Giới trẻ châu Á chật vật với ước mơ sở hữu nhà riêng

17/12/2021 14:00
Giới trẻ châu Á chật vật với ước mơ sở hữu nhà riêng

So với thế hệ trước, Gen Y phải vật lộn với cuộc sống "thắt lưng buộc bụng" nếu muốn sở hữu nhà riêng.

Giám đốc dịch vụ khách hàng Sukanda Thepsupa (26 tuổi) đã mua một căn hộ mới rộng 34m2 ở Bangkok (Thái Lan) với giá 3,5 triệu baht (khoảng hơn 2,4 tỷ đồng) vào tháng 6 với khoản vay 100%.

"Tôi có ý định mua nhà trước dịch Covid-19 vì đã tính toán và nhận ra rằng, chỉ cần bỏ ra thêm 3.000 baht/tháng (hơn 2 triệu đồng) cho khoản thế chấp là có thể mua được một chỗ ở. Tôi thậm chí còn được giảm giá 500.000 baht (hơn 344 triệu đồng) từ chủ đầu tư", cô nói.

Người trẻ châu Á chật vật với ước mơ sở hữu nhà riêng - 1

Căn hộ mới của Sukanda Thepsupa nằm ở vị trí thuận tiện và có tầm nhìn tuyệt vời, ngắm trọn cảnh hoàng hôn (Ảnh: Straits Times/Sukanda Thepsupa).

Giống như Sukanda, những người thuộc thế hệ Millennials (hiện đang ở độ tuổi từ 25 đến gần 40) đang chuyển ra khỏi căn hộ thuê hoặc nhà của bố mẹ và tìm một nơi ở riêng. Đại dịch Covid-19 là một chất xúc tác.

Nhưng việc lập kế hoạch mua nhà không hề đơn giản. Họ phải vật lộn trong môi trường mà giá bất động sản vẫn còn quá cao đối với những người trẻ tuổi. 

Mỗi tháng, Sukanda phải trả 10.000 baht (gần 7 triệu đồng) cho khoản vay kéo dài 37 năm. Đó là khoảng 1/3 thu nhập hàng tháng và cô thừa nhận rằng bản thân đang phải cố gắng kiểm soát chi tiêu. 

Đối với cô, vị trí và tầm nhìn rất quan trọng khi làm việc tại nhà. Từ phòng ngủ, cô có thể ngắm trọn cảnh hoàng hôn hay thỉnh thoảng cô sẽ lên sân thượng, phóng tầm mắt thưởng ngoạn cảnh sắc. 

Hầu hết những người thuộc thế hệ Millennials đều phải tìm kiếm ngôi nhà có giá rẻ hơn ở vùng ngoại ô. Nếu nhất định muốn ở các quận nội thành đắc địa, họ phải chấp nhận mua nhà vừa đắt vừa nhỏ đến mức không đủ không gian khi có con. 

Dẫu vậy, nhiều người trẻ vẫn cố gắng để mua nhà và được các công ty bất động sản, ngân hàng săn đón. Một số người tìm thấy cơ hội để tạo ra nguồn thu nhập mới trong thời kỳ đại dịch, trong khi số khác may mắn có cha mẹ trả khoản vay không lãi suất hoặc trợ cấp một phần chi phí.

Covid-19 không khiến giá nhà hạ nhiệt nên việc sở hữu nhà riêng vẫn nằm ngoài tầm với của hầu hết những người "chân ướt chân ráo" vào đời. 

Mua nhà để ổn định hay thuê nhà để bớt lo?

Tại Seoul (Hàn Quốc), giá trung bình của một căn hộ đạt 1,1 tỷ won (hơn 21 tỷ đồng) vào tháng 4, tăng so với mức 607 triệu won (hơn 11 tỷ đồng) vào năm 2017.

Giá nhà ở các thành phố sầm uất và phát triển nhất Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến có giá cao hơn mức lương trung bình khoảng 14 lần.

Tại các thành phố Cấp 2, giá cao gấp khoảng 7 lần mức lương trung bình và gấp 5 lần mức lương trung bình ở các thành phố được xếp hạng từ bậc 3 đến 5, theo Viện Chính sách Đất đai Lincoln vào năm 2020.

Dữ liệu từ công ty dịch vụ bất động sản Savills cho thấy tại Thiên Tân, thành phố 15 triệu dân ở phía đông nam Bắc Kinh, căn hộ ở các khu cao cấp được bán với giá khoảng 9.000 USD/m2 (khoảng 207 triệu đồng), ngang với một số khu vực đắt đỏ nhất của London (Anh), mặc dù thu nhập khả dụng ở London cao gấp 7 lần ở Thiên Tân.

Tại Tokyo (Nhật Bản), các cơ hội tiếp tục thu hút những người ở độ tuổi đầu 20. Nhưng họ có nhiều khả năng phải đi thuê hơn là kiếm đủ tiền để có được một chỗ ở cho riêng mình.

Cứ 10 người trưởng thành ở Nhật thì có hơn 3 người đang thuê nhà. Mặc dù nhiều ngân hàng cung cấp các khoản vay mua nhà ở với lãi suất gần bằng 0, nhưng việc cho thuê theo truyền thống vẫn là lựa chọn hấp dẫn, vì nó linh hoạt hơn nhiều so với các khoản thanh toán thế chấp đi kèm việc mua nhà.

Đặc biệt, thế hệ Millennials thích đi đây đó và có thể di chuyển khắp đất nước để làm việc. Phần lớn nhà của tổ tiên được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cũng góp phần làm giảm nhu cầu mua nhà của người trẻ.

Shuto Yano (28 tuổi, nhà phát triển ứng dụng trò chơi) đã rời khỏi ngôi nhà của gia đình ở quận Saitama để thuê một căn hộ rộng 20m2 ở Shinjuku vào năm 2018. Quyết định này được đưa ra sau khi anh đã quá mệt mỏi bởi cảnh đi lại hơn một giờ trên các chuyến tàu vào giờ cao điểm chật chội hàng ngày.

Người trẻ châu Á chật vật với ước mơ sở hữu nhà riêng - 2

Shuto Yano đã quyết định ở riêng để thuận lợi đi lại (Ảnh: Straits Times/Walter Sim).

Yano chia sẻ với The Straits Times rằng, anh phải chi trả 85.000 yên/tháng (hơn 17 triệu đồng) cho một căn hộ nhỏ ở trung tâm Tokyo là một khoản đầu tư đáng giá, vì anh có thể đi bộ đến nơi làm việc.

"Điều này phù hợp với lối sống của tôi. Vào những ngày nghỉ, tôi có xu hướng lơ đễnh, không làm gì khác ngoài việc ngồi máy tính cả ngày. Và dù sao thì tôi cũng không cần nhiều không gian để sống một mình bởi càng nhiều không gian đồng nghĩa với việc dọn dẹp càng rắc rối hơn", anh cho biết.

Ở Indonesia, thế hệ trẻ vẫn còn ngần ngại vay ngân hàng để mua nhà riêng. Họ cân nhắc về việc mắc kẹt với khoản thế chấp 25 năm hoặc phải nhờ đến cha mẹ.

Trong khi đó, những ngôi nhà đắt đỏ ở Đài Loan đã khiến thế hệ Millennials phải đau đầu vì quyền sở hữu và quyết định thuê nhà suốt đời.

Bà Jhoanne Marie Villamiel, giám đốc điều hành kiêm nhà môi giới bất động sản tại PrimaShelter (Philippines), cho biết: "Một sự thật đáng buồn là giá bất động sản tăng nhanh hơn thu nhập của nhân viên. Hiện nay có rất nhiều người Philippines, đặc biệt là những người có mức lương tối thiểu, muốn có tài sản riêng nhưng chúng tôi không có bất kỳ tài sản nào để cung cấp cho họ". 

Cô cho biết ngôi nhà rẻ nhất mà công ty cô có thể cung cấp, ở thị trấn Naic, cách thủ đô Manila 50km về phía nam, yêu cầu thu nhập hộ gia đình ít nhất là 23.000 peso (hơn 10 triệu đồng). Nhưng mức lương tối thiểu ở Naic chỉ chạm mức 14.000 peso (hơn 6 triệu đồng).

Người trẻ châu Á chật vật với ước mơ sở hữu nhà riêng - 3

Một khu nhà ở giá rẻ đang được xây dựng tại thị trấn Naic, cách thủ đô Manila 50km về phía nam (Ảnh: Straits Times).

Người trẻ xoay xở với ước mơ mua nhà

Đại dịch đã tạo cơ hội cho thế hệ Millennials chuyển đổi từ người đi thuê nhà thành chủ sở hữu nhà chính thức. Chẳng hạn, Covid-19 khiến cuộc sống ở nơi xa thành phố, có giá cả thấp hơn là một lựa chọn hấp dẫn.

Ở Đài Loan, các nhà môi giới so sánh bức tranh thành phố ngoại ô với một quả trứng: Trung tâm thành phố là lòng đỏ, còn vùng ngoại ô là lòng trắng trứng. Đài Bắc là một ví dụ, những người trẻ tuổi có xu hướng mua nhà ở "khu vực lòng trắng trứng" cách nơi họ làm việc từ 40 phút đến một giờ.

Thế hệ Millennials cố gắng duy trì công việc của họ bất chấp đại dịch gây ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt.

Những người khác, như Aze Gedalanga (39 tuổi), nhân viên nội dung cho một công ty gia công phần mềm ở Philippines, và vợ anh, Sheila (38 tuổi), nhà tư vấn kinh doanh, thậm chí đã có thể tìm được những công việc được trả lương cao hơn.

Vì vậy, việc mua một ngôi nhà bỗng trở nên khả thi hơn, ngay cả khi đất nước đang phải phong tỏa vì dịch bệnh. Ngôi nhà của đôi vợ chồng này cách thủ đô Manila 60km về phía nam.

Người trẻ châu Á chật vật với ước mơ sở hữu nhà riêng - 4

Vợ chồng Aze Gedalanga mua ngôi nhà đầu tiên của họ một tháng sau khi đất nước rơi vào tình trạng phong tỏa (Ảnh: Straits Times/Cristina Menina).

Gedalanga nói: "Chúng tôi cần có ngôi nhà của riêng mình. Tôi nghĩ đó là điều cần thiết, cho dù bạn có cảm thấy không chắc chắn về việc có mua được một ngôi nhà hay không".

Các nhà phát triển bất động sản, ngân hàng đã và đang tung ra nhiều ưu đãi cho những người thuộc thế hệ trẻ nhằm lôi kéo họ mua căn nhà đầu tiên.

Ngân hàng Mandiri, công ty cho vay tài sản lớn nhất Indonesia, cho biết tính đến tháng 10, khoảng 70% tổng tín dụng hàng năm của ngân hàng này đã thuộc về thế hệ Millennials.

Ngân hàng hiện đang cung cấp khoản thế chấp đặc biệt, cho phép thế hệ trẻ thanh toán theo hình thức trả góp nhỏ hơn và tăng dần hoặc chỉ trả lãi vay hàng tháng trong khi nhà vẫn đang được xây dựng. Các khoản vay có thể lên đến 25 năm.

Tiến sĩ Sopon Pornchokchai, Chủ tịch Cơ quan phụ trách các vấn đề bất động sản ở Thái Lan, cho biết, ông tin rằng việc mua nhà hiện nay là dễ dàng hơn theo một cách nào đó" đối với thế hệ Millennials.

Ông nói: "Trong thời của cha mẹ họ, chi phí trả trước và giá trị của bất động sản cao hơn".

Đối với Daniel Droter (Hoa Kỳ) không có gì phải vội vã trở về nhà riêng khi ở độ tuổi 20. Thêm nữa, dù sao thì anh ấy cũng không đủ tiền mua. Tuy nhiên, bây giờ anh đã 34 tuổi, là lính cứu hỏa, vợ là công chức và họ có một "thiên thần nhỏ" vừa chào đời. 

"Cả hai chúng tôi đều đi làm. Tôi làm thêm nhiều giờ và có một công việc cung cấp thêm giờ. Khu vực trung tâm thành phố Church Falls, bang Virginia có giá quá cao. Căn nhà bên đường có giá khoảng 700.000 USD (hơn 16 tỷ đồng), nhưng nếu ở cách xa 1 giờ lái xe đi làm thì giá chỉ còn 200.000 USD (hơn 4,6 tỷ đồng)", anh cho hay. 

Nhưng ký thế chấp không phải lúc nào cũng là con đường khả thi, đặc biệt là ở những quốc gia nơi giá nhà cao ngất ngưởng và lãi suất không hấp dẫn. Việc có "Quỹ của bố và mẹ" thường rất hữu ích.

Julius Sandika Wirayudha, nhà phân tích nghiên cứu tại một công ty chứng khoán, nhờ cậy cha mẹ sau khi biết rằng anh sẽ phải trả gấp 3 lần giá thực tế cho ngôi nhà mơ ước của mình ở thành phố vệ tinh Tangerang (Indonesia) với khoản thế chấp 15 năm.

Wirayudha dùng tiền tiết kiệm để trả đợt đầu tiên, sau đó vay bố mẹ để trả nốt phần còn lại. Một nửa tiền lương của anh bây giờ được chuyển cho bố mẹ.

Ở Trung Quốc, tỷ lệ sở hữu nhà ở thế hệ trẻ rất cao do họ nhận được sự hỗ trợ tài chính từ cha mẹ. Một cuộc khảo sát của HSBC được thực hiện vào năm 2017 đối với những người trẻ sống ở khu vực thành thị cho thấy, cứ 10 người Trung Quốc thì có 7 người có nhà riêng. 

Với hầu hết các gia đình một con, các bậc cha mẹ coi nhiệm vụ của họ là phải giúp đỡ đứa con duy nhất của mình.

Giám đốc dịch vụ đầu tư Zhang Yingchi (32 tuổi), cho biết vợ chồng cô lên kế hoạch mua nhà ở Bắc Kinh để con gái được học hành tử tế. Hiện họ thuê một căn hộ hai phòng ngủ ở quận Haidian với giá 5.500 nhân dân tệ/tháng (gần 20 triệu đồng).

"Các trường học ở Bắc Kinh có nguồn lực tốt hơn nhiều so với quê hương của vợ chồng tôi. Chúng tôi muốn nuôi dạy con gái mình ở Bắc Kinh để nó có một bước khởi đầu trong cuộc sống", cô nói.

Trì hoãn việc sở hữu nhà riêng

Tuy nhiên, Millennials có một số việc phải làm.

Dữ liệu của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ cho thấy, tỷ lệ sở hữu nhà cho thế hệ trẻ đã tăng mạnh trong 5 năm qua. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu nhà của những người Mỹ trẻ tuổi vẫn ít hơn các thế hệ trước.

Thế hệ Millennials ở Thái Lan - quốc gia có tỷ lệ nợ hộ gia đình trên tổng sản phẩm quốc nội cao nhất trong số các nước đang phát triển, đang từ bỏ việc mua nhà. Họ không vội, vì họ nhìn nhận vấn đề này qua một lăng kính khác.

Người trẻ châu Á chật vật với ước mơ sở hữu nhà riêng - 5

Người trẻ chật vật với giấc mơ sở hữu nhà riêng (Ảnh: Shutterstock).

Rathawat Kuvijitrsuwan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và tư vấn của CBRE Thái Lan cho biết: "Trong văn hóa Thái Lan, người ta coi việc sở hữu nhà và xe hơi thể hiện sự ổn định, trưởng thành trong cuộc sống. Song, điều đó đã thay đổi khi các thế hệ mới đang tìm kiếm nơi cung cấp cho họ sự linh hoạt và tiện lợi nhất. Bên cạnh đó, một số coi quyền sở hữu là trách nhiệm đi kèm với phí bảo trì cao".

Ông cũng lưu ý xu hướng đang nổi lên ở thế hệ Millennials được gọi là "DINKs" - thu nhập gấp đôi, không sinh con, hoặc nuôi thú cưng thay vì trẻ em. 

Kuvijitrsuwan cho rằng: "Điều này đã thay đổi yêu cầu về không gian sống mà không cần phải lập kế hoạch mở rộng quy mô gia đình".

Các nhà phát triển bất động sản kỳ vọng thế hệ Millennials sẽ tiếp tục thúc đẩy doanh số bán hàng trong những năm tới.

"Với tư cách là chuyên gia bất động sản, chúng tôi đã thực sự nhắm mục tiêu đến những người thuộc thế hệ Millennials. Họ biết bản thân có tiền nhưng không biết phải dùng vào đâu. Hãy để họ biết rằng, mua một ngôi nhà là điều rất tốt", bà Villamiel, nhà môi giới bất động sản người Philippines kết luận.

T.N

Theo The Straits Times


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024