Cậu bé với ước mơ trở thành nhà thiết kế vĩ đại
Mang trong mình dòng máu Do Thái nhưng lại sinh ra và lớn lên tại New York - thành phố sôi động bậc nhất nước Mỹ, ngay từ khi còn là một cậu bé, nhà thiết kế Calvin. Richard Kliein (tên thật của Calvin Klein) đã khác biệt với bạn bè cùng trang lứa.
Thay vì chơi bóng và đùa giỡn, ông lại thích cùng mẹ rong ruổi khắp các cửa tiệm quần áo giảm giá ở New York. Chính bà là người đã khơi dậy tình yêu nghệ thuật và may vá ở Calvin Klein.
Nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang ngay từ khi còn rất nhỏ, Calvin luôn bận rộn học tập và chìm đắm trong các phác thảo thiết kế và kim chỉ. Năm 1962, khi vừa tròn 20 tuổi, Calvin Klein tốt nghiệp Viện Công nghệ thời Trang New York và kết hôn với Jayne Centre - một nhà thiết kế dệt may. Cũng tại thời điểm này, ông đặt những bước chân đầu tiên vào giới thời trang ở New York khi làm thực tập sinh vô danh với công việc vẽ lại mẫu áo khoác kiểu Âu cho Dan Millstein cùng mức lương ít ỏi 75 USD/tuần (khoảng 1,7 triệu đồng).
Sau 5 năm ròng rã, Calvin Klein quyết định mở công ty của riêng mình cùng cậu bạn thân thuở nhỏ Barry Schwartz với tên gọi Calvin Klein Ltd khi cả hai chỉ có vỏn vẹn 12.000 USD (khoảng 280 triệu đồng) trong tay. Thấm nhuần phong cách thời trang ở các nước lục địa già cùng tinh thần tự do, phóng khoáng nơi đô thị New York luôn rực sáng ánh đèn, những thiết kế của Calvin Klein gây ấn tượng mạnh với người mua hàng của Bonwit Teller trong một lần đi nhầm vào cửa hàng của ông tại một khách sạn sang trọng. Sự nhầm lẫn ấy đã giúp Calvin Klein có đơn hàng trị giá 50.000 USD (khoảng hơn 1 tỷ đồng).
Thời điểm đó, những tín đồ thời trang nước Mỹ đã quá ngán ngẩm với phong cách hippy cùng những chiếc miniskirt nhạt nhoà. Bộ sưu tập áo khoác và váy của Calvin Klein kết hợp với chuỗi cửa hàng của Bonwit đã tạo ra làn gió mới cho tinh thần thời trang nước Mỹ tự do, phóng khoáng. Một năm sau đó, những thiết kế của Calvin đã có mặt ở trang bìa của tạp chí Vogue danh giá và đưa tên tuổi của Calvin Klein lên một tầm cao mới.
Năm 1973, Calvin chuyển từ thiết kế áo khoác lấn sang thiết kế trang phục sportswear và khai sinh ra dòng thời trang thể thao nước Mỹ. “Đế chế Klein” bắt đầu từ đó khi những thiết kế đồ lót vừa tối giản, vừa thanh lịch và đầy tính thực tế của ông được công chúng ưa chuộng rộng rãi. Nhờ đó ông đã dành được giải thưởng Coty danh giá trong ba năm liên tiếp và đưa tên tuổi của mình lên đỉnh cao.
Vật lộn với rượu bia, ma tuý khi ở đỉnh cao sự nghiệp
Tuy nhiên, chẳng có thành công nào lại không phải trả giá. Năm 1974, khi đang thăng hoa trong sự nghiệp, đời tư của ông bắt đầu tụt dốc khi hôn nhân với người vợ đầu tan vỡ. Ông bắt đầu chìm đắm vào những buổi tiệc tùng xa hoa cùng rượu bia, chất kích thích và những cuộc tình chớp nhoáng. Đến tận năm 1978, khi con gái Marci 11 tuổi của ông bị người giữ trẻ bắt cóc và đòi tiền chuộc, Calvin Klein mới thức tỉnh và từ bỏ các cuộc vui thâu đêm suốt sáng và tập trung vào sự nghiệp.
Nợ nần, tái nghiện, đối mặt với nguy cơ phá sản
Thiên thần may mắn không mỉm cười với nhà thiết kế tài hoa. Chỉ một thời gian ngắn sau sự trở lại đầy hào quang, căn bệnh AIDS hiện diện khiến trào lưu tình dục phóng khoáng cuối những năm 70 nhanh chóng bị dập tắt vừa lúc Calvin Klein mua lại hãng Puritan Jeans với giá 65,8 triệu USD (hơn 1.500 tỷ đồng). Nhu cầu mua quần jean bó giảm mạnh, những sản phẩm của ông dần bị công chúng bỏ rơi khiến Calvin Klein rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất.
Trong vũng bùn của sự nghiệp, ông tái hôn với người vợ hai Kelly Rector, nhưng cuộc sống của Calvin Klein chẳng những khá hơn mà còn chìm sâu trong tăm tối khi ông tái nghiện rượu cùng ma tuý và sa đà vào những buổi tiệc tùng ở Studio 54 khét tiếng. Sự nghiệp rơi xuống vực thẳm, Calvin Klein đối diện với nguy cơ phá sản nhưng nhờ sự giúp đỡ của David Geffen, một lần nữa Calvin Klein cai nghiện và vực dậy với hàng loạt sản phẩm mới như kính mắt, túi xách... gây sốt với giới mộ điệu và trở thành những sản phẩm thời thượng.
Bán công ty, công khai giới tính
Bất chấp những cáo buộc về quảng cáo khiêu dâm trẻ em và những chỉ trích từ phía báo giới, những dòng sản phẩm của Calvin Klein vẫn tiếp tục thành công. Đồng thời nhận được sự ủng hộ từ công chúng vào cuối những năm 90s.
Năm 2002, Calvin Klein quyết định bán công ty của mình cho tập đoàn Phillips Van Heusen, với giá là 400 triệu USD tiền mặt (gần 10.000 tỷ đồng) và 30 triệu USD bằng cổ phiếu (khoảng 700 tỷ đồng). Năm 2006, hôn nhân của Calvin Klein một lần nữa đổ vỡ, ông chia tay người vợ thứ hai và công khai xu hướng tính dục của bản thân là một người song tính.
Ở độ tuổi 70, Calvin Klein làm dậy sóng truyền thông khi cặp kè với người tình đồng tính nhỏ hơn 46 tuổi - Nick Gruber. Calvin còn hào phóng tổ chức sinh nhật cho tình trẻ khi cậu vừa tròn 21 tuổi. Dù vậy, mối tình này cũng kéo dài không lâu.
Sau khi kết thúc mối tình với Nick Gruber, Calvin Klein bắt đầu mối quan hệ mới với nam người mẫu Kevin Baker - người kém ông 32 tuổi. Cặp đôi bắt đầu công khai từ năm 2016 khi xuất hiện bên nhau tại sự kiện thời trang. Tới thời điểm hiện tại, ông vẫn đang hẹn hò và chung sống với người tình của mình.
Dù không còn là linh hồn đứng sau các thiết kế của thương hiệu Calvin Klein, nhưng tinh thần tối giản, unisex, gợi tình mà ông tạo ra vẫn luôn hiện hữu trong các dòng sản phẩm và quảng cáo của dòng thương hiệu này về sau.
Calvin Richard Klein không chỉ gây dựng nên một thương hiệu thời trang Mỹ đẳng cấp mà là một nhà thiết kế với bộ óc thiên tài phá bỏ mọi giới hạn của thời ngành công nghiệp thời trang thế giới.
Phúc Nguyên/ Tri Thức Trẻ