Từng bỏ học đại học sau hai tuần
Khi còn là cậu học sinh Tiểu học và tham gia vào đội văn nghệ của trường, Phạm Tiến Thành (sinh năm 1999, sinh viên chuyên ngành Biên đạo múa đại chúng, khoa Múa, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội ) đã yêu thích môn nghệ thuật múa và mong muốn trở thành một diễn viên, biên đạo múa chuyên nghiệp.
Tân thủ khoa kể: "Trong những năm học THPT, tôi đi học về qua quảng trường 19/8 (Yên Bái). Hình ảnh những diễn viên múa tập luyện dưới ánh đèn sân khấu đã níu tôi đứng lại. Có những lần tôi đứng xem tới khuya, khi mọi người đã về hết. Tôi ao ước được đứng trên sân khấu, được biểu diễn trước hàng nghìn khán giả...".
Với niềm đam mê nghệ thuật múa ngày một lớn, năm lớp 12 cậu quyết định thi vào trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ của mình.
Tiến Thành tâm sự: "Khi biết tôi có dự định theo đuổi con đường nghệ thuật, gia đình đã khá lăn tăn. Có nhiều ý kiến cho rằng con trai không nên học múa: "Con trai phù hợp với các ngành kinh tế hơn", "học văn hóa cũng giỏi, sao không thi các trường đại học khác mà lại theo nghệ thuật", "nghề này "bạc" lắm, chỉ mua vui cho người xem thôi"..."
Theo mong muốn của gia đình, cậu đã nhập học vào Đại học Công đoàn.
Tuy nhiên, chỉ sau hai tuần, Tiến Thành đã bỏ học và quyết định trở về với đam mê của mình: "Cảm nhận được niềm đam mê mãnh liệt với múa đang cháy trong mình nên tôi đã quyết tâm theo đuổi nó. Đến với múa, tôi được thỏa sức sáng tạo, được là chính mình, được nói lên những tâm sự mà mình đã kìm nén và đến gần hơn với mọi người".
Khi ấy, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, ngôi trường mơ ước của Thành vẫn đang tuyển sinh và nam sinh đã nằm trong top 5 thí sinh có điểm thi đầu vào cao nhất, trở thành sinh viên khoa Múa, chuyên ngành Biên đạo múa đại chúng.
Tiến Thành chia sẻ: "Khi biết mình quá đam mê với nghệ thuật múa và có điểm thi thuộc top 5 của trường, bố mẹ mình cũng mừng, dần dần thay đổi suy nghĩ và phần nào ủng hộ mình theo đuổi con đường nghệ thuật. Tuy nhiên, bố có nói với mình một câu mà mình vẫn nhớ như in: "Nếu con đã quyết tâm chọn nghề này thì sướng khổ là do con quyết định!". Câu nói của bố đã thôi thúc và tạo động lực cho mình, nhắc nhở mình phải thật cố gắng để chứng minh cho bố mẹ thấy con đường mình chọn là đúng".
Trong thời gian học tập tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh, Phạm Tiến Thành đã đi diễn ở các chương trình, sự kiện. Công việc này không những cho Thành kinh nghiệm mà giúp cậu có thêm thu nhập để chi trả học phí và phí sinh hoạt. Từ khi lên đại học, Thành đã tự chủ tài chính và không cần chu cấp từ gia đình.
Bên cạnh đi làm thêm, Tiến Thành còn dành thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa và tình nguyện như: tiếp sức mùa thi, hiến máu nhân đạo, hỗ trợ đồng bào địa phương khắc phục khó khăn sau thiên tai, tham gia biểu diễn tại chương trình gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung năm 2020…
Tháng 9 năm nay, Thành tham gia phòng chống dịch Covid-19 ở địa phương, trực chốt bảo vệ vùng xanh theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
"Mình đã được trải nghiệm rất nhiều qua các chương trình thiện nguyện và hoạt động ngoại khóa. Từ đó, mình sống có trách nghiệm hơn và mong muốn được cống hiến thật nhiều cho xã hội", nam thủ khoa cho biết.
Để cân bằng giữa học tập và những công việc khác, nam sinh viên tập chung hoàn thành bài tập một cách hiệu quả và nhanh chóng để có thời gian cho các hoạt động xã hội. Đồ án tốt nghiệp của Thành - tác phẩm "Hàn Mặc Tử" được cậu dựng và tập chỉ trong 6 tiếng và đã đạt được điểm số 9,5/10.
Đổ máu, mồ hôi và nước mắt trên con đường theo đuổi đam mê múa
Bắt đầu học múa chuyên nghiệp ở một độ tuổi thể chất đã phát triển, khung xương đã cứng, Tiến Thành đã gặp khá nhiều bất lợi trong việc luyện tập và thực hiện các động tác kĩ thuật khó.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nam thủ khoa bày tỏ: "Ngày ngày sau khi học văn hóa, tôi lại đến phòng tập. Có những lần ép dẻo khiến bản thân như bị giằng xé. Dựa tường hàng tiếng đồng hồ để lưng được thẳng, tập bẻ cong lưng, duỗi thẳng chân phải nhờ bạn bè ép... Nước mắt rơi trên sàn tập nhiều hơn cả mồ hôi, thậm chí phải đổ cả máu, rủi ro tai nạn là điều thường xuyên xảy ra.
Có những hôm trật khớp, căng cơ khiến việc đi lại rất khó khăn. Nhiều khi cũng chán nản, thất vọng về bản thân vì không làm được như mình mong muốn, nhưng không bao giờ mình nghĩ đến việc bỏ cuộc. "Hãy cố gắng lên Thành, mày hãy chứng minh cho mọi người thấy mày làm được điều đó!", mình tự nhủ với chính bản thân như vậy mỗi khi vấp ngã."
Tiến Thành cho biết, khoảng thời gian khó khăn nhất là khi cậu xây dựng tác phẩm để thi hết môn biên đạo. Vì đặc thù môn học nên từ ý tưởng đến kịch bản, tất cả phải thật phong phú, mới lạ và liên kết với nhau. Với những bài thi cần nhiều người thực hiện...
"Đã có nhiều lần, chúng mình phải ăn ngủ ngay tại sàn tập. Có những buổi, mình và các bạn tập từ 8 giờ sáng hôm nay đến 1-2 giờ sáng hôm sau để hoàn thiện bài thi. Vì thế, các sinh viên thường hay đùa với nhau rằng "trường là nhà".
Những lúc ấy, cũng chỉ biết tự nhắc bản thân phải cố gắng cố gắng, cố gắng thật nhiều để vượt qua những khó khăn và thử thách ấy", Thành chia sẻ.
Hiện tại, tân thủ khoa đang tìm cho mình các cơ hội việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp. Trong tương lai, Tiến Thành dự định sẽ học lên cao hơn để "sống thật lâu" với nghề múa: "Mặc dù nghề múa rất khó khăn và "bạc" nhưng mình chưa bao giờ cảm thấy chán nản với nghề. Thậm chí, mình ngày một yêu hơn, đắm đuối hơn. Bởi vì, mỗi khi được đứng trên sân khấu - "thánh đường nghệ thuật", mình lại được thăng hoa và được sống là chính tôi".
Thành tích tiêu biểu của Phạm Tiến Thành
Nhật Chung