Điều này chẳng những không giúp được gì cho trẻ trong việc kiềm chế ham muốn, mà còn gây ảnh hưởng đến mối quan hệ cha con nữa.
Việc người cha cho con quá nhiều
Trong trái tim của trẻ, hình ảnh người cha sẽ trở thành người cho tiền, mua đồ cho chúng. Trẻ sẽ chỉ vui vẻ và nói “Cảm ơn” khi được nhận những thứ đó, chứ không hề có sợi dây gắn kết quan hệ nào cả. Và nhu cầu về vật chất của trẻ chỉ có tăng lên mà thôi.
Có những đứa trẻ khôn đến mức biết triệt để tận dụng tâm trạng áy náy của cha mà đòi hỏi vô lý. Người cha càng vì áy náy không có thời gian chơi với con mà đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ thì càng đẩy trẻ vào con đường lầm lạc sau này. Bởi sẽ có một ngày những ham muốn đó cha mẹ không đáp ứng được, trẻ sẽ tìm cách lấy từ những người khác.
Có những bậc cha mẹ vẫn vô tư đáp ứng ham muốn của con vì họ hoàn toàn có khả năng tài chính mà không hiểu rằng ham muốn một khi được nuôi dưỡng sẽ càng không có giới hạn, trong khi năng lực của con người thì có hạn. Nếu sống cùng với người già, hay có hàng xóm là người già, thì kiểu gì những nhu cầu về vật chất hay tiền bạc ở trẻ sẽ được thỏa mãn nhiều hơn bình thường. Họ nói rằng: “Tại muốn thấy cháu nó cười nên mới cho đồ, cho tiền thôi”. Nếu thật sự thương cháu mình, chỉ mong người già trong gia đình hãy xem xét việc đợi đến khi cháu đủ lớn chứ đừng thỏa mãn ham muốn vật chất của trẻ một cách khinh suất như vậy.
Nghiên cứu về đời sống của trẻ em cho thấy, rất ít trẻ từ nhỏ được dạy rằng ham muốn của chúng sẽ được thỏa mãn tùy theo người lớn quyết định. Nếu cứ tiếp tục thỏa mãn ham muốn của trẻ như vậy, càng lớn trẻ sẽ càng đòi hỏi những thứ đắt tiền hơn, và như vậy sẽ rất phiền phức. Năm cuối tiểu học thì muốn mua camera, lên trung học thì muốn mua xe đạp, xe máy... nhu cầu sẽ leo thang, cùng với đó là việc sử dụng đến cả bạo lực đối với cha mẹ để đòi hỏi ham muốn được đáp ứng.
Không ít những đứa trẻ có hành vi bạo lực gia đình là do đã mang mầm mống đó ngay trong cuộc sống lúc nào cũng được đáp ứng mọi nhu cầu. Khi học trung học, cơ thể lớn hơn, bạo lực nhiều hơn, và gia đình sẽ rơi dần vào bế tắc.
Khi vào tiểu học, cần phải giáo dục trẻ về chuyện tiền bạc. Hãy để trẻ hiểu được bằng cách cho trẻ một khoản tiền tiêu vặt nhất định, trẻ sẽ tự thỏa mãn những ham muốn của bản thân trong giới hạn số tiền đó, còn nếu vượt quá giới hạn thì sẽ phải nhẫn nhịn.
Nếu không quyết định rõ số tiền tiêu vặt là bao nhiêu mà cứ cho khi trẻ xin, bạn sẽ gặp phải tình trạng việc chi tiêu trong tháng bị dôi ra nhiều so với tính toán, và sẽ không tập được cho trẻ khả năng kiềm chế ham muốn. Và rồi, khi đến tuổi dậy thì, tuổi mà trẻ bất ngờ quan tâm hơn đến ngoại hình, nhu cầu cũng cao hơn và liên tục đòi hỏi, nếu cha mẹ từ chối, trẻ sẽ bắt đầu lấy từ ví của cha mẹ, hay sử dụng bạo lực, hoặc kiếm tiền bất hợp pháp từ người khác.
Cha mẹ cần nhớ những hậu quả nghiêm trọng đều bắt nguồn từ những mầm mống được gieo ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Chiều theo ham muốn của trẻ không phải là thương trẻ mà là hại trẻ.
Hãy suy nghĩ đến điều đó, tốt nhất là cho trẻ một khoản tiền tiêu vặt nhất định khi trẻ bắt đầu vào học tiểu học. Đầu tiên là cho trong một tuần, dần dần thì cho trong vòng một tháng.
Khi mới bắt đầu, trẻ sẽ không biết tiết kiệm đâu. Tuy nhiên, từ từ trẻ sẽ có kế hoạch, sẽ có lúc trẻ biết chuyển thành tiền tiết kiệm thôi. Trong khoảng thời gian đó, đôi lúc trẻ nói: “Mấy bạn khác được nhiều hơn con”, hay trách là “Mẹ thật keo kiệt”, nhưng chính những người mẹ keo kiệt mới là người sẽ cho trẻ có được khả năng kiềm chế ham muốn.
Hãy bắt đầu dạy trẻ rằng để lại đồ ăn thừa là không tốt
Như vậy trẻ sẽ dần có thể tự mình biết được thế nào là vừa đủ và phù hợp với bản thân. Trẻ thường sẽ giục mẹ: “Nữa đi ạ!” khi muốn nhiều hơn, hay có thể tự tăng giảm theo ước lượng của bản thân. Nếu được như vậy, trẻ sẽ không còn để thừa bất cứ thứ gì trên đĩa nữa.
Ở châu Âu, người ta được dạy rằng khi còn thừa nước sốt thịt, hãy lấy bánh mì để quết sạch. Cho nên sau khi ăn, đĩa của họ thường rất sạch sẽ. Như vậy cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều cho người rửa chén bát.
Cũng cần lưu ý là trẻ có thể vì không muốn ăn, hoặc đang mê chơi nên chỉ muốn ăn một lượng nhỏ, sau đó quay lại với trò chơi còn dang dở. Nếu trẻ chỉ múc một lượng nhỏ, cha mẹ cũng không cần vì lo lắng con ăn không đủ no mà múc thêm thức ăn cho con. Điều đó sẽ không dạy được cho con tính tự giác. Lúc đó, cha mẹ chỉ cần nói với con: “Con nên ăn cho no, nếu không sẽ rất nhanh đói. Tối nay bảy giờ cả nhà mới dùng cơm tối. Con có chịu đói được đến lúc đó không?”. Có thể khi ấy trẻ vẫn tự tin rằng trẻ sẽ không đói nhanh như vậy và vẫn không nghe theo lời bố mẹ.
Nếu sau đó không lâu trẻ lại đói và muốn được cho ăn thì cha mẹ cần phải kiên quyết không cho trẻ ăn bù, buộc trẻ phải chờ đến giờ cơm tối mới được ăn. Điều này dạy trẻ tính kỷ luật và tự giác.
Nhiều cha mẹ xót con nên không kiên quyết cho trẻ nhịn đói đến giờ cơm tối. Làm như vậy sẽ khiến trẻ càng xem thường tính kỷ luật và không quý trọng đồ ăn. Đã không quý trọng đồ ăn thì trẻ sẽ khó học được tính tiết kiệm.
Cha mẹ cần dạy trẻ hiểu rằng trên thế giới rất nhiều người không có cái ăn, đôi lúc để trẻ nhịn đói thì trẻ mới trải nghiệm được cảm giác đói, không có cái ăn sẽ như thế nào. Như vậy, trẻ mới quý thức ăn mà bớt lãng phí, đồng thời bài học “nhịn ăn cho đến giờ cơm tối” cũng dạy trẻ tính kỷ luật và tự giác nữa.
Việc khi lớn lên, trẻ sẽ trải qua cảm giác mất tự do, mọi chuyện không phải lúc nào cũng theo ý mình, cần phải làm cho trẻ có được khả năng xoay xở với điều này điều kia, khả năng tự xoay xở này quan trọng hơn bất kỳ điều gì trong việc phát triển tính tự giác, cũng như khả năng thích ứng ở trẻ.
Trích từ cuốn sách "Kỷ luật trong nụ cười"