Can đảm - Sống an nhiên giữa dòng đời nghiệt ngã: Tìm căn nguyên nỗi sợ bên trong bạn

14/08/2021 08:30
Can đảm - Sống an nhiên giữa dòng đời nghiệt ngã: Tìm căn nguyên nỗi sợ bên trong bạn

Nếu cái chết là nỗi sợ cơ bản, thì chỉ một thứ mới có thể khiến bạn không sợ hãi, đó chính là ý thức về sự bất tử bên trong bạn.

Có nhiều nỗi sợ, nhưng về cơ bản, chúng chỉ là những phần nhỏ của một nỗi sợ, là các nhánh của một thân cây. Tên gọi của loài cây đó là cái chết. Có thể bạn không nhận biết được rằng nỗi sợ này có liên quan đến cái chết, nhưng mọi nỗi sợ đều liên quan đến cái chết.

Nỗi sợ chỉ là cái bóng.

Không chắc rằng bạn có sợ phá sản hay không, nhưng quả thực là bạn sợ không có tiền và trở nên mong manh trước cái chết. Mọi người cứ nắm giữ tiền như là chiếc bùa hộ mệnh, dù họ biết rất rõ rằng không có cách nào bảo vệ chính mình khỏi cái chết. Cần phải làm gì đó. Ít nhất là nó giữ cho bạn bận rộn, và việc giữ cho bản thân bận rộn là một cách làm vô thức, một loại thuốc mê.

Chúng ta là những người nghiện công việc – lúc nào cũng phải làm việc gì đó, chúng ta không thể rời công việc. Thế là ngày nghỉ trở nên đáng sợ; ta không thể ngồi tĩnh lặng. Ta muốn bận rộn, bởi vì nó giữ được tấm rèm che chắn giữa bản thân ta và cái chết. 

Nếu cái chết là nỗi sợ cơ bản, thì chỉ một thứ mới có thể khiến bạn không sợ hãi, đó chính là ý thức về sự bất tử bên trong bạn.

Không gì khác – tiền bạc, quyền lực, danh vọng – có thể giúp bạn vượt qua cái chết ngoại trừ sự thiền định hay tĩnh tại… nó sẽ tiết lộ cho bạn biết rằng cơ thể bạn sẽ chết, nhưng bạn vượt trên cả cấu trúc vật chất này. Bản chất cốt lõi, nguồn sống thiết yếu đã tồn tại trước đó và vẫn sẽ tồn tại. Sự tồn tại không có khởi đầu và không có kết thúc. 

Bạn thay đổi mỗi ngày. Khi vừa được sinh ra, chỉ một ngày tuổi, chính lúc đó bạn cũng không thể nhận ra chính mình. Mọi thứ sẽ thay đổi; bạn sẽ già đi, tuổi trẻ sẽ biến mất. Nhưng nó chỉ xảy ra với hình dạng bên ngoài, không xảy ra với cái cốt lõi. Và thứ đã thay đổi suốt cuộc đời bạn chỉ là hình dạng bên ngoài.

Hình dạng của bạn thay đổi trong từng khoảnh khắc. Cái chết không là gì ngoài sự thay đổi. Từ tuổi thơ đến tuổi trẻ… bạn không nhận ra khi nào tuổi thơ rời bỏ bạn và bạn trở thành thanh niên. Từ tuổi trẻ đến tuổi già… mọi thứ cứ diễn ra từ từ đến mức bạn không nhận ra thời điểm nào, ngày nào, năm nào tuổi trẻ đã rời bỏ bạn. Sự thay đổi đó diễn ra một cách từ từ và chậm rãi.

Các hình dạng đến rồi đi, và dòng chảy cuộc sống vẫn tiếp diễn. Chừng nào bạn còn chưa trải nghiệm được điều này thì nỗi sợ chết sẽ không rời khỏi bạn. Chỉ có thiền mới có thể giúp được.

Thiền sẽ đưa bạn đối mặt với thực tại.

Một khi tự mình biết được cuộc sống là gì, bạn sẽ không bao giờ phiền lòng về cái chết. Bạn có thể vượt thoát… nó nằm trong phạm vi sức mạnh của bạn, quyền của bạn. Nhưng bạn phải nỗ lực đi từ tâm trí sang vô trí.

Bạn cho rằng khoảnh khắc đứa trẻ được sinh ra là lúc bắt đầu cuộc sống của nó. Điều đó không đúng! Bạn cho rằng khoảnh khắc người già chết đi là thời điểm kết thúc cuộc sống của người đó. Không phải như vậy! Cuộc sống lớn hơn sự sinh tử rất nhiều. Rất nhiều những lần sinh và tử diễn ra bên trong cuộc sống. Bản thân cuộc sống không có khởi đầu, không có kết thúc; cuộc sống tồn tại vĩnh hằng. Nhưng bạn không dễ dàng hiểu được làm sao cuộc sống có thể chuyển thành cái chết – ngay cả việc thừa nhận điều đó thôi cũng khó.

Ở thời điểm nào thì nó không còn là cuộc sống và trở thành cái chết? Đâu là ranh giới? Bạn không thể đánh dấu khởi điểm của sinh, khi cuộc sống bắt đầu: liệu đó là khi đứa bé được sinh ra hay khi nó được thụ tinh? Nhưng ngay cả trước khi thụ tinh, trứng của người mẹ vẫn sống, tinh trùng của người cha vẫn sống – chúng không chết, bởi vì sự gặp gỡ của hai vật thể chết không thể tạo nên sự sống. Vậy đứa trẻ được sinh ra vào thời điểm nào? Khoa học không thể xác định được điều này. 

Cuộc sống bắt đầu tại điểm chết của kiếp sống trước. Khi bạn chết, một chương của cuộc đời đóng lại. Nó chỉ là một chương trong cuốn sách có vô số chương. Một chương kết thúc, nhưng cuốn sách vẫn chưa đóng lại. Chỉ cần lật trang thì chương khác sẽ bắt đầu.

Vào khoảnh khắc cuối cùng khi họ cảm thấy mình sắp chết, toàn bộ kiếp sống vừa qua diễn ra nhanh chóng trước mắt họ – từ lúc chào đời cho đến khoảnh khắc ấy. Toàn bộ cuốn phim ký ức này diễn ra rất nhanh, chỉ trong cái chớp mắt. Trước khi kết thúc chương này, anh ta hồi tưởng lại toàn bộ trải nghiệm của mình, những ham muốn chưa được thỏa mãn, những kỳ vọng, cảm giác chán chường, thất vọng, đau khổ, vui sướng – tất cả mọi thứ.

Đức Phật gọi đó là tanha, nghĩa là ham muốn, nhưng cũng có nghĩa là toàn bộ đời sống của ham muốn.

Người sắp chết phải nhìn thấy toàn bộ những điều đó trước khi tiếp tục hành trình, bởi vì bộ não sẽ không đi theo họ. Ham muốn được giải phóng khỏi tâm trí sẽ bám vào linh hồn, và ham muốn này sẽ quyết định kiếp sống tương lai của họ. Bất cứ điều gì chưa được hoàn thành, họ sẽ hướng tới mục tiêu ấy.

Những gì bạn thu thập được, những gì bạn mang theo tựa như hạt giống – hạt giống sẽ trở thành cây, đơm hoa kết trái. Hạt giống chứa đựng cả một bản kế hoạch tổng thể.

Điều bạn làm vào khoảnh khắc chết sẽ quyết định cách thức bạn được sinh ra. Hầu hết mọi người chết đi vẫn còn neo bám. Chỉ vào khoảnh khắc chết họ mới nhận ra mình chưa từng sống. Cuộc sống đã trôi qua như một giấc mơ, và giờ thì cái chết đến. Khi còn thời gian để sống, bạn lại làm nghìn lẻ một điều ngu ngốc, lãng phí thời gian thay vì sống trọn vẹn.

Tôi hỏi những người chơi cờ: “Các anh đang làm gì vậy?”. Họ đáp: “Giết thời gian”.

Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã phản đối điều này – “giết thời gian”. Ông của tôi là một người chơi cờ rất giỏi, tôi đã hỏi ông: “Ông đang già đi, vậy mà ông vẫn giết thời gian. Ông không thấy rằng thực tế là thời gian đang giết ông sao, còn ông thì cứ mãi nói mình đang giết thời gian? Ông thậm chí không biết thời gian là gì, ông không biết nó ở đâu. Hãy bắt lấy nó và chỉ cho cháu xem đi”.

Bảo rằng thời gian đang lướt qua, trôi qua là một kiểu an ủi. Thực ra, chính bạn mới đang trôi qua – đang tuột dốc từng khoảnh khắc. Bạn cứ nghĩ rằng thời gian đang trôi qua, như thể bạn sẽ ở lại còn thời gian sẽ ra đi! Đồng hồ là sản phẩm do con người tạo ra để đo đếm thời gian qua đi, mà trên thực tế nó không trôi qua chút nào.

Nếu cái chết không có sự níu kéo, nếu không có ham muốn được sống dù chỉ thêm một khoảnh khắc nữa, bạn sẽ chết một cách có ý thức. Bạn sẽ chết một cách tỉnh táo, và bạn sẽ hồi tưởng lại quá khứ. Bạn sẽ hiểu được rằng bất cứ điều gì mình đã và đang làm đều ngu ngốc.

Nếu ham muốn được thỏa mãn, bạn sẽ đạt được gì? Đấy là một cuộc chơi kỳ lạ mà trong đó bạn luôn thất bại, dù bạn thắng hay thua thì cũng không có gì khác biệt. Niềm vui của bạn chẳng là gì cả, chỉ là những chữ ký được viết trên mặt nước, còn nỗi đau của bạn được khắc trên đá. Và bạn chịu đựng tất cả những đau đớn kia vì những chữ ký trên mặt nước. Bạn chịu đựng cả cuộc đời mình cho những niềm vui nhỏ bé. Thành công cũng là thất bại. Thất bại dĩ nhiên vẫn là thất bại, và niềm vui chẳng là gì ngoài sự khích lệ để bạn chịu đựng nỗi đau.

Toàn bộ trạng thái hưng phấn của bạn chỉ là sự vận hành của giấc mơ hão huyền. Bạn sẽ ra đi với hai bàn tay trắng. Cả cuộc đời này chỉ là một cái vòng luẩn quẩn. Bạn không đến được đâu, bởi vì di chuyển trong một đường tròn, làm sao bạn có thể đến được nơi nào cơ chứ? Bạn vẫn luôn cách trung tâm cùng một khoảng cách, cho dù đang ở đâu trên đường tròn.

Thành công đến, thất bại cũng đến; niềm vui đến, nỗi đau cũng đến; có đau khổ, có cả niềm hân hoan. Mọi thứ cứ diễn ra trong vòng tròn nhưng trung tâm – bản thể nội tại – vẫn cách đều mọi vị trí. Thật khó nhận thấy khi bạn ở trong vòng tròn – bạn tham gia quá nhiều vào nó. Nhưng giờ đây, bỗng nhiên tất cả đều vụt khỏi tay bạn – bạn trở nên trống rỗng.

Trong kiệt tác The Prophet (tạm dịch Nhà tiên tri) của Kahlil Gibran, có đoạn:

… Nhà tiên tri Al-Mustafa vội vã đến gặp những người đang làm ở nông trại và nói: “Tàu của ta đã đến, đã đến lúc ta phải đi. Ta đến đây chỉ để nhìn lại tất cả những gì đã xảy ra và cả những gì chưa xảy ra. Trước khi lên tàu, ta tha thiết muốn nhìn lại cuộc sống của mình ở đây…

Ta giống như dòng sông sắp đổ ra biển. Sông chờ đợi khoảnh khắc được nhìn lại những vùng đất mà nó đã đi qua – rừng, núi, con người. Đó là một cuộc sống phong phú, một hành trình hàng ngàn dặm, và giờ đây, chỉ trong một khoảnh khắc, tất cả sắp tan biến. Cho nên, giống như dòng sông sắp đổ ra biển lớn, ta cũng muốn nhìn lại”.

Nhưng việc nhìn lại này chỉ xảy ra nếu bạn không níu kéo quá khứ; bằng không, vì quá sợ đánh mất nó, bạn không có thời gian để quan sát, để nhìn lại. Và thời gian chỉ là một cái chớp mắt. Nếu một người chết trong trạng thái hoàn toàn tỉnh thức, nhìn thấy toàn bộ mảnh đất mà mình đã đi qua và nhận ra toàn bộ sự ngu ngốc của nó, người đó sẽ được sinh ra với sự tinh nhạy, thông minh, can đảm. 

Cái chết là một mặt của đồng xu, sự ra đời của bạn chính là mặt còn lại của đồng xu ấy. Nếu một mặt của đồng xu là sự bối rối, đau khổ, khốn cùng, níu kéo, ham muốn, thì bạn không thể nào trông đợi mặt kia sẽ là sự nhạy bén, thông minh, can đảm, minh bạch, nhận thức. 

Bạn sẽ ngạc nhiên, nhưng đây là trải nghiệm của hàng ngàn người: họ neo bám vào khổ đau chỉ vì họ đã phát triển một thứ tình bạn nào đó với khổ đau. Họ đã sống với nó quá lâu nên việc rời bỏ nó lúc này cũng giống như một cuộc ly hôn.

Hãy quan sát những người đang ở giữa lằn ranh sinh tử. Sự đau khổ, chịu đựng của họ không phải ở cái chết. Cái chết không hề đau đớn. Nó thực sự dễ chịu, chỉ giống như giấc ngủ sâu. Họ không quan tâm đến cái chết, họ lo lắng về cái đã biết đang trôi tuột khỏi tay họ. Với họ, nỗi sợ có nghĩa là: mất đi cái đã biết và đi vào cái chưa biết.

Trong khi đó, can đảm là đối lập với sợ hãi.

Luôn sẵn sàng vứt bỏ cái đã biết, thậm chí không cần đợi cho đến khi nó chín muồi. Hãy bắt đầu ngay với cái gì đó mới mẻ… sự mới mẻ, sự tươi tắn của nó thật quyến rũ. Khi đó sẽ có can đảm.

Sợ chết chính là nỗi sợ lớn nhất, và cũng là công cụ hủy diệt lòng can đảm của bạn.

Cho nên, tôi đề nghị một điều: luôn sẵn sàng đi từ cái đã biết đến cái chưa biết, trong bất cứ việc gì, trong mọi trải nghiệm.

Cho dù cái chưa biết tồi tệ hơn cái đã biết, đấy không phải là vấn đề. Việc bạn chuyển từ cái đã biết sang cái không biết, việc bạn sẵn sàng đi từ cái đã biết đến cái không biết... mới có ý nghĩa quan trọng. Điều đó vô cùng có giá trị. Và trong bất kỳ trải nghiệm nào, hãy tiếp tục làm như thế. Cách ấy sẽ giúp bạn sẵn sàng cho cái chết, bởi vì khi cái chết đến, bạn không thể bất chợt quyết định: “Tôi chọn cái chết và rời bỏ cuộc sống”. Bạn không thể bất chợt đưa ra những quyết định như vậy.

Bạn phải đi từng bước một. Và khi trở nên quen thuộc với vẻ đẹp của cái không biết, bạn bắt đầu tạo ra một phẩm chất mới trong chính mình. Nó có ở đó, chỉ là chưa từng được dùng đến. Trước khi cái chết đến, hãy tiếp tục di chuyển từ cái đã biết đến cái không biết. Luôn nhớ rằng cái mới sẽ tốt hơn cái cũ.

Điều quan trọng là sự lựa chọn của bạn: bạn chọn học hỏi, bạn chọn trải nghiệm, bạn chọn đi vào bóng tối. Dần dần, sự can đảm của bạn bắt đầu hoạt động. Sự sắc bén của trí thông minh không tách rời khỏi sự can đảm, nó gần như là một thể thống nhất.

Đi cùng với sợ hãi là hèn nhát, và chắc chắn là sự chậm phát triển của tâm trí, sự xoàng xĩnh. Chúng ở cùng nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Còn đi cùng với can đảm là sự sắc bén, trí thông minh, sự cởi mở, tâm trí không định kiến, khả năng học hỏi – tất cả đi cùng nhau.

Sự can đảm sẽ đến với bạn.

Hãy bắt đầu bằng một công thức đơn giản: Đừng bao giờ bỏ lỡ cái chưa biết.

Luôn chọn cái không biết và tiến về phía trước. Ngay cả nếu bạn phải đau khổ, điều đó vẫn xứng đáng để bạn thực hiện – luôn có sự đền đáp! Bạn luôn bước ra khỏi nó với sự trưởng thành hơn, chín chắn hơn, thông minh hơn.

Bài viết trích lược từ cuốn sách Can Đảm của Osho do First News phát hành. Trạm Đọc gửi tặng bạn mã ưu đãi TRAMDOCT08 giảm thêm 10% khi mua quyển Can đảm tại Tiki Trading . Thời hạn áp dụng đến 31/08/2021. Và mã FN2021 giảm 15% gói VIP nghe sách nói VoizFM; hoặc thêm 5% khi mua 1 tựa sách nói tại đây 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025