Bà Angela Merkel là nhân vật thống trị chính trường Đức, đồng thời là người phụ nữ quan trọng nhất thế giới, theo tạp chí Forbes. Bà trở thành thủ tướng Đức từ năm 2005 nhưng chưa hề tỏ dấu hiệu mệt mỏi với công việc này.
Vào tháng 12.2016, bà được đảng CDU chọn làm ứng cử viên thủ tướng cho cuộc tổng tuyển cử liên bang năm 2017 và được tái bổ nhiệm làm chủ tịch đảng – vị trí mà bà nắm giữ từ năm 2002. Không hề có ứng cử viên đối thủ. Trước khi bà công bố quyết định tái tranh cử, báo giới Đức đồn đoán CSU, đảng “chị em” của CDU tại Bavaria, không sẵn lòng ủng hộ bà. Nhưng một khi bà công khai ý định, CSU đứng sau lưng bà.
Không chắc chắn là bà Merkel sẽ tiếp tục làm thủ tướng sau cuộc bầu cử. Cho đến đầu năm 2017, bà vẫn dẫn đầu các cuộc thăm dò nhưng việc ông Martin Schulz được chọn làm ứng cử viên thủ tướng của đảng SPD đã gây ảnh hưởng đáng kể. Nếu tái đắc cử và phục vụ hết nhiệm kỳ thứ tư, bà Merkel sẽ nắm quyền trong 16 năm, bằng với ông Helmut Kohl. Ông Kohl chính là người đầu tiên bổ nhiệm bà Merkel làm bộ trưởng. Ở tuổi 66, bà vẫn trẻ hơn ông Konrad Adenauer 7 tuổi khi ông này lần đầu trở thành thủ tướng Đức.
Kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, chưa thủ tướng Đức nào rời nhiệm sở một cách tự nguyện. Một vài vị, như các ông Adenauer và Willy Brandt, buộc phải ra đi do bê bối. Số khác, như ông Ludwig Erhard và Helmut Schmidt, bị thua trong các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Bundestag. Còn các ông Kurt Georg Kiesinger, Helmut Kohl và Gerhard Schröder bại trận trong bầu cử. Bà Angela Merkel có khả năng trở thành người đầu tiên tự quyết định khi nào nên nhường chỗ.
Cho tới lúc đó, bà sẽ vẫn tiếp tục gầy dựng một mức độ quyền lực mà chưa nhà lãnh đạo nào với tới được ở cả trong nước và EU – dù bên ngoài không có vẻ gì bà phải đấu tranh vì điều đó. Như biên tập viên ngoại giao của tạp chí The Times chỉ ra hồi tháng 6.2014: “Bộ luật Thép đầu tiên của châu Âu đơn giản đến mức có thể học thuộc lòng. Đó là châu Âu bàn bạc, bà Angela Merkel quyết định”.
Trong số tất cả thủ tướng gần đây của Đức, bà Angela Merkel có ít kinh nghiệm làm việc trực tiếp với EU nhất trước khi lên nắm quyền. Sinh năm 1954, bà lớn lên ở Đông Đức. Chỉ đến khi trưởng thành, bà mới đến được Tây Âu. Chào đời sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, không như những người tiền nhiệm, bà không được dạy rằng EU là một nhân tố đảm bảo hòa bình.
Lần đầu tiên bà có liên hệ với một cơ quan của EU là vào giữa thập niên 1990. Với tư cách là một bộ trưởng Đức, thỉnh thoảng bà tham dự các cuộc họp của Hội đồng Môi trường EU. Đây cũng là dịp đầu tiên bà gặp một chính trị gia Anh. Bà có quan hệ khá tốt với người đồng cấp Anh thời điểm đó là ông John Gummer. Ông mời bà thăm khu vực bầu cử của mình ở Suffolk, nơi khiến bà kinh ngạc về thái độ thù địch EU của hầu hết những người mà bà gặp.
Quan điểm về châu Âu của bà vì thế không phản ánh tư duy vốn đã ăn sâu vào hầu hết chính trị gia Tây Đức. Bà không mặc nhiên tin rằng EU và đồng euro tốt cho Đức. Bà đi đến kết luận đó bằng đánh giá thực tế của riêng mình. Đó là đánh giá của cái đầu hơn là từ trái tim.
Đôi khi bà Angela Merkel bị chỉ trích là không có tầm nhìn. Những người chê bai nói bà chỉ đơn giản là phản ứng lại vụ việc, đợi một thời gian dài mới đưa ra quyết định và chưa bao giờ đặt ra những mục tiêu dài hạn. Đúng là bà thường mất khá lâu để đi tới quyết định. Hồi bà còn nhỏ, có lần trong lớp học bơi, bà được yêu cầu nhảy từ ván cao rồi lặn xuống hồ nước lạnh. Người ta kể bà đứng im lặng trên tấm ván hết nửa tiếng trước khi lặn xuống, đúng lúc chuông hết giờ học vang lên. Cũng đúng là bà có quan điểm thực dụng. Không hề có “chủ nghĩa Merkel” để so sánh với “chủ nghĩa Thatcher”, không có hệ tư tưởng hay học thuyết nào gắn liền với tên bà. Bà không có những bài diễn văn vạch ra đường hướng tương lai. Bà chỉ đơn giản là xử lý những vấn đề của hiện tại.
Và bà có khuynh hướng che giấu cá tính. Khi gặp gỡ riêng tư, bà là người bầu bạn tốt: vui vẻ, khiêm tốn với đôi mắt xanh sắc sảo, nụ cười thường trực và dễ làm người ta cười lây. Bà có cuộc hôn nhân hạnh phúc (với một nhà vật lý danh tiếng tầm cỡ thế giới) và nhiều sở thích như nấu nướng, xem nhạc kịch, đi dạo. Nếu sự nghiệp chính trị của bà đột ngột chấm dứt, bà sẽ tiếp tục tận hưởng cuộc sống một cách đủ đầy.
Thế nhưng, trước công chúng, bà che giấu phần lớn khía cạnh cá nhân của mình. Bà không nói đùa, không để lộ cảm xúc và luôn mặc một bộ đồ dài. Bà như là sự nhân cách hóa của đất nước mà bà dẫn dắt: hiệu quả, tổ chức tốt và thành công, nhưng có một chút nghiêm khắc.
(Chuyện bà hay mặc bộ đồ dài không có nghĩa là bà mù tịt về thời trang. Trước khi bà trở thành thủ tướng, có lần tôi đứng cạnh bà trong đêm khai mạc lễ hội nhạc kịch Wagner ở Bayreuth. Khi trò chuyện, tôi khen bà rất hợp với chiếc váy dài khá nổi bật, dù kiểu dáng đơn giản song cực kỳ thanh lịch. Rõ ràng bà hài lòng khi thấy có người chú ý đến chiếc váy và vui vẻ kể về nơi bà đã mua và vì sao nó lại hấp dẫn bà.
Sự việc làm tôi nhớ lại năm 1979 khi bà Margaret Thatcher, lúc ấy mới được bầu làm thủ tướng Anh, lần đầu tham dự cuộc họp Hội đồng châu Âu ở Strasbourg (Pháp). Khi bà rời phòng khách sạn để dự tiệc chiêu đãi tối, các quan chức ở phòng bên cạnh (trong đó có tôi) đứng dậy và thư ký riêng của bà không kìm được nói: “Ôi, thủ tướng, trông bà đẹp quá”. Quả đúng vậy, rõ ràng là bà đã tốn nhiều công sức sửa soạn và hẳn nhiên rất vui khi thành quả được công nhận.)
Trong quá khứ, bà Angela Merkel từng chứng tỏ mình có thể ra tay không khoan nhượng. Trong chính trường Đức, rất nhiều người – thường là nam giới ở độ tuổi trung niên – đánh giá thấp bà trong những năm đầu sự nghiệp. Bà giành được quyền lực trong đảng của mình, như bà Margaret Thatcher đã làm, bằng cách thách thức đương kim lãnh đạo đảng trong khi những người kế nhiệm tiềm tàng khác né tránh điều này. Có quyền lực rồi, bà khôn khéo và kiên quyết củng cố vị trí của mình.
Tuy nhiên, bà không thích thú với những cuộc đối đầu chính trị trong nước và thỉnh thoảng có thể nhượng bộ áp lực ngắn hạn mà không suy xét các hậu quả lâu dài. Bà cũng làm vậy trong vụ bổ nhiệm ông Jean-Claude Juncker và cuộc khủng hoảng di cư. Trước đó, bà cho thấy xu hướng tương tự ở những lĩnh vực khác: như khi bà quyết định để Đức bỏ phiếu trắng trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Libya vào năm 2011 và đột ngột thay đổi chính sách năng lượng hạt nhân của Đức – ra lệnh tất cả nhà máy hạt nhân trong nước đóng cửa sớm hơn 20 năm so với kế hoạch – sau tai nạn hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) cùng năm. Trong cả hai trường hợp trên, viễn cảnh phải đi ngược dòng dư luận khiến bà đưa ra những quyết định mà nhiều người Đức xem là sai lầm. Bà có thể chậm ra quyết định, song lại đổi ý khá nhanh.
(còn nữa)
trích Cách của người Đức