'Binh pháp Tôn Tử trong kinh doanh': Luận bàn tư duy chiến lược dành cho startup

25/12/2019 09:00
'Binh pháp Tôn Tử trong kinh doanh': Luận bàn tư duy chiến lược dành cho startup

Nếu Tôn Tử điều hành startup, ông sẽ làm gì để chiến thắng đối thủ cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường?

Câu trả lời nằm trong cuốn sách mới  – cuốn sách tập hợp 12 chiến lược then chốt trong binh pháp giúp startup giành chiến thắng trước những đối thủ nặng ký.

Thương trường như chiến trường. Startup nào càng cố gắng chống lại quy luật do các doanh nghiệp lớn đặt ra càng dễ có nguy cơ bị đè bẹp, hay chí ít cũng lãnh thương tích đầy mình. Nhưng nếu nghiên cứu và áp dụng tốt lời dạy của Tôn Tử thì cuốn sách có thể là cẩm nang giúp những startup tham vọng sớm chiếm lĩnh thị trường. 

'Binh pháp Tôn Tử trong kinh doanh': Luận bàn tư duy chiến lược dành cho startup
Binh pháp Tôn Tử trong kinh doanh – Luận bàn tư duy chiến lược dành cho startup.

Tập trung cải thiện sản phẩm cốt lõi

Five Guys là một trong những chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Hoa Kỳ. Năm 2012, sau 4 năm hoạt động, thương hiệu này đạt doanh thu hơn 1 tỷ đô nhờ tập trung bán “better burger” (burger lành mạnh hơn). Sản phẩm này nhanh chóng tạo sức hút và chiếm lĩnh thị trường “fast food burger” (burger ăn nhanh) truyền thống vốn đang được thống bị bởi ba ông lớn McDonald’s, Burger King và Wendy’s.

Điều thú vị là Five Guys không hề phát minh ra loại better burger nào.

Jerry Murell – nhà sáng lập chuỗi nhà hàng này cho biết, ngay từ đầu, ông chọn tuân theo thực đơn truyền thống với sản phẩm chủ lực vẫn là burger, khoai tây và những món phụ ăn kèm. Bí quyết thành công của Five Guys nằm ở việc sử dụng nguồn nguyên liệu tươi, sạch được lựa chọn cẩn thận và chế biến thủ công theo phương pháp tốt cho sức khỏe. Cách làm này khác hẳn so với việc dùng nguyên liệu đông lạnh của fast food burger.

Murell đã vận dụng thành công lời dạy của Tôn Tử, đó là tập trung vào cải thiện các sản phẩm cốt lõi và không cố gắng làm nhiều thứ. Luận về điều này, Becky Sheetz-Runkle – tác giả cuốn sách chỉ ra, cái bẫy tham vọng có mọi thứ cho mọi người dễ trở thành rào cản khiến doanh nghiệp định nghĩa sai về sản phẩm của mình. Startup cần nhớ, không phải mọi thứ xuất hiện đều là cơ hội nếu chúng không phù hợp với mục đích và mục tiêu đề ra.

Để cạnh tranh với Five Guys, hai ông lớn Burger King và McDonald’s sau đó đã tạo ra phiên bản burger lành mạnh khác bằng việc sử dụng thịt bò chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, yếu tố này chưa đủ tạo ra sự khác biệt giúp hai gã khổng lồ giành lại thị phần đã mất.

Trong kinh doanh, hãy dồn sức vào những điều có hiệu quả. Đừng phí phạm nguồn lực quý giá vào những sản phẩm, dịch vụ không có dấu hiệu triển vọng.

Biết địch, biết ta

Tôn Tử sống trong thời kỳ ông có thể dễ dàng nhận diện các quốc gia tham chiến. Thế nhưng thương trường ngày nay lại mờ ảo và âm u hơn khi các doanh nghiệp mới ồ ạt nhảy vào thị trường, số khác phát triển trong bí mật. Do đó, vô cùng sai lầm khi kết luận rằng startup của bạn không có đối thủ trên thị trường chỉ vì bạn không tìm ra đối thủ sở hữu công nghệ tương tự, hoặc mắc sai lầm trong bước nhận diện đối thủ.

Một số startup vừa khởi sự kinh doanh đã tin rằng họ là người duy nhất trên thị trường biết cách làm thỏa mãn khách hàng. Điều này chẳng bao giờ đúng cả. Bởi dù bạn đang thực hiện điều gì trước đó chưa từng có ai làm vẫn luôn có giải pháp và sản phẩm thay thế, dù chúng có thể kém tinh vi và đắt đỏ hơn. 

Để thành công, startup buộc phải hiểu rõ bản thân đồng thời am hiểu tường tận ưu, nhược điểm của đối thủ. Trong binh pháp, điều này ứng với lời răn: Nếu biết địch biết ta thì trăm trận cũng không sợ. Nếu biết ta mà không biết địch thì trận thắng, trận bại. Nếu biết địch và không biết ta, thì trận nào cũng bại.

Dưới góc nhìn của Tôn Tử, kẻ thiện chiến là người luôn biết đặt mình vào vị thế không thể đánh bại, chứ không chỉ chắc chắn đánh bại đối thủ. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, startup nên cân nhắc kết giao đồng minh với đối thủ có thực lực ngang tầm. Bởi ở nơi xa rộng, thế lực đôi bên cân bằng thì không nên khiêu chiến, nếu miễn cưỡng đánh thì ta sẽ gặp bất lợi.

Trước khi trở thành ngành công nghiệp tỷ đô của Hoa Kỳ, rượu bourbon đã đối mặt với một khoảng thời gian khó khăn. Đầu thập niên 1970, loại rượu này lâm vào suy thoái khi những người uống rượu thích gin và vodka trung tính hơn. Năm 1984, bậc thầy chưng cất rượu nổi tiếng Elmer T.Lee đã cho ra lò mẻ bourbon hảo hạng đầu tiên có tên Blanton’s Single Barrel với giá mỗi chai lên tới 30 USD – đắt gấp 2, 3 lần so với bourbon thông thường. Thay vì giữ vị trí độc tôn trên thị trường, Elmer Lee đã kết nối với những xưởng chưng cất rượu lớn khác tại Kentucky để cùng phát triển loại rượu bourbon cao cấp, đáp ứng nhu cầu lớn trên thị trường.

Lý giải về mối liên minh mạnh mẽ trên, tác giả cuốn sách nhận định, có thể xuất phát từ mối quan hệ của những thế hệ chưng cất rượu trong vùng, nhưng cũng do nhu cầu hợp lực với nhau nhằm bảo vệ lợi ích trước các vấn đề như thuế quan và rào cản thương mại.

Với những trải nghiệm liên quan đến kinh doanh và võ thuật, Becky Sheetz-Runkle đã diễn giải tác phẩm kinh điển của Tôn Tử thành những bài học đầy giá trị và thiết thực giúp startup sớm nhận ra các yếu tố sống còn với doanh nghiệp đồng thời tìm ra chìa khóa then chốt để hạ gục đối thủ.

“Về mặt trí thức, cuốn sách đã gỡ rối cho tinh thần chiến lược của Tôn Tử. Về mặt thực tế, cuốn sách mang đến những ví dụ chắc chắc giúp startup khởi động ý tưởng để áp dụng cho doanh nghiệp của mình” – Thomas Huynh, tác giả cuốn The Art of War: Spirituality for Conflict kiêm nhà sáng lập website tài nguyên giáo dục Sonshi, nhận xét.

Xuyên suốt 15 chương sách là những ví dụ thực tế từ các startup sáng tạo đã vận dụng thành công mưu lược của Tôn Tử vào kinh doanh. Cuốn sách đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà lãnh đạo và quản lý trên khắp thế giới qua những chiến lược lỗi lạc để giành chiến thắng trước mọi đối thủ.

Thảo Vân

Becky Sheetz Runkle là nhà lãnh đạo kinh doanh, nhà marketing chiến lược, bậc thầy võ thuật và là chuyên gia về chiến lược của Tôn Tử. Cô chuyên tâm nghiên cứu các chiến lược của Tôn Tử và đã diễn thuyết về đề tài này trước nhiều khách hàng nổi tiếng như: Delta Airlines, Oscar Mayer, I-Women,…Đồng thời, Becky cũng là tác giả của một số cuốn sách kinh doanh: Sun Tzu for Women” The Art of War for Winning in Business, Dominate the Market with the Masterful Strategies of Sun Tzu… đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ như Trung, Ý, Nhật, Tây Ban Nha, Ả Rập…

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024