Warren Buffett, người được mệnh danh là "Nhà tiên tri xứ Omaha", đã đạt cột mốc tài sản ròng vượt 100 tỷ USD vào ngày 10/3. Một trong những bí quyết để thành công được như hôm nay phải kể đến việc ông sẽ không ngần ngại thừa nhận những sai lầm trong đầu tư của chính mình, bao gồm thương vụ thua lỗ 10 tỷ USD gần đây.
Vị tỷ phú này đã chia sẻ: Berkshire Hathaway đã “tiêu tốn quá nhiều tiền” khi mua lại nhà sản xuất linh kiện máy bay và công nghiệp “Precision Castparts Corp” với giá 3,21 tỷ đô la Mỹ vào năm 2016, khiến công ty phải cắt giảm nhân sự với quy mô lớn vào năm ngoái mới bắt đầu cải thiện được lợi nhuận. Cụ thể là 13.400 nhân viên, tương đương 40% lực lượng lao động toàn công ty.
Vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay của Berkshire đã phải gánh chịu khoản thiệt hại nặng nề khi thế giới đối mặt với đại dịch Covid-19, khiến nhu cầu đi lại của toàn thế giới sụt giảm nghiêm trọng.
Trong lá thư thường niên gửi tới các nhà đầu tư, Buffett viết: "Tôi đã sai trong việc đánh giá lợi nhuận tương lai, dẫn tới sai trong tính toán về mức giá để mua công ty đó. Precision không phải là sai lầm đầu tiên như thế của tôi, nhưng là một sai lầm lớn.”
Quả thật, “nhà tiên tri xứ Wales” thường đưa ra nhiều quyết định chính xác, được mệnh danh là một trong những nhà đầu tư thành công nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, bản thân ông cũng không thiếu những lần thất bại, thậm chí là thất bại thảm hại.
Berkshire Hathaway Company có thể là nơi làm nên tên tuổi của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, nhưng đồng thời, nó cũng từng là sai lầm lớn nhất cuộc đời vị tỷ phú này.
Ở thời điểm Warren Buffett mua vào cổ phiếu, Berkshire là một công ty dệt may đã sụt giảm mạnh về doanh thu và đứng trước tình trạng sắp phải đóng cửa vì thua lỗ nghiêm trọng. Thế nhưng, ông vẫn bỏ ra mức giá 7,5 USD/cổ vì tin rằng giá trị của công ty vẫn còn và sẽ sớm tăng trở lại. Dẫu vậy, trái với mong đợi của ông, tình hình tài chính từ công ty nói chung và toàn bộ ngành dệt may không hề khởi sắc.
Vào năm 1964, ông từng chấp nhận đề nghị mua lại cổ phiếu từ Stanton, nhưng khi nhận được văn bản hợp đồng thấp hơn mức giá đề xuất ban đầu, từ 11 ½ USD/cổ xuống còn 11 3/8 USD/cổ, Buffett đã cảm thấy bị coi thường. Trong cơn nóng giận, ông tự đẩy mình vào tình thế nguy hiểm khi quyết định mua thêm vào cổ phiếu để giành quyền kiểm soát, để rồi sa thải vị CEO này và sở hữu một đơn vị đang trên bờ phá sản.
Một đoạn trích ngắn từ một trong những bức thư gửi cổ đông Berkshire năm 1986 của Warren Buffett từng chia sẻ lời khuyên của Auguste Comte, một triết gia người Pháp sống ở thế kỷ 19, có công phát triển lĩnh vực xã hội học và chủ nghĩa thực chứng:
“The intellect should be the servant of the heart, but not its slave.” (Tạm dịch: Trí tuệ nên là đầy tớ cho trái tim, chứ không phải nô lệ).
Có thể hiểu rằng, chúng ta nên dùng lý trí để phục vụ cảm xúc, chứ không để cảm xúc nô dịch lý trí như cách mà Buffett đã khăng khăng “tin những điều mình muốn tin”, cố chấp theo đuổi một quyết định sai lầm, dẫn tới việc tiếp tục đưa ra những quyết định chiến lược tồi.
Bằng cách đó, Buffett đã giải thích quyết định từ bỏ các doanh nghiệp dệt may đang thất bại của Berkshire, nơi mà ông từng bất chấp mọi dấu hiệu tiêu cực để cho nó hoạt động thêm 20 năm trước khi đóng cửa hoàn toàn.
Khi đó, có vẻ như "trí tuệ" của Buffett đã là "nô lệ của trái tim ông" trong suốt 20 năm. Ví dụ như mong muốn giữ cho các đơn vị dệt may đã và đang tiếp tục thất bại vẫn được hoạt động lâu nhất có thể, bởi vì họ sử dụng quá nhiều công nhân lớn tuổi không có kỹ năng và cơ hội chuyển giao.
Buffett đã mất 20 năm để chấp nhận việc kinh doanh dệt may phải chấm dứt. Đó là 20 năm để ông thừa nhận bản thân đã để cảm xúc lấn át sự thật. Đó cũng là 20 năm để ông nhận ra cái giá cho việc lảng tránh đối mặt với thất bại đắt tới nhường nào.
Điều này cho chúng ta biết rằng, dù là đầu tư hay cuộc sống, bạn nên thừa nhận thất bại của mình ngay lập tức, vì có như vậy, bạn trở lại con đường đúng đắn nhanh hơn.
Một trong những cổ đông lâu năm của Berkshire, ông Tom Russo đã thể hiện tâm lý hoan nghênh sự thành thật của Buffett khi cho rằng: "Tôi ngưỡng mộ Warren vì ông ấy chịu trách nhiệm cá nhân về vụ mua Precision. Có rất ít nhà quản lý thường tìm cách đổ lỗi thay vì sẵn sàng thừa nhận sai lầm và trách nhiệm về mình.”
Quả thực, Benjamin Franklin từng nói: “Có rất ít người đủ can đảm để thừa nhận sai lầm của chính mình, hay đủ quyết tâm để sửa chữa chúng.”
Thừa nhận điểm thiếu sót của mình là một điều không hề dễ dàng, nhưng nó sẽ nhẹ nhàng hơn nếu bạn thay đổi cách tiếp cận vấn đề tích cực hơn. Chuyên gia về lãnh đạo, Peter Drucker đã nói: "Một người càng giỏi bao nhiêu, sẽ càng có khả năng phạm sai lầm lớn bấy nhiêu bởi anh ta càng muốn thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau."
Do đó, hãy lý giải “Mistakes” theo một cách khác:
Message: thông điệp cho ta thấy phản hồi về cuộc sống.
Interruption: một khoảng lặng để ta suy ngẫm lại.
Signposts: biển chỉ đường giúp ta quay lại với phương hướng chính xác.
Tests: bài kiểm tra khiến ta trưởng thành hơn.
Awakenings: nhận thức giúp ta nhìn nhận lại cuộc chơi.
Keys: chìa khóa giúp ta mở cánh cửa tiếp theo dẫn tới thành công.
Explorations: hành trình khám phá cho phép ta đạt tới những điều mà mình chưa có.
Statements: báo cáo cho thấy sự tiến bộ và phát triển của ta.
Do vậy, tuổi trẻ đừng ngại mắc lỗi vì mỗi sai lầm là một viên kim cương chứa đựng kinh nghiệm sống. Nếu để nỗi sợ hãi lấn át, thì bạn sẽ không thể tiến lên phía trước. Hãy đối diện với nó. Thất bại có thể khiến bạn đau đớn, cũng có thể trở thành động lực để đột phá và tiến bộ. Đây là hành trình mà mọi con người đều phải trải qua nếu muốn tiệm cận dần tới thành công.
Doanh nghiệp và Tiếp thị