽ tạo một môi trường an toàn, nơi con cảm thấy được lắng nghe và bảo vệ khi gặp vấn đề, bằng cách giao tiếp cởi mở, luôn quan tâm, trò chuyện và đồng hành cùng con. Sẽ không có sự phán xét nào khi con "mở lòng" mà sẽ chỉ có sự yêu thương, kiên nhẫn, tin tưởng và ủng hộ.
Song song với việc dạy con tự bảo vệ mình, tôi cũng sẽ giáo dục con tôn trọng người khác, từ những hành động như: Không bình luận hay đánh giá cơ thể, ngoại hình của người khác. Luôn cư xử văn minh, không thực hiện các hành vi mang tính quấy rối hay xúc phạm. Đồng thời, phải nhận thức được hậu quả của các hành vi sai trái, dù là vô tình hay cố ý.
Mong rằng, không chỉ tôi mà mọi bậc cha mẹ đều nhận ra và áp dụng những bài học này, để không còn bất kỳ đứa trẻ nào phải chịu tổn thương!