Nếu thiếu cam kết, bất đồng sẽ ăn sâu vào tổ chức của doanh nghiệp  

10/01/2019 08:30
Nếu thiếu cam kết, bất đồng sẽ ăn sâu vào tổ chức của doanh nghiệp  

Trong một đội nhóm, sự cam kết bao gồm hai yếu tố: sự minh bạch và sự chấp nhận. Những đội nhóm mạnh đưa ra những quyết định rõ ràng, đúng thời điểm và tiến triển dưới sự chấp thuận của tất cả các thành viên, kể cả những người đã chống đối lại quyết định đó.

Họ rời các cuộc họp với sự tin tưởng rằng không ai trong nhóm còn âm thầm nghi ngờ việc mình có nên hỗ trợ những hoạt động đã được nhất trí trong cuộc họp hay không.

Hai nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự thiếu cam kết là mong muốn đồng thuận và nhu cầu được chắc chắn:

Sự đồng thuận: Những đội ngũ xuất sắc hiểu được mối nguy hiểm của việc tìm kiếm sự đồng thuận và tìm cách để đạt được sự chấp nhận khi việc đồng ý 100% là điều không thể. Họ hiểu những người biết suy nghĩ sẽ không nhất thiết chỉ ủng hộ những quyết định thuận theo ý của họ hoàn toàn, mà họ chỉ cần biết là ý kiến của mình được lắng nghe và xem xét.

Những đội nhóm xuất sắc đảm bảo rằng ý kiến của tất cả thành viên đều được cân nhắc kỹ lưỡng, từ đó khiến các thành viên có thiện chí ủng hộ bất kỳ quyết định nào do cả nhóm đề ra. Và nếu cả nhóm không thể đưa ra quyết định do gặp phải bế tắc, người lãnh đạo sẽ là người quyết định cuối cùng.

Sự chắc chắn: Một đội nhóm mạnh cũng tự hào vì khả năng đồng lòng đối với các quyết định và cam kết thực hiện các hành động cụ thể ngay cả khi chưa có gì đảm bảo là quyết định đó có đúng hay không. Đó là vì họ hiểu có một quyết định còn hơn không có quyết định nào. Họ cũng nhận ra rằng nên chấp nhận rủi ro để đưa ra quyết định và sau đó điều chỉnh, còn hơn là cứ trì hoãn.

Ngược lại, các đội nhóm mắc phải điểm chết này thường cố gắng né tránh rủi ro và trì hoãn những quyết định quan trọng, cho đến khi họ có đầy đủ các dữ liệu để chắc chắn là họ đang đưa ra quyết định đúng đắn. Nghe có vẻ cẩn trọng, nhưng thật ra điều này rất nguy hiểm vì dễ khiến họ rơi vào tình trạng tê liệt và thiếu niềm tin trong đội nhóm.

Phải nhớ rằng xung đột thể hiện sự sẵn sàng cam kết mà không cần chờ thông tin đầy đủ. Trong nhiều trường hợp, các nhóm đã có mọi thông tin họ cần, nhưng những thông tin đó chỉ nằm trong suy nghĩ cũng như tâm tưởng của các thành viên, và chỉ được đúc kết thông qua quá trình tranh luận cởi mở. Chỉ khi tất cả mọi người đưa ra ý kiến và quan điểm của mình thì đội nhóm mới có thể tự tin thực hiện đến cùng các quyết định mà họ cùng bàn bạc để đưa ra.

Cho dù vì sự đồng thuận hay sự chắc chắn thì các đội nhóm vẫn cần hiểu rằng một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất khi một đội ngũ nhân viên cấp cao thiếu sự cam kết chính là sự bất đồng đó sẽ ăn sâu vào trong tổ chức. Hơn bất kỳ điểm chết nào khác, điểm chết thứ ba này tạo ra những làn sóng ngấm ngầm rất nguy hiểm cho đội ngũ nhân viên cấp dưới.

Khi ban điều hành không có được sự đồng tình của tất cả các thành viên, ngay cả khi đó chỉ là sự bất đồng trong những vấn đề nhỏ, thì những nhân viên trực thuộc ban điều hành này sẽ gặp phải sự xung đột khi thực thi những kế hoạch không phù hợp với những gì các phòng ban khác đang làm. Như một cơn lốc xoáy, những sai lệch nhỏ giữa các nhà điều hành cấp cao trong một tổ chức có thể trở thành những sự khác biệt lớn đối với đội ngũ nhân viên bên dưới.

Một đội nhóm thiếu cam kết…

— Khiến các thành viên mơ hồ về định hướng và những ưu tiên trong công việc

— Vuột mất thời cơ do phân tích tình huống quá cẩn trọng và trì hoãn đến mức không cần thiết

— Tạo điều kiện cho sự thiếu tự tin và sợ thất bại

— Thảo luận đi thảo luận lại các quyết định

— Khiến các thành viên hoài nghi lẫn nhau

Một đội nhóm có sự cam kết…

— Có các định hướng và các mối ưu tiên rõ ràng

— Hướng toàn bộ đội ngũ vào những mục tiêu chung

— Phát triển kỹ năng học hỏi từ những sai lầm

— Tận dụng thời cơ trước khi các đối thủ làm điều đó

— Không ngần ngại tiến lên phía trước

— Không dè dặt hay cảm thấy tội lỗi khi cần điều chỉnh hướng đi.

Các gợi ý để khắc phục điểm chết thứ ba

Một đội nhóm sẽ đảm bảo sự cam kết như thế nào? Bằng cách thực hiện những bước hành động cụ thể để tối đa hóa sự minh bạch, đạt được sự chấp nhận và cưỡng lại lực hút của mong muốn có được đồng thuận cũng như sự chắc chắn. Dưới đây là các công cụ và nguyên tắc đơn giản nhưng hiệu quả để khắc phục điểm chết này.

Truyền đạt thông điệp: Một trong những nguyên tắc có giá trị nhất mà bất cứ đội nhóm nào cũng làm được là dành ít phút và để mọi người hoàn toàn thả lỏng. Vào cuối các cuộc họp, đội nhóm nên nhìn lại thật cụ thể những quyết định quan trọng mà họ đã đưa ra trong cuộc họp và đồng ý với nhau về những gì cần được thông báo cho nhân viên hay những người khác liên quan đến những quyết định này.

Thông qua hoạt động này, các thành viên trong đội nhóm sẽ biết rằng không phải mọi người đều tiếp nhận những vấn đề được nhất trí trong cuộc họp theo những góc độ như nhau, và họ cần làm rõ một số kết luận cụ thể trước khi đưa vào hành động. Hơn nữa, họ nhận thức được phần nào trong những quyết định đó cần được giữ kín và phần nào phải được thông báo nhanh chóng và sâu rộng.

Cuối cùng, sau khi rời cuộc họp trong tâm thế đã nhất trí với nhau, những người lãnh đạo sẽ truyền đạt thông điệp mạnh mẽ và dễ tiếp thu đến với các nhân viên vốn đã quen nhận những thông báo không nhất quán và thậm chí còn trái ngược nhau từ những người quản lý trực tiếp vốn cũng tham gia trong cùng một cuộc họp (Thời lượng tối thiểu: 10 phút).

Đặt ra thời hạn: Mặc dù nghe có vẻ đơn giản nhưng một trong những công cụ hiệu quả nhất để đảm bảo tính cam kết là ấn định thời hạn rõ ràng để đưa ra quyết định và tôn trọng nghiêm ngặt những cột mốc này. Kẻ thù tồi tệ nhất của một đội nhóm gặp phải điểm chết này là sự mơ hồ, mà thời gian là một trong những yếu tố quan trọng cần phải rõ ràng. Hơn nữa, cam kết thực hiện đúng thời hạn đối với những quyết định và cột mốc trung gian trong quá trình làm việc cũng quan trọng như việc đảm bảo thời hạn cuối cùng, bởi vì việc này giúp đảm bảo những bất đồng giữa các thành viên sẽ được xác định và giải quyết trước khi phải trả cái giá quá đắt.

Kế hoạch dự phòng và tình huống xấu nhất: Một đội nhóm gặp khó khăn với sự cam kết có thể khắc phục điều này bằng cách thảo luận nhanh về kế hoạch dự phòng, làm rõ tình huống xấu nhất có thể xảy ra khi họ thực hiện một quyết định nào đó. Điều này làm vơi nỗi sợ của các thành viên, vì họ sẽ biết cái giá phải trả cho một quyết định không đúng là không quá tồi tệ như họ tưởng tượng.

Liệu pháp trải nghiệm những tình huống có mức rủi ro thấp: Một phương pháp khác dành cho đội nhóm sợ cam kết là thể hiện sự quyết đoán trong những tình huống tương đối ít rủi ro. Khi các đội nhóm buộc phải đưa ra quyết định sau một cuộc thảo luận nhưng lại có rất ít thông tin phân tích và nghiên cứu, họ thường nhận ra chất lượng của quyết định này còn tốt hơn họ mong đợi. Hơn thế nữa, họ biết rằng quyết định đó sẽ không quá khác nếu như đội nhóm bỏ thời gian tìm hiểu lâu hơn. Điều này không có nghĩa là những nghiên cứu hay phân tích là không cần thiết hay không quan trọng, mà là những đội nhóm vướng phải điểm chết này thường có khuynh hướng quá đề cao việc nghiên cứu và phân tích.

Trích 5 điểm chết trong Teamwork


Gửi bình luận
(0) Bình luận