Trẻ em được ví như tờ giấy trắng, và mỗi hành động của cha mẹ đều sẽ là những nét vẽ đầu tiên, có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình hình thành nhân cách ở trẻ.
Chẳng ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của cha mẹ trong cuộc đời của trẻ, từ việc người mẹ mang nặng đẻ đau cho tới sự dạy dỗ và tình thương vô bờ bến của cha. Trong cuốn sách “Kỷ luật trong nụ cười”, tác giả Nobuyoshi Hirai đã nhận định rằng, mẹ là người quyết định tính cách và có tác động lớn nhất đến tâm hồn của con, còn cha sẽ trở thành tấm gương, và để lại những dấu ấn sâu sắc nhất trong lòng trẻ.
Thế nhưng, dù có yêu thương, nâng niu và chiều chuộng con đến mấy thì cha mẹ cũng khó tránh khỏi vài lần bực bội với con, về những lỗi sai mà con tái phạm nhiều lần. Đó cũng là những lúc cha mẹ sẽ phải sử dụng những biện pháp mạnh để răn đe với mong muốn con tốt hơn từng ngày.
“Thương cho roi cho vọt” phải dựa trên nền tảng thương yêu
Dù là khen thưởng hay kỷ luật thì đều có hai mặt - tốt và xấu. Đặc biệt, nếu cha mẹ không đủ thấu hiểu bản chất cũng như các phương pháp kỷ luật thì đôi khi, song song với những mặt tích cực, cha mẹ sẽ vô tình đem đến cho con trẻ những vết hằn trong tiềm thức, dai dẳng theo trẻ mãi về sau.
Giống như có người đã từng nói rằng “những điều mà người lớn dạy trẻ từ lúc lên ba sẽ ăn sâu vào tâm trí và hình thành trong con người của trẻ, không thay đổi cho đến khi trẻ lớn lên và già đi”, nên mọi điều cha mẹ dành cho con cái, dù cho là sự răn đe hay tán dương thì đều phải dựa trên nền tảng của yêu thương.
Vậy làm thế nào để có thể vừa uốn nắn trẻ theo khuôn phép, vừa đảm bảo con luôn phát triển toàn diện cả về tâm hồn lẫn trí tuệ? “Kỷ luật trong nụ cười” được Nobuyoshi Hirai hoàn thiện với mong muốn sẽ giúp được cho các bậc phụ huynh trở thành những cha mẹ tốt, và con cái sẽ là những đứa trẻ ngoan thật sự.
Giúp cha mẹ hiểu đúng về sự kỷ luật trong việc giáo dục con
Mở đầu với những bàn luận về sức mạnh của gia đình trong công cuộc nuôi dạy con cái, về vai trò của người cha, người mẹ, và hạnh phúc trong hôn nhân của cha mẹ lên hành trình hình thành nhân cách của trẻ, nhưng “Kỷ luật trong nụ cười” không chỉ dừng lại ở đó.
7 chương trong cuốn sách bàn về những khía cạnh mà tất cả các bậc cha mẹ cần phải quan tâm và không ngừng cùng nhau giúp con mình nuôi dưỡng và phát triển, như tâm hồn phong phú, khả năng thích ứng, tinh thần dám đối mặt với thử thách, hay tính tự giác trong cả suy nghĩ lẫn hành động.
Hơn nữa, cuốn sách còn chứa đựng những thông tin nghiên cứu mới mẻ, giúp cha mẹ ngộ ra một vài sai lầm trước giờ mình mắc phải khi dạy dỗ con cái. Chẳng hạn như vì muốn con trở nên dạn dĩ nên cha mẹ có xu hướng không hài lòng nếu con chui rúc vào người mình khi gặp người lạ. Thế nhưng, theo lập luận của Nobuyoshi Hirai, “khi cảm thấy lo sợ trước người lạ, bé sẽ bám lấy mẹ, người mà bé có thể tin cậy. Việc tìm kiếm sự bảo vệ từ người mẹ như thế chính là tính nhút nhát của đứa trẻ. Hiện tượng này cho ta thấy mối quan hệ tình cảm giữa mẹ và bé đang dần phát triển. Nếu đứa bé không thể hiện tính nhút nhát ấy thì có nghĩa là mối quan hệ giữa người mẹ và đứa bé đang mong manh. Và nếu bạn cứ để cho đứa bé như thế, thì nó sẽ trở thành một đứa trẻ không có cảm giác muốn tìm kiếm mối quan hệ tình cảm đối với người khác, thậm chí có nguy cơ nó sẽ gây ra những hành vi không tốt sau tuổi dậy thì”. Do đó, tác giả khuyên trong mọi tình huống, cha mẹ hãy luôn đặt mình vào vị trí của trẻ, để thấu hiểu cảm xúc và tâm tư của con, từ đó đón nhận cách con phản ứng một cách tích cực, và có phương hướng điều chỉnh phù hợp nếu cần thiết.
Ngoài ra, Nobuyoshi Hirai cũng muốn gửi gắm thông điệp đến cha mẹ rằng, tri thức và ý chí của trẻ sẽ được phát triển mạnh mẽ nhất nhờ sự trải nghiệm. Nên nếu cha mẹ muốn tốt cho con thì hãy thôi bao bọc con. Hãy để cho chúng tập làm quen với những va vấp, thất bại và mọi hình thái cảm xúc từ khi còn bé, để chúng đủ sự vững chãi khi đối mặt với thách thức trong tương lai. “Đó không phải là ruồng bỏ trách nhiệm. Đó chính là để cho đứa trẻ tự do. Phương pháp gây không ít khó khăn cho các bậc cha mẹ khi nuôi dạy con. Tuy nhiên, cách thức nuôi dạy này sẽ làm trẻ phát triển tốt tính tự giác, đồng thời cũng thúc đẩy ý chí nơi trẻ”, tác giả chia sẻ.
“Kỷ luật trong nụ cười” hẳn không phải là một cuốn sách mới, nhưng những giá trị mà nó đem lại về quan điểm giáo dục con trẻ lại chưa từng cũ kỹ và lạc hậu.
Là Hội trưởng Hội nghiên cứu Nhi đồng học tại Nhật Bản, và cũng là tác giả của nhiều cuốn sách thuộc chủ đề giáo dục và khơi nguồn tiềm năng ở trẻ, Nobuyoshi Hirai đã biến “Kỷ luật trong nụ cười” trở thành cuốn cẩm nang chứa đựng nhiều thông tin đắt giá trong việc uốn nắn để “trẻ ngoan thật sự”. Hy vọng cuốn sách sẽ giúp các phụ huynh hiểu rõ hơn về ý nghĩa của việc áp dụng kỷ luật trong nuôi dạy trẻ, để có thể thực hiện chúng một cách đúng đắn và có hiệu quả mà vẫn luôn giữ được sự gắn kết thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái.
Thuận Nguyễn