Tin vào niềm tin dẫn lối cho hành động của chúng ta
Một vị hoàng đế muốn chọn người kế vị, nên ông quyết định cho mỗi đứa trẻ trong vương quốc một ít hạt giống hoa, và bảo rằng ai trồng được những bông hoa đẹp nhất sau một năm sẽ được thừa kế ngai vàng. Bọn trẻ rất phấn khích, nhưng Ping là đứa phấn khích hơn cả vì cậu rất yêu hoa và rất giỏi trồng hoa.
Ping cho vào chậu loại đất tốt nhất và cẩn thận gieo hạt. Cậu tưới nước, chăm sóc và nhìn ngó cái chậu mỗi ngày, nhưng không một mầm non nào mọc lên. Khi tới ngày bọn trẻ phải mang chậu hoa của mình đến cho hoàng đế, Ping rất xấu hổ. Mọi chậu hoa của những đứa trẻ khác tràn ngập những bông hoa đẹp, nhưng chậu của cậu thì trống không.
Vị hoàng đế ngắm nhìn từng chậu hoa, không nói gì cho đến khi ông tiến đến chậu hoa của Ping. Ông nhìn Ping và hỏi tại sao cậu lại mang đến một chậu hoa trống không. Ping vừa khóc vừa giải thích lại tất cả những gì cậu đã làm để khiến những hạt giống nảy mầm, nhưng đều vô ích.
Vị hoàng đế mỉm cười nói: “Ta tìm thấy rồi! Đây là người xứng đáng kế vị ngai vàng của ta!”. Sau đó, ông giải thích rằng những hạt giống ông trao đều đã được luộc chín nên không thể nảy mầm. Vì Ping là người trung thực khi mang đến một cái chậu trống không, cho nên cậu được trao tặng vương quốc và làm hoàng đế của toàn bộ xứ sở ấy.
Trong cuốn truyện tranh với hình ảnh minh họa rất đẹp The Empty Pot, vị hoàng đế đưa ra bài kiểm tra vì ông tin vào niềm tin. Ông tin rằng người làm hoàng đế phải là một người đáng tin cậy. Ông tin rằng bằng cách mở rộng niềm tin với Ping, ông sẽ có cơ hội tốt nhất để làm cho vương quốc tràn ngập sự thịnh vượng, năng lượng và niềm tin. Và niềm tin ấy đã dẫn lối cho hành động của ông.
Niềm tin rất quan trọng trong việc đạt thành quả trong bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống. Trên thực tế, những gì chúng ta tin quan trọng hơn những gì chúng ta biết vì niềm tin thúc đẩy hành vi và hành động của chúng ta. Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học xác thực nguyên tắc quan trọng này.
Trong cuốn The Biology of Belief, Tiến sĩ Bruce Lipton phát biểu như sau: “Niềm tin kiểm soát hành vi… và vì vậy, làm cuộc sống của chúng ta thăng hoa”. Điều đó đúng bất kể các tín điều của chúng ta là chính xác hay không.
Tin vào sự mất niềm tin thúc đẩy những hành động không mong muốn
Có lẽ bạn đã nghe câu chuyện dựa theo cảnh phim từ vở kịch The Prisoner of Second Avenue của Neil Simon. Chuyện kể về một người đàn ông đi thăm thành phố New York. Sau khi được người bạn cảnh báo về những nguy cơ bị trấn lột trên đường phố, ông rất lo lắng. Tuy nhiên, ông vẫn quyết định bát phố.
Chưa đi được bao nhiêu thì ông bị một người chạy bộ đâm sầm vào, và khi ông lấy lại thăng bằng thì phát hiện ra cái ví của mình đã không còn trong túi quần sau nữa. Ngay lập tức, ông đuổi theo tên móc túi và chộp được cổ áo hắn, đồng thời quăng quật hắn dữ dội và bảo: “Đưa cho tao cái ví!”. Hết sức kinh hãi, tên móc túi ngay lập tức móc túi đưa cái ví, và ngay sau khi người đàn ông buông tay, hắn quay người chạy biến đi.
Người đàn ông quay trở về khách sạn, bực mình vì có người bất lương khi lấy cắp ví của người khác nhưng cũng vui vì ít ra ông đã được trả lại chiếc ví. Ông mở cửa phòng, và khi bước đến chiếc bàn nhỏ để bỏ chùm chìa khóa xuống, ông khựng lại trong hoảng hốt. Ngay trên bàn là cái ví của ông, nó nằm tại nơi mà ông đã bỏ xuống vào buổi sáng. Ông đã đánh cướp ví của người chạy bộ!
Niềm tin của người đàn ông này đã dẫn dắt hành động của ông ấy – cho dù niềm tin đó là sai lệch – và khiến ông vô tình trở thành chính thứ mà ông ấy e sợ: một tên móc túi thô bạo và trâng tráo. Niềm tin vào sự mất niềm tin có thể thúc đẩy những hành động mang lại những kết quả không mong muốn. Đây là lý do tại sao hành động niềm tin thông minh là rất quan trọng. Quyết định tin vào niềm tin là sự lựa chọn, một chọn lựa cơ bản để từ đó mọi hành động niềm tin thông minh khác sẽ tuôn trào.
Qua chính hành động chọn tin vào niềm tin, chúng ta truyền cảm hứng cho chính mình để thực hiện những hành động cần thiết nhằm mở rộng niềm tin thông minh.
Đối với một số người, tin vào niềm tin là chuyện khó. Giống như người đàn ông “cầm nhầm” ví của người chạy bộ ở New York, nhiều người trong chúng ta bị lập trình là kẻ bất tín, vì vậy chúng ta tự động nhìn mọi tình huống thông qua lăng kính của sự hoài nghi. Hoặc chúng ta từng có nhiều kinh nghiệm khi mở rộng niềm tin nhưng rồi bị tổn thương nghiêm trọng vì đã làm như thế. Có thể là một đồng nghiệp phản bội chúng ta. Cũng có thể đó là một vụ ly hôn đau đớn. Có thể chúng ta từng chứng kiến nhiều người xung quanh nói dối, lừa gạt và ăn cắp mà không bị gì, hậu quả là sản sinh ra tâm lý “Ai cũng làm thế cả”, một phương pháp cấp tốc và hiệu quả để thành công (nhất thời) trong thế giới ngày nay. Có lẽ chúng ta e sợ rằng tin vào người khác là chúng ta bị mất kiểm soát hay sẽ gặp nhiều rủi ro.
Nói gì thì nói, nhiều người trong chúng ta không thành thật tin vào niềm tin, hoặc chúng ta tin vào nó như là một tín điều đẹp đẽ, lý tưởng, nhưng không tin nó mang lại lợi ích, hoặc chẳng ích lợi gì cho chúng ta. Vấn đề đằng sau các kịch bản này là sự sợ hãi – sợ bị lợi dụng, sợ bị tổn thương, hoặc sợ rủi ro khi run rẩy bước ra khỏi vùng an toàn, và sợ mình không thể thành công.
Bất kể hoàn cảnh là gì, việc lựa chọn tin vào niềm tin giúp gia tăng khuynh hướng tin của chúng ta. Đó là hành động căn bản nhất dẫn đến tất cả các hành động của niềm tin thông minh khác, vốn đưa chúng ta đến sự thịnh vượng, năng lượng và niềm vui mà chúng ta khao khát.
Theo Niềm tin thông minh