Bạn đang nghịch gì với đời mình? - Bạn chọn sống một cuộc đời như thế nào?

21/02/2019 13:55
Bạn đang nghịch gì với đời mình? - Bạn chọn sống một cuộc đời như thế nào?

Chúng ta thường được dạy nên nghĩ gì, chứ không được dạy về cách tư duy. Chúng ta học cách trốn khỏi nỗi cô đơn và sự đau khổ, thay vì tìm cách chấm dứt nó. “Bạn đang nghịch gì với đời mình” có thể giúp bạn hiểu thêm về những triết lý cuộc sống mà tác giả Krishnamurti đã dành ra hơn 65 năm để diễn thuyết về tự do tâm lý cho bất kỳ ai muốn lắng nghe thông điệp của ông.

Những điều mà ông cố gắng truyền tải không can dự gì đến triết lý cuộc đời, chúng là nghệ thuật khám phá cả thế giới bên ngoài lẫn những suy nghĩ và hành vi bên trong mỗi chúng ta; là sự hiểu biết về tâm trí và trái tim, cũng như về tính toàn thể, vẹn tròn của cuộc sống.

Mục đích cuộc sống của bạn là gì?

Sự sống là ý nghĩa của cuộc đời, nhưng chúng ta có thực sự sống không, và cuộc sống có thật đáng sống không khi vẫn còn đó nỗi sợ hãi; và trong toàn bộ đời sống, chúng ta được đào luyện với khả năng bắt chước, sao chép? Liệu sự sống có hiện hữu trong việc theo gót uy quyền? Liệu bạn có đang sống thật không khi chỉ theo đuôi ai đó, ngay cả khi người đó là bậc thánh nhân vĩ đại, là một chính khách xuất chúng hay là vị học giả lỗi lạc?

Nếu quan sát bản thân một cách kỹ càng, bạn sẽ thấy rằng thực ra chúng ta chẳng làm gì ngoài việc theo sau người khác; và cái quá trình theo gót này được ta gọi là “sống”; sau tất cả, vào thời điểm sự sống kết thúc bạn sẽ tự hỏi: “Ý nghĩa của cuộc sống là gì?”. Với bạn, cuộc sống hiện giờ chẳng có chút nghĩa lý gì; ý nghĩa cuộc đời chỉ có thể trở nên rõ ràng khi bạn có thể tự giải thoát khỏi uy quyền. Và điều ấy là hết sức khó khăn.

Thật sự thì thế nào là tự do khỏi uy quyền? Bạn có thể phá vỡ một luật lệ và đó chưa phải là tự do khỏi uy quyền. Chỉ khi bạn thấu hiểu toàn bộ diễn trình mà trong đó, tâm trí tạo dựng uy quyền; không khác gì cách mỗi người trong chúng ta vì luôn phân vân nên muốn được bảo đảm rằng mình đang sống một đời đúng đắn; thì trong sự thông hiểu đó chúng ta tìm được tự do. Vì muốn được dạy cái nên làm mà chúng ta bị lợi dụng bởi những “bậc thầy” về tinh thần cũng như khoa học. Chúng ta không tài nào biết được ý nghĩa cuộc sống chừng nào chúng ta còn sao chép, bắt chước và hùa theo kẻ khác.

Làm thế nào mà một người có thể hiểu ý nghĩa cuộc sống trong khi tất cả những gì họ tìm kiếm là thành công? Đó là cuộc sống của chúng ta đấy: chúng ta muốn thành công, muốn được an toàn tuyệt đối ở bên trong lẫn bên ngoài, muốn nghe ai đó bảo rằng ta đang làm điều đúng đắn, rằng ta đang đi trên lộ trình dẫn đến sự cứu rỗi linh hồn… Toàn bộ cuộc sống của ta được dẫn dắt bởi truyền thống, từ ngay ngày hôm qua hay từ hàng ngàn năm trước; chúng ta quen với chuyện biến mỗi kinh nghiệm tích lũy được thành uy lực nhằm đạt được thành quả.

Vì vậy, chúng ta không biết ý nghĩa thật sự của cuộc sống; chúng ta chỉ biết nỗi sợ hãi – sợ người ngoài bàn tán, sợ cái chết, sợ thất bại, sợ đặt lòng tin nhầm chỗ, sợ cả chuyện làm việc tốt. Tâm trí chúng ta bối rối vì vướng kẹt trong lý thuyết, đến nỗi ta không diễn tả được ý nghĩa của cuộc sống đối với chính mình.

Cuộc sống là một điều gì đó rất phi thường. Khi một người hỏi rằng: “Ý nghĩa cuộc sống là gì?”, anh ta chỉ tìm kiếm một định nghĩa và tất cả những gì anh ta biết được là định nghĩa, tức là những từ ngữ đơn thuần. Anh ta không thấm nhuần được ý nghĩa sâu sắc cũng như sự phong phú không tưởng và sự nhạy cảm trước cái đẹp, cùng tính chất bao la của đời sống.

Cuộc sống thực chất là gì?

Trước khi bàn về mục đích của cuộc sống, chúng ta cần giải nghĩa xem “cuộc sống” là gì và “mục đích” là gì, không đơn thuần theo ngữ nghĩa trong từ điển, mà theo đúng ý nghĩa được ta trao gửi vào ngôn từ. Cuộc sống bao hàm các hành động thường nhật, ý nghĩ thường nhật, cảm nhận thường nhật, phải không nào? Nó cũng bao hàm những khó khăn, đau đớn, lo âu, sự dối trá, những thói quen của nhân viên văn phòng, của giới kinh doanh, của công chức, v.v… Toàn bộ chúng là cuộc sống, đúng không?

Khi nói đến cuộc sống, chúng ta không chỉ nói về một lớp ý thức duy nhất, mà là nói về toàn bộ quá trình tồn tại, bao hàm các mối tương quan của chúng ta với vạn vật, con người và ý tưởng. Chúng ta gọi đó là cuộc sống, nó tuyệt nhiên không phải là một thứ trừu tượng.

Vậy, nếu đó là cuộc sống mà ta đang nói tới, thì liệu nó có một mục đích chăng? Hay vì chúng ta không hiểu nổi các phương cách của cuộc sống – những nỗi đau đớn, sợ hãi, ước vọng, lòng tham – cũng như không hiểu nổi các hành vi thường nhật của sự hiện hữu nên ta cứ hướng về một mục đích, xa xôi hay gần gũi, trong tương lai hay ngay lúc này. Ta muốn được dẫn dắt bởi mục đích mỗi ngày cho đến cuối đời, đó rõ ràng là cách ta nghĩ về mục đích sống. Nhưng nếu bạn hiểu được mình cần sống ra sao, thì chỉ riêng sự sống thuần túy cũng đã rất trọn vẹn rồi, phải không nào?

Nếu tôi cứ dựa theo ý kiến, mong muốn, sở thích riêng mà quyết định về mục đích đời mình, thì cái mục đích sinh ra từ ham muốn đó chắc chắn không phải là mục đích sống đúng đắn. Thế thì điều gì quan trọng hơn, tìm cho ra mục đích của cuộc đời hay là giải phóng tâm trí khỏi những quy định của chính nó trước khi tự vấn về mục đích sống? Có lẽ nếu tâm trí được tự do thì ta sẽ thấy sự tự do ấy đã là mục đích rồi; sau tất cả, chỉ trong tự do người ta mới khám phá ra được mọi chân lý trên đời.

Vậy nên, điều kiện tiên quyết ở đây là sự tự do, chứ không phải việc kiếm tìm mục đích của cuộc sống.

Đâu là mục tiêu của cuộc sống?

“Ý nghĩa cuộc sống là gì?”

“Mục đích cuộc sống là gì?”

Tại sao bạn lại hỏi những câu như vậy? Phải chăng là vì bạn vẫn cảm thấy rối loạn và đầy phân vân; do không chắc chắn lắm về bản thân mình mà bạn cần tìm đến một điều gì khác thật chắc chắn để dựa dẫm vào. Chẳng hạn như một mục đích sống nhất định hay một mục tiêu cuộc đời thật rõ ràng.

Điều quan trọng không phải là đi tìm mục tiêu cuộc sống mà là hiểu được sự rối loạn khi bạn vướng kẹt vào nỗi khổ sở, sợ hãi, và tất cả những cảm xúc khác. Chúng ta không hề tìm hiểu về sự rối loạn nhưng lại cứ nỗ lực để thoát khỏi nó. Thực tế mà nói thì chuyện con người cần quan tâm đến nhiều nhất không phải là việc tìm cho ra mục đích sống; chúng ta cần chú tâm nhiều hơn vào việc thấu hiểu về tình trạng rối loạn và phiền muộn của mình mới phải.

Hãy hiểu, đừng trốn chạy khỏi sự giày vò thường nhật

Để cảm nhận trọn vẹn ý nghĩa cuộc sống, chúng ta phải hiểu về những khoảnh khắc mà mình bị giày vò bởi sự phức tạp của đời sống thường nhật, chúng ta đâu thể trốn chạy khỏi chúng mãi. Xã hội mà ta thuộc về nên được hiểu thấu đáo bởi từng cá nhân sinh sống trong đó; không phải chỉ bởi một số triết gia, nhà giáo, hay bậc tôn sư nào đấy. Lối sống của chúng ta cần được chuyển hóa và thay đổi toàn diện. Đó là điều ta cần phải làm, ngoài việc đó ra không còn gì khác quan trọng hơn.

Trích sách Bạn đang nghịch gì với đời mình


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024