Dám tha thứ - Tại sao không nên tiếp tục nổi giận dù chúng ta đúng?

Quỳnh Quỳnh04/11/2022 08:00
Dám tha thứ - Tại sao không nên tiếp tục nổi giận dù chúng ta đúng?

Ta không trở thành nạn nhân khi ta biết cách tha thứ. Ta chiến thắng lòng hận thù trong khi những kẻ chất chứa lòng thù hận sẽ trở thành nạn nhân của chính họ.

Tại sao chúng ta không nên tiếp tục nổi giận, câu trả lời thật đơn giản: Học cách tha thứ cũng tương tự như việc ta tập bỏ thuốc lá, ăn kiêng để giảm cân hay tập thể dục để điều hòa huyết áp và giảm cholesterol trong máu. Tha thứ cải thiện cuộc sống bằng cách cải thiện sức khỏe tinh thần lẫn thể chất, giúp tăng tuổi thọ. Nếu bao nhiêu lý do đó vẫn chưa đủ thuyết phục thì bạn hãy thử nghĩ đến những tác hại của việc luôn sống trong giận dữ và thù hận. Một cuộc sống như thế sẽ giết dần giết mòn chúng ta, như chất độc thẩm thấu vào cơ thể.

“Chúng ta muốn nỗi đau của mình trở nên thế nào?”. Nếu câu trả lời với bạn là: “Thành nỗi đau lớn hơn”, bạn hãy trấn tỉnh và suy nghĩ về nó. Bạn thật sự muốn như vậy sao? Đây có phải là điều tốt đẹp nhất không?

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh những ai hay giận dữ và chất chứa lòng thù hận có tỷ lệ bệnh tim cao hơn so với những người biết tha thứ. Họ hay nóng nảy, mất tự chủ và thiên về bạo lực. Họ dễ “sa lầy” trong rượu chè, hút sách và tình bằng hữu của họ thường rất ngắn ngủi. Nói cách khác, chúng ta có lợi gì khi chất chứa lòng thù hận và nuôi dưỡng ý định trả thù? “Cái lợi” có được cũng chỉ như việc hút thuốc hay uống rượu thôi - thỏa mãn ta trong giây phút nhưng tác hại để lại rất dài lâu.

Thực tế, ta rất khó tìm được cơ hội trả thù, mà nếu có chăng nữa, cái lợi cũng không như ta tưởng tượng. Trả thù là một sự thỏa mãn mang tính bản năng. Ao ước trả thù dẫn ta đến sự cuồng trí. Ta cứ tưởng trả thù sẽ giải quyết tất cả. Ta hy vọng trả thù sẽ chấm dứt nỗi đau và kết thúc mọi chuyện. Nghĩ đến việc trả thù, ta cảm thấy rất thoải mái, tin rằng nó sẽ giúp ta đòi lại công lý.

Nhưng bạn đã lầm! Trả thù đâu làm ta bớt khổ đau. Nó không chữa lành vết thương trong ta. Trả thù là sự thỏa mãn dối trá, không làm ta bớt giận, bớt đau khổ mà chỉ tăng thêm lòng thù hận mà thôi.

Trả thù không những không giải quyết được gì mà còn làm ta rối thêm lên. Trả thù không làm người chết sống lại, không sửa sai được, không hàn gắn sự rạn nứt được. Thậm chí, nó còn làm tình hình thêm tồi tệ: vết thương trở nên đau đớn hơn, mâu thuẫn chất chồng lên, hận thù càng gia tăng.

Người nung nấu mục đích trả thù sẽ khoác lên mình vẻ hằm hè khó chịu, khiến những người xung quanh không ai muốn đến gần.

Những người như thế luôn tìm kiếm sự bất công và nuôi dưỡng cơn giận dữ bằng chính những điều bất công đó. Thậm chí khi đã được thỏa mãn, họ cũng không cảm thấy hài lòng.

Tha thứ chẳng phải tốt hơn giận dữ hay trả thù sao? Nó có lợi không những về mặt thể chất, tinh thần mà còn về mặt “chiến lược” nữa.

Trích sách Dám tha thứ


Gửi bình luận
(0) Bình luận