"Tôi vốn quan niệm hôn nhân không phải để đẻ mà để hai người được đến với nhau một cách hợp pháp. Thực ra, ban đầu, tôi chẳng suy nghĩ gì nhiều đâu nhưng tôi biết những làn sóng hỏi "Bao giờ vợ chồng chúng mày đẻ?" từ hai bên gia đình cứ lớn dần lên sau khi mình lấy vợ. Và tôi cũng hiểu vợ mình là một người sợ đau, sợ già, sợ yếu."
Là một người chồng rất hiểu vợ, anh Thái khẳng định mình không sợ áp lực của xã hội mà chỉ sợ làm buồn những người mình yêu thương mà thôi. Bởi vậy, tình yêu là động lực rất lớn trong quyết định không sinh em bé của vợ chồng anh chị.
Quen nhau qua game từ năm 2008, anh Trịnh Nam Thái, 31 tuổi cười giòn tan cho hay người bạn đời chính là "vợ Audition của tôi đấy". Sau những năm làm bạn tri kỉ, hiểu rõ mồn một tính cách của đối phương đến nỗi chẳng cần nói ra, tới năm 2017, anh Thái quyết định cầu hôn vợ trên tầng cao nhất của một toà nhà. Chị Phạm Bích Ngọc, 31 tuổi gật đầu đồng ý nhưng chị có nói một câu làm anh nhớ mãi: "Em chưa muốn sinh nhưng khi nào chồng muốn, vợ sẽ suy nghĩ."
Tất nhiên, anh Thái biết vợ nói vậy vì muốn chiều theo ý mình còn tính cách cô ấy ra sao, chắc chắn anh là người hiểu chị nhất. Và quyết định không sinh con đã được cả hai ngầm hiểu và thực hiện ngay sau buổi cầu hôn.
"Ý tưởng không sinh con xuất phát từ khi tôi còn nhỏ, xem được bộ phim tài liệu về việc sinh đẻ, thấy cảnh phụ nữ sinh con đau đớn và để lại nhiều "vết thương" trên cơ thể. Rồi khi lớn lên, tôi thấy mẹ chăm chồng, chăm con vất vả, phải đánh đổi nhiều thứ, không còn thời gian cho bản thân và các mối quan hệ xã hội. Tôi nhận ra mình không sẵn sàng để sống một cuộc sống đầy hi sinh, tần tảo như vậy. Rất may, chồng tôi là người quan trọng việc ở bên vợ hơn là việc có con, anh luôn tôn trọng sở thích và quyết định của tôi", chị Ngọc tâm sự.
Bố mẹ chị Ngọc thường bảo "con gái không giống người bình thường" bởi tính chị vốn rất mạnh mẽ, quyết đoán. Chị nói mình chưa bao giờ phải thuyết phục hay có ý định thuyết phục gia đình hai bên. Chị nhận xét chồng mình khéo quan hệ xã hội nên anh tự mình lập kế hoạch cụ thể để thuyết phục 4 bố mẹ và chị thấy chưa bao giờ anh khóc.
"Lúc đầu, tôi "chơi bài" cầm chừng", anh Thái tiết lộ. "Tức là, khi bố mẹ hai bên hỏi "bao giờ chúng mày đẻ", tôi hứa bọn con sẽ cố gắng, chắc khoảng 3-5 năm tới. Thực ra, đó là một lời nói dối có tính toán. Trong mỗi cuộc nói chuyện, tôi chủ động nhắc tới quyết định chung của hai đứa cũng như sẵn sàng lắng nghe tâm sự, chuẩn bị tâm lí cho bố mẹ. "Sóng thần" của bố mẹ 2 bên tới mỗi năm một lần: Bao giờ chúng mày đẻ? Còn 2 năm nữa đấy? Hạn 1 năm thôi?
Bố mẹ tôi thậm chí từng đề nghị thẳng: Nếu chúng mày thích đi du lịch thì cứ đẻ đi, đưa đây, bọn tao nuôi, rồi đi thoải mái. Tất nhiên, chúng tôi không đồng ý vì nếu sinh con thì mình phải có trách nhiệm nuôi con mình chứ, sao lại đưa ông bà nuôi được. Một đứa trẻ sinh ra phải được sống trong tình yêu của bố mẹ. Nhưng nếu chấp nhận sinh con, chúng tôi phải trả lời được 3 câu hỏi: Có chăm sóc được cho con hay không? Chăm sóc con như thế nào? Có dành thời gian được cho con không? Chúng tôi thực sự không trả lời được những câu hỏi trên, hơn nữa tôi lo vợ mình có đẻ khó không, việc sinh đẻ ảnh hưởng xấu tới vợ… Cách đây 8 tháng, tôi lật bài ngửa với bố mẹ 2 bên."
Anh Thái là con trai út trong nhà nên suy nghĩ của bố mẹ cũng thoáng hơn. Vì vậy, anh xác định thuyết phục bố mẹ mình trước, nói thẳng quan điểm sống của mình. Mẹ anh ban đầu cũng buồn lắm vì bà theo Phật, nhiều lúc bố gọi điện báo mẹ hay khóc thầm. Khi ấy, anh Thái lại dành thời gian nhiều hơn để tâm sự thủ thỉ với mẹ.
Ngày trước, anh nhớ mẹ từng dạy con trai đừng bao giờ làm phụ nữ của mình khóc. Anh Thái chẳng ngại khoe, "con đang tốt điều mẹ dạy mà". Ở hai mẹ, anh tìm sự đồng cảm trong mỗi cuộc nói chuyện, khi về chủ đề cảm giác của phụ nữ sau sinh, khi nói về cách bố chăm sóc mẹ sau khi cưới… Vừa lắng nghe những vết thương chưa lành trong lòng mẹ, vừa để hiểu những khó khăn của phụ nữ hơn, anh Thái thấy càng yêu vợ và có lòng thương cảm dành cho những người phụ nữ không được sống trong một gia đình hạnh phúc.
Với mẹ, anh thủ thỉ mỗi ngày; còn với bố, anh xin phép họ được nói chuyện như những người đàn ông với nhau. Anh thậm chí biết được cả bố mẹ vợ ngày trước "tán nhau" thế nào, sinh vợ anh khó khăn ra sao… Tất nhiên, bố mẹ nào sinh con ra cũng muốn con mình được hưởng hạnh phúc tròn đầy.
Anh Thái bày tỏ: "Tôi biết quyết định không sinh con của vợ chồng tôi đã làm buồn bố mẹ - những người mà chúng tôi luôn nỗ lực làm tốt mọi thứ để che đi cái buồn ấy. Tôi nghĩ chúng tôi không có lỗi nhưng chúng tôi tôn trọng suy nghĩ và cảm xúc của bố mẹ. Hiện tại, tôi mới chỉ đang làm tốt vai trò của một người con hạnh phúc thôi, chứ chưa cho đi hạnh phúc được. Đến thời điểm hiện tại, vết thương đó đã lành, mọi mối quan hệ đã ổn trở lại. Tôi không quá quan tâm xã hội nghĩ gì mà luôn dồn sự lo lắng vào những người mình yêu thương."
Hiện tại, chị Ngọc làm việc tại Thái Lan đã được 3 năm còn anh Thái vì đã dành gần 1 năm để thực hiện chuyến xuyên Việt một mình nên mới sống ở xứ sở chùa Vàng 2 năm. Ước mơ lớn nhất của anh chị là được cùng nhau nắm tay đi vòng quanh thế giới, đi tới tận cùng những ngõ ngách của từng quốc gia. Anh chị đã chuẩn bị tất cả hành trang từ tri thức, sức khoẻ, đến tài chính và kế hoạch cụ thể trong suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng của đại dịch Covid nên chuyến đi của anh chị phải tạm hoãn. Do đó, ngoài thời gian bận rộn dành cho công việc, anh chị cũng tranh thủ đi khắp Thái Lan để tận hưởng vẻ đẹp nơi đây.
Trước khi thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới dài hơi sắp tới đây, anh chị ấp ủ sẽ đưa bố mẹ hai bên đi xuyên Việt vào tháng 4 năm sau. Họ đã được các con thông báo cách đây 5, 6 tháng để định hình xem bản thân muốn đi đâu, dừng lại ở thành phố nào, thưởng thức đặc sản gì… Anh Thái nói, bình thường vợ chồng anh chị vẫn thi thoảng đưa bố mẹ hai bên đi du lịch trong nước nhưng trước chuyến đi "lớn" này, 4 bố mẹ vui lắm.
Hai vợ chồng đều làm việc liên quan tới lĩnh vực du lịch nên mỗi chuyến đi luôn khiến cặp đôi tràn đầy năng lượng. Trên những cung đường, những con người anh chị từng gặp, những trải nghiệm riêng khiến họ thay đổi nhiều, trầm lắng hơn, chín chắn hơn. Theo quan sát từ chị Ngọc, chồng mới là người hay nghĩ ngợi, còn chị là người chẳng mấy khi suy nghĩ đến những điều tiêu cực.
Bởi vậy, mùa dịch đưa cho anh Thái nhiều thời gian để ngồi lại với bản thân, tự vấn, và học hỏi được nhiều hơn. Hai anh chị vẫn giữ thói quen từ khi yêu nhau, mỗi ngày đều dành 1-2 tiếng để tâm sự với nhau bởi theo quan điểm của anh Thái, những người phụ nữ muốn li hôn đều là giọt nước tràn ly, không thể giải quyết thoả đáng những nỗi lòng của mình và anh chọn giải quyết cốc nước trước, không để cho nó đọng nước.
Giữa họ, dường như chẳng có điều gì để giấu giếm. Quyết định không sinh con là quyết định được hai người cân nhắc đã lâu và không phải một hành động hoàn toàn nông nổi của những người trẻ thích dịch chuyển.
Anh Thái chia sẻ: "Tôi không thấy mình ích kỉ vì mọi vấn đề tôi đều suy nghĩ trước nhất tới bố mẹ, cũng như dành nhiều thời gian chia sẻ với bố mẹ. Mọi người làm tốt được nhiều việc cùng lúc nên nhảy cóc, kết hôn, sinh con còn tôi chỉ đang chầm chậm học cách yêu vợ từng ngày và muốn làm việc này một cách tốt nhất. Một vài bạn bè tôi có hỏi về quyết định không sinh con, tôi đưa ra bài toán về cuộc đời mình.
Mỗi năm chúng tôi dự định chỉ đi 3 quốc gia để khám phá được dọc ngang đất nước. Với dự định như vậy, nếu muốn đi hết 200 quốc gia trên thế giới thì tôi khi cán đích đã 100 tuổi. Tôi đùa mà thật, "Vậy làm thế nào để tao có thể đẻ? Mày giải quyết được bài toán, tao sẽ suy nghĩ lại." Mỗi người có ước mơ riêng, chúng tôi không mơ nổi tiếng, chúng tôi mơ núi mơ sông, mơ được đi tới những vùng đất khác nhau.
Chúng tôi mang theo cả những thước phim trên những cung đường mình đi với hi vọng di sản số của mình sẽ giúp ích cho thế hệ sau sử dụng. Đó là điều làm chúng tôi thấy tự hào và cũng là động lực nối dài chuyến đi của chúng tôi. Với những người cảm thấy chúng tôi khó hiểu, tôi không trách họ bởi họ không hiểu được thế giới quan của chúng tôi."
"Sinh con hay không là quyết định của gia đình nhỏ của chúng tôi và người phụ nữ khi sinh con sẽ thiệt thòi hơn vì đó là cơ thể của họ, ảnh hưởng trực tiếp đến phần đời còn lại của họ", chị Ngọc thẳng thắn. "Không ai khác, kể cả bố mẹ, có quyền quyết định giúp chúng tôi trong việc này được. Chúng tôi có tấm bản đồ riêng cho cuộc đời của mình, nó không giống ai cả nên không thể dùng tấm bản đồ bố mẹ hay xã hội VẼ GIÚP để sống được. À nói chính xác thì vẫn sống được nhưng sẽ không vui vẻ được thôi!"
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị