Người ăn mày làm gì khi được tặng chiếc đồng hồ Giáng sinh?

21/12/2018 11:22
Người ăn mày làm gì khi được tặng chiếc đồng hồ Giáng sinh?

Việc mua quà Giáng Sinh đối với tôi là một thử thách thật sự. Tôi phải nát óc suy nghĩ món quà nào thích hợp với từng người.

Với bọn trẻ thì còn dễ dàng tí chút, nhưng còn quà cho vợ tôi thì đúng là chẳng biết đường nào mà lần. Chiếc máy hút bụi thì quá khô khan, vé xem bóng đá lại chẳng thực tế chút nào, còn vật dụng làm bếp thì đã là sự lựa chọn của tôi vào những dịp lễ tết trong năm.

Chao ôi, thế mà một mùa Giáng sinh nữa lại đến. Năm nay, tôi chẳng mấy hào hứng vì công việc kinh doanh của tôi đang gặp khó khăn. Trong tuyệt vọng, tôi đề nghị Sally – cô thư ký của tôi, chọn giúp một món quà cho vợ mình.

Chúng tôi cùng đi bộ với nhau qua hai dãy nhà để đến cửa hàng bán đồ trang sức. Làm việc ở khu vực kinh doanh sầm uất của thành phố quả có nhiều điều tiện lợi, mà một trong những điều ấy chính là gần các cửa hàng buôn bán. Tuy nhiên, cũng có nhiều điều không được thuận tiện lắm. Trước mặt chúng tôi là hai người vô gia cư đang nép sát vào nhau bên ống khói của một tòa nhà gần đó.

Tôi định bụng sẽ băng sang đường để tránh đi ngang qua họ, nhưng xe cộ trên đường đông quá. Thế là chúng tôi đành phải tiếp tục đi thẳng, nhưng trước khi đến gần họ, tôi cố tình đi phía trong để tránh cho Sally phải chạm mặt hai con người mà với tôi là cù bất cù bơ ấy. Thể nào bọn họ cũng sẽ cù cưa kể lể để xin tiền, rồi thay vì mua thức ăn, họ lại nướng tất cả vào những vại bia hoặc những chai rượu cho xem - tôi thầm nghĩ.

Khi đến gần hơn, tôi mới nhìn kỹ hơn hai người ấy - một người khoảng 35 tuổi, và người còn lại là một cậu bé khoảng 14, 15 tuổi gì đấy. Cả hai đều ăn mặc rất xộc xệch. Người trung niên khoác bên ngoài một chiếc áo thể thao bị rách ở tay áo, còn cậu bé thì thậm chí còn chẳng có áo ấm để mặc. Trên người cậu chỉ có mỗi chiếc áo sơmi sờn rách để chống chọi lại với những cơn gió lạnh buốt. “Cho họ khoảng vài đô-la là mình được yên ngay” – tôi nghĩ. Thế là tôi mạnh miệng nói với Sally: “Để tôi giải quyết cho!”.

Nhưng Sally dường như không hề cảm thấy bị quấy rầy bởi cái nhìn của hai người vô gia cư bẩn thỉu kia. Thậm chí tôi còn thấy cô nở nụ cười thật tươi và nhẹ nhàng hỏi họ:

- Anh và cháu có cần tôi giúp gì không?

Tôi vô cùng ngạc nhiên. Tại sao cô ấy lại có thể nói với những người ăn mày đáng cảnh giác kia bằng giọng điệu như vậy chứ? Tôi chờ để kéo Sally ra khỏi tình huống nguy hiểm nếu hai người kia giờ trò gì. Nhưng cô ấy vẫn đứng đó.

Hai người nhìn cô với vẻ ngạc nhiên cho đến khi người lớn tuổi hơn ấp úng:

- Chúng tôi cần… Chúng tôi cần…

“Thấy chưa!” – tôi nghĩ thầm – “Hai kẻ đó thể nào cũng đang tìm chút của bố thí, biết ngay mà”. Tôi nhìn thấy thằng bé đang run rẩy vì gió lạnh, nhưng tôi biết làm gì hơn cơ chứ? Làm sao tôi có thể lo hết cho hàng ngàn người vô gia cư không có cơm ăn, áo mặc?

- Cô cho tôi hỏi mấy giờ rồi? – Người lớn tuổi hơn hỏi.

Không chút phật lòng, Sally nhìn đồng hồ và đáp:

- Bây giờ đã là năm rưỡi chiều rồi!

Anh ta gật đầu cảm ơn và không nói thêm câu nào nữa. Tôi và Sally lại tiếp tục sải bước đến tiệm nữ trang, nhưng tôi cảm thấy rất phân vân trong lòng.

- Sao cô lại hỏi xem mình có thể giúp gì cho họ không cơ chứ?

- Họ đang bị lạnh và cần giúp đỡ. – Cô ấy bình thản trả lời

- Nhưng họ là ăn mày! Rất có thể họ sẽ “chỉa” của cô thứ gì đó! Tốt nhất là nên tránh xa họ ra. - Tôi lên giọng như một người anh đang nói chuyện với cô em gái của mình.

- Tôi biết cách tự vệ. Nhưng đôi khi, anh phải cho ai đó một cơ hội để chứng tỏ rằng họ không phải là kẻ xấu xa.

Chúng tôi không nói gì thêm nữa vì đã đến tiệm nữ trang. Sally nhanh chóng tìm được món quà phù hợp cho vợ tôi – một đôi hoa tai đính kim cương. Nhưng rồi cô ấy lại đi đến chỗ bán quà tặng dành cho nam giới và chọn mua một chiếc đồng hồ đeo tay. Nó không thật đắt tiền, nhưng cô ấy tỏ ra khá ưng ý. “Chắc là quà cho chồng cô ấy đây mà”, tôi nghĩ.

Trên đường quay trở về văn phòng làm việc, chúng tôi thấy hai gã ăn mày vẫn đang quanh quẩn ở chỗ ban nãy. Một lần nữa, tôi cố gắng đi giữa Sally và hai tên đó. Nhưng cô ấy đã không để tôi làm thế. Khi đến gần họ, Sally lấy chiếc đồng hồ mới mua ra khỏi túi xách và đưa cho người đàn ông trung niên.

- Tôi tặng anh món quà này. Tôi chắc là anh biết cách sử dụng.

Cả hai người bọn họ và tôi đều không tin vào mắt mình.

- Cảm ơn cô, cảm ơn cô nhiều lắm! – Gã nói, trong lúc thử đeo chiếc đồng hồ vào cổ tay mình.

Khi chúng tôi bước đi, trong mắt Sally ánh lên niềm tự hào vì những gì đã làm.

- Sao cô làm thế?

Sally khẽ nhún vai và nói:

- Tôi nghĩ mình cần phải làm điều gì đó cho họ, thế thôi!

- Nhưng hắn ta đâu có xứng đáng được như thế. Thể nào hắn cũng bán chiếc đồng hồ để mua bia mà nốc cho thoả thích!

Sally chỉ mỉm cười và nói với tôi:

- Nếu như anh ta làm thế, đó chẳng phải là điều khiến tôi bận tâm. Tôi đã làm một việc tốt, còn anh ta làm gì với chiếc đồng hồ của mình thì đó chính là lựa chọn của anh ta.

Dù đã về đến văn phòng làm việc của mình nhưng tôi vẫn không ngừng tự hỏi về cuộc gặp gỡ đó, và dĩ nhiên, tôi cũng nghĩ về hai người mà mình đã gặp. Chắc hiện giờ họ đang ở tiệm cầm đồ và đang rất khoái chí vì sự hào phóng của Sally.

Ngày hôm sau, tôi đi ăn trưa một mình ở cửa hàng thức ăn nhanh bên ngoài khu nhà làm việc của mình. Khi đang bước trên đường, tôi để ý thấy hai người mà tôi và Sally đã gặp hôm qua. Họ vẫn đang lởn vởn quanh lỗ thông hơi của một toà nhà gần đó. Không kịp nhận ra tôi, người đàn ông trung niên vội hỏi:

- Xin lỗi, thưa ngài. Cho tôi hỏi mấy giờ rồi ạ?

A ha, bắt quả tang rồi nhé! Chiếc đồng hồ của Sally chắc giờ đang lưu lạc phương trời nào đó, đố ai mà tìm ra!”. Không vội trả lời, tôi nhìn ông ta với vẻ giễu cợt.

Bắt gặp ánh mắt của tôi, ông ta ngẩng đầu lên, lộ vẻ hối lỗi:

- Xin lỗi ông, nhưng tôi có việc cần phải làm.

Đó cũng là lúc tôi để ý thấy một chiếc áo khoác mới trên người cậu bé đi cùng anh ta. Tôi lặng im, chìa cho anh xem giờ ở chiếc đồng hồ trên tay mình và trao cho anh ta 25 đô-la rồi tiếp tục bước đi. Tôi vẫn còn bối rối vì phát hiện của mình. Người đàn ông ấy đã bán chiếc đồng hồ, nhưng thay vì mua bia, anh đã mua một chiếc áo khoác cho con mình. Lòng tốt của Sally thật sự có ý nghĩa.

Khi đến trước cửa hàng thức ăn nhanh, tôi đột nhiên không muốn ăn nữa. Tôi quay trở lại và đi về phía văn phòng của mình. Hai người lang thang ấy vẫn đang đứng gần một lỗ thông hơi. Tôi cởi chiếc áo khoác dài màu xám của mình, khoác lên vai người đàn ông mà vẫn không nói được một lời nào. Anh ta ngước mắt lên nhìn tôi, tỏ vẻ bối rối.

Tôi quay lưng bước về văn phòng làm việc và cảm nhận rất rõ có một niềm vui đang lan tỏa. Chẳng có kỷ niệm gì đặc biệt, nhưng lạ thay, đó lại là một trong những mùa Giáng sinh ấm áp nhất đối với tôi.

Sự vĩ đại của một người được đo bằng mức độ tốt bụng của anh ta đối với những người xung quanh mình.

- G. Young

Quang Kiệt - Theo A timeless gift


Gửi bình luận
(0) Bình luận