Inbound Marketing biến Web thành thỏi nam châm

10/04/2019 09:23
Inbound Marketing biến Web thành thỏi nam châm

Cuốn sách Inbound Marketing đã gửi đến các marketer thông điệp: Hãy dừng việc đẩy các thông điệp về phía khách hàng, mà hãy bắt đầu kéo khách hàng về phía mình.

Một nhân viên đã có thâm niên làm telesales 3 năm ở một công ty bất động sản từng than vãn: “Danh sách 50 khách hàng để gọi thì có 10 cuộc thuê bao tắt máy hoặc báo bận, 10 cuộc vừa nghe ‘Chào anh, chị, em là … gọi từ Công ty XYZ’ thì tắt máy, 15 cuộc vừa mở lời thì bị chửi lừa đảo, làm phiền,… năm cuộc gọi khách hàng đồng ý nghe đến phút cuối, nhưng cũng chỉ có một trong số 5 người đồng ý sẽ đặt cuộc hẹn. Đó mới chỉ là đặt được cuộc hẹn, còn đến hay không, lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác”. Có thể nói, các phương pháp marketing truyền thống như gửi thư trực tiếp, bán hàng qua điện thoại, quảng cáo qua email, … hay còn gọi là marketing outbound, bị xem như những hoạt động làm phiền và quấy nhiễu người tiêu dùng.

Inbound Marketing không phải là một khái niệm mới, đã xuất hiện vào những năm 2005 – 2006 khi kinh doanh trực tuyến bắt đầu lên ngôi. Đó là một chiến lược tiếp thị sử dụng nhiều hình thức phát triển nội dung như blogs, sự kiện, SEO, mạng xã hội và nhiều thứ khác nữa.

Tác giả Dharmesh Shah và Brain Halligan của quyển sách Inbound Marketing – cũng là hai nhà đồng sáng lập HubSpot - đã cho thấy phương pháp inbound marketing đã thay đổi cách tiếp cận của doanh nghiệp đối với khách hàng như thế nào. Với hơn 2.000 khách hàng, bao gồm nhiều công ty lớn trong ngành ngân hàng, tư vấn và cả công nghệ như Vico Software và Magic Software, HubSpot đã cụ thể hóa khái niệm inbound marketing thành những công cụ đem lại giá trị lớn cho các doanh nghiệp.

Định nghĩa mới “thỏi nam châm truyền thông”

Mục tiêu Inbound marketing là làm sao để nhiều người nhìn thấy nội dung về doanh nghiệp và tạo động lực để họ chủ động chia sẻ, thảo luận càng nhiều càng tốt. Brian Halligan và Dharmesh Shah chỉ ra cho người đọc cần phải trở nên “đáng chú ý” và khác biệt. Làm thể nào để trở nên khác biệt: “Hãy theo dõi các đối thủ cạnh tranh nhưng đừng bắt chước họ," lời chia sẻ đơn giản của tác giả khiến các marketer phải suy nghĩ. Theo dõi để biết nội dung nào đang được quan tâm, bàn luận, nắm bắt xu hướng mới và sáng tạo dựa trên những nền tảng giá trị doanh nghiệp sẵn có. Những nội dung “đáng chú ý” sẽ được kết nối đến các website khác như mạng nhện và mang lại lượt truy cập cho website, nâng cao thứ hạng trên các công cụ tìm kiếm.

Người làm inbound marketing muốn trở thành “thỏi nam châm” thu hút khách hàng phải biết cách xây dựng nội dung. Theo nghiên cứu, nếu doanh nghiệp đi theo hướng inbound marketing có thể tiết kiệm đến 61% chi phí so với cách outbound marketing.

Thay vì phải trả tiền cho từng cú click chuột trên Google một cách đắt đỏ, cuốn sách sẽ chỉ ra cách thức cụ thể để trang web doanh nghiệp hiện lên trang đầu tiên của từ khóa tìm kiếm một cách tự nhiên, hoàn toàn miễn phí.

Nghe Whole Foods kể chuyện

Không có ngành nào xưa cũ hơn ngành kinh doanh thực phẩm nhưng câu chuyện Whole Foods tiếp cận inbound marketing rất thú vị. Họ sử dụng blog để kể chuyện, chia sẻ những điều thú vị trong ngành thực phẩm và ngay cả những câu chuyện trong công ty bằng cái tên Whole Story. Với hơn 7.500 trang blog được đều được đánh dấu chỉ mục (indexed) để tìm thấy trên Google, quan trọng hơn hết, có hơn 12.000 trang web khác liên kết với các bài vở trên blog này, mở ra 12.000 cơ hội để khách hàng mới tìm thấy Whole Foods.

Với lượng liên kết lớn đến như vậy, Google sẵn sàng xếp hạng blog này khá cao cho những thuật ngữ quan trọng khi tìm kiếm. Nói ra thật khó tin nhưng có thật, Whole Foods có hàng chục ngàn người đăng ký nhận thông báo mỗi khi blog có bài đăng mới. Họ viết những gì mà khách hàng thích đến như vậy? Theo Paige Brady, điều phối viên cao cấp của nhóm biên tập viên truyền thông tích hợp, “đó là một nhóm người thông minh, đam mê làm những công việc đáng kinh ngạc trong mọi lĩnh vực như hữu cơ, hỗ trợ nông dân thực hành xanh và tất cả những thứ liên quan đến thực phẩm.”

Inbound Marketing biến Web thành thỏi nam châm - ảnh 2

Blog của Whole Story nói về chương trình Vitamin Angels chống lại hội chứng suy dinh dưỡng. Ảnh: Whole Foods.

Nội dung trên Whole Story là những bài viết chân thật, các công thức nấu ăn của khách mời, các cuộc thi và video. Các tiêu đề của bài viết thường ngắn và súc tích để dễ lan truyền trên mạng xã hội như “tiếp cận dị ứng một cách tự nhiên” hay “mang thai – khoảng thời gian đến với tự nhiên”.

Những bài viết này không còn thuộc về chuỗi kinh doanh thực phẩm Whole Foods nữa mà trở thành những kiến thức thường thức để mọi người chia sẻ từ trang Facebook có hơn 1.5 triệu người theo dõi và 3.6 triệu người đăng ký trên Twitter.

Cái hay của blog này không chỉ do có bài viết hay mà chính là sự tương tác tuyệt vời với độc giả. Paige Brady cho biết, Whole Story nhận được rất nhiều câu hỏi từ khách hàng và những câu trả lời của Whole Story đã tạo thành một cộng đồng quan trọng cho chuỗi siêu thị này. 

Cuối cùng, một tiết lộ quan trọng cho những marketer từ Brady, đó là khoảng 90% nội dung của Whole Story không hề nói về việc bán sản phẩm. Ví dụ, bài viết về phô mai sữa cừu có tên là Mons – Cazelle de Saint Affrique chỉ mô tả về một thị trấn nơi sản xuất loại phô mai này và cách người ta làm món phô mai này ngon như thế nào.

✔ Sách Inbound Marketing: Thu hút thế giới về với bạn trong môi trường trực tuyến do First News phát hành.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 27/04/2024