Binh pháp Tôn Tử trong kinh doanh - Doanh nghiệp nhỏ ứng dụng binh pháp trong cạnh tranh

28/12/2019 10:02
Binh pháp Tôn Tử trong kinh doanh - Doanh nghiệp nhỏ ứng dụng binh pháp trong cạnh tranh

Thương trường như chiến trường, các doanh nghiệp đều cần có một chiến lược cũng như mục tiêu, và chọn trận chiến để có thể chiến thắng.

Một doanh nghiệp không thể sống sót bằng cách giả vờ rằng mình không hề có đối thủ cạnh tranh nào, cho dù nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn nói “đối thủ của chúng tôi là chính mình”.

Toàn cầu hoá trao cho doanh nghiệp nhiều cơ hội rộng mở, nhưng đồng thời cũng mang đến những đối thủ toàn cầu. 

Trong bối cảnh cạnh tranh của thế kỷ 21 này, quyển Binh pháp Tôn Tử, một cuốn sách về chiến tranh cổ đại được viết từ nhiều thế kỷ trước Công nguyên, liệu có còn ý nghĩa đối với các doanh nhân ngày nay không?

Binh pháp đưa ra một triết lý chiến lược xuất sắc đã được chứng minh qua hàng thiên niên kỷ trong tất cả các hình thức cạnh tranh. Đại tướng Colin Powell, cựu Cố vấn an ninh quốc gia, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ được cho là sở hữu vài bản dịch của quyển sách chiến lược kinh điển này. 

.

Nhiều chiến lược gia kinh doanh đã sử dụng Binh pháp để đạt được lợi thế cạnh tranh. Nó thậm chí đã thâm nhập vào đời sống văn hóa, từng xuất hiện trong bộ phim kinh điển Wall Street , trong đó nhân vật Gordon Gekko tuyên bố, “Tôi không ném phi tiêu vào một tấm ván. Tôi đặt cược vào những điều chắc chắn. ĐọcBinh pháp Tôn Tử. Mọi trận chiến đều giành được phần thắng trước cả khi diễn ra.”

Với cuốn sách “Binh pháp Tôn Tử trong kinh doanh”,  tác giảBecky Sheetz-Runkle mang lại một cái nhìn tổng thể, có tính vận dụng cao trong xây dựng doanh nghiệp nhỏ và công ty startup. 

Becky Sheetz-Runkle là nhà đào tạo kinh doanh, nhà marketing chiến lược, bậc thầy võ thuật, diễn giả, đồng thời cũng là một tác giả nổi tiếng. Cô chuyên tâm nghiên cứu về các chiến lược của Tôn Tử và đã thuyết trình về đề tài này trước nhiều đội nhóm và khách hàng. 

 “Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ phải thông minh và kín đáo hơn những đối thủ có quy mô lớn và vững vàng hơn. Họ sẽ thất bại nếu cố gắng đọ sức với các “đại gia” trong từng đường đi nước bước. Và họ sẽ chết dần chết mòn nếu chỉ cố gắng vượt qua các cơn bão,” tác giả viết trong phần đầu quyển sách.

Nhiều doanh nhân khởi nghiệp có thể không bao giờ nghĩ rằng những chiến lược dụng binh của nhà nghệ thuật quân sự Tôn Tử là điều gì đó vẫn còn rất phù hợp để vận dụng trong phát triển công ty startup ngày nay.

Nhưng tác giả Becky Sheetz-Runkle đã đúc kết một số bài học kinh doanh có giá trị vượt thời gian mà mọi doanh nhân nên “thuộc nằm lòng” và vận dụng trong thực tế. 

Binh pháp Tôn Tử và những bài học dành cho doanh nhân khởi nghiệp

· Lựa chọn địa hình và chọn trận đấu. Một vị tướng thông minh luôn quan sát trận địa, bao gồm các điểm cao quan trọng có giá trị nhất, trước khi lao vào cuộc chiến. Thực tế, có quá nhiều doanh nhân khởi nghiệp sớm lao vào trận chiến và giả định rằng bất kỳ diễn biến nào, bằng cách nào đó, cũng sẽ mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh.

· Chuẩn bị kỹ lưỡng và tấn công nhanh. Chuẩn bị lực lượng là rất quan trọng, nhưng thời điểm để tiếp thị cũng quan trọng không kém. Một số doanh nhân bị sa lầy vào kế hoạch và không bao giờ đi đến điểm hành động, trường hợp này thường được gọi là tình huống “tê liệt phân tích”. Trong khi đó, một vị tướng giỏi đảm bảo rằng đội quân của mình được huấn luyện tốt, chuẩn bị sẵn sàng và không ngần ngại hành động.

Tác giả Becky Sheetz-Runkle.

Tác giả Becky Sheetz-Runkle.

· Tận dụng điểm mạnh và giảm thiểu điểm yếu. Một nhà lãnh đạo quân sự giỏi luôn biết rõ những điểm yếu cũng như điểm mạnh của đội quân. Các doanh nhân cũng phải có khả năng nhận ra và tận dụng năng lực của đội ngũ hiện tại, đồng thời hỗ trợ và định hướng để giảm thiểu các điểm yếu trong lựa chọn thị trường mục tiêu.“Nếu bạn không thể đánh giá trung thực ưu khuyết điểm của mình thì mọi thành tựu bạn đạt được sẽ nhanh chóng biến mất.”

· Tấn công điểm yếu của đối thủ cạnh tranh và tỉnh táo nhìn ra những cơ hội. Mọi đối thủ, giống như mọi đội quân, đều có điểm yếu, và mọi lãnh thổ - thị trường đều có sẵn cơ hội. Các doanh nhân phải nhìn ra những điều này, tập trung và dẫn dắt đội ngũ bước vào trận chiến. Những chiến thắng nhỏ và sự thâm nhập phần nào thị trường sẽ tạo động lực, thúc đẩy tinh thần cho cuộc tấn công lớn.

· Giới hạn sự tập trung vào những mục tiêu quan trọng tại một mặt trận duy nhất. Không có startup hoặc đội quân nào có thể kiểm soát nhiều hơn 3-5 mục tiêu và ưu tiên mà vẫn giữ được sự tập trung, tính hiệu quả. Hãy chọn những thách thức chính và tấn công chúng với tất cả nguồn lực thay vì “trải mỏng lực lượng” và làm cho mọi cố gắng đều có nguy cơ gặp thất bại. “Chia nhỏ nguồn lực và cầu may” không phải là chiến lược tốt trong bất kỳ trận chiến nào.

· Chiếm lãnh thổ mà đối phương chưa chiếm. Trong chiến tranh, một vị tướng thông minh tìm kiếm những lãnh thổ không được phòng vệ. Thành công ở đó được đảm bảo, nhưng giá trị của vị trí đó cũng có thể thấp. Trong kinh doanh, sẽ luôn khôn ngoan khi tìm kiếm các cơ hội mới, hoặc thị trường có ít đối thủ cạnh tranh, nhưng hãy cẩn thận với “các giải pháp dẫn đến vấn đề” và thiếu khách hàng.

· Thương lượng và tận dụng các quan hệ đồng minh. Thậm chí trong thời cổ đại, ngoại giao sáng tạo là giải pháp tốt hơn để chống lại sự sụp đổ. Doanh nhân khởi nghiệp cần hiểu rằng đối thủ đáng gờm nhất cũng có thể là đối tác chiến lược tốt nhất, đưa đến một tình huống win-win mà hai bên cùng thắng. Cách tiếp cận này gọi là coopetition  - hợp tác với đối thủ, và thường bị bỏ qua khi chọn chiến lược chủ chốt.

· Để giành chiến thắng, bạn phải chấp nhận rủi ro, nhưng không nên liều lĩnh. Không có vị trí an toàn trong kinh doanh hay trong chiến tranh. Nhưng trong cả hai trường hợp, nếu lao vào trận chiến với đôi mắt nhắm nghiền, chỉ biết liều lĩnh, thì sẽ dẫn đến sự hủy diệt. Thắng cuộc trong kinh doanh hay trong chiến đấu đòi hỏi kỹ năng và sẵn sàng chấp nhận rủi ro một cách khôn ngoan với lực lượng được huấn luyện tốt, mẫn cán và quyết tâm.

Trên thực tế, tất cả các lời dạy của Tôn Tử vẫn còn thích hợp với các doanh nhân ngày nay - những người luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về khách hàng, thị phần và tìm kiếm tài năng. Sự sống còn của họ phụ thuộc vào chiến lược, định vị, lập kế hoạch và năng lực lãnh đạo, giống như Binh pháp đã từng hữu ích cho các quân đội hơn một ngàn năm trước.

Mai Tâm


Gửi bình luận
(0) Bình luận