Từ câu chuyện của người kỹ sư quyết tâm xây dựng cây cầu nối liền New York và đảo Long Island
Vào năm 1867, một kỹ sư người Mỹ gốc Đức tên là John Roebling đã nảy ra 1 ý tưởng sáng tạo, đó là xây dựng 1 cây cầu nối liền New York và hòn đảo Long Island.
Ông đã trình bày vấn đề với các chuyên gia, nhưng tất cả đều gạt đi vì cho rằng đó là một ý tưởng điên rồ, viển vông, không thể nào trở thành hiện thực. Họ khuyên ông nên quên chuyện này đi, vì từ trước đến nay chưa hề có công trình nào như vậy từng được thực hiện.
Kỹ sư John Augustus Roebling (1806 - 1869), cha đẻ của cây cầu Brooklyn. (Nguồn: Wikipedia)
Thế nhưng, John không dễ dàng từ bỏ suy nghĩ của mình. Ông đã phác thảo bản vẽ của mình rất nhiều lần, suy nghĩ rất kỹ và thấy rằng kế hoạch này hoàn toàn khả thi. Ông đã nói chuyện và thuyết phục được những người khác, và nhất là con trai ông, Washington Augustus Roebling, cũng là một kỹ sư về ý tưởng táo bạo nói trên. Vậy là 2 năm sau, tức là vào năm 1869, dự án chính thức đi vào hoạt động.
Lần đầu tiên làm việc cùng nhau, John và con trai Washington dần dần đã phát triển những khái niệm xây dựng bằng cách giải quyết từng trở ngại một. Với sự đam mê và ý chí quyết tâm không ai bằng, họ đã thuê một đội ngũ các công nhân để cùng xây dựng nên cây cầu mang tính cách mạng.
Tai nạn bất ngờ và chuyện kỳ lạ xảy ra khiến ai cũng kinh ngạc
Mọi chuyện tưởng chừng như đang tốt đẹp thì bỗng dưng, sau vài tháng thi công dự án, một tai nạn khủng khiếp đã xảy ra, cướp đi mạng sống của John và làm con trai Washington của ông bị liệt.
Washington Augustus Roebling (1837 – 1926), người biến giấc mơ của cha mình thành hiện thực.
Những người hoài nghi về chuyện xây dựng cây cầu đã lấy cớ và nói rằng: "Đấy, chúng tôi đã bảo đây là 1 điều điên rồ mà. Thật ngốc nghếch khi theo đuổi nó như thế". Nhiều lời chỉ trích tiêu cực khác cũng thi nhau xuất hiện. Ai cũng nghĩ rằng, vậy là chắc chắn dự án sẽ bị hủy bỏ, vì người hiểu rõ nó nhất thì đã qua đời, còn con trai ông thì nằm liệt 1 chỗ, ai sẽ xây dựng tiếp được chứ?
Thế nhưng, dù trở thành người tàn tật, nhưng Washington vẫn không bỏ cuộc. Anh muốn thuyết phục bạn bè và các công nhân tiếp tục việc xây dựng. Song ai cũng sợ hãi sau vụ tai nạn đó.
Một ngày kia, khi đang nằm trên giường, Washington nhìn thấy những tia nắng mặt trời chiếu vào phòng anh qua lớp cửa kính. Nó giống như 1 thông điệp nói rằng, "Đừng bỏ cuộc". Nhiệt huyết trong anh lại dâng trào. Dù chỉ còn cử động được vài ngón tay, nhưng anh sẽ tận dụng hết sức.
Cây cầu Brooklyn nối liền New York và đảo Long Island.
Dần dần, Washington đã sáng tạo ra cách giao tiếp với vợ bằng những cử động của ngón tay. Sau 1 thời gian, anh yêu cầu vợ mình gọi cho các kỹ sư và truyền đạt lại với họ những gì mà anh đã nói với cô.
Và giống như 1 điều kỳ diệu, sau 13 năm miệt mài với cách giao tiếp đặc biệt, Washington đã chỉ huy thành công dự án xây dựng cây cầu mà sau đó được đặt tên là Brooklyn, dài 486,3m - cây cầu treo dài nhất thế giới tại thời điểm nó được khánh thành mở ra 1 chương mới trong ngành xây dựng, phá bỏ những tiền lệ trước đó, và quan trọng hơn hết là khẳng định lại 1 chân lý đã cũ nhưng không bao giờ lỗi thời: Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường.
Và câu hỏi "Điều gì là khó nhất trên đời?"
Trở lại với câu hỏi ở phần sapo của bài báo: Điều gì là khó nhất trên đời? Có lẽ đó là khi những nỗ lực, mong muốn và niềm tin của chúng ta đi ngược lại so với mong muốn và niềm tin của người khác.
Thực hiện một dự án xây dựng, bản thân nó đã là một việc khó khăn với rất nhiều rủi ro - chính là những yếu tố khách quan tác động tới, nhưng nó sẽ còn khó gấp bội nếu như ta không có được sự ủng hộ của những người xung quanh. Chỉ riêng việc thuyết phục những người hay hoài nghi, thích bàn lùi đã là điều không đơn giản.
Nếu dễ nản lòng, có lẽ những công trình mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế trên thế giới sẽ không bao giờ tồn tại.
May thay, nhân loại có vô số những con người làm được những điều khó nhất trên đời, mà trong nội dung bài viết này đề cập, chính là John Roebling và Washington Augustus Roebling.
Nhờ có họ, việc giao thương và đi lại của người dân New York và Long Island đã trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn nhiều, những khoảng cách và bất tiện được xóa nhòa, những hoài nghi cũng không còn nữa, và mở lối cho những giấc mơ tuyệt vời khác của nước Mỹ.
Theo Moral Stories
Trí thức trẻ