Cần sự kết nối tinh thần khởi nghiệp của HS-SV với các doanh nghiệp
Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định sinh viên hiện nay có ý tưởng thì rất nhiều nhưng lại thiếu các điều kiện để thực hiện hóa ước mơ, lý tưởng đó. Đề án 1665 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ sinh viên, học sinh khởi nghiệp đến năm 2025 đã mở ra cơ hội cho các học sinh, sinh viên thực hiện ước mơ khởi nghiệp quốc gia. Tuy nhiên, muốn hiện thực hóa ước mơ đó phải có sự tham gia một cách mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngoài việc hỗ trợ vốn, còn hỗ trợ cả vật dụng, điều kiện thực hành.
"Nhìn lại hơn 1 năm triển khai đề án 1665, các học sinh sinh viên thực hiện chương trình khởi nghiệp đã có nhiều hoạt động tích cực, còn Bộ GD-ĐT với vai trò thắp lửa đã kết nối, bảo lãnh cho hoạt động khởi nghiệp của các sinh viên, học sinh tại các cơ sở giáo dục được hoạt động tốt hơn. Để triển khai mạnh mẽ hơn nữa vai trò khởi nghiệp của sinh viên học sinh cần lựa chọn những cơ sở giáo dục tốt, để tạo thành mô hình, nhóm khởi nghiệp mạnh. Từ đó kết nối một cách tự nhiên, động lực để khởi nghiệp là điều xuyên suốt, tuyệt đối không để khởi nghiệp chạy theo phong trào" - Bộ trưởng cho hay.
Lưu ý tới việc kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển, Bộ trưởng Nhạ cho biết vai trò của doanh nghiệp trong việc kích hoạt sự sáng tạo của người học, khi doanh nghiệp tham gia càng sâu vào quá trình đào tạo thì sẽ đến gần hơn với thị trường lao động, được học cách khởi nghiệp và được hun đúc tinh thần khởi nghiệp.
“Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia muốn bền vững phải tính đến nền tảng là thế hệ trẻ, những người đang bắt đầu từ hệ sinh thái khởi nghiệp trong nhà trường. Đặc biệt vai trò của doanh nghiệp trong việc kích hoạt sự sáng tạo của người học; khi doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo, người học sẽ đến gần hơn với thị trường lao động, được học cách khởi nghiệp và được hun đúc tinh thần khởi nghiệp.Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp, đồng thời huy động nhiều hơn nữa trí tuệ, công sức của của các lực lượng xã hội đóng góp cho hoạt động này” - Bộ trưởng khẳng định.
GS-TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Trường đại học Thái Nguyên phát biểu tại hội thảo
Để khởi nghiệp thành công trước hết phải xuất phát từ bản thân
Đưa ra ý kiến của mình về vấn đề tạo điều kiện cho sinh viên đổi mới sáng tạo, phát huy tinh thần khởi nghiệp, PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng mục tiêu của Đảng, Nhà nước là tạo ra nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hơn.
Để thực hiện được mục tiêu này phải có nhiều doanh nhân khởi nghiệp, muốn có doanh nhân khởi nghiệp phải có môi trường nuôi dưỡng họ là hệ sinh thái khởi nghiệp. Đó chính là các doanh nghiệp, từ xã hội. Trước đây phụ huynh chưa khuyến khích con em mình khởi nghiệp khi chưa hoàn thành xong việc học, điều đó chúng ta cần thay đổi tư duy như vậy, muốn có được tư duy mới thì cần bắt đầu từ chính gốc rễ là xã hội ủng hộ những người khởi nghiệp, các học sinh, sinh viên tham gia vào phát triển xã hội.
“Đội ngũ giảng viên, cán bộ viên chức trong các trường đại học hiện nay chưa có sự quan tâm đúng mức đối với việc giáo dục tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên. Để khởi nghiệp thành công trước hết phải xuất phát từ bản thân của sinh viên. Thế nhưng, để có được ý tưởng và hành động khởi nghiệp thì bên cạnh các yếu tố tự thân sinh viên còn có sự ảnh hưởng của gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng” - TS Thi đưa ý kiến.
Còn theo GS-TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Trường đại học Thái Nguyên, khởi nghiệp sáng tạo phải là hoạt động chính, cốt lõi của đại học Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn trên các kết quả sẽ thấy rằng, hiện nay ở các trường đại học, hoạt động này vẫn còn hạn chế.
“Chúng ta cứ ngẫm xem, theo kinh tế học giáo dục mà chúng tôi nghiên cứu, một sinh viên đại học chi tiêu theo mức cơ bản là 6-7 triệu đồng/tháng, sau đó ra trường đi làm công chức với mức lương vài triệu đồng/tháng. Đến hơn 30 năm sau về hưu, họ lại bắt đầu trên mảnh đất của mình để khởi nghiệp. Vậy tại sao không cho họ khởi nghiệp trước đó 30 năm. Điều này đặt ra cho chúng ta suy nghĩ phải khởi nghiệp sớm lên, phải dẫn đường cho xã hội. Đó là tầm nhìn của trường đại học” - ông Quang trao đổi.
Tọa đàm "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục và đào tạo” nhằm xác định vai trò của các trường đại học trong việc tiên phong thực hiện hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, nếu làm tốt sẽ tạo nên thương hiệu nhà trường, đồng thời đẩy mạnh truyền thông nhằm thúc đẩy tinh thần và khát vọng khởi nghiệp cho sinh viên. Chính phủ đã có đề án hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện hiệu quả vì còn nhiều lý do.
Ngoài ra, theo các chuyên gia giáo dục, về mặt bằng chung, các trường đại học, cao đẳng hiện vẫn chưa chú trọng đến lĩnh vực này nên chủ yếu để sinh viên “tự bơi” với ý tưởng khởi nghiệp, làm thất thoát lượng lớn mô hình sáng tạo. Do đó, vấn đề mấu chốt vẫn là sự thay đổi tư duy, chương trình đào tạo từ phía các trường, vừa trang bị kiến thức khởi nghiệp cho sinh viên vừa kết nối với tổ chức, doanh nghiệp để tạo môi trường tiếp cận, trải nghiệm, kích thích khởi nghiệp.
Dạ Thảo