Vụ việc 17 bức tượng có tuổi đời hơn 60 năm ở Công viên Thống Nhất (Hà Nội) bất ngờ được sơn lại với những màu sắc loè loẹt đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều trong người dân lẫn giới mỹ thuật.
Nhiều ý kiến đề xuất phải trả lại màu sắc thời gian cho những bức tượng này để tránh sự phản cảm. Nhiều ý kiến lại cho rằng, cần phải tham vấn ý kiến của các chuyên gia mỹ thuật để họ đưa ra cách phục chế phù hợp nhất. Trước sự việc này, báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Với tư cách là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông nhìn nhận như thế nào về sự việc Công viên Thống Nhất sơn lại 17 bức tượng có tuổi đời trên 60 năm đang gây ồn ào?
Chiều muộn hôm qua (26/5), ông Hoàng Kim Hồng - TGĐ Công ty Công viên Thống Nhất đã gọi điện cho tôi để xin ý kiến tư vấn. Phải nói thật, đây là một điều rất dở và đáng tiếc. Lẽ ra, trước khi tiến hành việc này, bên Công viên Thống Nhất phải hỏi ý kiến các cơ quan chuyên môn để được tư vấn. Hỏi có mất tiền mất bạc gì đâu mà ngại ngần. Đây là việc chung nên ai cũng sẵn sàng đưa ra những ý kiến mang tính xây dựng nhất.
Với một không gian công cộng đẹp đẽ như Công viên Thống Nhất, nơi mà lâu nay đã trở thành biểu tượng xanh của nhiều người dân Hà Nội mà nay vì thiếu chuyên môn, không chịu đi hỏi người có chuyên môn, tự tiện bôi xanh bôi đỏ, thậm chí còn tô son cho tượng… không hiểu họ nghĩ như thế nào.
Đây không chỉ là những bức tượng trang trí đơn thuần mà là những tượng có tuổi đời trên 60 năm nay. Nó chứa đựng nhiều giá trị tinh thần và gắn với ký ức của nhiều người. 17 bức tượng có màu thời gian qua bao năm tháng nên mỗi lần thay đổi màu sơn tượng phải hiểu màu ngày xưa của nó là gì. Đó là những tượng bằng bê tông - xi măng nên có sơn lại cũng phải sơn màu trắng. Nó chỉ phù hợp với màu đơn sắc thôi, không thể xanh đỏ được.
Cái này không chỉ gây mất mỹ cảm cho những người dân đến dạo trong công viên mà văn hoá Hà Nội khó tính lắm. Văn hoá Hà Nội không chấp nhận những kiểu phục chế tượng như thế.
Bây giờ sự việc đã xảy ra như thế, tôi có nghe nói bên Công viên Thống Nhất đã cho quét sơn lại. Không biết quét như thế nào. Việc đã rồi nhưng cũng cần phải lên tiếng để những khu vực khác họ rút kinh nghiệm.
Sự việc sơn lại màu tượng ở Công viên Thống Nhất chỉ là một sự việc điển hình trong hàng loạt câu chuyện tự tiện trùng tu hiện vật ở Hà Nội trong thời gian qua. Ông nghĩ sao về câu chuyện này?
Để xảy ra hiện tượng này, trách nhiệm trước hết thuộc về các nhà quản lý và quy hoạch đô thị. Sự vào cuộc kịp thời của truyền thông cũng là tiếng nói mang tính cảnh báo. Việc những người đó có tiếp thu và chịu sửa đổi hay không là việc của họ. Nếu vẫn giữ cách suy nghĩ và cách hành xử như thế đối với những không gian công cộng có điêu khắc ngoài trời thì quả là cần phải xem xét lại.
Theo ông, với sự việc như ở Công viên Thống Nhất vừa qua thì cách khắc phục hiệu quả nhất là gì?
Đương nhiên truyền thông phải vào cuộc hoặc nếu công chúng phát hiện thì phản ánh kịp thời để các cơ quan có trách nhiệm tiếp thu, tìm giải pháp tích cực nhất để trả lại nguyên vẹn hình hài cũ cho điêu khắc ngoài trời.
Riêng những tượng ở Công viên Thống Nhất đương nhiên phải sơn lại, trả lại màu trắng xưa nay của nó. Không nên phục chế theo màu thời gian vì màu thời gian là do tự nhiên mà thành, do mưa nắng mà thành, không thể chế lại màu thời gian trên tượng được đâu. Trắng nhưng cũng đừng trắng toát mà cũng trắng ngà ngà để cho vừa phải.
Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.
Ông Hoàng Kim Hồng - TGĐ Công ty Công viên Thống Nhất cho biết:” “Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã tiếp nhận và lắng nghe mọi ý kiến phản hồi. Chiều qua, cá nhân tôi cũng đã gọi điện tham vấn ý kiến một số chuyên gia. Đa phần các chuyên gia đều đề nghị nên sơn lại màu trắng. Hiện chúng tôi đã cho anh em sơn lại màu trắng. Từ chiều qua đã sơn được 4 – 5 tượng rồi, hôm nay tiếp tục cho sơn tiếp. Dự kiến đến cuối tuần này sẽ sơn xong 17 tượng. Với một số tượng bị bong tróc hoặc sứt mẻ nặng nền chúng tôi có chỉnh sửa lại một chút trước khi sơn”.
Hà Tùng Long