Bước ra thế giới - Người lao động cần có thái độ học tập suốt đời

22/03/2021 17:30
Bước ra thế giới - Người lao động cần có thái độ học tập suốt đời

Các công ty có thể vận hành trên toàn cầu, không có vấn đề với lao động nữa bởi vì họ có thể thuê bất kỳ ai từ bất kỳ nước nào.

Trong bài viết này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ghi chép lại những điều ý nghĩa trong cuốn sách “ Destination - Bước ra thế giới" của tác giả John Vu.

Giáo sư John Vu là học giả người Mỹ gốc Việt. Tên thật của ông là Vũ Văn Du, bút danh Nguyên Phong. Ông sinh năm1950 tại Hà Nội, sang Mỹ từ năm 1968.

Ông từng là kỹ sư trưởng của Tập đoàn Boing, hiện là Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nghệ Sinh học thuộc Đại học Carnegie Mellon. Ông còn là dịch giả nổi tiếng về văn hóa và tâm linh phương Đông.

Cuốn "Destination - Bước ra thế giới "(Lời khuyên sinh viên Việt Nam) được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và First News phát hành năm 2019 qua bản dịch của Ngô Trung Việt.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

- Chúng ta đang sống trong thời kỳ chuyển tiếp giữa thời đại Công nghiệp và thời đại Thông tin. Quy tắc mới của phát triển kinh tế là tri thức và thông tin, chứ không còn dựa trên vốn, vật tư và lao động nữa.

- Ngày nay các công ty cần nhân công có kỹ năng về công nghệ thông tin bởi vì công nghệ thông tin là bản chất của tự động hóa và kiểm soát máy móc, cơ xưởng.

Đây là sự khởi đầu cho làn sóng đầu tư thứ hai của toàn cầu hóa, trong đó kỹ năng sẽ là yếu tố then chốt để xác định nơi chế tạo sản phẩm.

- Điện thoại thông minh và máy tính bảng sẽ là nền tảng và các ứng dụng di động sẽ được tích hợp đầy đủ với quy trình của doanh nghiệp.

Khi điều đó xảy ra, quốc gia nào có nhân công có kỹ năng công nghệ thông tin sẽ thâu tóm thị trường; ý tưởng và thiết kế có thể được xây dựng và đưa ra thị trường nhanh hơn.

- Trong nền kinh tế tri thức, sản phẩm được tạo ra thông qua nghiên cứu và phát minh được thực hiện trong phòng thí nghiệm, tạo ra các ngành dựa trên vật liệu mới, vi điện tử, thiết kế được máy tính hỗ trợ, công nghệ sinh học, kiểm soát quy trình tiên tiến và các dịch vụ khác.

Tất cả những điều này đòi hỏi nhân công phải có kỹ năng cao hơn và ít nhất cũng phải có bằng đại học.

- Nhân tố then chốt trong phát triển kinh tế ở thế kỷ 21 là phát triển công nghệ tri thức để tạo ra và bán sản phẩm thông tin và truyền thông.

Thước đo xác định mức độ thành công là tốc độ. Mọi trao đổi thông tin và dữ liệu đều được thực hiện qua Internet - càng nhanh càng tốt.

- Các công ty có thể vận hành trên toàn cầu, không có vấn đề với lao động nữa bởi vì họ có thể thuê bất kỳ ai từ bất kỳ nước nào.

- Nếu bạn nhìn vào ngành ô tô và dây chuyền lắp ráp, chế tạo, bạn sẽ thấy 70% công việc đã được tự động hóa. Nhưng tự động hóa, robotics, máy thông minh không thể thay thế cho việc hiểu vấn đề thực tế và ra quyết định về giải pháp, cho nên mọi công ty vẫn cần đến con người.

Những người này phải có tri thức về công nghệ để ra quyết định và quản lý hệ thống thông tin khổng lồ này.

- Một số dữ liệu đáng quan tâm về thế hệ V (viết tắt của chữ Virtual- ảo): 80% dùng thông điệp tức khắc xấp xỉ 30 giờ 1 tuần; 45% xem tin tức qua internet chứ không qua TV; 65% đọc báo trực tuyến và không mua báo giấy; 25% sở hữu và viết blog; 67% xem blog; 72% tải nhạc có trả tiền; 28% tải nhạc từ việc chia xẻ tệp chứ không trả tiền. Tất cả họ đều lớn lên cùng Internet, laptop, điện thoại di động.

- Để tăng lợi nhuận, nhiều công ty đã chuyển đổi thành công ty toàn cầu để vận hành ở mọi nơi với những nhân công có kỹ năng mà họ thuê được từ nhiều nơi trên thế giới để đáp ứng các mục tiêu chiến lược của họ.

- Hệ thống giáo dục trở thành hệ thống giáo dục toàn cầu để giáo dục và huấn luyện cho học sinh ở mọi nơi trên địa cầu.

Học sinh có thể dự đoán các nhu cầu toàn cầu và theo đuổi nghề nghiệp giúp cho các em sống thoải mái.

Quốc gia với nền giáo dục tốt nhất sẽ có ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Giáo dục sẽ trở thành doanh nghiệp xuất khẩu để cung cấp dịch vụ giáo dục cho nơi có nhu cầu hay cấp phép chương trình huấn luyện cho các nước khác.

- Ngày nay, không một quốc gia nào có thể dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên dư thừa của mình cùng lao động giá rẻ, mà phải tạo ra ưu thế kinh tế dựa trên công nghệ và tri thức sáng tạo.

Trong nền kinh tế tri thức ngày nay, sản phẩm được tạo ra bởi nghiên cứu và phát minh trong phòng thí nghiệm đang tạo ra các ngành công nghiệp tri thức, nơi công nghệ dựa trên các vật liệu mới, vi điện tử, thiết kế được máy tính hỗ trợ, công nghệ sinh học, kiểm soát quá trình tiên tiến và các dịch vụ chuyên môn khác đòi hỏi nhân công phải có kỹ năng cao hơn nhiều.

- Việc sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin như công cụ chiến lược để giúp cải thiện tình hình kinh doanh của công ty là điều bình thường trong kinh doanh ngày nay.

Để làm điều đó, cần tư duy mới, quan niệm mới, và kiểu người quản lý mới, những người biết cách ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết những vấn đề của doanh nghiệp.

- Với việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhiều công ty đang cấu trúc thành cấu trúc phẳng, nơi không có sự tách rời giữa các nhóm chức năng. Nhân viên và người quản lý cộng tác để đưa ra quyết định nhanh chóng.

Chiến lược của doanh nghiệp dựa trên sự thay đổi liên tục và tiến hóa khi thị trường thay đổi.

Các quyết định dựa trên thông tin hợp thức và năng lực thay vì quyền lực cá nhân.

Ngày nay các công ty trẻ hơn và xông xáo hơn đang nhanh chóng chiếm lấy ưu thế. Nếu nhìn vào 100 công ty toàn cầu thì 72% là công ty trẻ (được thiết lập chưa đến 20 năm).

- Chính việc nổi lên của công nghệ thông tin đã làm cho thế giới trở thành một ngôi làng.

Vài năm trước, mọi người phải mua sản phẩm địa phương với chất lượng thấp, giá thành cao, nhưng với kinh doanh trực tuyến họ có thể mua sản phẩm với chất lượng tốt hơn và giá thành thấp hơn với chỉ một cái nhấp chuột.

Pony Ma trở thành một trong những người giàu nhất ở Trung Quốc, thường được coi là Bill Gates của Trung Quốc.

- Toàn cầu hóa là cách tiếp cận động, luôn thay đổi qua thời gian. Nó bao gồm nhiều pha, các nhà kinh tế gọi đó là những làn sóng.

Người lao động cần có thái độ học tập suốt đời, hiểu thị trường việc làm cần gì và chuẩn bị để đáp ứng.

Làn sóng thứ nhất của toàn cầu hóa liên quan đến yếu tố chi phí - các công ty chuyển công việc sang những nước có chi phí thấp hơn để gia tăng lợi nhuận.

Ví dụ về làn sóng đầu tư nước ngoài vào các ngành dệt may, giầy dép, chế tạo nhẹ…

Phần lớn các nhà kinh tế học đều tiên đoán làn sóng thứ nhất kéo dài từ 10 đến 20 năm.

Làn sóng thứ hai của toàn cầu hóa liên quan đến chất lượng và tính hiệu quả. Thay vì gia công với lao động trình độ thấp, các công ty toàn cầu sẽ đầu tư để tận dụng lực lượng lao động kỹ năng.

Ví dụ là các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, kinh doanh, thương mại, dich vụ công nghệ thông tin…

Làn sóng thứ ba của toàn cầu hóa liên quan đến việc đạt hiệu quả và canh tân ở nơi mà các công ty tận dụng ưu thế thành công của các làn sóng trước.

Khi đó toàn cầu hóa đi vào trạng thái cân bằng, nơi cả hai bên hình thành liên minh để tận dụng ưu thế của toàn cầu hóa.

Ví dụ đầu tư phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm. Làn sóng này kéo dài lâu, có thể hàng trăm năm hoặc lâu hơn.

- Các công ty toàn cầu xóa sổ các công ty địa phương nhỏ hơn và kiểm soát thị trường ở đó. Một số công ty khai thác tài nguyên gỗ, đánh bắt cá cho đến khi chẳng còn lại gì, rồi chuyển sang nước khác. Một số công ty dời cơ xưởng chế tạo gây ô nhiễm sang các nước đang phát triển…

- Tất nhiên không phải là dừng toàn cầu hóa mà là ra quyết định đúng, để không chỉ cho tình hình kinh tế hiện thời mà còn cho tương lai, cho thế hệ những người sẽ phải sống cùng với quyết định mà chúng ta đưa ra hôm nay.

- Theo một báo cáo của chính phủ Mỹ, đến năm 2025 robotics sẽ chi phối phần lớn các cơ xưởng và công việc chế tạo, làm giảm ít nhất 45% số lượng việc làm. Người ta dự đoán rằng đến 2025, robotics sẽ là thị trường trị giá 150 tỷ USD, với robot thực hiện 45% nhiệm vụ chế tạo so với 10% như hiện nay,

- Với trên 2 tỷ điện thoại thông minh đang được dùng và hàng triệu thiết bị thông minh đang được kết nói với nhau, chúng ta bắt đầu thấy các thiết bị này có thể nói chuyện với nhau và trở nên thông minh mà không có sự can thiệp của con người.

Với tiến bộ của trí tuệ nhân tạo, robotics, in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ nano… tốc độ của phát kiến đã được tăng tốc nhanh hơn và sẽ tạo ra cơn lốc tác động đến mọi người, mọi nhà, mọi công ty và mọi quốc gia. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mở ra cánh cửa cơ hội cho mọi người, mọi quốc gia.

- Đâu là sự khác biệt giữa xã hội công nghiệp và xã hội tri thức. Câu trả lời có thể được tìm thấy trong việc chuyển đổi ngành công nghiệp từ kỹ thuật sản xuất số lượng lớn sang hệ thống chế tạo linh hoạt, giảm kích cỡ sản phẩm.

Với xã hội tri thức, nhân tố chính là tốc độ với các ngành công nghiệp thay thế vật tư thô bằng vật tư mới và tiên tiến.

Quá trình thu nhỏ với việc phát triển các kỹ thuật dưới micromet trong điện tử (LSI và VLSI) và quy trình chế tạo ở mức nano được kiểm soát bằng các robot thay vì con người.

- Nền kinh tế tri thức điển hình dựa trên bốn cấu phần:

* Chính sách hỗ trợ của chính phủ về kinh tế để khuyến khích việc sử dụng hiệu quả tri thức hiện có và tri thức mới.

* Nhân công có trình độ học vấn và có kỹ năng để tạo ra, chia sẻ và sử dụng tri thức nhằm đạt ưu thế về kinh tế.

* Kết cấu nền thông tin động tạo điều kiện cho truyền thông và xử lý thông tin hiệu quả (như internet, điện thoại di động…)

* Hệ thống hiệu quả các công ty, trung tâm nghiên cứu đại học và các cơ quan chính phủ để kết nối với hệ thống toàn cầu đang tăng trưởng, lĩnh hội và thích ứng.

- Giáo dục là nền tảng của xã hội và nền kinh tế tri thức: Trong xã hôi tri thức, người có tri thức là nhân tố then chốt cho phát kiến, là người dẫn lái chính cho sự tăng trưởng kinh tế và người quyết định chính cho tính cạnh tranh trong thương mại toàn cầu.

Nếu trường học có thể cung cấp kỹ năng và tri thức dùng để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp thì việc cộng tác với trường học sẽ có lợi cho ngành công nghiệp, vì trường học kinh doanh về đào tạo, còn công nghiệp thuê nhân công có chất lượng.

Nếu trường học có thể làm cho sinh viên trở thành người học tập suốt đời thì ngành công nghiệp không phải đầu tư vào việc đào tạo lại.

Do đó, sự cộng tác giữa học sinh, sinh viên, giáo viên, cha mẹ và ngành công nghiệp chính là nền tảng của xã hội tri thức.

- Một khi kỹ năng làm việc được xác định, người quản lý có thể lựa chọn nhân công dựa trên các kỹ năng đó, thay vì dựa vào bằng đại học. Trong thị trường cạnh tranh khốc liệt này, có nhân viên có kỹ năng là yếu tố mấu chốt cho sự thịnh vượng.

- Các kỹ năng cần có trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay khác với kỹ năng được cần đến trong quá khứ. Các kỹ năng của thế kỷ 21 là: Kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ; Kỹ năng máy tính; Kỹ năng quản trị kinh doanh; Kỹ năng tài chính; Kỹ năng tự thúc đẩy; Kỹ năng làm việc nhóm.

- Học tập suốt đời là một thái độ. Những nhân công liên tục học hỏi có khả năng thích nghi với môi trường và vẫn còn duy trì được sự cạnh tranh trong thị trường làm việc.

Công nghệ thay đổi nhanh và các công ty cần những người có kỹ năng mới nhất, chứ không phải các nhân công có tri thức lỗi thời.

- Hiện trên thế giới có khoảng trên 2 tỷ máy tính cá nhân, 3,2 tỷ điện thoại thông minh và 1,4 tỷ máy tính bảng đang được dùng, con số này vẫn đang tăng lên.

Với công nghệ Big Data, các công ty tài chính lớn bây giờ đang dùng sử lý ETL (extract-transform-load) để thu thập mọi dữ liệu thao tác và chạy chúng qua Hadoop với hiệu quả phân tích cao và nhận diện được sự cố về gian lận một cách nhanh chóng.

Một nông trại điển hình sử dụng khoảng 200 công nhân năm 1950 nay chỉ cần khoảng 75 người, nhưng có thể tạo ra sản lượng cao hơn bao giờ hết.

Ba mươi năm trước, Apple chỉ là một công ty nhỏ được 2 thanh niên sáng lập trong gara xe hơi của bố mẹ họ. Ngày nay, Apple là một trong những công ty lớn nhất và sinh lời nhiều nhất trên thế giới.

- Các ngành công nghệ mũi nhọn hiện nay bao gồm:

Công nghệ di động: Tính hiệu quả của công nghệ di động là quá lớn trong việc tạo ra cách tiếp cận mới cho thương mại điện tử. Đó là lý do vì sao nhu cầu về người phát triển phần mềm di động đang đạt đến mức cao.

Điện toán đám mây: Băng việc lưu trữ trên đám mây bạn có thể truy lục lại chúng và không mất chúng. Microsoft đã biến đổi bản thân từ việc bán phần mềm như sản phẩm sang bán phần mềm như dịch vụ, đây là thay đổi triệt để nhất, có tác động to lớn đến ngành công nghiệp.

Phân tích dữ liệu và dữ liệu lớn (Big Data): Nhiều chính phủ xem Big Data là công nghệ có tác động lớn nhất trên thế giới ngày nay và nó sẽ ảnh hưởng sâu sắc lên mọi thứ trong thế kỷ này.

IBM đã tạo ra máy tính Watson có thể nghĩ và ra quyết định nhanh hơn con người, có thể được dùng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thị trường chứng khoán, vận tải và robotics.

Tự động hóa và robotics: Trong 12 tháng Google đã mua 10 công ty robotics lớn và nhỏ và trở thành một công ty robotics lớn nhất thế giới. Đang có một đợt sóng mới các robot thay thế cho nhân công lao động trên khắp thế giới.

Con người chỉ giám sát dây chuyền lắp ráp, giám định chất lượng và ra quyết định để chuyển sản phẩm đến khách hàng.

* Trí thông minh nhân tạo (AI): Trong vài năm qua Google đã dùng AI để làm cho việc tìm kiếm nhanh hơn và chính xác hơn. Amazon dùng AI để giúp khách hàng mua hàng trực tuyến nhanh hơn…

* Phần mềm: Với điện thoại thông minh và điện toán đám mây, phần mềm đã thành yếu tố then chốt thay vì phần cứng. Các công ty phần mềm (Facebook, Twitter…) đang nổi lên.

* An ninh máy tính: An ninh không phải là thứ bạn có thể mua và thêm vào cho hệ thống mà là một phần tích hợp của hệ thống được dựng sẵn bên trong.

* Công nghệ sinh học: Chi phí cho phân tích hệ gen con người đã giảm từ 100 000 000 USD năm 2001 xuống còn 1000 USD.

Các công ty Apple và Microsoft đang nghiên cứu về kỹ thuật mô và công nghệ in 3D để có thể in ra các bộ phận cơ thể người nhằm có thể thay thế (!). Mức đầu tư vốn của các công ty công nghệ sinh học đã lên đến 10 tỷ USD vào năm 2014. Đó là lĩnh vực đầu tư lớn thứ hai, chỉ sau lĩnh vực phần mềm.

* Công nghệ nano: Các nhà khoa học có thể đặt ống nano trực tiếp vào tế bào ung thư để thuốc đi thẳng vào các tế bào này, tiêu diệt chúng mà không ảnh hưởng đến các tế bào bình thường khác. Robot nano có thể đi vào hệ thống tiêu hóa, chụp ảnh rồi gửi hình ảnh đến máy tính để hỗ trợ cho các bác sĩ chẩn đoán và điều trị.

Thị trường việc làm hiện nay: Có thể kể đến Lập trình phần mềm; Trinh sát doanh nghiệp; Quản lý hệ thông thông tin; Kiểm soát phần mềm; Chuyên viên an ninh; Kỹ nghệ máy tính và Khoa học máy tính chuyên sâu.

Nhiều chuyên gia dự báo đến năm 2025 khoảng một nửa số việc làm trên thế giới sẽ được thực hiện bởi các máy thông minh. Khoảng 75 triệu việc làm sẽ biến mất trước năm 2022. Nhưng lại có nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra, phần lớn trong các lĩnh vực công nghệ mới.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025