"Người bay và giấc mơ siêu thực" là cuộc trưng bày tranh, tượng cá nhân lần thứ hai của họa sĩ Đinh Phong, được các nhà chuyên môn và công chúng đánh giá cao sau lần triển lãm đầu tiên ở Art Space – Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) vào tháng 11.2020.
Mở đầu lễ khai mạc, Nhà nguyên cứu và phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân phát biểu: “Tôi may mắn là người được mời giới thiệu một họa sĩ mới tinh vừa xuất hiện ở Hà Nội và Sài Gòn. Tôi đoán rằng cuộc triển lãm sẽ trở thành sự kiện trong giới mỹ thuật không những ở Việt Nam mà còn ở Mỹ. Chúng ta thấy rằng những bùng nổ, những sự kiện mỹ thuật ở các vùng, của những người mới từ lĩnh vực khác tạt sang mỹ thuật bây giờ rất nhiều. Một nhà thơ, nhà văn, nhà kiến trúc, doanh nhân hay nhà triết học… đều có thể tạo ra những tác phẩm mỹ thuật hay những sự kiện về mỹ thuật, biến động với rất nhiều hoan nghênh, tung hô tự giới thiệu. Và tôi sợ anh Đinh Phong cũng nằm trong trường hợp đó. Nhưng mà, như tôi nhận thức ngay từ đầu, tôi thấy không phải vậy”.
Hiện tượng Đinh Phong là sự kiện thật đáng hoan nghênh, là cái khác hẳn, là chất lượng thâm thúy của Đinh Phong trong mỹ thuật, không cần đến những câu chuyện, không cần đến những ảnh hưởng của các trường phái mỹ thuật khác, tính chuyên nghiệp được hình thành một cách nhanh chóng trong con người họa sĩ này. Thế thì cái đặc biệt ở sự kiện triển lãm này là nói được với giới tinh hoa hội họa, đáng được dòng chính của hội họa tiếp đón và công nhận hơn là nghi hoặc.
“Chúng ta thấy rằng ngay cả những bài phê bình nói về sự kiện triển lãm, nói về hiện tượng Đinh Phong thì cũng rất hiếm có những hiện tượng mới về mỹ thuật mà được bàn nhiều về mặt chuyên môn như là tranh và tượng của họa sĩ Đinh Phong. Tôi muốn nói là anh có vẻ như là đã tàng hình trong cuộc sống hiện hữu để đến với cận công của đời sống mỹ thuật, của hiện tượng sáng tạo mỹ thuật. Khi anh xuất hiện thì tốc lực của Acrylic cho hiện thực rất chuyên nghiệp, bởi vì anh sống không phải vì mùa thu của cuộc đời mà là vì mùa xuân thứ hai. Tôi có cảm tưởng như anh được đầu thai một lần nữa, như một cuộc đời khác, và cái nghiệp đó sẽ là hiện tượng của nghệ thuật, rất chuyên nghiệp trong sáng tác nghệ thuật”, nhà nghiên cứu và phê bình Nguyễn Quân chia sẻ thêm.
Cũng tại buổi lễ khai mạc, họa sĩ Ca Lê Thắng – Nguyên phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM nhận xét: “Lần đầu tiên tôi xem tranh Đinh Phong trên mạng xã hội, tôi rất ngạc nhiên và lúng túng khi tự nhiên chưa đâu vào đâu xuất hiện ông doanh nhân đã bước sang tuổi 60 rồi nhưng vẽ một cách tốc lực và chuyên nghiệp trong khi mình vẽ hơn 50 năm rồi mà nhiều khi thấy vẫn chưa đạt.
Cuối năm ngoái tôi cũng đi dự triển lãm Đinh Phong ở Hà Nội, thấy anh tạo ra một mô – típ sáng tạo trước công chúng có phần chuyên nghiệp. Lần này anh giới thiệu mẫu tranh của anh đến công chúng ở TP.HCM, tôi có thể nói rằng, là một người họa sĩ đến xem tranh, tôi rất bất ngờ, bất ngờ về hình thức, bất ngờ về cảm xúc mà họa sĩ Đinh Phong mang đến cho người xem. Giống như chúng ta lần đầu tiên gặp người mình yêu, người yêu của mình chắc phải có một cái gì đó thật đặc biệt, thật ấn tượng mà có thể làm chúng ta nhớ mãi. Tôi nhớ lại một sự bất ngờ vì có rất nhiều người có tiếng trong giới nghệ thuật như Nhà nghiên cứu và phê bình Nguyễn Quân, Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Đán, Nhà thơ – Nghệ sĩ - Nhà báo Nguyễn Hữu Hồng Minh… nói về hiện tượng Đinh Phong như là một sự đột biến. Tôi nhấn mạnh như là một người xem tranh, người cầm bay, tôi cũng có cảm xúc rất bất ngờ giống như ta đã xem tranh đấy ở đâu rồi, nó giống như một cái gì đó có chút truyền thống, chút cổ điển, có chút thật, chút trừu tượng và thậm chí là có triết học ở đó.
Phần ấn tượng nhất của đêm khai mạc là Talk show ngắn về "nghệ thuật và tính đột biến" của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hữu Hồng Minh khi anh làm MC đặt câu hỏi đối thoại trực diện với hai khách mời nổi tiếng từ Hà Nội vào là điêu khắc gia Đào Châu Hải và họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Lý Trực Sơn.
Chia sẻ cảm nghĩ với nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hữu Hồng Minh về hiện tượng Đinh Phong, một họa sĩ gần như chưa được đào tạo chính quy về mỹ thuật cũng như điêu khắc nhưng lại tạo nên đột biến về mỹ thuật trong thời gian gần đây, điêu khắc gia Đào Châu Hải nêu ý kiến: “Sự xuất hiện của họa sĩ Đinh Phong thực ra vừa là bất ngờ vừa là không bất ngờ, bởi vì cái bất ngờ đầu tiên là tôi được xem tác phẩm của Họa sĩ Đinh Phong trong thời gian rất ngắn gần đây trong cuộc triển lãm ở Hà Nội. Tôi thấy nó không liên quan gì đến tranh thị trường hay có xu hướng cộng đồng nói chung, mà là đi thẳng đến những người được xem là quan tâm đến ngôn ngữ hội họa chuyên nghiệp, đấy là điều chứng tỏ một ý mà ta có thể nhận ra được từ con người này, có thể họa sĩ sẽ đi theo một con đường rất dài, rất chuyên nghiệp, đấy là cảm xúc đầu tiên khi tôi xem những tác phẩm của tác giả Đinh Phong”.
Họa sĩ Đinh Phong sinh ra tại Hà Nội, anh sớm vào Sài Gòn lập nghiệp và trở thành một doanh nhân thành công trong lĩnh vực bệnh viện, trường học. Niềm đam mê hội họa của anh chưa bao giờ dừng lại, từ khi còn trẻ anh đã tìm hiểu học hỏi những nghệ sĩ bậc thầy. Hai danh họa anh hâm mộ nhất là Willem de Kooning và Gauguin. Anh bắt đầu bước vào vẽ tranh, làm điêu khắc vào năm 2020. Các tác phẩm tranh hội họa và tượng nghệ thuật được hình thành từ những giấc mơ siêu thực của anh, khởi nguồn từ sâu trong tiềm thức từ không gian ba chiều, với những nét vẽ gãy khúc bằng chất liệu Acrylic trên nền Canvas, và tượng điêu khắc được làm từ gốm hay chất liệu đồng giúp giữ cho tác phẩm bền lâu.