Dưa kiệu là món ăn dân giã, thường được ăn kèm với bánh chưng, bánh tét mỗi khi Tết đến xuân về. Trong những ngày đầu năm, dưa kiệu thường xuyên có mặt trên mâm cơm trong dịp gia đình sum họp. Thiếu củ kiệu, ẩm thực ngày Tết của người Việt Nam như mất đi một hương vị, một màu sắc hết sức riêng biệt và độc đáo.
Nhưng để làm được củ kiệu ngâm đúng điệu cũng cần phải có bí quyết. Vài mẹo nhỏ sau đây sẽ giúp bạn ngâm củ kiệu với hương vị giòn ngon không thể nào quên.
Nguyên liệu
Củ kiệu
- Muối
- Đường
- Giấm gạo
- Hũ/ bình ngâm kiệu
Cách làm
Ngâm dưa kiệu trong nước muối pha loãng khoảng 12 tiếng. Sau đó rửa kiệu từ 2-3 lần cho sạch nước muối.
- Bạn đập nhỏ phèn chua rồi hòa với nước cho tan.
- Đổ kiệu vào nước phèn chua rồi đem ra phơi ngoài nắng từ 2 - 3 tiếng. Sau đó, rửa kiệu cho sạch phèn chua rồi rải kiệu ra mẹt (có thể thay bằng khay hoặc mâm) để tiếp tục phơi nắng cho ráo khoảng 3 - 4 tiếng.
Kiệu sau khi phơi xong thì đem cắt rễ, ngọn, lột lớp vỏ ngoài và rửa lại 1 lần nữa cho sạch, vớt ra để ráo nước .
Lưu ý: không cắt quá sâu ở phần gốc rễ, sẽ làm củ kiệu muối nhanh hư.
- Nhúng qua kiệu vào giấm rồi vớt ra để ráo giúp kiệu lên men tốt hơn.
Ngâm kiệu với đường
- Khi kiệu đã khô ráo hoàn toàn thì cho kiệu vào một âu to để ngâm đường. Đầu tiên, bạn cho một lớp đường dưới đáy âu, sau đó là 1 lớp kiệu, tiếp theo lại là 1 lớp đường, rồi 1 lớp kiệu. Cứ như vậy cho đến khi hết kiệu.
- Đậy kín âu lại, đợi khoảng 2 ngày cho kiệu ra nước, tự lên men.
- Sau 2 ngày, đường đã tan, bạn gắp hết kiệu cho vào hũ thủy tinh đã tiệt trùng sạch, khô rồi dùng nan tre gài phía trên. Sau đó, đổ hết nước đường tan ra vào hũ, đậy kín hũ rồi để ở nơi thoáng mát.
Để dưa kiệu chua, có thể ăn được thì cần mất khoảng 14 ngày.
Với những bí quyết trên, bạn sẽ có được món kiệu ngâm chua ngọt tự tay làm đãi cả gia đình. Đặc biệt, các bạn gái sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ nếu mang tặng cho gia đình người ấy món quà tết đơn giản nhưng dễ được lòng phụ huynh như thế này.
An Hoa (t/h)