Minh đạo nhân sinh: Triết học gần kề - Triết gia là "bạn"?

23/08/2020 08:30
Minh đạo nhân sinh: Triết học gần kề - Triết gia là "bạn"?

Cuốn sách Minh đạo nhân sinh của hai tác giả Michael Puett và Christine Gross-Loh sẽ thể hiện một cách đầy đủ các tư tưởng và ứng dụng của chúng trong cuộc sống thường ngày.

Nếu cỗ máy thời gian của Doraemon thực sự tồn tại, bạn muốn quay lại thời điểm nào của dòng chảy quá khứ? Hay thứ làm bạn tò mò hơn cả là tương lai bạn sẽ thế nào? Có thành đạt không, lương bao nhiêu một tháng, có xe hơi, nhà lầu và những chuyến du lịch sang chảnh?

Nhưng bạn có nhận ra rằng, tương lai vốn là thứ chẳng thể đoán định, còn quá khứ lại có thể cho ta những bài học. Nếu được quay về quá khứ, quay lại hơn 2000 năm trước – thời đại của triết học cũng không phải ý tồi đâu nhỉ? Chắc hẳn bạn sẽ thắc mắc trở về thời kỳ “khủng long” như vậy thì học hỏi được gì, trở về gặp những nhà hiền triết trầm ngâm cả ngày đâu thể giúp chúng ta kinh doanh phát đạt. Có thể bạn đã lầm vì dòng chảy quá khứ và hiện tại luôn có điểm giao nhau nào đó. Con người cổ xưa đến hiện đại có thể thiên biến vạn hóa nhưng vẫn có sự trùng hợp căn cốt. Và những tư tưởng của các nhà triết học cổ xưa hoàn toàn có thể giúp ích được cho con người và xã hội hiện đại. Tất nhiên, bạn không cần đến cỗ máy thời gian để trở về 2000 năm trước và đàm đạo với Khổng Tử. Những cuốn sách sẽ giúp bạn điều đó.

Trước giờ tôi vẫn nghĩ chữ viết là một thành quả tuyệt vời của nhân loại nhằm kết nối quá khứ - hiện tại, và cả tương lai. Cuốn sách Minh đạo nhân sinh của hai tác giả Michael Puett và Christine Gross-Loh sẽ thể hiện một cách đầy đủ các tư tưởng và ứng dụng của chúng trong cuộc sống thường ngày. Thông qua cuốn sách, bạn sẽ thấy các nhà triết học phần nào bớt xa vời và khô khan như những bức tượng hay hình vẽ trên mạng.

Tác giả đã hoàn thành tốt việc truyền cảm hứng và kèo những con người của quá khứ tới gần hơn với bạn đọc. Và chúng ta sẽ nhận ra rằng họ cũng chỉ là con người bình thường, rằng “Mạnh Tử không phải Đức Phật thanh thản, không phải Đức Chúa vị tha. Ông cũng không hề là một người khôn ngoan, nhân từ và điềm tĩnh, ông chỉ tình cờ là một người tài giỏi, lanh lợi, mạnh mẽ, kiêu ngạo và phức tạp, một người đàn ông đã đấu tranh để đạt được đức nhân và đôi khi vẫn không thể sống theo triết lý của chính mình”.

Những suy nghĩ đầu tiên.

Minh đạo nhân sinh có thể là một tiêu đề khiến nhiều người bối rối trong việc cắt nghĩa. Mặc dù Việt Nam là nước vay mượn vốn từ Hán Việt khá nhiều (khoảng 60% theo nhiều bài nghiên cứu) nhưng thực sự một cụm từ như vậy không được coi là gần gũi. Ở đây, tôi hiểu nó là con đường sáng suốt trong quan niệm về sự sống của con người. Việc dịch tiêu đề sách từ tiếng Anh sang tiếng Việt khiến nó trở nên khó hiểu hơn. Mặc dù Minh đạo nhân sinh quả là một cái tên hay cho một đầu sách về nghệ thuật sống nhưng khiến cuốn sách trở nên xa vời. Trong khi đó, tên tiếng Anh của cuốn sách lại ngắn gọn và đủ để gợi mở ý nghĩa sâu sa - The Path (Con đường). Nhưng dù hiểu theo nghĩa nào thì đây cũng là cuốn sách dẫn chúng ta về “đạo”. Đạo chỉ có một hay có thể là nhiều con đường khác nhau và mỗi người sẽ có chiêm nghiệm cho bản thân sau khi đọc xong cuốn sách.

Tôi tin rằng bất cứ cuốn sách nào đến với thế giới này đều có sứ mệnh của riêng nó. Tất nhiên Minh đạo nhân sinh không phải ngoại lệ. Lý do vì sao cuốn sách ra đời được tác giả ghi ngay trong lời tựa mà bạn có thể bắt gặp ở những trang viết đầu tiên. Trước khi biết được lý do đó là gì, tôi muốn chúng ta cùng suy nghĩ một chút. Bạn đã bao giờ nghĩ Triết học là một môn học thú vị? Cụ thể là Triết học Trung Quốc? Rằng Khổng Tử, Lão Tử và các nhà hiền triết hơn 2000 năm trước sẽ giúp ích gì đó cho cuộc đời bạn?

Theo tôi quan sát từ chính những trải nghiệm học đường của bản thân thì tại Việt Nam, triết học không chiếm được cái nhìn thiện cảm của đông đảo các bạn học sinh, thậm chí nó là một môn học ám ảnh. Vậy mà cách chúng ta nửa vòng Trái Đất, lớp Triết học Trung quốc ở Đại học Havard mùa thu 2013 là lớp phổ biến thứ 3 chỉ sau kinh tế học và khoa học máy tính. Sự yêu thích đó là động lực cho cuốn sách ra đời. Bất cứ cuốn sách hay một tác phẩm nào cũng vậy, đều cần có đam mê, tình cảm và tâm huyết để tạo thành. Có thể là đau đớn, là yêu thương hay căm hờn, nhưng nó phải có thứ tình cảm xúc tác ấy. Tôi biết rằng không thiếu những tác phẩm, cuốn sách vì mục đích thương mại mà hời hợt và héo hắt trong cảm xúc. Nhưng không phải cuốn sách này.

Còn về Khổng Tử, Lão Tử và các triết gia khác, họ giúp ích được gì cho cuộc đời bạn? Vấn đề về nền tri thức trầm tích của Trung Hoa Dân Quốc từng gây tranh cãi trong giới trí thức. Nhiều người cho rằng Tứ Thư, Ngũ Kinh và kho tàng của cổ nhân để lại đã trói buộc sự sáng tạo và mở mang của nhân dân. Tất nhiên việc lấy sách cổ làm chuẩn mực của uyên bác không thể phân định rạch ròi đúng sai. Nó chỉ đúng khi những lời cổ nhân có thể ứng dụng vào thực tại thay vì cho nó là thước đo trí tuệ con người. Tôi nhớ từng có câu nói thế này: “Thứ gì có giá trị thì mới tồn tại đến bây giờ. Mà tồn tại được đến bây giờ thì nhất định phải có giá trị nhất định”. Do đó, tôi có một niềm tin rằng những tư tưởng của những nhà triết học Trung Quốc vẫn còn giá trị với nhân loại, thậm chí là “thay đổi cuộc đời” như tác giả có viết. Vấn đề không nằm ở bản thân những tư tưởng đó mà ở việc chúng ta hiểu và khai phá nó như thế nào.

Dù họ quyết định đi theo con đường tài chính hay nhân loại học, luật hay y học, thì những tư tưởng này cũng trang bị cho họ những công cụ khác và một thế giới quan khác với những gì họ từng biết, mở ra một cánh cửa mới về mục đích của cuộc sống và những khả năng vô hạn của nó.

Có thể nói, con người ngày nay và những nhà triết học cổ xưa tuy cách nhau về thời đại nhưng vẫn là những đường thẳng giao nhau. Nếu có thể nhận ra được sự liên kết đó thì chúng ta hoàn toàn có thể mở ra những khả năng vô hạn của bản thân cũng như cuộc sống.

Về tác giả, cuốn sách do Michael Puett và Christine Gross-Loh đồng sáng tác. Michael Puett là giáo sư môn Lịch sử Trung Quốc của khoa Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á, cũng chính là người thầy tuyệt vời trong lớp Triết học Trung Quốc tại Havard mùa thu năm ấy. Christine Gross-Loh là một phóng viên và nhà văn. Cô tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành lịch sử Đông Á tại trường Đại học Havard.

Trước khi bước chân vào thế giới tư tưởng triết học Trung Quốc, nếu bạn vẫn còn nghĩ đó là những lời phun châu nhả ngọc vô nghĩa lý trong một xã hội hiện đại, năng động thì bạn sẽ sớm tỉnh ngộ. Tôi dám chắc đây là một bất ngờ đầy mê hoặc từ cuốn sách.

Chúng ta thường liên tưởng triết học với những tư tưởng trừu tượng, thậm chí vô tích sự. Nhưng sức mạnh của các nhà tư tưởng trong cuốn sách này nằm ở chỗ họ thường minh họa cho những lời dạy của mình bằng các khía cạnh bình thường, cụ thể trong cuộc sống hằng ngày. Họ tin rằng chính từ cấp độ thường ngày ấy lại dễ dẫn đến những thay đổi lớn, và một cuộc đời viên mãn sẽ bắt đầu.

 

Về thời đại tự mãn và thời đại triết học.

Tác giả đã đưa ra 3 bằng chứng cho thấy chúng ta đang sống trong một thời đại tự mãn (cụ thể là từ sau thế kỷ 19). Trước cột mốc đó, chúng ta gọi là xã hội truyền thống với các cấu trúc được định sẵn. Khi ấy con người sống hòa hợp với vũ trụ thay vì là trung tâm của vũ trụ. Nếu từng học về nghệ thuật Trung Quốc cổ xưa thì thiên nhiên chính là chuẩn mực của cái đẹp và đủ thứ luật lệ khác. Nói một cách dễ hiểu đó là xã hội mà “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Không chỉ ở phương Đông mà các nước phương Tây cũng vậy. Đối với xã hội truyền thống như vậy, chúng ta nhìn về quá khứ với thái độ trân trọng nhưng khó nảy sinh ước muốn được sống trong đó, trừ phi bạn là một trong số ít ỏi những người theo chủ nghĩa hoài cổ.

Quan điểm ủy mị về xã hội cũ này cũng chẳng dạy được gì cho chúng ta. Nó chỉ đơn giản là biến cái gọi là xã hội kiểu cũ thành một thứ gì đó na ná những mảnh vụn hoài niệm luyến tiếc quá khứ. Chúng ta có thể đi đến viện bảo tàng, nhìn thấy một xác ướp Ai Cập và ta sẽ nghĩ: Thú vị làm sao. Với một món đồ tạo tác cổ đại của Trung Quốc? Trông cổ quái làm sao. Nó gợi tò mò để ta muốn ngắm nghía, nhưng chúng ta sẽ chẳng muốn quay lại thời đại đó – về cái thế giới mà món đồ đó đại diện. Chúng ta không muốn sống ở đó hay học hỏi bất cứ thứ gì từ những thế giới truyền thống ấy cả, bởi vì họ không hiện đại. Chúng ta mới là người khám phá ra mọi thứ, chứ không phải họ.

Nhưng như bạn sắp được biết ngay thôi, rằng nhiều định kiến của chúng ta về những xã hội “truyền thống” này là hoàn toàn sai lầm. Và chúng ta có thể học hỏi nhiều điều từ quá khứ.

Chúng ta nghĩ quá khứ đó không có gì đáng cho ta học hỏi? Và đây là 3 lầm tưởng của thời đại tự mãn hay theo cách gọi của tác giả là “những huyền thoại mà chúng ta yêu mến nhất”.

Huyền thoại 1: Chúng ta đang sống trong một thời kỳ tự do không giống bất kỳ thế hệ nào trước đây.

Con người của thời đại mới – con người của tự do. Có thể đúng là vậy, đặt trong tương quan với thế hệ xưa cũ – khi mà chế độ nô lệ vẫn tồn tại hay xã hội phong kiến nhiều lễ nghi hà khắc, rườm rà. Nhưng sự tự do chúng ta đang có liệu thực sự đủ để chúng ta kiêu ngạo? Sự tự do đó là trong tầm tay của loài người hay chỉ là một ảo tưởng vô vọng?

Nhưng khi đó chúng ta làm gì với những nỗi bất hạnh, rối loạn nhân cách ái kỷ và những nỗi lo âu đang tràn dâng trong thế giới phát triển này? Chúng ta được bảo rằng cứ làm việc chăm chỉ sẽ dẫn đến thành công, nhưng khoảng cách giàu nghèo vẫn gia tăng khủng khiếp, còn mức dịch chuyển xã hội lại trên đà suy tàn. Chúng ta được trang bị tất cả các loại thiết bị hấp dẫn và ấn tượng, chúng ta đã đạt được những tiến bộ y tế chưa từng có, nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng môi trường và nhân đạo ở quy mô đáng sợ (…)

Vậy chúng ta đã hiểu được bao nhiêu? Các nhà sử học sau này liệu  có nhìn nhận thời đại chúng ta là một thời kỳ thịnh vượng, bình đẳng, tự do và hạnh phúc? Hay thay vào đó họ sẽ xem giai đoạn đầu thế kỷ 21 là một thời đại tự mãn: một thời kỳ con người không có được hạnh phúc và sự mãn nguyện; khi họ phải chứng kiến những cuộc khủng hoảng ngày càng tăng nhưng không thể nào phản ứng lại và cảm thấy không có con đường thay thế nào là khả dĩ?

Và câu hỏi đặt ra là: Chúng ta có thực sự tự do như ta vẫn hằng nghĩ? Cuốn sách sẽ đưa ra những con đường thay thế cho thời đại tự mãn, những quan niệm để sống sao cho tốt hơn.

Huyền thoại 2: Chúng ta biết cách xác định phương hướng cho đời mình.

Cách chúng ta nghĩ mình đang sống thật ra không phải là cách ta sống. Cách chúng ta nghĩ mình đưa ra quyết định không phải là cách ta ra quyết định.

Chúng ta chỉ nghĩ mình có thể ra quyết định chắc chắn về điều gì đó và xác định mọi hướng cuộc đời mình. Nhưng sự thật đâu có như vậy. Chẳng phải đôi khi bạn nghĩ mình sẽ ngồi vào bàn học nghiêm chỉnh từ 8h nhưng lại chơi game đến 12h đêm rồi đi ngủ đấy thôi. Hay những lúc bạn nghĩ mình sẽ đi học đúng giờ nhưng lại trốn tiết rủ lũ bạn đi chơi. Vân vân và mây mây những chuyện dù bạn có ra quyết định nhưng mọi thứ vẫn đi chệch hướng. Thấy chưa, đó chỉ là những ví dụ nhỏ nhặt trong cuộc sống thường nhật cho việc mọi thứ không như những gì ta nghĩ và con người thường sống trong những ảo tưởng do chính mình tự tạo ra. Chắc hẳn bạn đã nghe đến vấn đề giới trẻ ngày nay chỉ ảo tưởng là mình đang nỗ lực? Bạn mua thật nhiều sách nhưng chẳng bao giờ đọc. Bạn nghĩ mình thức khuya để học thêm kiến thức nhưng phân nửa thời gian là ngồi lướt facebook. Bạn chỉ tưởng là mình vẫn đang cố gắng mà thôi.

Vậy thì, giải pháp hợp lý bạn có thể tìm thấy như thế nào?

Nhìn thấy những hạn chế của cách tiếp cận này, các triết gia Trung Quốc đã tìm kiếm những cách thay thế. Đối với họ, câu trả lời nằm ở việc mài giũa bản năng của chúng ta, rèn luyện cảm xúc và dấn thân vào một quá trình tự tu tự dưỡng không ngừng để cuối cùng, trong những khoảnh khắc vừa mang tính quyết định vừa trần tục, chúng ta sẽ phản ứng theo cách đúng đắn và hợp đạo đức với từng tình huống cụ thể.

Huyền thoại 3: Sự thật về việc chúng ta là ai nằm trong chính chúng ta.

Càng ngày chúng ta càng được yêu cầu phải tìm kiếm sự thật cao hơn bên trong bản thân. Hiện nay, mục tiêu mà một người cần tự thực hiện là tìm ra chính mình và sống cuộc đời mình một cách “chân chính”, theo một sự thật bên trong.

Sự nguy hiểm của điều này nằm ở niềm tin rằng tất cả chúng ta sẽ biết được “sự thật” của mình ngay khi nhìn thấy nó, và rồi giới hạn cuộc sống của chúng ta theo sự thật đó.

Câu hỏi “Tôi là ai?” luôn là một vấn đề triết học muôn thuở. Con người từ xưa đến nay luôn trăn trở đi tìm câu trả lời cho sự nghi vấn đó. Cũng vì suy tư vì nó mà con người mới chính là con người. Chúng ta đi sâu vào tâm thức để lắng nghe và khám phá bản thân. Nhưng điều này cũng là con dao hai lưỡi. Chúng ta nhận ra được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân sẽ giúp chúng ta phát triển tốt hơn hay lại là hàng rào giới hạn bản thân chúng ta? Điều quan trọng, chúng ta nhận ra điểm mạnh điểm yếu của bản thân nhưng nó chỉ có tính thời hạn. Bạn có thể là một người nóng tính trong một khoảng thời gian nhưng không phải năm sau hay cả đời bạn sẽ cáu gắt. Điều đáng sợ nhất khi bạn khám phá ra mình là một người có tính khí nóng nảy chính là nghĩ mình sẽ như thế cả đời. Con người là tập hợp vô hạn những khả năng. Bạn yêu tự do? Hãy giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc. Tất nhiên, điều này không dễ dàng và cần thời gian dài. Những tư tưởng trong cuốn sách sẽ có thể giúp ích cho bạn phần nào trên hành trình thay đổi.

Đó là thời đại tự mãn. Còn về thời đại triết học thì sao?

Thời đại triết học được tác giả phát hiện ra khi thực hiện một lát cắt ngang lịch sử nhân loại. Đó là thời đại của Socrates, Đức Phật và Khổng Tử.

Nhiều người trong chúng ta nghĩ toàn cầu hóa là một hiện tượng riêng biệt của thế giới hiện đại, rằng công nghệ và ngành hàng không đã mở ra một kỷ nguyên mới nơi các xã hội khép kín cuối cùng cũng có thể kết nối với nhau. Nhưng nếu vậy thì tại sao Khổng Tử, Socrates và Đức Phật lại nói về những vấn đề triết học tương tự nhau vào cùng thời điểm hai ngàn năm trăm năm trước, dù ba vị sống ở những địa điểm hoàn toàn khác biệt, cách nhau rất xa và nói những ngôn ngữ hoàn toàn riêng biệt?

Để lý giải câu hỏi trên, cuốn sách đã chứng minh cặn kẽ bằng lịch sử xã hội thời buổi đó, về nền văn hóa mà các nhà tư tưởng sinh sống. Bên cạnh đó, những biến động xã hội cũng như sự trải nghiệm thực tế đã tôi luyện cho những nhà tư tưởng sự thực tế và cụ thể. Họ không đặt những câu hỏi kỳ vĩ lớn lao mang tầm vóc vũ trụ đầy huyền bí mà chất vấn từ những điều giản đơn ngay trong cuộc sống thường nhật. Nếu bạn từng biết sơ qua về Phật giáo, bạn sẽ thấy rằng đạo Phật đặt ra những câu hỏi nhằm giải quyết những vấn đề ngay trong chính bản thân chúng ta như “Tại sao chúng ta đau khổ?” hay “Làm thế nào để có được hạnh phúc?”. Chính từ những câu hỏi như vậy mới xuất hiện những khám phá đầy cảm hứng về tiềm năng trở nên tuyệt vời và tốt đẹp của mỗi người.

Tôi đã học được gì từ các nhà tư tưởng?

Khổng Tử và các lễ nghi “như thể” sẽ giúp giải quyết các mối quan hệ.

Con người là sinh vật có tập tính bầy đàn. Chúng ta có thể thích ở một mình nhưng chẳng ai sống một mình được cả. Dù ít hay nhiều, sự sống của ta, và những người xung quanh đều có sự dao động lẫn nhau. Các mối quan hệ trong đời sống có thể ảnh hưởng tích cực nhưng cũng đem lại lắm phiền toái. Vậy thì, Khổng Tử đã giúp chúng ta như thế nào trong việc hòa giải các mối quan hệ để có một cuộc sống yên bình?

Trước tiên cần lý giải định nghĩa “thế giới phân mảnh” trong thế giới triết học cổ xưa.

Cuộc sống diễn ra thế này: Người ta gặp nhau hết lần này đến lần khác, phản ứng bằng vô số cách và liên tục dao động cảm xúc. Không ai có thể thoát khỏi điều này, dù là một đứa trẻ chơi trên sân hay lãnh đạo của một cường quốc. Mỗi sự kiện của con người được định hình bởi thế giới cảm xúc mà chúng ta trải nghiệm. Nếu cuộc sống của con người bao gồm những lần va chạm với nhau liên miên không dứt và phản ứng một cách thụ động, chúng ta sẽ sống trong một thế giới phân mảnh, trong đó chúng ta bị những sự kiện khác nhau vùi dập không ngừng.

Có thế thấy, thế giới không phải trật tự hài hòa và được định hình sẵn, cho dù trong xã hội truyền thống con người đã cố gắng làm điều đó. Trong một thế giới phân mảnh với muôn vàn phản ứng, cảm xúc khác nhau, chúng ta làm gì để có được cách đối đạp tốt đẹp với những người xung quanh? Đó chính là “lễ nghi”. Chúng ta không nên nghĩ rằng từ “lễ nghi” quá khuôn phép và phong kiến hay chỉ những hội nghị cấp cao – nơi những quý ông mặc vest bị camera chiếu rọi mới cần cư xử có lễ nghi. Chúng ta – những con người bình thường, có thể là bà mẹ mặc tạp dề, là đứa trẻ khoác balo đi học, đều cần có lễ nghi để trung hòa cảm xúc. Lễ nghi “như thể” được nhắc tới trong cuốn sách, theo tôi hiểu, giống như một trò chơi đóng vai. Tác giả có lấy ví dụ về trò chơi trốn tìm giữa một đứa bé (người đi tìm) và một người lớn (người đi trốn). Khi đó, đứa trẻ bình thường yếu đuối sẽ trở thành một người mạnh mẽ, thắng được người lớn bằng cách tìm thấy anh ta. Việc nghịch đảo vai trò này giúp đứa trẻ thoát vai thực tại và khám phá bản thân ở một vai trò mới. Mở rộng hơn của lễ nghi “như thể” phải chăng chính là sự thấu cảm giữa các mối quan hệ? Và chìa khóa của hòa giải các mối quan hệ chính là đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu họ hơn?

Về những quyết định: Mạnh Tử và thế giới thất thường.

Như trên tôi có đề cập, những gì chúng ta quyết định chưa chắc sẽ xảy ra theo ta nghĩ. Tất nhiên, chúng ta không nên bi quan về điều này, cũng không nên bảo thủ về quyết định của mình vì “Mạnh Tử sẽ lập luận rằng chính những điều chúng ta tin là đúng khi lên kế hoạch cho đời mình, trớ trêu thay, cũng là những điều đã giới hạn chúng ta”.

Nếu như Khổng Tử cho chúng ta định nghĩa về “thế giới phân mảnh” thì Mạnh Tử sẽ giúp ta biết về “thế giới nhất quán” và “thế giới thất thường”. Thế giới nhất quán là những gì chúng ta tin rằng mọi thứ sẽ ổn định, nằm trong tiên lượng của ta về tương lai. Nhưng Mạnh Tử lại có một cái nhìn khác biệt.

Ông nhìn nhận thế giới này là một nơi thất thường. Làm việc chăm chỉ không nhất thiết sẽ dẫn đến sự thịnh vượng. Những hành vi xấu không nhất thiết sẽ bị trừng phạt. Không có sự đảm bảo cho bất cứ điều gì; không có sự nhất quán ổn định và bao quát khắp thế giới để người ta có thể trông đợi. Thay vào đó, Mạnh Tử tin rằng thế giới này bị phân mảnh, hỗn loạn không ngừng và cần được tác động liên tục. Và chỉ khi hiểu rằng không có gì ổn định, chúng ta mới có thể đưa ra quyết định và sống cuộc sống của mình theo cách cởi mở nhất.

Đúng như cuốn sách có viết, đây là một “ý tưởng gây bất an”. Bất an vì nó dường như đi ngược lại đám đông và điều này thực khó chấp nhận. Hãy nhìn Galileo, chắc hẳn bạn biết tôi đang nói đến điều gì? Không phải nhắc lại rằng Trái Đất quay quanh Mặt Trời mà muốn nhấn mạnh hệ quả nguy hiểm của việc đi ngược lại với đám đông, với những định kiến thâm căn cố đế của con người. Chúng ta được dạy về luật nhân quả, được học đạo đức và thuộc lòng quy tắc nếu ngoan thì được thưởng còn hư sẽ bị phạt từ thời ấu thơ. Tuy nhiên, tư tưởng này được Mạnh Tử cắt nghĩa một cách minh bạch. Nó giúp chúng ta mở rộng thế giới quan của mình: “Trên thực tế, Mạnh Tử tin rằng người ta chỉ có thể trở nên đạo đức khi họ không nghĩ rằng có tồn tại bất kỳ hệ thống khen thưởng và trừng phạt cố kết nào. Xét cho cùng, nếu bạn tin rằng có một hệ thống như vậy tồn tại, bạn sẽ không phấn đấu để trở thành một người tốt hơn; bạn sẽ chỉ hành động để giành lợi ích cho bản thân”. Vốn dĩ ranh giới giữa tốt – xấu rất mong manh và dễ bị lợi dụng, vậy thì chúng ta lấy gì đảm bảo hệ thống phần thưởng và trừng phạt ấy phù hợp với mọi cá thể, mọi hoàn cảnh? Do vậy, Mạnh Tử hướng chúng ta về việc tu dưỡng tâm - trí như một để có thể ra quyết định một cách hợp tình hợp lý nhất.

Về tính tự nhiên: Trang Tử và một thế giới biến đổi.

Bạn nghĩ sao về một lối sống thuận tự nhiên? Và quan điểm về tự nhiên của Trang Tử có điểm gì đặc biệt?

Chúng ta thường nghe từ thuận tự nhiên, và chúng ta đang sống trong một nền văn hóa tôn sùng sự tự nhiên mà. Chúng ta thấy chán nản một cách dễ hiểu. Chúng ta thấy quá nhiều quy tắc ngột ngạt. Chúng ta ngưỡng mộ người tự do về tư tưởng, những người dám khác biệt, những thiên tài đơn độc dám bỏ ngang đại học để khởi nghiệp. Chúng ta đánh đồng tính thuận tự nhiên với việc khẳng định bản thân, tăng thêm hạnh phúc và thỏa mãn cá nhân.

Vì vậy, bạn có thể nghĩ: Được rồi, mình sẽ chỉ thuận theo tự nhiên và làm bất cứ điều gì mình thích. Bạn có thể dừng công việc đang làm và bay nhảy; bạn có thể bỏ việc, vội vàng gom góp tiền tiết kiệm rồi làm một chuyến du lịch vòng quanh thế giới. Đó có phải là thuận tự nhiên không? Sự thật là không, đối với Trang Tử là không. Quan diểm về thuận tự nhiên của chúng ta gần như trái ngược với Trang Tử. Tự nhiên đối với ông không phải là làm bất cứ điều gì chúng ta muốn vào bất cứ lúc nào tùy thích.

Nhiều người từng biết về gã mơ Alexander Lang Thang từ bỏ cuộc sống đô thị để “đi theo tiếng gọi nơi hoang dã”. Chúng ta đều công nhận đó là một cuộc sống nên thơ, một cuộc sống bước ra từ những trang tiểu thuyết của Jack London. Nhưng không phải ai cũng sống được như vậy và quan trọng hơn, không phải bỏ nhà bỏ xe đi vào rừng sống thì mới được coi là thuận theo tự nhiên. Tính tự nhiên thể hiện ngay trong chính cuộc sống thường nhật, trong cách chúng ta làm việc nơi công sở, hoàn thành bài tập về hay đơn giản là nấu một bữa tối ngon lành. Cá nhân tôi nghĩ rằng, sự tự nhiên nằm ở tâm trí bạn khi làm bất cứ điều gì trong cuộc sống hằng ngày. Một ví dụ đơn giản là, nếu bạn định đi chơi và trời đột nhiên mưa thì bạn sẽ làm gì? Một cách sống thuận tự nhiên chính là không phiền não về cơn mưa đó. Nếu bạn muốn, thì bất chấp trời mưa để đi. Còn không, bạn có thể ở nhà và làm nhiều thứ khác như xe một bộ phim của Woody Allen, nhâm nhi một ly cà phê Trung Nguyên. Cơn mưa cắt ngang kế hoạch A của bạn, nhưng bạn hoàn toàn có thể tạo ra kế hoạch B, C hay D khác thậm chí còn thú vị hơn. Chẳng phải sao nếu cơn mưa đó giúp bạn có được khoảng không gian thật lãng mạn? Đối với tính thuận tự nhiên, chúng ta đều có thể rèn luyện qua thời gian. Một bản piano tập thật nhiều rồi sẽ trở nên tự nhiên. Một món ăn nấu nhiều lần rồi cũng sẽ tự nhiên đúng hương vị. Và thứ khiến bạn nhớ về Trang Tử chính là một thế giới biến đổi, là dòng chảy. Bạn làm việc gì đó nhiều lần, thích nghi và mọi thứ như một dòng chảy bất tận trơn tru.

Lời kết.

Trong cuốn sách cũng đề cập tới tư tưởng của hai triết gia lớn khác nhưng tôi nghĩ mỗi người sẽ đọc tiếp và tự có những chiêm nghiệm cho riêng bản thân. Trong phần cuối cùng của cuốn sách mang tên “Kỷ nguyên của những khả năng” giống như một đề tài bàn luận ngắn, một sự tiên tri của tác giả của thời đại hiện nay.

Tôi tin Minh đạo nhân sinh là một cuốn sách giá trị và đáng đọc. Nó không phải là Kinh Thánh, không thể có tác dụng giúp bạn an thần hay tìm được hạnh phúc chỉ sau khi đọc. Nó bắt bạn phải suy nghĩ, phải trầm tư và nhìn lại. Nhưng đó không phải điều gì không tốt. Vì một khi con người tự suy tư thì mới có thể tự tìm ra con đường cho riêng mình. Và bạn biết không, con đường mình tự tìm ra mới có khả năng chiếu sáng và dẫn lối cho tâm trí chúng ta. Phải chăng, chữ “Đạo” nằm trong chính bản thân mỗi người, thay vì là những con đường ngoại cảnh?

Sau tất cả, hành trình trở về quá khứ hơn 2000 năm ấy hoàn toàn xứng đáng để chúng ta trải nghiệm.

Review chi tiết bởi: Mai Trang - Bookademy


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025