Đạo diễn huyền thoại Martin Scorsese hầu như ra mắt một phim chỉ trong thời gian 1- 2 năm, trong khi những nhà làm phim khác trung bình 3, 5 năm mới có một tác phẩm. Edison tạo nên hàng nghìn phát minh trong sự nghiệp. Tiểu thuyết gia James Patterson xuất bản gần 150 tiểu thuyết ở tuổi 70, hơn 100 trong số đó là best-seller.
Trong cuốn Originals (Tư duy ngược dịch chuyển thế giới), nhà tâm lý học và tác giả nổi tiếng người Mỹ Adam Grant đã dày công tìm hiểu quy trình và thói quen của các nhà sáng tạo bậc thầy, đồng thời tổng hợp các nghiên cứu xã hội học về năng suất sáng tạo. 4 thói quen được Adam tiết lộ dưới đây sẽ giúp bạn - những nhà sáng tạo nội dung, nhà khởi nghiệp, cây viết, nghệ sĩ - tiết kiệm được hàng chục nghìn giờ lãng phí trong sự nghiệp của mình.
1. Tạo ra gấp 3 sản phẩm so với người bình thường, bất chấp hay dở
Sự nghiệp nghệ thuật của Picasso gồm hơn 1800 bức tranh, 1200 tác phẩm điêu khắc, 2800 sản phẩm đồ gốm và 12000 bản vẽ. Nhưng có một bí mật ít người biết: Chỉ một phần rất nhỏ trong số đó nhận được sự đón nhận của công chúng. Nhà vật lý Albert Einstein đã viết các bản phác đặc thù làm thay đổi ngành vật lý, nhưng bên cạnh đó, phần lớn trong số gần 250 công trình từng được xuất bản của ông có rất ít ảnh hưởng.
Trong "Tư duy ngược dịch chuyển thế giới", Adam dẫn ra nghiên cứu của nhà tâm lý học Dean Simonton cho thấy so với các đồng nghiệp trong cùng lĩnh vực, các thiên tài sáng tạo không phải là người đạt chất lượng tốt hơn, họ chỉ đơn giản tạo ra được một khối lượng công việc lớn hơn, giúp họ có được những thay đổi và cơ hội cao hơn để trở nên độc đáo. Nói như một nhà sản xuất chương trình truyền hình: "Nếu muốn trở nên độc đáo, điều quan trọng nhất là hãy tạo ra thật nhiều tác phẩm. Hãy cho ra đời một khối lượng tác phẩm khổng lồ".
Một lý lẽ được Adam chỉ ra, khi tạo ra nhiều sản phẩm, người ta "sẽ nảy ra nhiều ý tưởng hoán đổi lạ lùng, những ngõ cụt, và những thất bại hoàn toàn", nhưng qua đó, họ cũng tạo ra một lượng lớn các ý tưởng có giá trị. Không có sự cân bằng giữa số lượng và chất lượng (lầm tưởng rằng nếu bạn muốn tạo ra một sản phẩm tốt hơn, bạn phải làm ít hơn), thay vào đó, càng làm nhiều, chất lượng sản phẩm càng tăng lên.
"Tăng gấp 3 lần số ý tưởng bạn tạo ra" là đề nghị của Adam Grant trong cuốn sách. "Cũng giống như một cầu thủ bóng chày ở chốt gôn sẽ đánh trúng trung bình một cú trong số 3 cú đập bóng, mỗi nhà sáng tạo cũng có thể thắng hoặc thua với các ý tưởng của mình. Cách tốt nhất để thúc đẩy khả năng sáng tạo của bạn là tạo ra càng nhiều ý tưởng hơn", ông viết.
2. Trì hoãn có chủ đích
Ta thường được dạy rằng hành động sớm, nhanh chóng là chìa khoá thành công, rằng người chần chừ sẽ bị mất mát. "Nhưng đáng ngạc nhiên thay, khi tôi nghiên cứu về sự độc đáo, tôi đã phát hiện được rằng những ưu điểm khi hành động nhanh chóng và là kẻ đi đầu trong mọi chuyện lại bị lấn át bởi rất nhiều bất lợi", Adam Grant đặt vấn đề.
Ông dẫn ra nghiên cứu tiến sĩ của sinh viên tên Jihae Shin, trong đó cô yêu cầu các sinh viên đại học viết bản đề xuất cải tiến doanh nghiệp, một nhóm làm việc ngay lập tức, một nhóm phải "trì hoãn" quá trình: tách mình ra khỏi công việc được giao, chơi game trước khi kết thúc bản đề xuất. Kết quả, các đề xuất từ những người trì hoãn được đánh giá là sáng tạo hơn đến 28%.
Nghiên cứu về lý do sâu xa, Adam đưa ra lý giải: "Tiến trình trì hoãn giúp họ dành nhiều thời gian hơn để xem xét những cách khác nhau nhằm hoàn thành nhiệm vụ công việc, chứ không phải là "khoanh vùng và đóng băng" vào một chiến lược cụ thể nào đó".
Lịch sử cũng cho thấy một số nhà tư tưởng và nhà phát minh độc đáo nhất đã từng là những người trì hoãn. Martin Luther King trì hoãn bài diễn văn "I have a dream" cho đến tận khi lên bục phát biểu, để rồi ứng biến xuất thần. Leonardo da Vinci, theo các học giả, đã vẽ những bức Mona Lisa trong những khoảng thời gian gián đoạn nối tiếp nhau trong nhiều năm, từ 1503 đến 1519. "Mặc dù ông cũng thường phát cáu lên vì sự trì hoãn của mình nhưng da Vinci nhận ra rằng cái gì độc đáo thì không thể vội vã", Adam ghi lại.
Adam Grant lưu ý rằng sự trì hoãn đặc biệt có lợi cho sự sáng tạo trong những thời điểm ta không biết phải tập trung vào đâu để giải quyết vấn đề. Điều này có lợi gì cho năng suất sáng tạo? Khi bế tắc, thay vì ôm khư khư vấn đề, hãy gạt nó qua một bên và đi làm việc khác. "Bằng việc tạm nghỉ giữa quá trình lên ý trởng hay quá trình viết, bạn càng có thêm cơ hội tư duy sáng tạo và dành thêm thời gian để nuôi dưỡng ý tưởng", Adam kết luận.
3. Thẩm định ý tưởng khôn ngoan
Dương tính giả và âm tính giả là hai sai lầm phổ biến khi đánh giá ý tưởng, được Adam Grant chỉ ra trong "Tư duy ngược dịch chuyển thế giới".
Dương tính giả là khi người sáng tạo đánh giá quá cao ý tưởng của chính mình. "Thật khó để tự đánh giá quan điểm riêng của bạn bởi vì bạn thường quá lạc quan", Adam nói. "Chúng ta ngây ngất trong khoảnh khắc eureka! hoặc niềm vui chiến thắng của việc vượt qua chướng ngại. Brandon Tartikoff, Chủ tịch cấp cao phụ trách mảng giải trí của kênh NBC, thường xuyên nhắc nhở các nhà sản xuất của mình: Không ai bước vào đây với ý tưởng tồi cả", tác giả ghi trong Originals.
Ngược lại, âm tính giả là sự nghi ngờ quá mức, đánh giá thấp ý tưởng, thường đến từ nhà quản lý hay những chuyên gia quá sành sỏi.
Lắng nghe phản hồi nhiều hơn từ đồng nghiệp là gợi ý của Adam Grant. "Thay vì cố gắng đánh giá tính độc đáo của mình hay tìm kiếm thông tin phản hồi từ các nhà quản lý, chúng ta cần phải thường xuyên tìm đến chính những đồng nghiệp của mình".
Adam cho hay, những người đồng nghiệp trong sáng tạo không có sự e ngại về rủi ro của một nhà quản lý và những khán giả kiểm định; họ cởi mở để nhìn thấy tiềm năng trong những khả năng khác thường, điều này tránh cho họ mắc phải tình trạng âm tính giả. Đồng thời, họ không có khoản đầu tư đáng kể nào vào những ý tưởng của chúng ta, điều này giúp họ giữ được một khoảng cách để đưa ra những đánh giá khách quan và bảo vệ họ chống lại tình trạng dương tính giả.
4. Làm chủ cảm xúc
Cuối cùng, cảm xúc tiêu cực là yếu tố "nghe có vẻ mơ hồ" nhưng ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy sáng tạo. Khi bạn căng thẳng, áp lực, đau khổ, ý tưởng không thể tuôn tràn, cảm hứng không thể chảy trôi như trong điều kiện lý tưởng.
Trong "Tư duy ngược dịch chuyển thế giới", Adam Grant dành hẳn một chương bàn về khía cạnh cảm xúc, cách các nhà sáng tạo "kiểm soát sự lo lắng, thờ ơ, mâu thuẫn và nỗi tức giận". Ông cho rằng những xúc cảm kịch tính trong cuộc đời những cá nhân đột phá là điều rất bình thường, chẳng hạn "khi bị mất việc, cảm thấy lo lắng trước một buổi thuyết trình quan trọng, chỉ trích bởi những lỗi lầm, và bị đồng nghiệp đẩy cho những công việc nhàm chán".
Tuy nhiên, tác giả nói thêm: "Những người vượt qua được cảm xúc này là những người thường xuyên đưa ra những ý tưởng và những đề xuất để thách thức nguyên trạng – và quản lý của họ đánh giá họ cao hơn với những điều đó. Họ đã để sự can đảm rung lắc con thuyền của mình và nắm chắc những kỹ thuật giữ nó vững vàng".
Đâu là những gợi ý kiểm soát cảm xúc đến từ Adam Grant? Biết cách chuyển sự lo lắng thành cảm xúc nhiệt huyết, hào hứng; khi cảm thấy yếu đuối, hãy nghĩ về những tiến bộ đã đạt được; Không thờ ơ hay tự trấn an bản thân mà đánh giá kỹ thực tế và có những kế hoạch thấu đáo…
Theo Trí Thức Trẻ