Bỏ cuộc khi cách mỏ vàng một bước chân, kho báu rơi vào tay người thu mua phế liệu!

17/05/2019 10:00
Bỏ cuộc khi cách mỏ vàng một bước chân, kho báu rơi vào tay người thu mua phế liệu!

Trong cuốn "Nghĩ giàu, Làm giàu", Napoleon Hill nhận định rằng, một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của thất bại là thói quen dễ dàng từ bỏ mơ ước khi gặp phải những thất bại tạm thời.

Trong cuộc đời mình, mỗi người chúng ta ai cũng đã từng phạm phải sai lầm này, không lúc này thì lúc khác.

Hụt mất kho báu chỉ vì từ bỏ khi còn cách mỏ vàng một thước

Câu chuyện kể về một người bạn của Napoleon Hill là R.U. Darby. Vào thời điểm mà người ta đổ xô đi đào vàng, ông chú của R.U. Darby cũng bị cuốn theo "cơn sốt vàng" đó và đã đi về hướng tây đến Colorado để đào vàng với hy vọng trở nên giàu có.

Ông ấy đã đánh cược và vác cuốc xẻng ra đi. Sau nhiều tuần lao động vất vả, ông chú của Darby phát hiện ra một mỏ quặng sáng lấp lánh. Ông cần có thiết bị để đưa quặng lên khỏi mặt đất nên đã âm thầm lấp mỏ và trở về nhà ở Williamsburg, Maryland.

Ông kể với người thân và một vài người láng giềng rằng mình đã dò trúng mạch. Họ gom góp tiền để mua máy móc và chở đến đó. Darby cũng quyết định tham gia và cùng với chú mình quay trở lại mỏ.

Chuyến xe đầu tiên chở quặng vừa khai thác được chuyển tới một xưởng nấu kim loại. Kết quả cho thấy họ đã tìm được một trong những hầm mỏ có hàm lượng vàng cao nhất Colorado. Chỉ cần vài chuyến xe chở quặng như thế này nữa là họ sẽ đủ khả năng trang trải hết nợ nần và sau đó tha hồ mà làm giàu.

Càng đào xuống sâu thì hy vọng của Darby và ông chú càng lên cao.

Thế nhưng ánh sáng hy vọng dường như đã tắt ngấm. Các mạch vàng bỗng dưng biến mất! Giấc mộng của họ tan vỡ trong phút chốc khi suy nghĩ mỏ vàng mà họ đang tìm kiếm bỗng nhiên không còn ở đó nữa. Họ cố gắng đào tiếp một đoạn nữa nhằm tìm lại dấu vết của mạch vàng nhưng dường như mọi cố gắng đều trở nên vô ích.

Cuối cùng họ quyết định bỏ cuộc. Họ bán hết máy móc cho một người mua phế liệu để lấy vài trăm đô-la, rồi lên tàu lửa trở về nhà.

Người mua phế liệu mời một kỹ sư mỏ đến xem xét đánh giá lại và làm một vài tính toán nhỏ. Người kỹ sư nói rằng sở dĩ việc khai thác thất bại vì chủ hầm cũ không biết nhận ra những tuyến đứt gãy địa chất. Tính toán của ông ta cho thấy mạch chính chỉ cách nơi chú cháu Darby đã ngừng đào chưa đầy một thước. Và đó mới chính là túi chứa vàng.

Người thu mua phế liệu kiếm được hàng triệu đô-la từ hầm mỏ đó bởi ông ấy biết tìm chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm trước khi bỏ cuộc.

Sau đó nhiều năm, Darby có được một tài sản lớn hơn nhiều lần kho báu hụt trước đó nhờ phát hiện ra rằng khát vọng có thể được chuyển thành vàng. Phát hiện này đến với Darby khi anh bước vào nghề kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

Bài học 50 xu về lòng kiên trì

Không lâu sau khi nhận bằng "tốt nghiệp" từ "Trường Đại học Thất bại", Darby đã chứng kiến một câu chuyện khiến anh nghiệm ra rằng từ "Không" không nhất thiết phải có nghĩa là Không.

Một buổi chiều trong khi anh đang phụ ông bác xay lúa mì trong nhà xay cũ của ông ấy - ông bác này làm chủ một trang trại lớn trong đó có một số nông dân da màu làm công hưởng hoa lợi - thì cánh cửa nhẹ nhàng mở ra và một cô bé da màu, con gái của một tá điền, bước vào và đứng bên cửa.

Ông bác nhìn lên, trông thấy cô bé và quát cộc lốc: "Mày muốn gì?".

Cô bé lễ phép đáp: "Mẹ cháu bảo ông đưa cho mẹ cháu năm mươi xu".

"Tao không đưa!", ông bác nạt lại. "Mày biến về nhà đi!".

Nhưng cô bé không hề nhúc nhích. Ông bác tiếp tục cặm cụi làm việc của mình nên không nhận thấy cô bé vẫn còn đứng đó. Khi ông ngẩng đầu lên lần nữa, và nhìn thấy con bé, ông ấy hét: "Tao đã bảo mày về nhà kia mà! Đi đi, không tao quất cho một trận bây giờ!".

Cô bé vẫn đứng bất động.

Ông bác quẳng bao lúa mì mà ông sắp cho vào máy xay xuống và hằm hằm tiến về phía cô bé. Darby nín thở và chắc rằng mình sắp chứng kiến một trận lôi đình của ông bác tính tình nóng nảy. Khi ông bác đến gần chỗ đứa bé đang đứng, nó nhanh chóng bước lên một bước, nhìn thẳng vào mắt ông và rít lên: "Mẹ cháu phải có năm mươi xu đó!".

Ông bác sững lại, nhìn chằm chằm vào cô bé rồi cho tay vào túi lấy năm mươi xu đưa cho nó. Cô bé cầm tiền và chầm chậm lùi về phía cửa trong khi mắt vẫn nhìn xoáy vào người đàn ông to lớn vừa bị khuất phục trước nó. Sau khi cô bé đi khỏi, ông bác ngồi bệt xuống một cái thùng, ánh mắt thất thần nhìn ra khoảng trống vô định ngoài cửa sổ trong hơn mười phút. Ông ngẫm nghĩ trong bàng hoàng về "ngón đòn" mà cô bé đã sử dụng để hạ gục mình.

Darby cũng đang suy nghĩ. Đây là lần đầu tiên trong đời, anh thấy một đứa con nít da màu nhỏ bé ung dung hạ gục một người đàn ông da trắng. Cô bé đã làm điều đó bằng cách nào? Điều gì đã tước mất sự hung hãn của ông bác và biến ông trở nên ngoan ngoãn như một con cừu non? Cô bé ấy đã sử dụng sức mạnh kỳ lạ nào để làm chủ được tình thế?

Những câu hỏi như thế cứ liên tục nảy sinh trong tâm trí Darby. Nhưng mãi nhiều năm sau, kể cả khi Darby trở thành một trong số rất ít người có doanh số bán bảo hiểm nhân thọ trên một triệu đô- la một năm, anh mới tìm được câu trả lời từ Napoleon Hill.

Darby đã hồi tưởng lại ba mươi năm kinh nghiệm trong nghề bán bảo hiểm nhân thọ, và anh nhận ra rằng thành công của mình có phần không nhỏ từ bài học anh đã học được từ cô bé.

Darby kể lại: "Mỗi lần một khách hàng tiềm năng nào đó chào tiễn tôi ra cửa mà không mua bảo hiểm của tôi, tôi lại nhớ đến hình ảnh cô bé đứng đấy trong cái nhà xay cũ, mắt mở to đầy thách thức, và tôi tự nhủ: ‘Tôi phải bán bằng được hợp đồng bảo hiểm này’. Phần nhiều những hợp đồng mà tôi bán được đều từ những người đã từng nói ‘Không’ với tôi".

Anh cũng nhắc lại sai lầm của mình vì đã bỏ cuộc khi chỉ cách mỏ vàng chưa đầy một thước. Anh nói: "Nhưng đúng là trong cái rủi có cái may. Lần thất bại đó đã dạy tôi rằng phải luôn nỗ lực không ngừng cho dù có khó khăn đến đâu. Đó là một bài học cần thiết trước khi có thể thành công trong bất cứ việc gì".

Những kinh nghiệm của Darby rất đỗi bình thường và khá đơn giản, vậy mà chúng nắm giữ chìa khóa quyết định cho số phận của anh. Vì thế, chúng cũng quan trọng như chính cuộc đời anh. Darby đã gặt hái lợi ích từ hai kinh nghiệm sâu sắc trên vì anh đã biết phân tích chúng và tìm thấy bài học ẩn chứa trong đó.

Nội dung bài viết được rút từ cuốn sách Nghĩ giàu và làm giàu của tác giả Napoleon Hill xuất bản năm 1937. Đây là 1 trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân dân cả nước, để thay đổi nhận thức, thôi thúc khát vọng vươn lên làm giàu, cùng xây dựng đất nước hùng cường. 


Gửi bình luận
(0) Bình luận