Đây là lời khuyên của Julie Zhuo - nhà điều hành thiết kế sản phẩm nổi tiếng của Facebook - dành cho những ai "chân ướt chân ráo" bước vào con đường làm sếp, giống như cô cách đây hơn 10 năm.
Gia nhập Facebook vào năm 2006, Julie Zhuo bắt đầu sự nghiệp ở vị trí thực tập sinh trước khi trở thành chuyên gia thiết kế sản phẩm tài năng tại Thung lũng Silicon. Ba năm sau, cô nhanh chóng được cất nhắc lên vị trị quản lý khi mới 25 tuổi.
Tại thời điểm đó, không ai nói cho Julie biết những năm đầu tiên làm quản lý chính là quãng thời gian cô đơn, sợ hãi và dễ phạm những sai lầm "ngớ ngẩn" nhất.
Dưới đây là 5 sai lầm mà các vị sếp non trẻ cần tránh, được Julie Zhuo đúc kết trong cuốn Bí quyết trở thành nhà quản lý tài ba:
1. Nôn nóng thể hiện bản thân
Một trong những sai lầm lớn nhất mà những vị sếp mới thường mắc phải là nôn nóng can thiệp vào công việc của nhân viên ngay những ngày đầu "nhậm chức".
Đối với Julie, cách thể hiện bản thân này gây tác dụng ngược. Bởi "Không có gì phiền phức hơn việc lãng phí thời gian của người khác bằng cách cố chứng minh bản thân nổi trội hơn ai đó giỏi hơn mình", cô viết.
2. Không tin tưởng nhân viên
Nếu sâu thẳm bạn không tin tưởng khả năng thành công của một ai đó, không thực sự tôn trọng hoặc quan tâm đến nhân viên của mình, bạn sẽ không truyền niềm tin mãnh liệt cho họ được.
"Tin tôi đi, họ biết hết đấy. Không ai trong chúng ta là diễn viên xuất sắc đến mức kiểm soát được hàng ngàn dấu hiệu nhỏ trong ngôn ngữ cơ thể", Julie chân thành khuyên.
3. Cố chạy theo công việc chuyên môn
Bản thân Julie từng lo sợ nếu dừng công việc thiết kế, cô sẽ mất dần các kỹ năng và thế là con đường trở thành quản lý của cô trở nên tối tăm hơn. Đây là lỗi mà nhà quản lý mới thường mắc phải khi ngoan cố chạy theo công việc chuyên môn.
Khi quy mô dự án và số lượng thành viên nhóm tăng lên, trách nhiệm quản lý của Julie càng lớn. Điều này khiến cô không có đủ thời gian cho công việc thiết kế - vốn đòi hỏi nhiều giờ làm việc trong tuần. Chất lượng công việc bị ảnh hưởng, đồng nghiệp quanh cô nản chí và "quả bóng" truyền cảm hứng mà cô nỗ lực tung lên rơi bộp xuống đất.
Cuối cùng, Julie nhận ra mình phải từ bỏ mơ ước muốn trở thành một người quản lý mảng thiết kế kiêm luôn cả người thiết kế, bởi vì nỗ lực để làm tốt cả hai việc rốt cuộc cũng chẳng đưa việc gì đi đến đâu.
"Đến thời điểm khi nhóm của bạn có 4 đến 5 nhân viên trở lên, bạn nên lập ra kế hoạch tiết chế lại các nhiệm vụ đóng góp cá nhân để nhường chỗ cho việc trở thành một nhà quản lý tốt", cô khuyên.
4. Không thừa nhận sai lầm
Julie kể cách đây ít lâu, một người sếp đáng kính của cô đã gửi email nhắc nhở toàn công ty với ngụ ý rằng một nhóm nào đó đang không làm việc đúng hiệu suất. Sự tức giận thể hiện rõ trong giọng điệu của ông ấy, và vì thâm niên của ông mà lời nhắc nhở ấy khiến mọi người mất tinh thần.
Ai đó đã góp ý một cách kín đáo với vị sếp rằng ông ấy đã quên mất bối cảnh quan trọng về việc cả nhóm đang vận hành như thế nào, và rằng giọng điệu đó của ông chẳng mang lại kết quả tốt đẹp trong hoàn cảnh hiện tại. Ngay lập tức, ông đã đáp lại bằng lời xin lỗi chân thành.
Đừng rơi vào cái bẫy luôn cho rằng vì mình làm sếp, mình không thể thừa nhận lỗi lầm hoặc thiếu sót của bản thân.
5. Nghi ngờ năng lực bản thân
Trở thành nhà quản lý cũng đồng nghĩa với việc thường xuyên học cách đối phó với những nghi ngờ và sự lo lắng không mời mà tới. Một trong số đó là "hội chứng kẻ mạo danh".
Đây là tâm lý nảy sinh khi bạn cảm thấy đang ngồi "nhầm chỗ" hoặc bước vào căn phòng đầy nhóc những người giỏi hơn bạn. Bản thân Julie từng trải qua cảm giác trên. Và cô khẳng định những ai làm sếp từng ít nhất một lần cảm thấy bản thân như là "kẻ gian lận" khi ngồi vào chiếc ghế quản lý.
"Tôi từng lo sợ mình không đủ giỏi giang, và lảng tránh những việc có thể xác nhận điều đó. Tôi tưởng tượng đến việc ai đó tôi kính trọng sẽ nói rằng, tôi làm việc không tốt lắm. Họ bắt quả tang! Nên tôi ngậm chặt miệng và gồng lên, giả vờ rằng mọi thứ vẫn ổn", cô chia sẻ.
Cho dù bạn đã trải qua những gì trên con đường quản lý, vẫn sẽ có những ngày bạn cảm thấy hội chứng kẻ mạo danh xâm chiếm cực kỳ mạnh mẽ. Và lời khuyên của Julie lúc này là cho phép bản thân được lo lắng, thậm chí thừa nhận khó khăn và chia sẻ điều đó với những người yêu thương. Bằng cách này, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn và tìm lại động lực cố gắng trên hành trình quản lý phía trước.
5 sai lầm mà các vị sếp non trẻ cần tránh, được Julie Zhuo đúc kết trong cuốn Bí quyết trở thành nhà quản lý tài ba.
Doanh nghiệp và tiếp thị