Trong cuốn tiểu sử về Buffett – "The Snowball: Warren Buffett and the Business of Life" (Hòn tuyết lăn), tác giả Alice Schroeder đã viết về khoảng thời gian vị tỷ phú thực hiện một buổi thuyết trình tại Đại học Georgia. Các sinh viên tại đây đã hỏi ông về định nghĩa thành công.
Sau đó, Buffett đã trả lời rằng, khi cuộc đời của bạn đang gần kết thúc, thước đo thành công duy nhất chính là "những người bạn muốn có tình yêu từ họ thực sự yêu thương bạn."
Ông nói thêm: "Tôi biết những người có rất nhiều tiền và họ có những bữa tối xa hoa, họ có những bệnh viện mang tên mình. Nhưng sự thật là không ai trên thế giới yêu quý họ. Nếu bạn bước đến ngưỡng tuổi của tôi và không có ai nghĩ tốt về bạn, thì cuộc đời bạn thực sự là một thảm họa, tôi không quan tâm bạn có nhiều tiền đến đâu."
Đúng là như vậy, vị tỷ phú tự thân đã nói rằng việc bạn được yêu thương bao nhiêu – không phải sự giàu có hay những thành tựu bạn đạt được, chính là thước đo thành công cuối cùng của cuộc sống.
Huyền thoại đầu tư chia sẻ với các sinh viên của Đại học Georgia: "Vấn đề của tình yêu là nó không phải thứ để mua bán. Cách duy nhất để có được tình yêu là trở nên đáng được yêu. Điều này không hề dễ dàng khi bạn có rất nhiều tiền. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng bạn sẽ ký một tờ séc và nói rằng tôi sẽ mua một tình yêu trị giá hàng triệu USD. Tuy nhiên, mọi thứ không vận hành theo cách đó. Bạn càng cho đi nhiều tình thương, thì bạn sẽ càng nhận được nhiều."
Vậy làm thế nào để chúng ta có thể làm theo nguyên tắc thành công của Warren Buffett? Con đường đưa tình yêu trở thành động lực làm việc không hề dễ dàng và đòi hỏi sự can đảm, nhưng đây là một vài cách để thực hiện:
Vị tha và không mong đợi sự đáp trả
Quy luật của tình yêu là có đi có lại. Khi chúng ta lựa chọn yêu thương một người vô điều kiện bằng cách khuyến khích và tin tưởng họ, thì tình yêu sẽ được đáp trả một cách mạnh mẽ qua sự tôn trọng, ngưỡng mộ, tin tưởng và trung thành.
Hơn nữa, khi nhận được những thứ đó, chúng ta cũng trở nên vị tha hơn. Một nghiên cứu được Đại học California thực hiện năm 2011 cho thấy rằng sự vị tha có giúp gia tăng động lực, ý chí và hồi phục sau khi thất bại. Trong khi đó, một nghiên cứu khác được công bố trên Journal of Research in Personality năm 2007 kết luận rằng những người có lòng trắc ẩn thường hạnh phúc, lạc quan và tự tin thể hiện quan điểm cá nhân.
Đồng cảm
Đồng cảm là một trong những đặc điểm tính cách phổ biến nhất của người tài (ví dụ như Warren Buffett). Sự đồng cảm sẽ thực sự có được khi bạn đặt mình vào vị trí của người khác và nhìn nhận qua quan điểm của họ.
Sự đồng cảm cũng đóng vai trò quan trọng trong sức ảnh hưởng đến những người khác. Trong một nghiên cứu của DDI khảo sát 15.000 nhà lãnh đạo trong 20 ngành, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khả năng lắng nghe và đưa ra phản hồi với sự đồng cảm là yếu tố quan trọng nhất trong thành tích chung của một nhóm làm việc.
Tự làm cho công việc thú vị và vui vẻ
Khi tận hưởng công việc, bạn cũng tận hưởng cuộc sống. Trong cuốn tiểu sử về Warren Buffett của Carol J. Loomis – "Tap Dancing to Work: Warren Buffett on Practically Everything" (Warren Buffett - Nhà Đầu Tư Vĩ Đại Nhất Thế Giới Dưới Góc Nhìn Truyền Thông), bà đã nhắc đến một câu nói của vị tỷ phú: "Tôi làm việc cùng với những người mình yêu quý. Không có công việc nào thú vị hơn điều hành Berkshire và tôi tự thấy mình may mắn khi ở vị trí này."
Điều này rất rõ ràng. Ở những nơi làm việc có nền văn hóa tính cực và cấp tiến – nơi mọi người có cùng giá trị, niềm tin và chuẩn mực, bạn sẽ nhận thấy những nhóm có hiệu suất làm việc cao sẽ thu hút những người có cùng tiêu chuẩn đó.
Đối xử với người khác theo cách họ muốn
Khi còn nhỏ, chúng ta thường được dạy về "Nguyên tắc Vàng: "Đối đãi với người khác như cách bạn muốn được đối xử." Tuy nhiên, quy tắc bạch kim lại là "Hãy đối xử với người khác theo cách họ muốn."
Khi tuân theo quy tắc này, chúng ta có thể chắc chắn hơn rằng chúng ta tôn trọng những gì họ muốn, thay vì áp đặt giá trị và sở thích của bản thân. Điều đó không có nghĩa là chúng ta bỏ qua Nguyên tắc Vàng, nhưng nên nhận ra những hạn chế trong đó bởi mỗi người, mỗi tình huống đều không giống nhau.
Theo đuổi đam mê
Nếu muốn có sự nghiệp như mơ ước, bạn phải theo đuổi đam mê của mình. Điều này không quá khó khăn. Nhiều người trong chúng ta coi mức lương cao và công việc ổn định là một điều hiển nhiên, dù có thể chán ghét công việc hiện tại, nhưng ngại thay đổi để làm một công việc mình yêu thích.
Làm những gì chúng ta yêu thích là một đóng góp cho chính sự hạnh phúc thực sự trong cuộc sống. Bởi vậy, nếu bạn không biết đam mê của mình gì, đây chính là lúc để tìm ra.
Tham khảo CNBC
Nhịp sống kinh tế