Chất Michelle: 5 bài học đắt giá của cựu đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ

21/07/2020 08:00
Chất Michelle: 5 bài học đắt giá của cựu đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ

Michelle Obama -  cái tên chẳng còn xa lại gì đối với người dân trên toàn thế giới bởi sức ảnh hưởng to lớn của mình. Là cựu Đệ Nhất Phu nhân Hoa Kỳ, phu nhân của cựu Tổng thống Hoa Kỳ -  Barack Obama, bà đã trở thành biểu tượng của sự tự tin và mạnh mẽ.

Với nhiều vai trò khác nhau trong suốt 8 năm sống tại Nhà Trắng, là một người mẹ, người vợ, là một Đệ Nhất Phu nhân, Michelle làm thế nào để có thể cân bằng và hoàn thành được hết những công việc cùng một lúc? Câu trả lời nằm trong cuốn tự truyện của bà “Becoming Michelle”.  Cuốn sách không chỉ là những tâm sự, chia sẻ từ trái tim rất chân thực, hấp dẫn và lôi cuốn của Michelle, mà còn đem đến cho ta, đặc biệt là phụ nữ trên toàn thế giới những bài học đầy bổ ích.

1, Tầm quan trọng của giáo dục.

Sinh ra và lớn lên trong một căn nhà tọa lạc trên Đại lộ Euclid, khu South Shore, Chicago. Michelle và người anh Craig của mình trưởng thành nhờ những bài học mà cha mẹ đã dạy họ từ khi còn nhỏ xíu. Bài học về sự cảm thông với mọi người khi Michelle làu bàu về sự khó chịu của nhà dưới, rằng “ai cũng có một quá khứ mà chúng ta không hề hay biết, và chúng ta nên nhớ điều đó để cảm thông với mọi người”. Họ được dạy cách tự giải quyết chuyện của riêng mình và chấp nhận tranh luận khi cần thiết. Thói quen đọc sách, trí tò mò về mọi thứ xung quanh cuộc sống và cách giải quyết khó khăn đã theo hai anh em từ khi còn bé. Mặc dù cha mẹ Michelle mới chỉ tốt nghiệp bậc phổ thông và phải đi làm ngay sau khi tốt nghiệp, nhưng hai anh em họ luôn được khuyến khích và chu cấp đầy đủ để phục vụ việc học, từ mầm non cho đến đại học.

Chính những yếu tố ấy đã giúp cho Michelle lớn lên với một suy nghĩ và tầm hiểu biết sâu sắc. Cũng nhờ thế mà bà nhận thấy tầm quan trọng của giáo dục đối với thế hệ mầm non của đất nước. Giáo dục chính là chìa khóa mở ra một tương lai mới hứa hẹn đầy sự phát triển, xóa đi ranh giới phân biệt chủng tộc, giàu nghèo và giới tính. Đó chính là lời khẳng định chắc chắn rằng dù bạn là ai, từ đâu đến thì bạn cũng sẽ có đủ khả năng và tài năng để có thể tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống này.

2, Đặc quyền của người mẹ khi mang thai

Với những tháng đầu tiên mang thai đứa con đầu lòng, Michelle đã tâm sự rằng: “Tôi bước đi với một bí mật bên trong cơ thể mình. Đó là một đặc ân, là món quà vô giá của phụ nữ. Tôi cảm thấy sung sướng với tương lai tốt đẹp mà tôi đang mang trong mình.”  Chắc chỉ người mẹ nào có con rồi mới hiểu hết được những lời nói này, nhưng một phần nào đó nó cũng làm cho mỗi chúng ta cảm thấy xúc động. 

Quá trình mang thai 9 tháng 10 ngày là khoảng thời gian tươi đẹp đầu tiên khi người mẹ có sự liên kết mật thiết với con, và chỉ mỗi mẹ có đặc quyền ấy. Mặc dù đó là những ngày tháng có thể khiến bạn mệt mỏi và kiệt sức, nhưng nhờ có sự đồng hành cùng đứa trẻ bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Đối với Michelle, công việc mang thai không phải là một quá trình dài đằng đẵng và đầy mệt mỏi, thay vào đó bà quan niệm rằng quá trình ấy thật kỳ diệu. Quan niệm ấy đã thay đổi toàn bộ suy nghĩ của chúng ta, đặc biệt là những người phụ nữ - những người đã, đang và sắp làm mẹ. 

3, Cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Một mong muốn mà dường như tất cả những người phụ nữ đều có “Tôi muốn sống với niềm vui của một phụ nữ khả kính, độc lập và có sự nghiệp – như Mary Tyler Moore, và đồng thời tôi cũng hướng đến sự ổn định, hy sinh có vẻ nhàm chán của một người vợ và một người mẹ - như mẹ tôi. Tôi muốn có cả đời sống công việc và đời sống gia đình, nhưng với một lời hứa hẹn rằng cuộc sống này sẽ không bao giờ lấn át cuộc sống kia.”

Michelle đã từng có lúc cảm thấy quá bận rộn khi đồng thời phải cân bằng giữa công việc bán thời gian và công việc chăm sóc những đứa trẻ khi mà Barack luôn bận rộn (...) . Nhưng rồi mọi chuyện đã được giải quyết, tuy không thể hoàn thành tốt cả hai, nhưng dường như đó là giải pháp tốt nhất trong hoàn cảnh ấy. 

Bà đã thuê giúp việc, thuê một đầu bếp đến nhà và nấu những món ăn từ nguyên liệu tươi sống theo từng ngày, nhờ mẹ của mình trông giúp cháu để có thể tranh thủ chút ít thời gian buổi sáng dành cho việc tập gym. Trong gia đình luôn thiết lập một thói quen cố định về bữa tối, thời gian đi tắm và đọc sách. Giờ nghỉ trưa của Michelle được tận dụng để mua sắm dụng cụ cần thiết cho cả gia đình. Đối với công việc, bà chọn một công việc có tính thử thách và luôn tập trung hết sức mỗi khi làm việc. Kể cả khi đã chuyển đến Nhà Trắng, gia đình họ vẫn giữ thói quen cũ, đó là không mang công việc vào cuộc sống hằng ngày, cần phân biệt rạch ròi đâu là khoảng thời gian cho công việc, và đâu là khoảng thời gian cho cuộc sống cá nhân. 

Dẫu vẫn biết rằng để cân bằng mọi thứ không phải là điều dễ dàng, nhưng chúng ta, những người phụ nữ có thể làm tốt được điều đó, chỉ cần bạn có quyết tâm và cố gắng mỗi ngày.

4, Cần đảm bảo sự phát triển bình thường và toàn diện của trẻ nhỏ.

“Tôi nói rõ với nhân viên phục vụ phòng rằng con gái tôi sẽ tự dọn giường mỗi sáng, như chúng vẫn làm hồi ở Chicago. Tôi cũng bảo Malia và Sasha cư xử như trước giờ vẫn thế - lịch sự và biết ơn, không nhờ vả hay yêu cầu bất cứ thứ gì ngoại trừ những thứ cần thiết hoặc tự mình không thể làm được.”

Đối với Michelle, điều quan trọng nhất và được đặt lên hàng đầu đó chính là quá trình phát triển của Malia và Sasha. Khi gia đình bà bắt đầu cuộc sống trong Nhà Trắng, Michelle luôn cố gắng để các con của mình được tự do và thoải mái hết sức có thể - như những đứa trẻ khác đồng trang lứa. Bà không muốn bắt ép con trẻ phải tuân theo những quy tắc cứng nhắc của người lớn. Vì chúng là trẻ con nên chúng có thể thoải mái nô đùa, chạy nhảy, chúng cần có những người bạn thân thiết và rủ nhau đi ăn kem mỗi khi tan học. Để rèn luyện cho những đứa con của mình tính tự giác và tự lập, bà yêu cầu chúng cần tự thực hiện việc sinh hoạt cá nhân hằng ngày như dọn chăn màn sau khi thức giấc, tự làm những việc mình có thể.

Qua cách giáo dục con trẻ của Michelle, chúng ta nhận ra rằng trẻ nhỏ vô cùng hồn nhiên, ngây thơ và trong sáng. Chúng ta không nên quá khắt khe với chúng, cũng không nên quá dễ dãi hay mềm mỏng trước những sai lầm. Khác với người lớn, trẻ con thì thích nô đùa và chạy nhảy, chúng có thể cười cả ngày mà không thấy mệt. Nhưng đôi khi ta lại khắt khe với chúng quá, thỉnh thoảng lại đưa ra những yêu cầu mà chúng khó đảm bảo thực hiện, ví như không được chạy nhảy lung tung hay không được nói cười quá to, hãy ngồi yên và học bài đi… Những yêu cầu đó vô hình chung đã làm ảnh hưởng tới sự phát triển của con trẻ. Cách chúng ồn ào quậy phá cũng là một cách học tập, bởi trẻ nhỏ luôn tò mò với mọi thứ xung quanh. Vì thế hãy học theo Michelle, thiết lập những quy tắc chung giữa cha mẹ và con cái, xong cùng không làm ảnh hưởng quá nhiều tới thú vui và sự phát triển của con.

5, Có mấy ai xa quê mà không nhớ?

“Bạn không thật sự biết mình gắn bó với quê nhà đến mức nào, có đến lúc bạn rời xa nơi đó, cho đến lúc bạn trải nghiệm cảm giác bị tách lìa, như một cái nút bần trôi nổi trên đại dương của chốn khác.” 

Quê hương là nơi ta sinh ra và khôn lớn. Khi còn được bao bọc bởi gia đình, bởi lũy tre làng thân thuộc, mấy ai nhận ra tình cảm sâu đậm dành cho nơi ấy. Nhưng khi trưởng thành và phải bước ra thế giới, chúng ta mới tha thiết được quay lại những ngày còn tấm bé để có thể một lần nữa tận hưởng và trân trọng tình cảm của quê nhà. Nơi đó có những người yêu thương ta nhất, có bóng cây chứng kiến những ngày tan học về, mái trường nâng cánh những ước mơ… Ta yêu quê một phần bởi vì đó là nơi lưu giữ bao kỷ niệm vui buồn, và ở đó có mái nhà luôn mở cửa chờ ta trở về. Có mấy ai xa quê mà không nhớ? Nỗi nhớ quê nhà sẽ là động lực, là sức mạnh giúp ta vững vàng tiến bước trên con đường phía trước. Để rồi sau này khi đã bươn trải đủ nhiều, vượt qua gần hết những khó khăn trong cuộc sống, ta có thể tìm về với quê hương, đắm chìm trong cái ôm ấm áp của quê nhà.

Ngân Hà - Bookademy.


Gửi bình luận
(0) Bình luận