Niềm vui của người cho, nhận và đọc sách

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn31/08/2018 14:56
Niềm vui của người cho, nhận và đọc sách

Bảng xếp hạng 61 nước đọc sách nhiều nhất thế giới, dựa trên kết quả nghiên cứu của Central Connecticut State University (CCSU), một trường ĐH ở Mỹ, công bố vào tháng 10/2016 cho thấy Việt Nam không nằm trong top 61 này. Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á có 3 đại diện lọt vào bảng xếp hạng này: Singapore (hạng 36), Malaysia (hạng 53) và Indonesia (hạng 60).

Khi người Việt đọc sách

Việc người Việt Nam ít ham đọc sách đã được đề cập khá nhiều trên báo chí, mạng xã hội và các diễn đàn liên quan trong những năm qua. Tôi cũng ghi nhận việc này từ quan sát trực tiếp: trong các phòng chờ ở bến xe, nhà ga, sân bay; trên các chuyến tàu, chuyến xe, chuyến bay ở trong và ngoài Việt Nam, rất hiếm khi tôi thấy người Việt đọc sách. Họ thích dán mắt vào màn hình smartphone hơn, hoặc nếu có đọc thì là đọc báo. Trong khi đó, du khách nước ngoài thì thường chọn sách để đọc khi trên hành trình du lịch xuyên Việt.

Tôi đi nhiều nơi trên thế giới, thấy người dân ở các nước Âu - Mỹ, Nhật Bản hay Singapore… luôn chọn sách làm bạn đồng hành. Với họ đọc sách là thú tiêu khiển, là cách tiếp nhận tri thức và thông tin để làm giàu kiến thức của mình. Ngược lại, tôi ít khi thấy người dân các nước như Trung Quốc, Thái Lan hay Campuchia… dùng thời gian nhàn rỗi để đọc sách. Phải chăng đây là sự khác biệt trong nhận thức về sách và văn hóa đọc giữa các dân tộc? Tuy nhiên điều dễ nhận thấy là những nơi mà người dân thích đọc sách thì trình độ dân trí ở đó cao hơn và quốc gia đó cũng phát triển hơn.

Có hai câu hỏi tôi thường nghe khi hỏi ai đó có đọc sách không? Đó là: Cuộc sống khó khăn lấy đâu ra tiền để mua sách mà đọc? Đọc sách có lợi gì, người như tôi có cần đọc sách không? Quả thật khi cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm mà dành tiền mua sách đọc thì quả là xa xỉ. Đó là chưa kể những người cần lao luôn đặt mình ra khỏi mối quan hệ với sách vở vì họ cho rằng công việc và nhu cầu của họ thì không cần đến sách. Vì vậy mà họ chưa nhận thức được lợi ích từ việc đọc sách.

“Thư viện tí hon” trên đường Foster, thành phố New Haven (Connecticut, Mỹ)

Đọc sách miễn phí ở đâu

Với câu hỏi thứ nhất, tôi luôn chỉ cho người ta thấy rằng, không có tiền mua cũng có sách để đọc. Đó là đọc sách từ các thư viện, các tủ sách cộng đồng, các “không gian đọc”…, là những nơi đọc sách miễn phí, hiện diện khắp Việt Nam. Hầu khắp các tỉnh và thành phố ở Việt Nam đều có mạng lưới thư viện công lập. Nhiều nơi, thư viện công lập đã được triển khai ở cấp quận huyện, thậm chí lan tỏa đến tận các xã thôn thông qua mạng lưới bưu điện văn hóa.

Với dự án Sách hóa nông thôn do anh Nguyễn Quang Thạch quê ở Hà Tĩnh khởi xướng, sau gần 10 năm thực hiện đã lập được hơn trên 10.000 tủ sách các loại ở nhiều vùng quê Việt Nam như: Tủ sách dòng họ, Tủ sách phụ huynh, Tủ sách lớp học, Tủ sách hậu phương chiến sĩ, Tủ sách giáo xứ…, thu hút hơn 100.000 thành viên là phụ huynh học sinh, thầy cô giáo, người sống xa quê, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài… tham gia, đồng hành và đóng góp. Đó là chưa kể những “không gian đọc” do các thầy cô giáo hay những người làm trong ngành văn hóa, thông tin…đứng ra thành lập và được các nhà hảo tâm tài trợ sách báo và tài chính để mua sắm bục kệ, bàn ghế phục vụ miễn phí cho người đọc.

Những “không gian đọc” mà tôi biết như: Không gian đọc Hội An, Không gian đọc Cần Thơ, Không gian đọc Phú Quốc, Không gian đọc Củ Chi…đã hoạt động rất hiệu quả, không chỉ các em học sinh tìm đến đọc sách, mà có cả người lớn như sinh viên, công nhân, nông dân… cũng đến mượn sách để đọc. Thậm chí, có những thư viện tư nhân cũng đưa những cuốn sách quý hiếm ra phục vụ miễn phí cho những người có nhu cầu, như thư viện của thầy giáo Nguyễn Hữu Châu Phan ở Huế. Có thể nói chưa bao giờ người Việt có nhiều cơ hội tiếp cận sách miễn phí và thuận tiện như thời này.

Ghế ngồi và thư viện tí hon 

Đọc sách có lợi gì, người như tôi có cần đọc sách?

Với câu hỏi này, câu trả lời của tôi luôn luôn là “Có”. Bởi lẽ sách vở cung cấp một nguồn kiến thức đa dạng, đa tầng, đa cấp độ, tùy theo nhu cầu và sở thích của người đọc. Không chỉ người có học vấn cao mới cần đến sách như là công cụ để nghiên cứu hay là một kênh để thâu nạp kiến thức và thông tin, mà người ít học cũng cần đến sách vì nhu cầu giải trí, học hỏi, hay đơn giản cho để biết về một sự kiện hay vấn đề nào đó.

Tôi đã từng thấy những nông dân trên đường đi làm đồng về thì ghé vào bưu điện văn hóa xã để mượn một ít sách viết về kỹ thuật chăm bón cam; thấy một người nuôi tôm sáng tinh mơ đã tìm đến nhà một kỹ sư nông nghiệp trong vùng mượn cuốn cẩm nang về xử lý các bệnh thông thường của tôm nuôi. Tôi đã nhiều lần hỏi sinh viên của mình rằng có ai đã đọc hết truyện Kiều và truyện Lục Vân Tiên chưa và rất hiếm khi nghe câu trả lời “Có”.

Một người bạn trẻ của tôi, là tiến sĩ sinh học ở ĐH Tufts (Massachusette, Mỹ) lại thuộc Kiều và Lục Vân Tiên vanh vách. Trò chuyện với tôi bạn ấy hay dẫn vài câu Kiều, rất đúng lúc và đúng vấn đề, khiến cuộc chuyện trò rất duyên và đầy thú vị. Trong khi đó, tôi cảm thấy thất vọng với nhiều người, thuộc tầng lớp có chữ hoặc đang hành nghề liên quan đến chữ nghĩa, nhưng lại lười đọc sách, lười tiếp nhận và kiểm chứng thông tin từ sách nên những gì họ nói với công chúng hay viết ra cho công chúng đọc thì vừa sai lạc, vừa ngô nghê, rất phản cảm.   

Thư viện tí hon để khách có thể lấy sách đọc, hoặc có thể lấy sách đi và bỏ sách vào nếu thích 

Thư viện tí hon trên đường phố Mỹ

Khi sang nghiên cứu ở ĐH Yale (Connecticut, Mỹ), vào một ngày đẹp trời, tôi quyết định đi bộ từ thư viện về nơi nhà thay vì đi xe bus như mọi khi, để có dịp nhìn ngắm phố phường. Khi đi qua đường Foster tôi bất ngờ thấy hai điều thú vị “bày” trên hè phố: Một tủ sách con con lồng kính, có ghi dòng chữ: FOSTER ST. TINY LIBRARY (Thư viện tí hon đường Foster), bên trong có khoảng 30 cuốn sách đủ thể loại, phía trước có chiếc ghế tựa bằng gỗ, đủ chỗ cho hai người ngồi đọc sách; Mấy chậu gỗ trồng vài loại rau, bên trên có cắm mảnh giấy bìa bọc nilon, ghi dòng chữ: “Free! Awesome plants” (Miễn phí, những cây rau tuyệt vời). Tôi dừng lại, chụp một vài bức hình, rồi mở tủ lấy ra một cuốn sách, ngồi đọc một chút rồi mới về nhà, không quên ngắt một ngọn rau cho vào miệng nhai để tận hưởng hương vị tuyệt vời như lời quảng cáo của “chủ vườn”.

Liên tiếp mấy ngày sau, tôi đều đi bộ và chọn lối đi qua đường Foster để về nhà. Tôi thấy “thư viện tí hon” đó luôn có sách mới và chiếc ghế tựa phía trước “thư viện” thì thường xuyên có người ngồi đọc sách. Thi thoảng, lại thấy một cậu nhóc đạp xe đến, lấy đi một vài cuốn sách trong “thư viện” sau khi bỏ vào đó những cuốn sách khác. Tôi hỏi một bà lão đang ngồi đọc sách nơi chiếc ghế tựa: “Ai lập ra thư viện này vậy?”. Bà đáp: “Ý tưởng của bọn trẻ nhà Douglas đấy”. Bà chỉ tay vào ngôi nhà gỗ hai tầng nằm cách “thư viện” khoảng 10 m, rồi nói thêm: “Cộng đồng ủng hộ bằng cách đọc sách của tụi nhỏ, rồi đem sách đến để tặng và trao đổi. Cậu thấy đấy, ngày nào trong thư viện cũng có sách mới”. Những người hàng xóm Mỹ đã cho tôi một ví dụ sinh động về cách chia sẻ tri thức và tạo hứng thú đọc sách ngay trên hè phố.

Hãy tặng quà là sách

Có một cái Tết, tôi đọc trên báo thấy có bài của tác giả Giản Tư Trung viết rằng Tết này ông không muốn tặng và cũng không muốn nhận những giỏ quà giống như mọi năm, nghĩa là không có rượu mứt, bánh kẹo… Thay vào đó ông muốn tặng và nhận những giỏ quà Tết chỉ có sách. Tôi thích ý tưởng này, bởi lẽ trong những món quà ta tặng/ nhận cho/ từ tha nhân trong mỗi dịp Tết, nếu có được một giỏ sách thì thật thú vị vô cùng. Khi đó cái Tết mà ta và bạn bè đón nhận không chỉ sung túc về vật chất mà còn được thỏa mãn về tinh thần và tri thức mà những cuốn sách mang lại.

Tôi từng đi góp nhặt những cuốn sách, cũ có mới có, từ tủ sách gia đình, từ người thân và bạn bè, để trao tặng cho các “không gian đọc” ở nhiều nơi và cảm nhận được sự vui mừng, hạnh phúc từ ánh mắt lấp lánh của người nhận và người đọc. Nhờ đó mà tôi biết rằng người ta không chỉ cần cơm ăn áo mặc mà còn cần sách vở và tri thức.

Khi tôi chia sẻ trên mạng xã hội những cuốn sách cũ để đổi lấy những cuốn sách mới và phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi mà tôi muốn tặng cho một “không gian đọc” ở phía nam, thì chỉ trong vòng 1 giờ tất cả những cuốn sách cũ ấy đã có người đăng ký tiếp nhận. Không lâu sau đó, những người đăng ký nhận sách đã liên lạc với tôi ngỏ ý muốn tặng sách cho “không gian đọc” mà tôi giới thiệu. Những đứa trẻ nơi ấy sẽ có thêm những cuốn sách mới, hay mà chúng đang khao khát.

Vậy nên tôi mong những người xung quanh tôi, những người đọc bài viết này hãy cùng tôi thay đổi cách trao và nhận quà. Hãy cùng cho, nhận và đọc sách các bạn nhé.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025