Trên trang chủ của công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu Bessemer Ventures Partners, bên cạnh những thương vụ thành công, công ty này còn liệt kê những "danh mục không đầu tư". Trong đó, họ kể tên những công ty khởi nghiệp béo bở mà họ đã bỏ lỡ và khiến hàng tỷ đô la vuột khỏi tay mình, như Google và Facebook.
Đây là sự hài hước và khiêm nhường của Bessemer, thể hiện rằng ngay cả những nhà đầu tư lỗi lạc cũng có thể mắc sai lầm. Nhưng điều này cũng cho thấy, bằng cách thoải mái bỏ qua những cơ hội tốt đẹp, Bessemer cũng đã loại bỏ "nỗi sợ bỏ lỡ" ra khỏi văn hóa công ty, từ đó tập trung nguồn lực ít ỏi cho những khoản đầu tư có hiệu quả cao.
Nỗi sợ bỏ lỡ
Thuật ngữ Nỗi sợ bỏ lỡ - FOMO (fear of missing out) được Patrick J. McGinnis đưa ra vào năm 2004 và sau đó đã được đưa vào từ điển Oxford năm 2013.
FOMO được định nghĩa là cảm giác lo lắng không mong muốn vì nghĩ rằng người khác đang có những trải nghiệm thú vị hơn bạn và mong muốn đó được khuếch đại bởi các trang mạng xã hội hoặc là áp lực xã hội vì nhận thấy rằng bạn sẽ bỏ lỡ hoặc loại khỏi một trải nghiệm chung tích cực hoặc đáng nhớ.
Đây là một hiện tượng tâm lý phổ biến và cùng với sự phát triển của công nghệ, ảnh hưởng của nó đang lan rộng tới mọi mặt trong đời sống.
Ngoài tạo ra sự căng thẳng, bất an, lòng đố kỵ, thậm chí cả trầm cảm, FOMO cũng đe dọa sự thành công trong công việc, cám dỗ bạn đưa ra sự đầu tư chỉ dựa trên phỏng đoán và buộc những nhà lãnh đạo doanh nghiệp chạy theo những chiến lược sai lầm.
Khi nhìn vào thị trường chứng khoán và Bitcoin gần đây, bạn sẽ thấy hình dáng của FOMO ở nhiều nhà đầu tư. Nhiều người vì lo ngại bỏ lỡ cơ hội kiếm lời béo bở nên vội vàng lao theo lựa chọn của số đông. Giống như cuộc khủng hoảng năm 2000 khi bong bóng dotcom vỡ tung, hàng nghìn tỷ USD tài sản của nhà đầu tư bốc hơi.
"Làm hòa" với FOMO
"Đừng sợ lỡ cuộc chơi" được viết bởi cha đẻ thuật ngữ FOMO - Patrick J. McGinnis. Cuốn sách chỉ ra cách ta có thể chế ngự nỗi sợ bỏ lỡ đầy đáng sợ này.
Giống như công ty đầu tư mạo hiểm Bessemer Ventures Partners, để loại bỏ FOMO, ta cần sự dũng cảm và quyết đoán để đưa ra quyết định, dù đôi lúc điều đó có thể bỏ lỡ một cơ hội tốt.
Bạn cũng sẽ tìm thấy phương án để vượt qua nỗi sợ. Ở đó, chìa khóa nằm vào sự quyết đoán: Chọn những gì bạn thực sự muốn và tập trung vào đó, kiên trì tập luyện, bạn sẽ tìm thấy được lòng dũng cảm để từ bỏ.
Chẳng hạn, nếu bạn muốn đầu tư chứng khoán, hãy trang bị kiến thức cho mình, xây dựng câu hỏi để xác định nỗi sợ hãi của mình, xác định tiêu chí đưa ra quyết định đầu tư, thu thập dữ liệu và đưa ra đánh giá sơ bộ. Sau khi hoàn thành các bước trên bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy một số FOMO khao khát bị vô hiệu hóa.
Không chỉ chiến thắng nỗi sợ và chế ngự được FOMO Patrick còn cho hay, mỗi người có thể tận dụng mặt tích cực của FOMO và khai thác nó theo hướng có lợi cho mình. Bởi biết đâu, đó là tiếng nói của trực giác, của mong muốn.
Trong suốt cuộc đời, chúng ta thường lựa chọn một con đường an toàn để đi: Kiếm một công việc ổn định, lập gia đình, sinh con, nuôi dạy chúng thành người. Nếu có tiếng thì thầm bên tai về một lựa chọn khác tốt hơn, một cuộc sống tốt hơn, bạn sẽ làm gì? Nếu bạn vẫn còn có những câu hỏi như vậy nghĩa là bạn chưa thực sự hạnh phúc, chưa thực sự hiểu rõ những khao khát của bản thân mình.
Cuối cùng, tác giả chỉ ra trong "Đừng sợ lỡ cuộc chơi", rằng dù lựa chọn phớt lờ hay nghe theo FOMO, mỗi người hãy cảm thấy biết ơn vì mình có nhiều lựa chọn hơn rất nhiều người khác trên thế giới.
Hãy thử tưởng tượng tới những con người đang sống trong các trại tị nạn ở Liban, kết quả của cuộc nội chiến Syria. Với những ai đang sống ở đây, tất cả những gì họ có chỉ là quá khứ, tương lai không thể biết được và hiện tại thì chỉ mong đủ sống qua ngày và qua được chiến tranh.
"Ngay cả khi rơi vào một ngày tồi tệ, thậm chí là tồi tệ nhất từ trước đến nay, thì vẫn có hàng tỷ người ao ước được đổi lấy cuộc sống hiện tại của chúng ta", Patrick nhắc nhở người đọc.
Patrick J. McGinnis là nhà văn, diễn giả, nhà đầu tư mạo hiểm, đồng thời là nhà sáng lập kiêm người dẫn chương trình của podcast FOMO sapiens. Bên cạnh thuật ngữ FOMO, trong "Đừng sợ lỡ cuộc chơi", Patrick còn giới thiệu FOBO (Fear Of a Better Option), nỗi sợ còn có lựa chọn tốt hơn.
Tú Oanh