Nỗ lực ảo trong giới trẻ, làm sao chấm dứt?

17/12/2021 19:00
Nỗ lực ảo trong giới trẻ, làm sao chấm dứt?

Lúc nào cũng "đầu tắt mặt tối" với những kế hoạch dài hạn, ngắn hạn nhưng kết quả chỉ dừng lại ở mức 20-30% công việc. Nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng nỗ lực ảo như vậy mà không hề hay biết.

"Bắt mạch" triệu chứng căn bệnh nỗ lực ảo trong giới trẻ

Hồng Hà Giang, 19 tuổi, hiện đang theo học tại Đại học Fulbright Việt Nam. Là một người có sở thích giao lưu, học hỏi, khao khát phát triển bản thân, Hà Giang đã có khoảng thời gian khá dài gắn bó với studygram (cộng đồng chia sẻ kiến thức). Thế nhưng, cô gái trẻ này cũng đã từng là "nạn nhân" của chứng nỗ lực ảo trong chính lĩnh vực học thuật.

Nỗ lực ảo - căn bệnh mới của giới trẻ - 1

Hà Giang cho rằng: "Hầu hết các bạn bè xung quanh mình ai cũng nỗ lực ảo ở một lĩnh vực nào đó. Với xu hướng sử dụng mạng xã hội nhiều như hiện nay thì việc chia sẻ tài liệu học tập trên không gian mạng trở nên rất phổ biến.

Cô nàng tâm sự: "Trong lúc mình ôn thi vẽ vào Đại học Kiến trúc TPHCM, mình không kết nối được với môn trang trí màu. Mình thường hay bỏ dở giữa chừng, không hoàn thiện bài vẽ. Người ngoài thấy mình lúc nào cũng vẽ nhưng thật ra là do mình gắng gượng để che đậy những hạn chế của mình về môn nghệ thuật hội họa này.

Bản thân mình không thật sự tìm mọi cách để tiến bộ hoặc phân bổ thời gian hợp lý hơn để luyện vẽ cho đúng, mà chỉ cố chấp vẽ đi vẽ lại những thứ trong vùng an toàn của mình. Việc này kéo dài trong suốt thời gian từ lúc mình học lớp 12 cho đến khi thi lên đại học".

Đa số các bạn học sinh, sinh viên thường tham gia vào các hội nhóm chia sẻ tài liệu, nhưng khi nhận được chỉ thường để đó chứ không đọc, và cứ thế rồi quên lãng. Song, khi thấy hội nhóm học thuật nào mới họ lại tham gia và lưu nhiều tài liệu về máy, cốt để họ cảm thấy an tâm vì mình đang có biểu hiện chăm chỉ tìm kiếm kiến thức mà thôi".

"Trái đắng" khi mọi nỗ lực hóa hư vô

Nỗ lực ảo - căn bệnh mới của giới trẻ - 2

"Đôi khi, chúng ta bị cuốn theo guồng quay hối hả của cuộc sống. Việc coi trọng số lượng hơn chất lượng khiến ta vô tình sa vào "cạm bẫy" của nỗ lực ảo. Ranh giới giữa nỗ lực thật và nỗ lực ảo rất mong manh. 

Nói về vấn đề nỗ lực ảo trong giới trẻ, Đặng Tiến Dũng, sinh viên năm nhất, Học viện Ngoại giao cũng thẳng thắn chia sẻ: "Mình đã chứng kiến rất nhiều người bạn của mình đang nỗ lực ảo mà không hề hay biết. Cụ thể với trường hợp của người bạn thân mình. Bạn ấy nghiêm túc lên timeline học thiết kế nhưng bạn ấy lại trì hoãn.

Lỡ mất một ngày thì sẽ tiếp tục sửa lại timeline cho đến khi thời gian ấy kết thúc. Khi nhận được kết quả, bạn ấy đã rất thất vọng và chỉ còn biết thốt lên hai chữ "Giá như".

"Còn nhớ hè năm lớp 11, mình tự đặt ra rất nhiều mục tiêu cho bản thân như: tập gym, tập yoga, học thêm kỹ năng tiếng Anh và tập edit ảnh. Thậm chí, mình không ngại đầu tư từng khóa học cho mỗi mục tiêu.

Thế nhưng, chỉ sau một tháng "siêng năng", mình trở nên chán nản và dần buông lỏng bản thân. Mình cho phép bản thân "được lười", nấn ná dần thì cuối cùng mình không thể hoàn thành bất cứ mục tiêu nào cho ra hồn cả. Thực sự đó là cảm giác tồi tệ.

Nỗ lực ảo - căn bệnh mới của giới trẻ - 3

Câu nói của George R.R. Martin chính là động lực để Minh Phương vượt qua áp lực tâm lý và vực dậy sau sự thất bại của "căn bệnh" tinh thần mang tên nỗ lực ảo: "Vết bầm tím là một bài học và mỗi bài học làm cho chúng ta tốt hơn".

Trong khi đó, Vũ Minh Phương (sinh viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: "Mình chán nản và nghi ngờ bản thân. Việc thất bại sau hàng loạt mục tiêu đã trở thành "bóng ma tâm lý" làm mình nhụt chí và không có động lực cố gắng cho lần sau".

Cô nàng xem việc thất bại là bài học để bản thân ghi nhớ và rút kinh nghiệm lần sau. Lời khuyên mà Minh Phương muốn dành cho những bạn trẻ đang vô tình sống trong nỗ lực ảo là "Hãy tỉnh táo, nghiêm khắc với bản thân. Trước khi bắt đầu, hãy cố gắng tìm hiểu thật kỹ, xác định thật rõ bản thân muốn gì và khi thực hiện thì phải kiên trì".

Đặt dấu chấm hết cho tình trạng nỗ lực ảo

Cũng giống như phần đông các bạn trẻ khác, Trần Lê Ngọc An (sinh năm 1999, quê Kiên Giang) đã trải qua một giai đoạn "sống chung" với "căn bệnh" nỗ lực ảo. Tuy nhiên, sau đó, Ngọc An đã "bỏ túi" được kha khá những giải pháp để có thể loại bỏ nỗ lực ảo ra khỏi cuộc sống của mình.

Nỗ lực ảo - căn bệnh mới của giới trẻ - 4
Ngọc An còn nhấn mạnh thêm: "Nếu thật sự muốn thì người ta sẽ tìm cách, còn nếu không muốn thì người ta sẽ tìm lý do".

Anh chàng Youtuber này đã dành nhiều lời khuyên cho giới trẻ với mong muốn không ai rơi vào tình trạng như trước đây của mình: "Thứ nhất, các bạn cần hiểu rõ bản thân của chính mình. Trước khi làm bất cứ việc gì, các bạn hãy nhớ tới mục đích. Khi các bạn đã có mục đích rồi, các bạn sẽ có động lực để tiếp tục cố gắng.

Thứ hai, hãy có cho mình một mục tiêu rõ ràng, cụ thể, khả thi. Đối với trường hợp này, mình xin đề xuất mô hình S.M.A.R.T ( Specific, Measurable, Achievable, Relevant, Time-Bound). Các mục tiêu nên đáp ứng 5 tiêu chí trên để trở nên cụ thể, rõ ràng và tăng tính khả thi.

Cuối cùng là loại bỏ các tác nhân khiến chúng ta vắng mặt. Với mình, tác nhân đó chủ yếu là mạng xã hội".

Đồng thời, Ngọc An còn mở ra hai giải pháp giúp loại bỏ các tác nhân công nghệ chi phối hiệu quả làm việc. "Phương pháp Pomodoro. Phương pháp này yêu cầu bạn tập trung cao trong thời gian 25 phút, sau đó nghỉ ngắn 5 phút và lại bắt đầu một phiên làm việc với 25 phút mới.

Tiếp đó, các bạn hãy khởi động tính năng không làm phiền trên điện thoại của bạn để tránh các thông báo từ thiết bị gây gián đoạn, mất tập trung".

Văn Hiền - Hoa Đặng

Ảnh: NVCC

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 4, 04/12/2024