Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống: Tầm quan trọng của giáo dục đối với mỗi người

15/08/2020 08:30
Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống: Tầm quan trọng của giáo dục đối với mỗi người

Một cuốn sách mỏng, chỉ tầm 150 trang thôi nhưng chứa đựng trong đó là những tư tưởng đạo lý của triết gia J.Krishnamurti nổi tiếng.

Có bao giờ bạn tự hỏi mình rằng việc bạn đến trường, học tập; việc bạn được giáo dục từ khi còn nhỏ cho đến tận bây giờ có ý nghĩa gì không? Nếu chưa thì cuốn sách Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống của J.Krishnamurti dành cho bạn đấy. Còn nếu bạn đã đặt ra câu hỏi và loay hoay chưa tìm được câu trả lời, thì cuốn sách này cũng dành cho bạn.

Nhiều điều mới lạ và trái ngược hoàn toàn với thứ mà bạn được dạy trước đó sẽ thể hiện qua góc nhìn của tác giả ở trong cuốn sách. Đặc biệt là mối quan hệ giữa giáo dục và ý nghĩa của cuộc sống. Bởi lẽ, muốn tạo dựng một nền giáo dục đúng đắn, ta phải hiểu rõ ý nghĩa cuộc sống trong tính toàn thể của nó. 

Về Tác Giả

Krishnamurti là một hiền nhân, triết gia và nhà tư tưởng, ông soi sáng cuộc đời của hàng triệu người trên khắp thế giới. Ông tạo ra ý nghĩa căn bản mới mẻ cho tôn giáo bằng cách chỉ rõ một cách sống vượt khỏi tất cả tôn giáo. Ông can đảm đối diện với những vấn đề của xã hội và phân tích bằng sự rõ ràng, tính khoa học những hoạt động của tâm trí con người. Ông là tác giả của rất nhiều cuốn sách. Ở tuổi 90, Krishnamurti đã diễn thuyết tại Liên Hợp Quốc về chủ đề hòa bình và nhận thức, và ông đã được trao tặng Huân chương Hòa bình của Liên Hợp Quốc vào năm 1984. 

Giáo dục phải giúp ta tìm thấy những giá trị phổ quát vững bền sao cho ta không còn lệ thuộc vào các công thức vô hồn hay lặp đi lặp lại các khẩu hiệu sáo rỗng; nó phải giúp chúng ta phá vỡ những rào cản trong xã hội và giữa các quốc gia, thay vì làm nổi rõ những cản trở ấy, vì chúng gây ra sự đối kháng trong mối tương quan giữa con người với nhau. 

Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống

Lối giáo dục truyền thống đã khiến cho việc tư duy độc lập trở nên khó khăn. Muốn duy trì sự khác biệt so với đám đông hay đề kháng lại sức ảnh hưởng của môi trường bên ngoài là điều chẳng dễ dàng gì, và thường là rất nguy hiểm. Sự thèm khát thành công, hay nói cách khác là mong cầu phần thưởng dù trong thế giới vật chất hay thế giới tinh thần, tìm kiếm cảm giác an toàn bên trong hay bên ngoài, mong cầu được thanh thản,... toàn bộ quá trình này bóp nghẹt khả năng bày tỏ thái độ không thỏa mãn, chấm dứt sự tự sinh và nuôi dưỡng nỗi sợ hãi, mà sợ hãi lại chính là yếu tố khóa chặt khả năng hiểu biết của trí tuệ về cuộc sống. Càng lớn tuổi, trí óc con người càng trở nên mụ mị và con tim càng trở nên chai sạn.

Thế thì rốt cuộc ý nghĩa của cuộc sống là gì? Chúng ta sống và đấu tranh vì điều gì? Nếu ta được giáo dục chỉ để trở nên khác biệt, giành lấy một công việc tốt hơn, có nhiều năng lực thống trị người khác nhiều hơn, thì cuộc sống của ta trở nên hời hợt và trống rỗng vô cùng. Thật vậy, cuộc sống có ý nghĩa rộng lớn hơn và cao cả hơn tất cả những điều đó, và nền giáo dục có ích gì nếu như nó chẳng thể giúp ta khám phá ra ý nghĩa ấy? Chúng ta có thể được giáo dục rất tốt, nhưng nếu không tạo ra sự kết hợp sâu sắc giữa tư tưởng và tình cảm thì cuộc sống của chúng ta không thể trọn vẹn; nó sẽ bị mâu thuẫn và xâu xé bởi đủ kiểu lo sợ. Và chừng nào nền giáo dục còn chưa vun đắp được cái nhìn hợp nhất ấy, thì nó chẳng có ý nghĩa gì. 

Tất cả chúng ta đều đã được đào tạo, thông qua giáo dục và môi trường sống, để tìm kiếm lợi ích và sự an toàn cho chính mình, cũng như đấu đá nhau vì lợi ích cá nhân. Cho dù ta có che đậy nó bằng những ngôn từ hoa mỹ đến mấy, thì sự thực là chúng ta đã được đào tạo trong một hệ thống được dựa trên sự bóc lột và nỗi lo sợ - khiến ta ra sức thu vén, tích lũy cho thật nhiều. Phương thức đào tạo như thế chắc chắn đẩy chúng ta và cả thế giới vào trạng thái hỗn loạn, đau khổ. Điều đó là không thể tránh khỏi, vì nó dựng lên trong mỗi cá nhân những rào cản tâm lý chia cắt và cách ly họ với những người khác.

Chức năng của giáo dục là tạo ra những con người toàn diện và có trí tuệ. Chúng ta có thể sở hữu nhiều bằng cấp và tính hiệu quả một cách máy móc nhưng không có trí tuệ. Trí tuệ không phải là năng lực tích trữ thông tin; trí tuệ không phải từ sách vở mà có, nó cũng không phải là kiểu phản ứng tự vệ thông minh. Người không học hành vẫn có thể thông minh hơn người có học. Chúng ta đã biến các kỳ thi cử và bằng cấp học thuật trở thành tiêu chuẩn của trí tuệ và đã phát triển cái đầu óc ranh mãnh luôn tránh những vấn đề sống còn của con người. Trí tuệ là năng lực nhận biết cái bản chất, cái vốn đang tồn tại; và việc đánh thức năng lực này, ở bản thân và mọi người, chính là giáo dục. 

Có đi khắp thế gian mới thấy bản chất của con người giống nhau đến lạ, dù ở Ấn hay Mỹ, ở châu Âu hay châu Úc. Điều này đặc biệt đúng ở các trường cao đẳng và đại học. Chúng ta đang sản sinh ra, như thể đúc từ một cái khuôn, một kiểu người mà mối quan tâm chính của họ là tìm kiếm cảm giác an toàn, trở thành mục đích quan trọng, hay thoải mái tận hưởng những giây phút vui vẻ mà càng ít phải suy nghĩ càng tốt.

Loại Hình Giáo Dục Đúng Đắn

Cho dù rõ ràng là việc biết đọc biết viết, việc học hành nghề kỹ sư hay học những nghề nghiệp khác để kiếm sống là chuyện cần thiết không phải bàn cãi, nhưng liệu những kỹ thuật, những phương thức này có giúp ta hiểu hết về cuộc sống hay không lại là chuyện khác. Chắc chắn kỹ năng nghề nghiệp chỉ là thứ yếu; nếu kỹ năng nghề nghiệp là thứ duy nhất ta đang phấn đấu đạt được thì rõ ràng là ta đang rũ bỏ điều gì đó thuộc về bản chất cuộc sống.

Chúng ta lựa chọn nghề nghiệp tùy theo năng lực của mình; nhưng liệu việc theo đuổi một nghề nghiệp sẽ giúp ta thoát khỏi sự xung đột và hỗn loạn chăng? Một số hình thức đào tạo kỹ thuật xem chừng là cần thiết; nhưng sau khi chúng ta đã trở thành kỹ sư, bác sĩ, kiến trúc,... thì sao nữa? Việc hành được một nghề nào đó có nghĩa là ta đã sống một cuộc đời trọn vẹn chăng? Dường như với hầu hết chúng ta thì là như vậy. Nghề nghiệp khiến ta bận bịu suốt phần lớn cuộc đời mình; nhưng những gì mà chúng ta tạo ra, và theo đó bị chúng mê hoặc, lại là những thứ đang gây ra sự hủy hoại và tình trạng khốn cùng. Thái độ và các giá trị của chúng ta biến công việc cũng như thế giới thành công cụ cho sự đố kỵ, cay cú và thù hằn. 

Chức năng lớn nhất của giáo dục đúng đắn là tạo ra những cá thể toàn diện có thể xem xét cuộc sống trong tính toàn diện của nó. Người lý tưởng, cũng giống như nhà chuyên môn, không quan tâm tới cái toàn bộ, mà chỉ quan tâm tới cái bộ phận. Không thể xảy ra sự hợp nhất cho tới chừng nào con người vẫn còn theo đuổi một khuôn mẫu hành động lý tưởng; và hầu hết các nhà giáo dục theo chủ nghĩa lý tưởng đều gạt bỏ tình yêu, cái đầu họ khô khan còn con tim thì sắt đá. Để nghiên cứu một đứa trẻ, nhà giáo dục phải tỉnh táo, thận trọng, biết rõ về bản thân, và điều này đòi hỏi phải có trí tuệ và tình cảm hơn là khuyến khích đứa trẻ chạy theo một lý tưởng.

Trí Năng, Uy Quyền Và Trí Tuệ

Điều thiết yếu đối với con người, dù già hay trẻ, là sống một cuộc sống trọn vẹn và toàn diện, đó là lý do tại sao vấn đề chính của chúng ta là vun bồi cái trí tuệ mang lại sự hợp nhất ấy. Nhấn mạnh quá mức bất cứ bộ phận nào, trong toàn bộ cấu trúc, đều làm thiên lệch và theo đó làm xuyên tạc cái nhìn về đời sống, chính sự xuyên tạc này là cái gây ra hầu hết những nỗi khó khăn của chúng ta. Bất cứ sự phát triển có tính thiên lệch nào của khí chất chắc chắn sẽ gây tai hại cho cả chúng ta lẫn cho xã hội, và do đó việc chúng ta tiếp cận các vấn đề của con người từ góc nhìn toàn diện là điều tối quan trọng. 

Một con người toàn diện là phải hiểu toàn bộ diễn trình ý thức của mình, cả ở phương diện được bộc lộ lẫn ở phương diện bị ẩn tàng. Đây là điều không thể xảy ra nếu chúng ta nhấn mạnh quá mức tới trí năng. Chúng ta hết sức coi trọng việc đào luyện trí óc, nhưng trong nội tâm chúng ta lại thiếu thốn, nghèo nàn và hỗn loạn. Lối sống dựa hết vào trí năng là con đường dẫn đến sự phân ly; vì các tư tưởng, cũng giống như lòng tin, không thể nào làm cho con người đến với nhau ngoại trừ dẫn họ vào các nhóm xung đột.

Chỉ có tình yêu thương và tư duy đúng đắn mới làm nên cuộc cách mạng thực sự, cuộc cách mạng bên trong chính mình. Nhưng làm thế nào chúng ta có được tình yêu thương? Không phải bằng sự theo đuổi một tình yêu lý tưởng, mà chỉ khi nào không còn thù hận, không còn tham lam, không còn cảm thức về cái tôi - nguyên nhân của mọi sự đối kháng. Người nào mưu cầu trục lợi, chạy theo thói tham lam, ganh tị, kẻ ấy không bao giờ có tình yêu thương. 

Để thay đổi thế giới, trước hết chúng ta phải tái tạo lại bản thân. Không thứ gì có thể đạt được bằng bạo lực, bằng việc triệt hạ lẫn nhau. Có thể chúng ta tìm được sự giải thoát tạm thời bằng cách gia nhập vào những nhóm người nào đó, bằng cách nghiên cứu các biện pháp cải cách kinh tế - xã hội, bằng cách ban hành pháp chế, hay cầu nguyện; nhưng dù chúng ta có làm bất cứ điều gì đi nữa, nếu thiếu sự nhận biết chính mình và tình yêu thương thì các vấn đề của chúng ta sẽ không ngừng mở rộng và gia tăng. Trong khi đó, nếu chúng ta đưa trí óc và con tim vào công việc hiểu biết chính mình, chúng ta chắc chắn sẽ giải quyết được nhiều xung đột và đau khổ. 

Giáo Dục Và Hòa Bình Thế Giới

Một trong những nguyên nhân chính gây ra sự thù hận và đấu đá lẫn nhau là niềm tin rằng một giai cấp hay chủng tộc này cao quý hơn một giai cấp hay chủng tộc khác. Trẻ em không có ý thức phân biệt giai cấp hay chủng tộc; chính môi trường gia đình, trường học làm cho em cảm thấy có sự phân biệt. Bản thân đứa trẻ không quan tâm đến việc người bạn chơi với mình là người da đen hay người Do Thái, người thuộc đẳng cấp quý tộc hay công nhân; nhưng sự ảnh hưởng của toàn bộ cấu trúc xã hội đang liên tục khắc sâu vào đầu óc, tác động và định hình cách nghĩ của những đứa trẻ.

Đâu là cơ sở thực sự chỉ rõ sự phân biệt giữa con người với nhau như thế? Thân thể chúng ta có thể khác nhau về cấu trúc và màu da, gương mặt của chúng ta có thể mỗi người mỗi dạng, nhưng bên trong làn da chúng ta thì muôn người như một: tham vọng, tự phụ, ganh tị, bạo lực,.. Lột bỏ các nhãn mác ra, chúng ta hoàn toàn trần trụi; nhưng chúng ta không muốn đối mặt với tình trạng trần trụi của mình, và vì thế chúng ta cố bám vào các nhãn mác - điều đó cho thấy chúng ta còn chưa chín chắn như thế nào, chúng ta còn thực sự ấu trĩ ra sao. 

Điều thiết yếu trong giáo dục, cũng như trong mọi lĩnh vực khác, là phải có con người hiểu biết thông tuệ và đầy tình yêu thương, trái tim họ không chất chứa những lời sáo rỗng, những sự kiến tạo của trí óc. Nếu như sống có nghĩa là sống một cách hạnh phúc với sự cẩn trọng từ trong ý nghĩ, sống với chính mình; và nếu chúng ta muốn xây dựng một xã hội thực sự khai minh, chúng ta phải có những nhà giáo dục hiểu sự phát triển toàn diện là gì và là người có năng lực truyền đạt sự thông hiểu ấy cho các em học sinh.

Lời Kết

Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống của J.Krishnamurti là một cuốn sách giúp bạn hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của giáo dục đối với cuộc đời mỗi người. Hy vọng bạn sẽ tìm được câu trả lời cho việc sống và học tập sao cho ý nghĩa hơn, và luôn ghi nhớ rằng “chức năng của giáo dục là tạo ra những con người toàn diện và có trí tuệ”. 

Tác giả: Hồng Dịu - Hình ảnh: Hồng Dịu - Bookademy

Nhập mã MGG5FN giảm thêm 5% khi mua sách "Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống" tại: https://bit.ly/gdvaynghiacuocsong-fhs. Thời gian sử dụng đến ngày: 15/8/2020.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025