Não bộ mạnh hơn máy tính nhưng bạn không biết cách sử dụng

11/12/2018 08:00
Não bộ mạnh hơn máy tính nhưng bạn không biết cách sử dụng

Mỗi người chúng ta được Tạo hóa ban cho một món quà diệu kỳ! Trí óc có thể giúp ta thực hiện hầu như bất cứ điều gì mình muốn.

Khả năng của trí óc gần như là vô hạn, song ta lại hiểu rất ít về cách nó hoạt động. Vì vậy giờ đây hãy tập trung vào nguồn sức mạnh vô song này và cách thức luyện tập cho nó để tạo ra kết quả như ý muốn.

Hãy nhớ rằng trí óc luôn hào hứng chờ đợi từng mệnh lệnh, sẵn sàng thực hiện bất kỳ việc gì bạn yêu cầu. Tất cả những gì nó cần chỉ là một lượng nhỏ “nhiên liệu”: oxy trong máu và một ít glucose.

Xét về tính phức tạp và năng lực, trí óc con người thách thức cả công nghệ máy tính hiện đại nhất. Nó có khả năng xử lý tới 30 tỷ bit dữ liệu thông tin trong một giây và có sức chứa tương đương 9.700 km dây cáp. Trung bình hệ thần kinh con người chứa khoảng 28 tỷ nơ-ron (tế bào thần kinh, với chức năng cơ bản là cảm ứng và dẫn truyền các xung thần kinh).

Nếu không có nơ-ron, hệ thần kinh sẽ không thể xử lý thông tin nhận được từ các giác quan, không thể truyền tải thông tin đến não bộ và không thể thực hiện các chỉ dẫn hoạt động từ não. Bản thân từng nơ-ron là một chiếc máy vi tính nhỏ, độc lập, có khả năng xử lý một triệu bit dữ liệu thông tin.

Những nơ-ron này hoạt động độc lập, nhưng chúng cũng liên lạc với những nơ-ron khác thông qua một mạng lưới khổng lồ bao gồm 160.000 km sợi thần kinh. Sức mạnh xử lý thông tin của trí óc thật sự đáng nể, có thể tạo nhiều liên kết chỉ tại một thời điểm. Một phản ứng ở một nơ-ron có thể lan truyền tới hàng trăm ngàn nơ-ron khác trong khoảng thời gian ngắn hơn 20 phần nghìn giây – nhanh hơn 10 lần thời gian bạn chớp mắt.

Một nơ-ron cần khoảng thời gian lâu hơn một triệu lần để gửi đi một tín hiệu so với bộ chuyển mạch máy vi tính thông thường, song não bộ lại có thể nhận diện một khuôn mặt quen thuộc trong vòng chưa tới một giây – một kỳ công vượt xa khả năng của những chiếc máy vi tính mạnh nhất. Não bộ đạt được vận tốc này vì không giống như máy tính có từng bước thực hiện, hàng tỷ nơ-ron của nó có thể cùng đồng thời nhận diện vấn đề.

Tuy nhiên, với sức mạnh to lớn sẵn có như vậy, tại sao chúng ta không thể làm cho mình cảm thấy hạnh phúc lâu dài, trọn vẹn? Tại sao chúng ta không thể thay đổi thói quen hút thuốc, uống rượu, ăn uống vô độ hay thói quen trì hoãn? Tại sao không thể ngay lập tức tống khứ nỗi phiền muộn, xua tan tâm trạng thất vọng và cảm thấy vui sướng mỗi ngày?

Mỗi người chúng ta có sẵn trong tay bộ “máy vi tính” siêu thường nhất hành tinh, nhưng thật không may là không được hướng dẫn cách thức sử dụng. Do không biết cách thức não thực sự hoạt động ra sao nên ta nghĩ đến việc tạo ra sự thay đổi theo cách của mình trong khi trên thực tế, hành vi lại bắt nguồn từ hệ thống thần kinh – dưới dạng tập hợp các kết nối nơ-ron hay liên hợp thần kinh (neuro-associations).

Nhưng trước tiên ta phải hiểu cách thức não bộ tạo ra một liên kết thần kinh như thế nào ngay trong lần đầu tiên. Mỗi khi bạn cảm nhận nỗi đau đớn hay niềm hân hoan, ngay lập tức não truy tìm nguyên nhân dẫn đến cảm xúc ấy dựa trên ba tiêu chí sau:

1. Não sẽ tìm kiếm điều gì đó độc nhất, khác thường. Để thu hẹp phạm vi tìm kiếm những nguyên nhân khả dĩ, não cố gắng nhận ra những điều khác thường, đáng chú ý trong tình huống đó với lý lẽ: khi có những cảm xúc khác thường, chắc chắn phải có nguyên nhân khác thường.

2. Não sẽ tìm kiếm điều gì đó xảy ra cùng lúc với cảm nghiệm. Liệu những điều diễn ra trong lần đau khổ hay hân hoan gần đây có thể là nguyên nhân sinh ra cảm giác đó?

3. Não sẽ tìm kiếm sự nhất quán.

Nếu bạn cảm thấy đau khổ hay hân hoan, não bộ bắt đầu lưu ý ngay lập tức điều gì khác thường đang diễn ra cùng lúc với cảm nghiệm. Nhân tố nào đáp ứng hai tiêu chuẩn trên và thường xuyên xuất hiện mỗi khi bạn cảm thấy đau đớn hay hân hoan, não sẽ quyết định đó chính là nguyên nhân.

Tuy nhiên, rắc rối của điều này là khi ta cảm thấy đau khổ hay hân hoan đến một chừng mực nhất định, ta có khuynh hướng khái quát hóa, nghĩa là ngay lập tức nhận định khả năng nào đó là nguyên nhân chính yếu dẫn đến cảm nghiệm ấy. Tôi chắc rằng từng có người nói: “Bạn luôn làm như vậy” sau khi bạn vừa làm việc gì đó lần đầu tiên, hoặc có lẽ chính bạn cũng đã nói vậy với mình.

Vì ba tiêu chí để hình thành liên hợp thần kinh này rất thiếu chính xác nên thường dễ bị diễn dịch sai, tạo ra những liên hợp thần kinh sai. Do đó ta phải đánh giá những liên kết đó thật kỹ trước khi cho phép nó góp một “tiếng nói” trong quá trình ra quyết định.

Hệ thống phức tạp này không chỉ cho phép chúng ta tận hưởng cái hay cái đẹp của thế giới mà còn giúp chúng ta tồn tại. Cứ mỗi khoảnh khắc trải nghiệm sự đau đớn hay hân hoan đầy ý nghĩa, não bộ sẽ tìm kiếm nguồn cơn sinh ra những trải nghiệm ấy và lưu giữ chúng trong hệ thần kinh để giúp ta đưa ra những quyết định tốt hơn trong tương lai.

Chẳng hạn, nếu các liên hợp thần kinh trong não không nhắc bạn rằng việc đưa tay vào lửa có thể làm bạn bị bỏng thì bạn có thể lặp lại sai lầm đó lần nữa cho đến khi tay bạn bỏng nặng. Vì thế, các liên hợp thần kinh nhanh chóng cung cấp cho não tín hiệu, giúp ta truy cập lại trí nhớ của mình và dẫn dắt ta trải qua hành trình cuộc sống một cách an toàn.

Đây là tin tốt cho những ai muốn thay đổi thói quen cũ! Nếu bạn dừng một hành vi hay cảm xúc nào đủ lâu, nếu bạn làm gián đoạn lề thói cũ trong một khoảng thời gian đủ dài thì “đường liên lạc” thần kinh sẽ yếu dần. Theo đó, mẫu hình cảm xúc hay hành vi tiêu cực cũng không còn khả năng chi phối mạnh nữa.

Hãy nhớ: Lòng can đảm khi không được phát huy sẽ trở nên suy yếu; lòng nhiệt thành nếu không được biến thành hành động thiết thực thì cũng nguội lạnh dần; tình yêu thương sẽ nhạt nhòa khi không đem chia sẻ.

Trích Đánh thức con người phi thường trong bạn


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024