Minh đạo nhân sinh - Hãy thôi truy tìm bản ngã

27/07/2020 08:30
Minh đạo nhân sinh - Hãy thôi truy tìm bản ngã

Tại sao môn học về những triết gia phương Đông lại bỗng dưng trở nên thu hút sinh viên ở Harvard? Những giáo điều trong việc thực hành những phép tắc lễ nghĩa phương Đông truyền thống có ý nghĩa gì với mỗi cá nhân đang đi tìm hạnh phúc trong một thế giới kết nối, nhưng cũng đầy bất trắc ngày nay.

           

Tôi là ai? Điểm mạnh, điểm yếu của tôi là gì? Ai đó từng khuyên là hãy chấp nhận con người bạn, cả những điểm yếu và tính xấu. Nếu những câu hỏi trên đã từng xuất hiện trong đầu bạn thì có thể bạn đang tin vào cái gọi là bản ngã, một khuôn mẫu nào đó được dựng sẵn cho cuộc đời của mình.

Nhưng theo giáo sư Michael Puett, chuyên ngành Lịch sử & Nhân học phương Đông, sau nhiều năm nghiên cứu tác phẩm của những nhà tư tưởng vĩ đại của Trung Quốc như Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử… cái gọi là “bản ngã” mà bạn đang truy vấn, được tìm thấy vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời thực-chất-chỉ-là-một-thực-thể-tạm-thời đang tồn tại trong một tình huống cụ thể. “Cái tôi đích thực” hay con người thật đó của chúng ta, nếu có, nên được hiểu theo một cách khác: nó không bao giờ cố định, nguyên vẹn, bất biến, mà ngược lại, luôn luôn thay đổi, thích ứng và hoàn thiện hơn qua nhiều hoàn cảnh thử thách khác nhau của cuộc sống, tuỳ thuộc vào việc chúng ta có cởi mở trước những thay đổi hay không.

Là giáo sư của trường đại học danh tiếng, sinh viên tham dự chật cứng giảng đường mỗi khóa, ông hiểu hơn ai hết vì sao giới trẻ lại quan tâm đến môn học mà trước đây từng bị “xa lánh”. Sống trong “thời đại tự mãn” này, một thế giới là bất định, bị phân mảnh và không thể kiểm soát thì sự hoang mang càng dễ bị kích động. Các tư tưởng triết học phương Tây đã không còn là cứu cánh. Giáo sư Puett đi tìm câu trả lời từ phương Đông xa lạ. Ông thấy rằng ở Trung Hoa 2000 năm trước, Khổng Tử (rồi sau là Mạnh Tử, Tuân Tử…) cũng đã qua những giai đoạn đầy biến động. Các vị ấy đã nghiệm ra khi không thể hy vọng giải quyết được những vấn đề lộn xộn ở tầm vĩ mô, thì điều duy nhất chúng ta có thể làm là chuyển hướng sự chú ý của chúng ta đến những chi tiết vụn vặt trong cuộc sống hàng ngày – đó là thực hành lễ nghi.

Trong sách, giáo sư Puett chỉ ra rằng, với phương Đông, ĐẠO, nếu cố gắng nhìn nhận nó như một tôn giáo thì đây là tôn giáo của thói quen đạo đức và lễ nghĩa chứ không phải là một tôn giáo của hệ thống đức tin (như Kitô giáo hay Hồi giáo ở Phương Tây). Lẽ đương nhiên, “Minh đạo nhân sinh” chỉ là một cách đọc triết học cổ điển Trung Hoa dưới con mắt của học giả phương Tây trong bối cảnh đương đại.

Giáo sư Puett và cộng sự của mình, Grosh-Loh, phóng viên – nhà văn cũng tốt nghiệp tiến sĩ chuyên nghành Đông Á tại Harvard đã cố gắng chỉ ra cho chúng ta thấy những triết thuyết được viết ra cách đây hàng ngàn năm gợi ý cho chúng ta những góc nhìn mới với những vấn đề ngày nay. Khổng Tử dẫn dụ thông qua hàng loạt giai thoại về thực hành lễ nghĩa trong cuộc sống thường nhật, còn như Mạnh Tử khuyên chúng ta hằng ngày tu dưỡng tâm trí để nuôi dưỡng mầm tốt “nhân chi sơ tính bổn thiện”, hay Tuân Tử kêu gọi chúng ta tu dưỡng tính cách bẩm sinh để cộng hưởng với thế giới xung quanh… điều đó sẽ giúp chúng ta có ý thức trau dồi kỹ năng giao tiếp và những kỹ năng đó sẽ giúp chúng ta nhận diện được một tình huống trong sự phức tạp về cảm xúc và cấu trúc của nó. Và khi đạt đến độ tinh tế thì chúng ta ứng xử không phải bằng cảm xúc bộc phát nữa mà bằng phép tắc theo hướng xây dựng mối quan hệ tốt lên.

Tác giả cũng cố gắng cân bằng những trích dẫn từ văn tự cổ xưa với việc đưa vào những ví dụ từ cuộc sống đời thường. Như việc, bạn có bị mẹ dán cho nhãn là đứa con hư? Hay bạn nghĩ mẹ là người hay lải nhải. Hãy chấp nhận rằng mẹ bạn cũng là một người phức tạp và đa diện. Mẹ cằn nhằn bạn cũng là vì muốn dưỡng dục bạn mà thôi. Đó là bức tranh lớn mà mẹ bạn muốn vẽ nên... Vấn đề của bạn là “biết ơn” và “lùi lại 1 bước” để lắng nghe cảm nhận tình yêu thương của mẹ chứ không phải quay ra khích bác mẹ. Và rèn được đến đây thì chắc bạn sẽ hiểu được sức mạnh nằm ở chữ “nhu” của Lão Tử, hay bạn đã thử đặt mình vào vai trò của mẹ như Trang Tử đề xuất.

Trong thời đại kết nối này, hạnh phúc đã tự lúc nào trở thành phạm trù ngự trị trong ngôi đền thiêng của triết học. Tư tưởng triết học phương Tây cho rằng “biết bạn là ai có thể khiến bạn hạnh phúc”. Nhưng khi tham chiếu hệ thống tư tưởng triết học Trung Hoa cổ đại, vốn sinh ra để giải quyết những vấn đề của xã hội đương thời “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, giáo sư Puett rút ra bài học khác: “Đừng tìm kiếm bạn là ai, chứ chưa nói đến việc nắm lấy những gì bạn tìm thấy. Thay vì lựa chọn cách chấp nhận bản thân, hãy chọn cách tu dưỡng mình. Thay “ôm ấp” chấp nhận những mặt xấu của mình thì hãy luôn phấn đấu vượt qua, hành trình biến đổi ấy bạn sẽ trưởng thành vững vàng hơn. Đó có thể là con đường mang tên hạnh phúc mà bạn đang tìm kiếm.

Minh Luân

Nhập mã MGG5FN giảm thêm 5% khi mua sách Minh Đạo Nhân Sinh tại: https://bit.ly/minhdaonhansinh-fhs. Thời gian sử dụng đến ngày: 15/8/2020.


Gửi bình luận
(0) Bình luận