Bạn có thể chữa khỏi chứng phiền muộn nếu mỗi ngày điều đầu tiên bạn làm vào buổi sáng là nghĩ xem mình sẽ mang lại niềm vui thực sự cho ai đó như thế nào.
Con người đã cố gắng vượt qua nỗi buồn phiền bằng rất nhiều cách khác nhau, từ thờ cúng đến trốn chạy, rồi rượu bia hay mấy trò tiêu khiển; tuy nhiên chẳng cách gì trong số đó giúp làm tan biến nỗi buồn. Tôi thấy nỗi buồn phiền cần phải được thấu hiểu như cách bạn hiểu ngọn nguồn của mọi điều khác. Đừng chối bỏ hay dồn nén, cũng đừng cố xua tan nó mà chúng ta hãy tìm hiểu thật kỹ, và hãy quan sát xem nỗi buồn phiền thật sự là gì? Bạn có hiểu gì về nỗi buồn phiền không?
Buồn phiền là khi rời xa ai đó mà bạn thấy yêu thương, buồn phiền là khi bạn không được thỏa mãn toàn vẹn, là khi bạn mất đi một cơ hội hay khả năng nào đó. Buồn phiền cũng là khi bạn muốn được mãn nguyện mà chẳng điều gì giúp bạn cảm thấy như thế, là khi bạn phải đối mặt với sự trống rỗng, cô đơn cùng cực trong mình, và nỗi buồn phiền luôn bị đè nặng thêm bởi sự ta thán. Vậy bạn có biết sự ta thán là gì không?
Ta thán là khi bạn than phiền về bản thân trong vô thức hay có ý thức; ta thán là khi bạn thương xót thân mình, rồi bạn ca cẩm: “Tôi không thể kháng cự lại chính môi trường đã tạo nên tôi vì đó là nơi tôi thuộc về”. Ta thán là khi bạn tự rủa sả và than vãn không nguôi. Chính vì ta thán mà sinh ra nỗi buồn phiền.
Để hiểu về sự phiền muộn, trước tiên người ta phải nhận thức về thói ta thán; đó là một trong những nhân tố của nỗi buồn phiền. Khi mất đi ai đó, người ở lại chợt nhận ra rằng mình cô đơn xiết bao. Hay là khi ai đó rời xa, ta bị bỏ lại không xu dính túi và cảm thấy bất an vô cùng. Trước đây bạn đã sống dựa dẫm vào người khác, thế nên khi có chuyện bạn sẽ thấy mình bắt đầu than phiền, bắt đầu ta thán. Đó là một sự thật như-nó-là, giống như sự thật là giờ đây bạn cô đơn vậy.
Hãy nhìn vào sự ta thán đó và đừng cố vượt qua nó, cũng đừng chối bỏ nó hay nghĩ ra điều gì khác để làm với nó. Sự thật ở đây là bạn ta thán, và sự thật ở đây là bạn cô đơn; liệu bạn có thể biết về nó mà không mảy may so sánh với cảm giác an toàn bạn đã có trước đó, lúc mà bạn sống sung túc hay còn một chỗ dựa, hay có khả năng tự lo liệu, bạn sẽ làm được chứ? Hãy chỉ quan sát thôi và bạn sẽ nhận thấy rằng những lời ta thán thật ra chẳng nên tồn tại.
Một nhân tố khác của nỗi buồn phiền là sự cô đơn cùng cực. Bạn có thể có bạn bè xung quanh, bạn có thể có thánh thần trong tâm tưởng, bạn hiểu biết nhiều, thậm chí bạn có thể là nhà hoạt động xã hội sôi nổi; thế nhưng sự cô đơn vẫn ngự trị trong lòng bạn. Đó là lý do mà con người luôn tìm kiếm và cố gắng khiến cuộc sống trở nên giàu ý nghĩa hơn.
Dù vậy thì nỗi cô đơn vẫn luôn còn đó; thế liệu bạn có thể chỉ nhìn vào nó và đừng so sánh gì cả, cũng đừng tìm cách chạy thoát khỏi nó hoặc cố gắng chế ngự nó hay không? Sau cùng bạn sẽ nhận thấy sự biến đổi của nỗi cô đơn thành một điều gì đó hoàn toàn khác.
Loài người cô đơn, còn chúng ta thì không. Chúng ta là kết quả của vô số tác động và điều kiện, của sự kế thừa về mặt tâm lý, của hệ thống thông tin và nền văn hóa; chúng ta không hề cô đơn chút nào trong vai trò thế hệ tiếp nối. Khi người ta hoàn toàn đơn độc và không thuộc về bất kỳ một gia đình nào dù có thể người đó có một gia đình, cũng như không thuộc về một quốc gia hay một nền văn hóa, hay bất kỳ sự ràng buộc nào thì khi đó họ mới thấy mình là kẻ đứng ngoài dòng chảy. Họ là những kẻ ngoài cuộc độc lập trong mọi dạng thức của suy nghĩ và hành động, đối với gia đình và quốc gia. Chỉ những người đơn độc hoàn toàn mới có thể vô tư thực sự; sự vô tư này giúp tâm trí họ tránh được những nỗi buồn phiền.
“Tôi có thể hỏi điều này không? Người ta nên sống mỗi ngày như thế nào?” Sống như thể người đó chỉ còn tồn tại trên cõi đời này thêm một ngày hay một giờ nữa.
“Tức là như thế nào?”
Nếu chỉ còn một giờ để sống, bạn sẽ làm gì?
“Tôi thực sự không biết.”
Thế chẳng lẽ bạn không lo cho xong những việc cần thiết như thu xếp công chuyện hoặc di chúc hay sao? Chẳng lẽ bạn không gọi ngay cho gia đình, bạn bè và khẩn cầu sự tha thứ của họ cho những tổn hại mà bạn đã gây ra, bên cạnh đó xí xóa hết mọi tổn hại mà họ đã gây ra cho bạn hay sao? Chẳng lẽ bạn sẽ từ giã cõi đời mà không hoàn thành cho kỳ được mọi ước nguyện về thế giới này trong tâm trí hay sao? Nếu bạn có thể làm điều đó chỉ trong một giờ, thì bạn chắc hẳn làm được điều đó trong những tháng năm còn lại của cuộc đời.
“Chuyện như thế có thể xảy ra sao, thưa ông?” Bạn hãy thử trải nghiệm đi, rồi bạn sẽ hiểu ra thôi.
Trích sách “Bạn đang nghịch gì với đời mình?”