Đó là cuốn sách mới nhất của tác giả Nguyễn Thùy Dung - người sáng lập trang "Ngày ngày viết chữ", một fanpage chuyên về chữ nghĩa tiếng Việt có gần 200 ngàn người theo dõi trên mạng xã hội Facebook.
Nguyễn Thùy Dung là một trong những tác giả trẻ hiếm hoi ở Việt Nam dấn thân vào con đường nghiên cứu tiếng Việt. Từ khi còn là sinh viên Khoa Báo chí, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đến khi ra trường, cô đều dành tất cả tình yêu, nhiệt huyết của mình vào việc tìm tòi chữ nghĩa để truyền bá vẻ đẹp của tiếng Việt đến với người trẻ qua loạt sách Từ vay hay dùng (2019); Đừng vì vẻ ngoài mà lướt qua nhau (2020); Chữ xưa còn một chút này (2021).
Đầu năm 2021, Chữ xưa còn một chút này của Nguyễn Thùy Dung nhận được phản hồi tích cực từ bạn đọc vì những "những mẫu chuyện giản dị bé bé về tiếng Việt". Cuốn sách đã ít nhiều giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về ý nghĩa của những từ ngữ trong tiếng Việt từ xưa đến nay. Tác giả cũng chỉ ra những lỗi thường gặp khi viết lách, những chữ thường bị dùng sai và nhiều kiến thức bổ ích trong lĩnh vực viết lách như sáng tạo nội dung (content marketing) ngôn ngữ quảng cáo…
Lần này Nguyễn Thùy Dung tiếp tục giới thiệu đến với công chúng cuốn Hôm nay phải mở mang được (NXB Thế Giới và Wavebooks, tháng 11.2021) - tác phẩm được xem như một công cụ cần thiết, dễ hiểu cho những người mới bước nghề viết và tất cả những người dùng tiếng Việt.
Với quan niệm “viết cho kỳ hết những gì cần chia sẻ thì thôi”, cuốn sách Hôm nay phải mở mang của tác giả Nguyễn Thùy Dung gồm 2 phần chính: Phần 1 nói về đọc - nghe - viết - sửa, và 4 việc phải làm thường xuyên của người viết, kèm theo đó là những hướng dẫn chi tiết về thoại, phép liên kết, phép tu từ, chính tả…
Phần 2 tập trung vào các kỹ năng cần thiết để người viết xử lý chữ nghĩa và quán xuyến công việc viết lách của mình. Đó làkỹ năng quan sát nhằm có chất liệu để viết, có thông điệp để truyền đạt, có tâm tình để bộc lộ. Kỹ năng ghi chép sao cho khoa học và vận dụng sao cho phù hợp và hiệu quả.
Theo tác giả, để làm nghề chuyên nghiệp, người viết phải biết thu vén tâm tình, phải biết tạo cho một mình một văn phong mang tính đặc trưng cá nhân trong mỗi bài viết. Ngoài ra trong nghề viết, mở mang là một việc hết sức quan trọng. Chúng ta mở mang để mà viết và viết để mà mở mang. Muốn có bài viết hay, cái mình biết nhất định phải nhiều hơn cái mình viết. Và để biết nhiều, chúng ta phải luôn giữ cho mình tâm thế “hôm nay phải mở mang”.
“Khi tôi viết cuốn sách này, cũng như khi tôi hướng dẫn cho người khác viết hoặc nhuận sắc cho các tác giả, tôi đương nhiên hy vọng những việc mình làm có thể giúp mọi người viết tốt hơn. Nhưng mà, suy cho cùng, cây bút trong tay bạn, năng lực ngôn ngữ cũng ở trong bạn, vậy nên, việc trở thành một người viết như thế nào, âu cũng chỉ có thể dựa vào chính bạn. Tôi thật lòng hy vọng cuốn sách này, hoặc nhiều hoặc ít, sẽ hữu ích cho bạn trên hành trình trở thành một người viết thực thụ. Và dù thế nào đi nữa cũng đừng quên rằng “Chúng ta là những con cá nhỏ, mỗi ngày đều mở mang”- Nguyễn Thùy Dung chia sẻ.
Theo Nguyễn Thùy Dung nghề viết hiện đại có thể tạm phân chia thành 2 mảng lớn. Mảng thứ nhất là viết trong ngành MarCom (Marketing Communications). Mảng thứ hai là sáng tạo văn chương. Trong xã hội hiện đại thì hai mảng viết này đang có sự liên kết rất chặt chẽ bổ trợ cho nhau nhằm cho ra sản phẩm cuối cùng chuẩn nhất. Vì vậy đa số những người trẻ viết trong ngành này cũng sẽ viết được cho ngành kia và ngược lại.
Hôm nay phải mở mang có thể được xem như một cố vấn đáng tin, một người bạn gần gũi để truyền cảm hứng cho những ai đang muốn dấn thân vào các lĩnh vực sáng tạo nội dung và các lĩnh vực liên quan đến chữ nghĩa.
Nguyễn Thùy Dung sinh năm 1990 tại Bến Tre, hiện đang học tập và làm việc ở TP.HCM.
Năm 2016, Thùy Dung sáng lập "Ngày ngày viết chữ", ban đầu chỉ là một blog nhỏ, nơi tập hợp các bài viết khi làm content marketing. Đến năm 2017, Thùy Dung đưa "Ngày ngày viết chữ" lên mạng xã hội và bắt đầu con đường “kể những câu chuyện giản dị be bé về tiếng Việt”.
Lĩnh vực quan tâm chủ yếu của cô là ngôn ngữ học so sánh đối chiếu và mối quan hệ giữa ngôn ngữ với văn hóa.
Các sách đã xuất bản: Từ vay hay dùng (2019); Đừng vì vẻ ngoài mà lướt qua nhau (dịch, 2020); Chữ xưa còn một chút này (2021).