Phải chăng khi ấy tất cả quân đội Sài Gòn đã mất hoàn toàn sức chiến đấu? Không hẳn!
Trước khi ông Dương Văn Minh và nhóm của ông quyết định ra nắm quyền, các lực lượng chính trị ở Sài Gòn khi ấy cũng có nhiều phe phái muốn “tử thủ”, muốn giành quyền. Trong Hồi ký không tên, Lý Quý Chung cho biết tháng 2.2004, khi ông gặp ông Nguyễn Cao Kỳ trong chuyến ông Kỳ trở về quê hương lần đầu sau năm 1975, ông có hỏi ông Kỳ trong một buổi ăn trưa về việc ông Kỳ dự tính đứng ra lãnh đạo quân đội những ngày cuối tháng 4.1975, ông Nguyễn Cao Kỳ đã xác nhận với Lý Quý Chung rằng khi ông Trần Văn Hương vừa lên thay ông Thiệu, “ông có tự động đi gặp Tổng thống Hương và đề nghị với ông Hương là ông sẵn sàng đứng đầu quân đội để chỉ huy cuộc chiến “ngăn chặn cộng sản1”.
Tuy nhiên, Nguyễn Cao Kỳ cho biết là đề xuất nắm quân đội để chống cộng sản của ông đã không được Tổng thống Trần Văn Hương chấp thuận. Ông Hương khéo léo từ chối bằng cách bảo rằng trước đây Nguyễn Cao Kỳ đã là phó tổng thống mà bây giờ bổ nhiệm ông Kỳ “làm tổng tham mưu trưởng thì… coi không được. Ý ông nói chức vụ này nhỏ hơn2”.
Nguyễn Cao Kỳ cũng cho biết, sau khi Trần Văn Hương bị Quốc hội Sài Gòn truất quyền để đưa ông Dương Văn Minh lên làm tổng thống thì ông Trần Văn Hương đã điện thoại cho Nguyễn Cao Kỳ và xúi ông… đảo chính: “Bây giờ thì anh muốn làm gì cứ làm". Có nghĩa ông già Hương xúi tôi đảo chính3”.
Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh khi đảm nhiệm chức trách Phụ tá Bộ Tổng tham mưu và thực quyền gần như quyền Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn sau đó cũng đã xác nhận rằng không phải viên tướng nào của quân đội Sài Gòn khi ấy cũng đều mất tinh thần chiến đấu. Trong quân đội Sài Gòn đã có ý kiến đề nghị Bộ Tổng tham mưu cho đặt mìn phá sập cầu. Ông Hạnh cho biết nếu cầu bị sập thì rất có thể nhiều sự nguy hiểm sẽ xảy ra, vì vậy ông đã tìm lý do để khước từ đề nghị này.
Sau tuyên bố của ông Dương Văn Minh được phát đi lúc 9 giờ 30 ngày 30.4.1975, một sĩ quan chỉ huy đội “lôi hổ” (đội bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhất) xin gặp Tổng thống Dương Văn Minh. Trong buổi gặp này, viên sĩ quan đã chất vấn Tổng thống Dương Văn Minh rằng họ sẵn sàng chiến đấu, tại sao đại tướng lại đầu hàng. Ông Dương Văn Minh đã trầm ngâm nhìn viên sĩ quan rồi nói rằng: “Qua (tôi, cách xưng hô của người trên với người dưới một cách thân mật - NV) cũng như em, là quân nhân, đầu hàng thật là nhục nhã. Nhưng mà em nên nghĩ, nếu tiếp tục đánh nhau thì số phận của anh em binh sĩ sẽ ra sao? Và đánh nhau rồi thì dân chúng sẽ chịu sao nổi?4”.
8 giờ sáng 30.4, khi các nhân vật chủ chốt của chính phủ Dương Văn Minh họp tại Phủ Thủ tướng chính quyền Sài Gòn, viên sĩ quan tình báo Pháp Vanuxem đã xin vào gặp (Vanuxem là cố vấn quân sự cho Nguyễn Văn Thiệu nhưng ông Thiệu không tin dùng, sau này ở Pháp Vanuxem mang quân hàm đại tướng). Tổng trưởng Thương mại và kỹ nghệ của chính phủ Vũ Văn Mẫu là Nguyễn Văn Diệp, người có mặt trong buổi tiếp Vanuxem đã thuật lại: “Tại bàn trao đổi có Dương Văn Minh - Tổng thống, Nguyễn Văn Huyền - Phó tổng thống, Vũ Văn Mẫu - Bộ trưởng Ngoại giao (đúng ra là thủ tướng), và tôi (Nguyễn Văn Diệp được giữ lại)… Vanuxem nói: Tình hình không hết hy vọng đâu. Tôi đã thu xếp xong ở Paris. Đề nghị ông nhờ một nước thứ ba bảo hộ cho... Tôi có thu xếp liên lạc rồi…5”. Ông Dương Văn Minh đã trả lời ông không còn ngày giờ nữa, một ngày cũng không có, và Vanuxem đi. Trong khi tất cả ngồi lại, ông Dương Văn Minh thốt lên: “Chúng ta đã bán nước cho Mỹ rồi. Bây giờ họ lại bắt chúng ta bán nước cho một nước thứ ba nữa6”.
Nếu không phải ông Dương Văn Minh đứng ra nhận lãnh trách nhiệm “vác cờ trắng” đầu hàng ấy, hoặc giả như ông bị dao động, bị lôi kéo, hoặc ông không đủ mạnh, không đủ uy tín để ra những quyết định lịch sử vào những ngày tháng khốc liệt đầy bất trắc và hiểm nguy ấy, thì điều gì sẽ xảy ra? Thành phố Sài Gòn chắc chắn sẽ đổ nát.
Thế và lực của quân giải phóng miền Nam Việt Nam khi ấy rất mạnh và chắc chắn sẽ chiến thắng,nhưng nếu ông Dương Văn Minh làm khác đi, chắc chắn sẽ có nhiều người lính của cả hai bên, nhiều dân thường bị giết hại. Điều gì sẽ xảy ra nếu những thế lực hiếu chiến khi ấy nắm được chính quyền, sử dụng bom hạt nhân loại nhỏ?
Những ngày ấy, ngoài xã hội đã râm ran có những ý kiến của một số kẻ hiếu chiến cực đoan đề nghị sử dụng bom hạt nhân. Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Dương Văn Minh đồng ý với giải pháp mà Vanuxem đưa ra, để rồi có một nước thứ 3 nhảy vào can thiệp? Nếu điều ấy xảy ra, với độ lùi của thời gian, khi nhìn lại những diễn biến tình hình khu vực sau năm 1975, ai dám đảm bảo rằng quân Khmer Đỏ không nhân cơ hội này để tấn công chúng ta. Sau này, Nguyễn Hữu Thái đã đánh giá: “Việc Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đầu hàng ở cái “nút” ấy, một người trong cương vị ông Minh có thể có nhiều quyết định. Nếu quyết định khác đi, sẽ là máu đổ, sẽ là nồi da xáo thịt, cốt nhục tương tàn. Sài Gòn sẽ tan tành…7”.
Người Việt Nam có câu “cái quan định luận”, tức là khi một người chết đi, khi nắp quan tài đã đóng lại thì mới có thể bình về công và tội. Ông Dương Văn Minh qua đời đã lâu nhưng nhiều việc xung quanh cuộc đời ông vẫn chưa được làm sáng tỏ. Ít có sự kiện nào có nhiều luồng dư luận trái chiều như việc đánh giá về ông Dương Văn Minh và nội các của ông. Phía cách mạng coi hành động của ông và nội các của ông năm 1975 là thức thời, có tinh thần dân tộc, đã giúp tránh cho cuộc chiến đỡ tang thương, thậm chí có những đánh giá cho rằng với quyết định ấy ông cũng là của người yêu nước. Ngược lại, phía bên kia có nhiều ý kiến cho rằng ông Dương Văn Minh và nội các của ông là những kẻ “hèn nhát, bán nước, là cộng sản nằm vùng” và đổ tội cho các ông làm chế độ Sài Gòn sụp đổ…
Rốt cuộc thì ông Dương Văn Minh là người của ai?
Khác với nhiều tướng lĩnh chế độ Sài Gòn, ông Dương Văn Minh không để lại hồi ký, vậy nên nhiều vấn đề xung quanh cuộc đời ông vẫn còn là điều bí ẩn.
Bà Bùi Thị Mè cho biết khi bà hoạt động ở miền Tây Nam Bộ, bà được chỉ định “buông ai thì buông nhưng đừng buông Trần Ngọc Liễng và Dương Văn Minh8”.
Hồi ký Lý Quý Chung cho biết, xét về gốc tích “thành phần của nhóm ông Minh… lộ ra sau năm 1975, chúng ta sẽ không ngạc nhiên về sự chuyển dịch lập trường của nhóm ông Minh từ “ở giữa” chuyển sang tả, rồi hướng đến sự sẵn sàng thỏa hiệp, liên kết với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Hà Nội. Gần như phân nửa thành viên trong nhóm có quan hệ với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam9”.
Nguyễn Hữu Thái còn đi xa hơn khi khẳng định: “Cũng có người hoài nghi cho rằng ông Minh đã ngầm theo cách mạng… Suy nghĩ trên không phải không có cơ sở10”.
Khi được hỏi ai là người có ảnh hưởng lớn đến chuyển biến của ông Dương Văn Minh, bà Bùi Thị Mè cho biết: “Nói chung là em trai Dương Thanh Nhựt chịu trách nhiệm bên binh vận, có khi đi qua Pháp, có khi đi qua Thái Lan, Hồng Kông để vận động anh. Bây giờ nói tác dụng này thì không biết do đâu, có thể là do tình hình đất nước chăng? Thực chất thì có nhiều nguyên nhân hợp lại11”.
Chỉ có thể tạm thời kết luận ông Dương Văn Minh là người cần thiết của tình thế lịch sử khi ấy, ông xuất hiện lúc mà lịch sử cần vai trò của ông và ông đã đóng trọn vai trò ấy. Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Hữu Thái cho rằng: “Ông Minh đúng là nhân vật cần thiết vào thời điểm đó. Cần một tướng cao cấp nhất quân lực Việt Nam Cộng hòa, có thể ngăn chặn phe hiếu chiến đòi tử thủ và thực hiện chủ trương hòa bình, có thể chuyển giao êm đẹp chính quyền cho cách mạng12”.
Càng về sau này, qua độ lùi về thời gian, qua những nghiên cứu, các đánh giá về ông Dương Văn Minh và nội các của ông được làm sáng tỏ thêm. Nhiều ý kiến, nhất là của những người trong cuộc đã đánh giá thêm phần sáng tỏ về vai trò của ông Dương Văn Minh và nội các của ông. Một số nhà lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng và Nhà nước như ông Võ Văn Kiệt, bà Nguyễn Thị Bình... cũng lên tiếng và mong muốn có những đánh giá khách quan hơn về những đóng góp kịp thời của ông Dương Văn Minh khi ông trên cương vị tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.
Năm 1975, ngay sau khi ông Dương Văn Minh đầu hàng quân giải phóng, hành động thức thời của ông đã được những người phía cách mạng đánh giá cao. Tại dinh Độc Lập vào 17 giờ 30 ngày 30.4.1975, đại diện quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã “công nhận sự đóng góp của các ông, đứng đầu là ông Minh đã thức thời ra lệnh cho quân đội Sài Gòn buông súng chấp nhận đầu hàng vô điều kiện13”.
Nhân dịp 30 năm ngày đất nước Việt Nam thống nhất, ngày 30.4.2005, khi trả lời phóng viên tuần báo Quốc tế, Thủ tướng Võ Văn Kiệt khẳng định một người như đại tướng Dương Văn Minh có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn. Nếu ông Minh để cho các tướng dưới quyền "tử thủ" thì Việt Nam vẫn chiến thắng, nhưng Sài Gòn khó mà nguyên vẹn và sẽ còn rất nhiều mất mát hy sinh. Ông Võ Văn Kiệt cũng cho biết khi nghe ông Minh kêu gọi binh lính buông súng để chờ bàn giao chính quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, các ông là những nhà lãnh đạo của phía quân giải phóng miền Nam Việt Nam đang trực tiếp ở sở chỉ huy chiến trường khi ấy đã thở phào nhẹ nhõm.
Ông Võ Văn Kiệt cho biết là phải ở chiến trường và vào đúng giờ phút ấy, mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định đó. Ông nhấn mạnh rằng trong chiến thắng vĩ đại của dân tộc “có phần đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước, từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện ở trong nước và ở bên ngoài. Bản thân tôi cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh khốc liệt; vai trò của các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ-Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ cần được quan tâm, nghiên cứu, đánh giá công bằng14”.
Ông Nguyễn Trọng Xuất, nguyên Chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM trong bài 30.4.1975: Kết quả của sự cộng hưởng các nhân tố dân tộc và thời đại đánh giá quyết định của ông Dương Văn Minh chính là tâm nguyện và ý chí trước sau như một của ông đã giúp ông có ứng xử đúng mực, “quyết đoán và lựa chọn chỗ đứng chính trị cuối cùng để cùng với nhóm thân hữu có thể làm một điều gì đó giúp vơi nỗi đau tang tóc của quân đội và nhân dân, trong một tình thế đầy rủi ro, hiểm nghèo, rất khó lường… Đó là một cử chỉ đầy dũng cảm xuất phát từ chiều sâu của tinh thần dân tộc trỗi dậy trong ông (…). Một nhân cách đáng cho chúng ta kính trọng15”.
Tác giả Phạm Văn Hùng trong Hồ sơ tướng Văn Minh thì đánh giá: “Tướng Dương Văn Minh là người có tinh thần dân tộc, yêu nước” và hành động của ông khi trên cương vị Tổng thống Việt Nam Cộng hòa “là hành động thức thời, làm giảm ý chí đề kháng của quân đội Sài Gòn vào những giờ chót của cuộc chiến tranh, tạo thuận lợi cho quân giải phóng tiến nhanh vào giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn còn nguyên vẹn và không đổ máu. Nhiều thành phố và thị xã khác cũng được giải phóng nguyên vẹn, ít tổn thất… Công bằng mà nói, hành động thức thời của Tổng thống Dương Văn Minh và nội các của ông đã góp phần làm cuộc chiến kết thúc sớm, tránh đổ nhiều xương máu của binh sĩ và nhân dân, thành phố Sài Gòn và nhiều đô thị còn nguyên vẹn. Đó là nghĩa cử yêu nước, thương dân của ông Dương Văn Minh16”.
Ông Nguyễn Hữu Thái thì khẳng định: “Dẫu sao ông cũng đã hy sinh danh dự của một tướng lãnh (dù là một tướng bại trận) để thực sự cứu thành phố này khỏi cảnh tàn phá và đổ nát… Sau này tôi mới biết ông và bộ tham mưu từ mấy ngày qua đã quyết định đầu hàng dẫu có bị đối xử không tương xứng của phía đối nghịch. Đó cũng là một hành động can đảm và đáng ca ngợi của một phật tử vào cuối đời17”.
Trong điếu văn đọc trước linh cữu ông, cựu dân biểu chế độ Sài Gòn, một người trong nhóm Dương Văn Minh, người sát cánh cùng ông trong việc chống chính sách chiến tranh của Nguyễn Văn Thiệu đã phát biểu: “Hôm nay, ông ra đi vĩnh viễn lìa bỏ cuộc đời, lìa bỏ nước Việt Nam của ông. Nước Việt Nam rồi sẽ biết rõ đứa con Dương Văn Minh của nước đã làm gì cho nước…18”.
Có lẽ hầu như tất cả những người dân miền Nam Việt Nam những ngày tháng 4.1975, chỉ cần có chút ít hiểu biết đều nhận định rằng chế độ Sài Gòn sẽ sụp đổ, và đương nhiên, ông Dương Văn Minh và những người trong nhóm của ông hẳn biết rõ điều này hơn ai hết. Thế nhưng, lịch sử đã chọn ông trong giờ phút quyết định ấy, và ông đã có những quyết định lịch sử để góp phần giữ cho Sài Gòn không đổ nát, giúp hạn chế đến mức thấp nhất thương vong.
Bà Nguyễn Thị Bình cho rằng: “Tôi cho rằng không nên tách ông Dương Văn Minh và nội các của ông ra khỏi nhóm Dương Văn Minh mà 80% là những người có quan hệ trực tiếp hay gián tiếp, thậm chí là cơ sở của cách mạng trong thành phố Sài Gòn19”.
Có lẽ các nghiên cứu để làm sáng tỏ và đánh giá khách quan hơn về những quyết định của ông Dương Văn Minh và nội các của ông những ngày cuối tháng 4.1975 sẽ vẫn còn được tiếp tục. Việc đánh giá đầy đủ, khách quan vai trò của ông Dương Văn Minh và chính phủ của ông đối với sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ để rút ra bài học cho công tác dân vận, cụ thể là binh vận, trí vận mà còn góp phần quan trọng vào việc thực hiện có hiệu quả những quan điểm, chủ trương của Đảng về hòa hợp, hòa giải dân tộc hiện nay.
Thông tin tham khảo
[1] Lý Quý Chung, sđd, tr. 382
[2] Lý Quý Chung, sđd, tr. 382
[3] Lý Quý Chung, sđd, tr. 383
[4] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 981
[5] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 979
[6] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 980
[7] Nguyễn Hữu Thái (2015), sđd, tr. 90-91
[8] Thiên Thanh - Bích Đào, tlđd, tr. 20
[9] Lý Quý Chung, sđd, tr. 270
[10] Nguyễn Hữu Thái (2015), sđd, tr. 91
[11] Thiên Thanh - Bích Đào, tlđd, tr. 21
[12] Nguyễn Hữu Thái (2015), sđd, tr. 39
[13] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 996
[14] Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, sđd, tr. 436
[15] Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, sđd, tr. 436
[16] Phạm Văn Hùng, tlđd, tr. 63
[17] Nguyễn Hữu Thái (2015), sđd , tr. 82
[18] Hồ Ngọc Nhuận, tlđd, tr. 50
[19] Nguyễn Thị Bình, sđd, tr. 209