Chất Michelle - 'Không có chuyện nửa vời khi tranh cử tổng thống Mỹ'

12/10/2020 07:30
Chất Michelle - 'Không có chuyện nửa vời khi tranh cử tổng thống Mỹ'

Bà Michelle biết rằng khi ông Obama tranh cử, vợ chồng bà sẽ phải toàn tâm toàn ý phát triển cương lĩnh chính sách cơ bản, đồng thời kêu gọi số tiền ủng hộ lớn.

Anh (Barack Obama) có một hội đồng cố vấn - David Axelrod và Robert Gibbs, hai chiến lược gia chuyên về chiến dịch tranh cử từng đóng vai trò then chốt trong chiến thắng của anh ở Thượng viện; David Plouffe, một cố vấn khác đến từ công ty luật của Axelrod; trưởng nhóm nhân viên của anh, Pete Rouse; và chị Valerie - tất cả đều ủng hộ anh.

Đối mặt đòi hỏi không tưởng tượng nổi

Nhưng họ cũng nói rõ rằng sẽ không có chuyện nửa vời khi tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống. Barack và tôi cần phải toàn tâm toàn ý cho chiến dịch. Anh sẽ phải đối mặt những đòi hỏi không thể tưởng tượng nổi.

Anh sẽ vừa phải hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của một thượng nghị sĩ, vừa phải xây dựng và duy trì cuộc vận động tranh cử xuyên nước Mỹ, phát triển một cương lĩnh chính sách cơ bản, đồng thời kêu gọi lượng tiền khổng lồ.

Công việc của tôi không chỉ là âm thầm ủng hộ chiến dịch mà còn phải tham gia chiến dịch. Tôi sẽ phải chuẩn bị để chính mình và hai đứa trẻ sẵn sàng xuất hiện trước công chúng, mỉm cười ủng hộ và bắt tay rất nhiều người. Tôi nhận ra giờ đây mọi thứ phải lấy anh làm trung tâm, nhằm hỗ trợ cho mục tiêu to lớn hơn.

Kể cả anh Craig, người luôn bảo vệ tôi từ ngày tôi chào đời, cũng trở nên phấn khích trước khả năng Barack ra tranh cử. Một tối nọ, anh ấy gọi tôi để công khai bày tỏ thái độ của mình.

Vẫn dùng thuật ngữ bóng rổ như thường lệ, anh Craig nói: “Nghe này, Miche, anh biết là em lo lắng, nhưng nếu Barack bắt được bóng thì phải chớp lấy thời cơ ném rổ. Em hiểu mà đúng không?”.

Quyết định nằm trong tay tôi. Tất cả đều do tôi. Tôi đang sợ hay chỉ đang mệt mỏi?

Dù sao đi nữa, tôi đã yêu một người đàn ông có tầm nhìn, người lạc quan nhưng không mơ mộng hão huyền, không khuất phục trước xung đột và hiếu kỳ với sự phức tạp của thế giới. Thật lạ lùng là anh hoàn toàn không chùn bước trước biết bao nhiêu công việc cần thực hiện.

Anh nói anh sợ khi nghĩ đến việc phải rời xa tôi và bọn trẻ dài ngày, nhưng anh cũng luôn nhắc nhở tôi về tình cảm vững bền của chúng tôi.

“Chúng ta có thể xử lý được chuyện này phải không nào?”, anh vừa nói vừa nắm lấy tay tôi vào một đêm nọ, khi chúng tôi ngồi ở phòng làm việc của anh trên lầu và cuối cùng cũng thật sự nói về chuyện này.

“Chúng ta mạnh mẽ và thông minh, các con của chúng ta cũng thế. Chúng ta sẽ ổn thôi. Chúng ta có đủ khả năng cho kế hoạch này".

Đúng vậy, ý anh ấy là chiến dịch tranh cử sẽ có giá của nó. Có những thứ chúng tôi sẽ phải từ bỏ - thời gian, những lúc ở bên cạnh nhau, sự riêng tư.

Hãy còn quá sớm để dự đoán chính xác những yêu cầu mà chúng tôi phải đáp ứng, nhưng chắc chắn sẽ là rất nhiều. Với tôi, chuyện đó giống như xài tiền mà không biết số dư trong tài khoản ngân hàng là bao nhiêu.

Chúng tôi có thể kiên cường đến mức nào? Giới hạn của chúng tôi ở đâu? Cuối cùng chúng tôi sẽ còn lại những gì? Chỉ riêng sự bất định đó đã tựa như một mối họa, một thứ có thể nhấn chìm chúng tôi.

Suy cho cùng, tôi đã được nuôi dạy trong một gia đình tin vào hiệu quả của việc lo xa - một gia đình tập dượt phòng cháy chữa cháy tại nhà và đến sớm trong mọi cuộc hẹn.

Lớn lên giữa cộng đồng lao động bình dân và có một người cha đau yếu, tôi đã học được rằng lên kế hoạch và thận trọng đề phòng là hết sức quan trọng.

Nó có thể tạo ra sự khác biệt giữa ổn định và nghèo khó. Ranh giới lúc nào cũng mong manh. Chậm thanh toán một hóa đơn có thể khiến bạn sống mà không có điện để dùng; quên hoàn thành một bài tập có thể khiến bạn bị tụt lại phía sau và thậm chí là không thể vào đại học.

Từng có một người bạn học cùng lớp năm thiệt mạng trong một trận hỏa hoạn, từng chứng kiến Suzanne qua đời khi còn rất trẻ, tôi nhận ra thế giới có thể rất tàn khốc và khó đoán, và có công mài sắt không phải lúc nào cũng có ngày nên kim.

Cảm nhận của tôi về chuyện này sẽ càng lớn hơn trong tương lai, nhưng ngay từ lúc này, khi ngồi trong ngôi nhà gạch yên tĩnh trên con phố yên tĩnh, tôi không thể tránh được ý muốn bảo vệ những gì chúng tôi có - muốn tập trung chăm sóc hai đứa con và gạt những chuyện khác sang một bên, chí ít là đến khi chúng lớn hơn một chút.

Tong thong My Obama anh 1

Vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nguồn: Indianexpress.

Tôi đồng ý để Barack ứng cử

Thế nhưng, vẫn còn mặt trái của vấn đề, và cả Barack lẫn tôi đều biết quá rõ đó là gì. Chúng tôi đã chứng kiến sự tàn khốc của cơn bão Katrina từ vị trí may mắn không bị ảnh hưởng của mình.

Chúng tôi đã thấy những người cha, mẹ bế con mình khỏi dòng nước lũ và những gia đình người Mỹ gốc Phi phải tìm cách cưu mang lấy nhau giữa tình trạng vô nhân đạo tại nơi lánh nạn.

Những công việc trước đây của tôi - từ công việc ở tòa thị chính cho đến Public Allies và trường đại học - đã giúp tôi thấy được rằng đối với một số người, đảm bảo chế độ chăm sóc sức khỏe cơ bản và nơi cư trú cơ bản là việc khó khăn đến dường nào.

Tôi đã thấy lằn ranh mong manh giữa “vừa đủ sống” và “thiếu hụt”. Về phần mình, Barack đã dành nhiều thời gian lắng nghe những công nhân bị sa thải, cựu binh trẻ tìm cách xoay xở để sống với thương tật vĩnh viễn, những người mẹ chán nản với chuyện phải cho các con của mình học ở những ngôi trường chất lượng kém.

Nói cách khác, chúng tôi hiểu mình đang may mắn đến nhường nào, và cả hai chúng tôi đều cảm thấy mình có trách nhiệm không được tự mãn.

Biết mình thật sự không còn lựa chọn nào khác ngoài chuyện cân nhắc khả năng ứng cử của Barack, cuối cùng, tôi đã bật đèn xanh và chấp nhận chuyện này.

Barack và tôi bàn bạc vấn đề này, không chỉ một mà là nhiều lần, ngay cả trước và xuyên suốt chuyến đi Hawaii thăm bà Toot vào dịp Giáng sinh. Chúng tôi có vài cuộc trò chuyện đầy tức giận và đẫm nước mắt, vài cuộc trò chuyện khác thì chân thành và tích cực.

Đó chính là phần mở rộng của cuộc đối thoại chúng tôi nói với nhau suốt mười bảy năm qua. Chúng tôi là ai? Điều gì là quan trọng đối với chúng tôi? Chúng tôi có thể làm được gì?

Cuối cùng, kết quả là thế này: Tôi đồng ý vì tin rằng Barack có thể trở thành một tổng thống tuyệt vời. Anh ấy tự tin theo những cách mà ít ai có được. Anh có trí tuệ và tinh thần kỷ luật để hoàn thành vai trò đó, có khí chất để chịu đựng mọi gian khó mà công việc đó mang lại, và có sự đồng cảm hiếm thấy để luôn lắng nghe những nhu cầu của đất nước.

Anh còn có những con người tốt bụng và thông minh sẵn lòng giúp đỡ. Tôi là ai mà lại cản trở anh? Làm sao tôi có thể đặt nhu cầu của mình, thậm chí nhu cầu của hai đứa con gái của chúng tôi, lên trước khả năng Barack có thể trở thành một vị tổng thống có khả năng mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho hàng triệu người?

Tôi đồng ý vì tôi yêu anh và có niềm tin vào những gì anh có thể làm được.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024