Văn hóa ẩm thực Việt Nam, nổi tiếng khắp thế giới, không chỉ vì bản thân món ăn, mà còn là con người và nơi chốn. Sống ở Việt Nam đã mười năm nhưng trong tôi vẫn nguyên vẹn những trải nghiệm ban đầu của mình với nền ẩm thực tuyệt vời này.
Rất hiếm khi thấy một người Việt nào đi ăn một mình. Có lẽ, ăn một mình ở Việt Nam dù muốn thì cũng khó. Điều này rất hay, đặc biệt là đối với những người hướng nội. Người Việt Nam thích nói chuyện phiếm, hỏi thăm tình hình, đùa vui và đặc biệt bữa ăn luôn đầy ắp tiếng cười. Tất cả những điều này đều rất thú vị với người nước ngoài.
Nguyên do theo tôi cảm nhận là do văn hoá sống làng, xã, cộng đồng đã tạo nên bản chất hoà đồng của con người. Ở đất nước này hầu như không có khái niệm bữa ăn yên tĩnh, đơn độc bởi lúc nào cũng có trẻ nhỏ chạy nhảy, hò reo, mọi việc lớn nhỏ đều trở thành cái cớ để chúc mừng, ăn khao trong tiếng cười nói rôm rả suốt bữa ăn.
Mách nhỏ với bạn: Hãy học cách "nhập gia tuỳ tục". Vui mà!
Khi mới đến Việt Nam, tôi rất hay có dịp được ngồi ăn chung bàn với khoảng 5-10 người khác khi có các buổi trình bày, hội thảo. Đó có thể là bữa ăn trưa hoặc ăn tối. Có những bữa cơm với thực đơn được chuẩn bị sẵn, lại cũng có những bữa mỗi người gọi suất theo sở thích của mình.
Có lần, tôi gọi một suất cơm gà rưới một loại sốt nấu kiểu Tàu. Trước khi tôi kịp thưởng thức miếng gà đầu tiên thì người bạn cùng bàn đã bị thu hút bởi sự hấp dẫn của món gà và thốt lên: "Trông ngon quá!" và xin thử một miếng. Tôi liền nở nụ cười, trong đầu nghĩ rằng cô ấy sẽ đưa đĩa của mình cho tôi sẻ. Nhưng không, là tôi đưa đĩa của mình cho cô ấy. Và chiếc đĩa bắt đầu cuộc hành trình với 9 điểm dừng bởi ai cũng phải nếm một miếng. Cuối cùng nó trở về bên tôi với một chút thức ăn còn lại. Nhưng đừng buồn, đừng lo – đó mới là màn mở đầu cho cuộc hành trình của 9 chiếc đĩa còn lại – tất cả mọi người đều chia sẻ. Các chiếc đĩa cứ đi quanh bàn để ai cũng dịp được thưởng thức các món ăn của những người khác.
Mách nhỏ với bạn: Đừng nghĩ đơn giản ăn trưa là ăn những gì mình gọi. Ăn trưa là ăn buffet!
Làm khách ở Việt Nam, bạn sẽ không phải lo lắng gì khi ngồi vào bàn ăn. Kiểu gì cũng phải có vài phụ nữ ngồi cùng bàn với bạn và họ sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn. Mỗi lần đi ăn như vậy, sẽ luôn có một hoặc hai người phụ nữ tận tình chỉ cho tôi cách dùng đũa như một người Việt thực thụ. Nếu không tập thì quả là rất khó mà dùng đũa gắp được món lạc rang muối trên đĩa, gỡ xương cho món thịt, cá hoặc đơn giản là lấy được cơm vào bát của mình. Nhưng không phải lo nghĩ gì cả, những người phụ nữ cùng bàn đã thấu hiểu điều này và lập tức hành động trước khi bạn kịp nghĩ đến việc kiếm tìm sự trợ giúp.
Mách nhỏ với bạn: Luôn thể hiện tối đa sự bất lực – thể nào cũng có người giúp!
Khi đến dùng bữa tại nhà một người bạn, tôi đã gặp phải điều bất ngờ: bữa ăn được bày trên chiếu trải trên sàn nhà với các tấm đệm ngồi xếp xung quanh. Việc hạ tấm thân đồ sộ, già nua của tôi xuống là điều khá dễ dàng nhờ lực hấp dẫn. Nhưng khi ăn xong, tôi biết mình sẽ không thể bật dậy ngay như một thiếu niên được.
Vì vậy, tôi đợi cho đến khi tất cả mọi người đứng lên cả rồi mới rón rén nhờ người bên cạnh kéo giúp tôi một tay. Dĩ nhiên là anh bạn rất vui với đề nghị này. Vậy đấy, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, người Việt chưa bao giờ mất đi khả năng đứng lên ngồi xuống thoăn thoắt không mất một giọt mồ hôi. Kể cả những người cao tuổi cũng vậy.
Mách nhỏ với bạn: Đừng ngại thừa nhận thất bại và tìm kiếm sự giúp đỡ, hoặc tốt hơn nữa là dành ra vài tuần tập các bài Yoga chuyên sâu trước khi nhận lời mời ăn tối tại nhà bạn bè. Và nhớ đeo hai miếng đệm gối!
Chuyện nữa là đến thành phố nào của Việt Nam bạn cũng thấy ngay các điểm ăn uống vỉa hè khiến bạn khó cưỡng được sự hấp dẫn trước sự độc đáo này: những chiếc bàn và ghế nhựa bé xíu. Nếu lúc trước bạn đã nghe tôi khuyên tập Yoga rồi thì đừng lo: bạn sẽ dễ dàng ngồi xuống, đứng lên y như người Việt Nam. Tuy nhiên, hãy chuẩn bị tinh thần là bạn sẽ thưởng thức bữa ăn hoặc món đồ uống theo một cách rất đặc biệt: trong rất nhiều trường hợp đĩa bún hoặc cốc nước toạ lạc ngay trên đầu gối của bạn chứ không phải trên bàn ăn. Rồi nếu chiếc ghế được làm bằng loại nhựa tái chế nhỏ bé, mong manh kia không chịu nổi sức nặng của thân hình ngoại cỡ của ông Tây thì thực sự chẳng có cách nào mà đỡ nổi.
Mách nhỏ với bạn: Nếu ngồi ăn quán vỉa hè thì hãy chuẩn bị sẵn tinh thần cho tình huống "Hạ mông nơi vỉa hè".
Việc nâng cốc trong và sau bữa ăn là một nghi thức mang tính phong tục, và cũng gần như bắt buộc, chẳng thể chối từ. Đối với những người có tửu lượng khiêm tốn thì đây quả là vấn đề. Tốt nhất là bạn nên chuẩn bị sẵn một vài "ly rượu" bằng nước lọc để dùng đến khi cần thiết.
Màn chúc rượu này, trong nhiều trường hợp, là lúc để các bạn nhậu nâng ly chúc mừng hoặc trêu chọc khiến bạn phải đỏ mặt ngại ngùng – một cách hoàn toàn vô tư. Kiểu như có một lần có anh bạn mời tôi chạm ly và hỏi tôi nghĩ gì về vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam. Vợ tôi thì đang ngồi ngay bên cạnh. Tôi đã kịp tự thoát thân bằng cách quay sang vợ và những người phụ nữ cùng bàn và mời tất cả nâng ly chúc mừng vẻ đẹp của họ.
Mách nhỏ với bạn: Khi chúc rượu thì không cần bận tâm quá nhiều về những điều mình nói. Sáng hôm sau sẽ không ai nhớ nổi gì đâu!
Sau bữa trưa, toàn Việt Nam đóng cửa. Tôi sẽ không bao giờ quên cảnh đã chứng kiến khi tôi quay trở lại phòng hội thảo sau bữa trưa. Đèn tắt và rèm cửa được hạ xuống. Phòng tối om, không thể nhìn thấy gì khiến tôi nghĩ rằng đã bị mất điện.
Tôi lò dò quanh phòng và vấp phải thứ gì đó. Đó là một cơ thể người. Tôi giật mình lùi ra xa chỉ để chạm vào một cơ thể khác. Một ý nghĩ xẹt qua trong đầu khiến tôi hốt hoảng: có lẽ có khí ga độc rò rỉ khiến cả lớp bất tỉnh rồi chăng.
Tôi lập tức rút chiếc điện thoại Iphone của mình ra và bật đèn pin lên soi. Cả lớp đang người ngủ trên sàn, người nằm trên ghế. Tôi sững người trong vài phút để cân nhắc xem phải làm gì. Rồi đột nhiên, như được hẹn giờ, tất cả cùng thức giấc và chương trình buổi chiều lại tiếp tục.
Mách nhỏ với bạn: Đừng bao giờ tách đoàn và đi lang thang, hay tốt hơn nữa là cứ mang theo một cái gối và nhập hội.
Cách người Việt đánh giá món ăn có nhiều điểm khác với người phương Tây, điển hình là món gà. Ví dụ món lườn gà. Đặc trưng của ẩm thực Việt Nam là chân gà và cánh gà, chứ nhất định không bao giờ là lườn gà. Chân và cánh luôn được chế biến nguyên xương để đảm bảo vị ngon của món ăn (vợ tôi bảo vậy!). Một lần ăn phở gà ở trong phố, tôi mới hỏi anh chủ là tôi muốn bát phở của tôi chỉ ăn phần thịt lườn trắng có được không. Anh ấy ngạc nhiên nhìn tôi rồi cảm thán: sao lại có người thích cái phần thịt trắng nhạt nhẽo này mà lại không thích phần thịt liền xương ngon lành kia. Thế nhưng anh ấy vẫn rất vui vẻ phục vụ tôi bát phở lườn gà tuyệt diệu. Từ đó, tôi đã luôn mạnh dạn gọi món lườn gà mỗi khi đi ăn với vợ, mặc kệ những người bán hàng nhíu mày băn khoăn.
Giống như với nhiều người phương Tây khác, còn nhiều món gà nữa khiến tôi "chấn thương tinh thần". Hiểu rõ điều này nên ở nhà chúng tôi có một quy tắc thế này: Khi nào tôi nghe thấy vợ hoặc các con chỉ thị: Đề nghị ngồi im trên ghế, Không được vào bếp, Không được đến gần khu vực bàn ăn, Không được quay mặt lại đây… thì tôi cứ nên tuân thủ tuyệt đối. Chắc nhiều bạn đọc của tôi còn nhớ câu chuyện về con gà luộc ngồi trên ban thờ.
Trong những trường hợp có mệnh lệnh như vậy, nếu tôi không tuân thủ thì rất có thể tôi sẽ thấy con gà đó ngồi trong tủ lạnh, ngồi trên mặt bếp, rồi di chuyển ra bàn ăn và biến mất không để lại dấu vết. Tôi thực sự không muốn nhìn thấy cái mặt nó chiếu tướng tôi. Cái mặt không một nụ cười. Hoặc nếu không nghe lời mà cố tình quay lại, tôi cũng có thể phải chứng kiến những đôi chân, chắc phải của cả chục con gà, đang được xếp ngay ngắn trên bàn ăn. Thôi, tốt nhất là nghe lời vợ.
Sau mười năm tôi vẫn không ăn được, hay không dám ăn thịt gà luộc, chân gà, thịt gà đen, và trứng vịt lộn.
Mách nhỏ với bạn: Hãy cố gắng tìm hiểu càng nhiều càng tốt về các món ăn liên quan đến gà. Ăn hay không thì tính sau!
Chắc có lẽ ai cũng nghĩ theo cách thứ nhất - ở Việt Nam thì phải Việt hoá. Nhưng đôi khi lại là ngược lại. Chúng tôi đặt một chiếc bánh Pizza giao tận nhà của một Nhà hàng Tây với yêu cầu là không cho phô mai vào bánh, chỉ dung sốt cà chua. Đơn giản là vì tôi không thích ăn phô mai. Qua điện thoại, nhân viên nhận đơn hàng từ chối yêu cầu này với lời giải thích rằng bánh Pizza nhất định phải có phô mai mới là bánh Pizza. Chúng tôi vẫn cố giải thích và nài nỉ rằng do tôi dị ứng với phô mai nhưng lại thích ăn bánh Pizza nên muốn thay đổi như vậy. Nhưng vô ích. Bánh Pizza là phải có phô mai. Và đó là chiếc bánh chúng tôi nhận được.
Mách nhỏ với bạn: Đừng nghĩ rằng khách hàng luôn đúng!
Một trải nghiệm thú vị nữa là: người Việt thích cho đá vào bia. Thì đây là đất nước nhiệt đới mà. Người phương Tây thì lại có những cách thưởng thức khác nhau: người Anh thích uống bia hơi ấm; người Mỹ rót bia ra lúc bia còn lạnh rồi chờ hết lạnh mới uống. Tôi thì cho rằng uống bia như người Việt vẫn là đỉnh nhất. Sao lại có người uống bia ấm cơ chứ?
Các "sự cố" ẩm thực khác
Bạn hoàn toàn có thể gặp tai nạn bất ngờ chỉ vì chuyện ăn uống. Đừng bao giờ tự ý lấy chai nước mắm và rót thẳng lên đĩa thức ăn của mình. Đó là một thứ gia vị có hương vị "độc đáo" cần thời gian để làm quen. Hay khi nhìn đĩa gà xào sả thơm ngon trước mặt, nhớ đừng gắp sả, anh đầu bếp để đó cho vui mắt thôi. Nếu vẫn muốn thử, hãy cố gắng đừng quá đau khổ khi thấy mình đang nhai gỗ. Và vô cùng thận trọng khi ăn ớt Việt Nam – chúng rất nhỏ nhưng chỉ cắn một miếng thôi thì bao nhiêu lít sữa tươi cũng không đủ để ngăn cơn bỏng rát trong họng.
Và một sự hiểu lầm tai hại nữa của tôi là về món bánh chưng – nhờ có vợ tôi nên sự tích tôi cũng thuộc, văn hoá tôi cũng hiểu và ngấm, giờ chỉ nếm thử nữa thôi, chắc chắn là ngon rồi. Tôi hớn hở cắn một miếng bánh, và cả bữa ăn tôi im lặng không nói câu nào, phần bánh chưng cũng còn nguyên. Hai hàm răng của tôi đã gắn chặt lấy nhau. Tôi không thể mở miệng. Mười năm rồi đó là lần duy nhất tôi ăn bánh chưng.
Phở được coi là món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam. Điều này quá đúng: vì Phở quá ngon.
Chỉ có điều khiến người phương Tây thấy bất thường là người Việt ăn phở vào buổi sáng, buổi trưa, và buối tối luôn, lại trong cùng một ngày, rồi nhiều ngày liên tiếp. Và bữa nào cũng hào hứng như nhau. Bởi giống như những người Mỹ khác, tôi đã quen với những bữa sáng kiểu "thiếu lành mạnh" với một, hai, thậm chí ba chiếc bánh rán lấy ra từ ngăn tủ đông, hoặc thậm chí là một miếng bánh ngọt to tướng. Cắn miếng bánh mà còn thấy cả mùi vị hộp giấy.
Mách nước cho bạn: Ở Việt Nam rồi, hãy từ bỏ những món Tây vớ vẩn đi và chuyển sang ăn đồ Việt Nam lành mạnh mà ngon lành như Phở!