Can đảm - Câu chuyện Alexander đại đế buông gươm trước cuồng sĩ

Trí Việt01/10/2021 08:30
Can đảm - Câu chuyện Alexander đại đế buông gươm trước cuồng sĩ

Alexander đại đế lăm lăm thanh kiếm trong tay đến gặp Dandamis. Dandamis cười nói: “Hãy bỏ kiếm xuống, nó chẳng có tác dụng gì ở đây".

“Tôi thua rồi”

Một cơn bão dữ dội kéo đến, rồi những cây to bị quật đổ. Theo cách suy luận lô-gic của Charles Darwin, chúng hẳn phải sống sót bởi chúng là những thân cây to lớn nhất, mạnh mẽ và tràn đầy sức sống nhất. Hãy nhìn vào thân cây cổ thụ ba ngàn năm tuổi, cao hàng chục mét mà xem. Sự hiện diện của nó cũng đủ tạo nên sức mạnh, mang đến cảm giác về sức mạnh và quyền năng. Hàng triệu nhánh rễ lan tỏa và bám sâu vào lòng đất, thân cây vươn cao sừng sững.

Hẳn nhiên là cây đã tranh đấu, nó không muốn chịu thua, không muốn đầu hàng, nhưng khi cơn bão qua đi, nó đã đổ nhào, không còn sự sống và toàn bộ sức mạnh kia cũng biến mất. Cơn bão quá dữ dội – cơn bão luôn như thế bởi nó đến từ cái tổng thể, trong khi cây chỉ là một cá thể.

Nhưng có nhiều loài cây nhỏ và cỏ dại mà khi cơn bão đến, nó cúi rạp xuống nhường đường, và cơn bão không thể làm hại được nó. Cơn bão đã giúp các loài cây nhỏ và cỏ dại có cơ hội được tắm gội sạch sẽ, và khi cơn bão qua đi, chúng lại vươn cao nhảy múa. Cỏ dại không có rễ bám sâu, thậm chí một đứa trẻ cũng có thể nhổ cỏ lên được, nhưng cơn bão đã không thể làm gì nó. Vậy, điều gì đã xảy ra?

Cỏ dại đi theo cách của Đạo, cách của Lão Tử, còn cây to đi theo cách của Charles Darwin. Cây to hành động một cách rất lô-gic: nó tìm cách kháng cự, tìm cách thể hiện sức mạnh của mình. Nếu tìm cách phô diễn sức mạnh, bạn sẽ bị đánh bại. Hitler, Napoleon, Alexander Đại đế đều là những cây to khỏe. Tất cả họ đều bị đánh bại.

Những người theo đạo Lão giống như loài cây nhỏ – không ai có thể đánh bại họ vì họ luôn sẵn sàng nhường bước. Làm sao bạn có thể đánh bại người luôn nhường bước mình, người luôn nói rằng “Tôi thua rồi”, “Hãy tận hưởng chiến thắng của ngài đi, không cần gây thêm bất kỳ rắc rối nào nữa. Tôi thua rồi”. Ngay cả Alexander Đại đế (356 – 323 TCN): Vị vua thứ 14 của vương quốc Macedonia (336 – 323 TCN) cũng cảm thấy bất lực trước Lão Tử, ông ta không thể làm được gì. Điều đó đã xảy ra, nó đã xảy ra đúng như vậy…

“Đầu của tôi đây. Ông có thể chặt nó”

Khi chuẩn bị lên đường đến Ấn Độ, Alexander được bạn bè yêu cầu mang về một khất sĩ bởi vì “loài hoa hiếm” này chỉ mọc ở Ấn Độ. Họ bảo: “Hãy mang về một khất sĩ. Ngài sẽ đem về nhiều thứ nhưng đừng quên một khất sĩ. Chúng tôi muốn tận mắt nhìn thấy khất sĩ trông thế nào”.

Lên đường ra trận, Alexander miệt mài chinh chiến đến mức gần như quên mất điều đó, nhưng trên đường trở về, khi đến biên giới Ấn Độ, ông chợt nhớ ra. Vì sắp rời ngôi làng cuối cùng của Ấn Độ nên ông ra lệnh cho binh lính vào làng hỏi xem liệu có một khất sĩ nào quanh đây. Thật tình cờ là Dandamis một khất sĩ (sannyasin) cũng đang có mặt tại làng, ngay cạnh bờ sông, nên người dân đáp: “Ngài đã đến thật đúng lúc. Có nhiều khất sĩ nhưng rất khó tìm ra một khất sĩ thực thụ, và ông ấy hiện đang ở đây. Ngài có thể đến gặp vị thánh nhân đó”.

Alexander cười nói: “Ta không đến đây để gặp thánh nhân nào cả. Binh lính của ta sẽ đi tìm bắt ông ta. Ta sẽ đem ông ta về nước”.

Dân làng nói: “Mọi việc sẽ không dễ dàng như vậy đâu…”

alexander-great.jpg

Alexander không tin điều đó. Ông đã chinh phục các hoàng đế, các vị vua hùng mạnh, vậy thì với một kẻ ăn mày, một khất sĩ, có gì khó khăn cơ chứ? Binh lính của ông đến gặp Dandamis, người này đang đứng trần truồng cạnh bờ sông. Họ nói: “Alexander Đại đế mời ông theo ngài ấy về nước. Một cuộc sống sung túc, nhàn hạ, hay bất cứ điều gì ông muốn, đều sẽ được đáp ứng. Ông sẽ được đối xử như một thượng khách”.

Vị khất sĩ trần truồng cười đáp: “Hãy đi bảo với chủ của các anh rằng người tự gọi mình là Đại đế thì không thể nào vĩ đại được. Và không ai có thể đưa ta đi đâu. Ta không là nô lệ của bất cứ ai”.

Binh lính nói: “Hẳn ông đã nghe về Alexander Đại đế. Đó là một người nguy hiểm. Nếu bị từ chối, Ngài sẽ không nghe mà chém đầu ông ngay lập tức!”

Vị khất sĩ nói: “Tốt hơn hết là các anh hãy đưa chủ nhân của các anh đến đây, có thể ông ấy sẽ hiểu được điều ta muốn nói”.

Thế là Alexander buộc lòng phải đến. Alexander lăm lăm thanh kiếm trong tay đến gặp Dandamis. Dandamis cười nói: “Hãy bỏ kiếm xuống, nó chẳng có tác dụng gì ở đây. Hãy cất vào bao đi, nó vô dụng vì ông chỉ có thể chém được thân thể ta, thứ mà ta đã rời bỏ từ lâu. Kiếm của ông không chém được ta, vậy nên hãy cất nó đi, đừng trẻ con như thế”.

Tương truyền rằng đấy là lần đầu tiên Alexander nghe theo lệnh của người khác, bởi chính sự hiện diện của người này đã khiến Alexander không còn nhớ mình là ai. Ông tra kiếm vào bao và nói: “Ta chưa từng gặp người nào tuyệt vời như thế!”. Và khi quay về trại, Alexander nói: “Thật khó giết một người đã sẵn sàng chết. Giết anh ta là việc làm vô nghĩa. Bạn có thể giết một người tranh đấu, ít ra điều đó còn có chút ý nghĩa, nhưng thật không thể nào giết được người đã sẵn sàng chết và nói ‘Đầu của tôi đây. Ông có thể chặt nó’”.

Alexander đã kể lại điều này với những người bạn ở quê nhà: “Có những khất sĩ mà ta đáng ra có thể đem về nhưng họ không phải là khất sĩ. Thế rồi, ta tình cờ gặp một người thực sự hiếm có. Đúng vậy, đóa hoa thật thì hiếm thấy, nhưng không ai ép buộc được ông ấy bởi vì người đó không sợ chết. Khi một người đã không sợ chết, làm sao bạn có thể buộc anh ta làm điều gì?”.

Chính nỗi sợ đã biến bạn thành nô lệ. Khi không sợ, bạn sẽ không còn là nô lệ nữa. Trên thực tế, chính nỗi sợ buộc bạn biến người khác thành nô lệ trước khi họ tìm cách biến bạn thành nô lệ.

Người không sợ hãi sẽ không sợ bất cứ ai và cũng không khiến ai sợ mình. Nỗi sợ hoàn toàn biến mất.

Theo Can đảm – Osho


Gửi bình luận
(0) Bình luận