Nhạc táo bạo hay thô tục?
Sau thời gian "ở ẩn", bà mẹ 2 con Emily "chơi lớn" khi tung ra MV "Hâm nóng" vào tối 13/5. Dù thuộc thể loại nhạc House, "Hâm nóng" được nhắn nhủ dành riêng cho những khán giả trưởng thành.
Tuy nhiên, vừa ra mắt, MV đã gây sốc và nhận về nhiều ý kiến trái chiều về ca từ bị cho rằng nhạt nhòa, hình ảnh hở hang, cử chỉ mơn trớn, phản cảm…
"Thật là phản cảm, khiêu dâm và chưa thấy nghệ thuật ở chỗ nào"; " Em chẳng thấy nghệ thuật chỗ nào chỉ thấy nó mang sắc thái khiêu dâm. Hay tại em cổ lỗ sĩ quá nên thấy thế?"; "Chả biết đang hát gì nữa. Chỉ thấy uốn éo phản cảm khiêu dâm"; "Vớ vẩn quá"; "Không xem hết nổi, lời thì nhạt nhòa, sáo rỗng, phản cảm"; "MV này không bị cấm thì hơi phí"… là một số bình luận của cư dân mạng.
Cách đây vài ngày, BigDaddy - ông xã của Emily cũng gây tranh cãi gay gắt khi tung ra MV "Mẩy thật mẩy" với ca từ bị cho rằng thô tục, trần trụi, cổ súy phẫu thuật thẩm mỹ.
Ngay từ tên MV đã nhạy cảm, đầy sức gợi, chưa nói đến các cụm từ như: "Em thích đàn ông phải luôn nhắm thẳng vào chỗ nở nở nang nang…", "Thương em chảy dãi một khi em lột đồ, 1 người ngon đét là hai người cùng vui", "Anh thích ngắm những bộ loa ú nẩy thật nẩy", "Anh thích ngắm những bàn tọa ú mẩy thật mẩy"…
"Em thích thì cứ sửa sang miễn là đẹp thật đẹp… Em cứ thoải mái tân trang nhìn phải chẹp chẹp chẹp"; "Chỗ nào còn thiếu thì lại thêm vào, đoạn nào thừa quá thì lại rút gọn. Filler tắm trắng thật là thơm nào vì đằng nào anh chả húp trọn…"
Thực tế, "Mẩy thật mẩy", "Hâm nóng" không phải những MV đầu tiên gây tranh cãi vì tựa đề, ca từ, hình ảnh bị cho là phản cảm, thô tục. Trước đó, hàng loạt ca khúc tương tự như: "Xếp hình", "Thu dẩm", "Như lời đồn", "Nắng cực", "Như cái lò"… cũng bị cho là "thảm họa âm nhạc", nhận về nhiều chỉ trích.
Có ý kiến lo ngại rằng, dù được gắn mác 18+ hay không thì với sự xuất hiện nhan nhản trên mạng, các em nhỏ không khó khăn gì để tiếp cận với thứ âm nhạc phản cảm này.
Cần ngăn chặn, xử lý nhạc có tác động tiêu cực tới giới trẻ
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng cần phải xử lý mạnh tay với nhạc thô tục và điều này cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý.
"Việc phát hành nhạc trên youtube không có ai kiểm duyệt, không như ngày xưa, ra đĩa phải qua các khâu kiểm duyệt. Giờ phát hành quá dễ dãi. Cũng phải nhìn nhận về trách nhiệm của Hội, của cơ quan quản lý và cả các đồng nghiệp nữa.
Bản thân tôi đã từng lên tiếng về những ca khúc có tựa đề gây sốc, dung tục, gây tranh cãi.
Họ lựa chọn như vậy, còn tôi lựa chọn âm nhạc khác - phải có giá trị nhân văn, tính nghệ thuật. Tôi là người theo chủ nghĩa duy mỹ trong nghệ thuật. Đối với tôi, một bài hát là phải đẹp, đẹp từ giai điệu, đến ca từ, đến nội dung, đến ý nghĩa và đẹp đến cả cái tên… đó mới là sự hoàn mỹ. Và người sáng tác là người "điêu khắc" nên cái đẹp đó…
Đó là lựa chọn của mỗi người. Tôi nghĩ, với những "Hâm nóng", "Mẩy thật mẩy"… nếu cơ quan quản lý thấy sai thì phạt, không sai thì để khán giả… tự chọn lọc", nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ.
Trước đó, tác giả "Chiếc khăn gió ấm" từng khẳng định: "Tôi đánh giá rất thấp những người đã mang trên vai tấm áo "nghệ sĩ" mà cứ muốn thể hiện cái ngông, cái thô, cái tục trong những tác phẩm của mình. Là nghệ sĩ đúng nghĩa thì nên định hướng khán giả chứ đừng nên hùa theo khán giả".
"Những bài hát với những tựa đề và nội dung như thế tuyên truyền được điều gì cho giới trẻ? Người nghệ sĩ với hệ tư tưởng lệch lạc như vậy dạy được gì cho trẻ con?
Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc Bộ VH,TT&DL, Bộ TT&TT có những biện pháp cứng rắn hơn về việc phổ biến, phát hành những loại nhạc rác như thế. Người nghệ sĩ hoàn toàn có thể bày tỏ cái tôi, cái bất mãn với cuộc sống thông qua những tác phẩm của mình nhưng phải có văn hóa (sạch sẽ), có trí tuệ (khéo léo) và có nghệ thuật (tinh tế)", anh bộc bạch.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng cho rằng "Mẩy thật mẩy" hay "Hâm nóng" cả ca từ và hình ảnh đều có vấn đề. "Những sản phẩm như thế này sẽ có tác động không tích cực đến giới trẻ", anh nói.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ thêm: "Trước đây, khi mỗi sản phẩm âm nhạc ra mắt đều cần phải qua một hội đồng xét duyệt và cấp giấy phép cho việc xuất bản sản phẩm. Có giấy phép rồi sản phẩm đó mới tới với công chúng. Ở giai đoạn đó, tôi cũng từng tham gia trong một hội đồng và có thâm niên trên 10 năm, tôi khẳng định ngay, cả hai sản phẩm như thế này sẽ không thể lọt qua hội đồng xét duyệt. Có nghĩa là sẽ không có cơ hội được ra mắt một cách chính thức tới công chúng.
Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực cải cách hoạt động quản lý văn hóa trong lĩnh vực xuất bản, phát hành bản ghi âm, ghi hình, cũng như việc phát triển của internet nhanh như một cơn bão khiến ngành quản lý văn hóa nghệ thuật ở lĩnh vực xuất bản sản phẩm âm nhạc còn chưa có sự cập nhật theo kịp thời đại thì gần như hoạt động phát hành MV trên mạng xã hội đều do cá nhân tự thực hiện, không cần qua bất cứ khẩu thẩm định, kiểm duyệt nào".
Anh khẳng định: "Cần có cách quản lý hữu hiệu, cần có những chế tài đủ mạnh để xử lý những hành vi được cho là vi phạm. Đây là một lỗ hổng cần phải lấp đầy để tránh những sản phẩm mang danh nghệ thuật xâm nhập vào đời sống và tác động đến lối sống của giới trẻ".
Nguyễn Hằng