Đó là một ví dụ nhỏ cho thấy ta thường bị bao vây bởi vô số quan điểm, niềm tin, hệ thống, suốt ngày bảo ta nên thế này hoặc phải thế kia.
Ta được khuyên nên nghe lời cha mẹ khi còn nhỏ. Lớn lên đi học, tốt nhất ta phải tuân theo quy định nhà trường. Vào một công ty, theo lẽ thường ta nên đem lòng kính trọng một vị lãnh đạo và coi lời người đấy như chân lý...
Nhưng những "chân lý" đó nhiều khi xung đột nhau, đâu mới là chân lý thực sự mỗi người cần nắm bắt?
Tự do đầu tiên và cuối cùng của J. Krishnamurti cho ta thấy vị triết gia này từ chối mọi hệ thống, mọi khuôn mẫu, công thức (ở mọi phương diện). Danh sách những điều ông đề nghị bao gồm: Tôn giáo, những lãnh đạo, bậc thầy, môn phái, tâm linh hay khoa học, các thể loại chủ nghĩa... đối với ông đều "nghèo nàn".
Nhà diễn thuyết J. Krishnamurti. |
Sinh ra ở Ấn Độ, nhưng J. Krishnamurti khẳng định rằng mình không thuộc bất cứ quốc tịch, tầng lớp, tôn giáo hay trường phái triết học nào, ông đi khắp thế giới trong vai trò một "nhà diễn thuyết độc lập". Cá nhân ông cũng không đọc bất cứ kinh sách nào để tự "bảo vệ mình" khỏi mọi niềm tin, khuôn thước có trước.
Đọc Tự do đầu tiên và cuối cùng mới thấy "độc lập" theo quan điểm của Krishnamurti khá... cực đoan. "Không cần có thêm kỷ luật, niềm tin, ý thức hệ và bậc thầy nào nữa", ông thẳng thừng.
Vị triết gia này khước từ, từ một chứng minh khoa học cho đến niềm tin tâm linh, từ chỉ dẫn của thầy giáo cho đến Thượng Đế. Chẳng hạn, ông thốt lên: "Bạn muốn tin rằng có một Thượng Đế đang chăm lo chu đáo những việc nhỏ nhặt, tầm thường của bạn, báo cho bạn biết bạn nên gặp ai, nên làm gì và nên làm như thế nào. Đây là kiểu suy nghĩ ấu trĩ và non nớt".
Đâu là những giới hạn của khuôn mẫu và chỗ dựa niềm tin đi trước khiến Krishnamurti kịch liệt tránh né? Ông lý luận rằng thực tại là cái không ngừng biến chuyển, vấn đề không bao giờ đứng yên nên những câu trả lời hay lời khuyên đi trước đơn giản không thể áp dụng được vào hiện tại, vào "cái đang là" đang diễn ra.
Trước những thách thức luôn luôn mới mẻ, mọi kinh nghiệm, quan điểm, công thức hay ký ức đi trước đều trở thành "một khuôn mẫu cũ kỹ". Lời giải hay niềm tin có sẵn không áp dụng vào được vấn đề - dù là bài giải toán, câu chuyện kinh tế, xã hội hay câu hỏi về định hướng cuộc đời bạn - mà bạn đang đối mặt ngay tại khoảnh khắc này.
Sách Tự do đầu tiên và cuối cùng. |
Tự do đầu tiên và cuối cùng được xuất bản lần đầu vào những năm 1954, đến nay nhiều người đọc hiện đại vẫn cho rằng quan điểm của Krishnamurti trong cuốn sách thay đổi hoàn toàn cách nhìn của họ về cuộc đời, thế giới.
Ai trong chúng ta cũng lớn lên với những ảnh hưởng của tuổi ấu thơ, hoàn cảnh, những người thầy đã gặp, những cuốn sách đã đọc. Để đạt được sự tự do tuyệt đối, theo Krishnamurti, là rũ bỏ khỏi mọi ảnh hưởng đang ràng buộc, trì kéo, không để bản thân trở thành "cái máy hát phát đi phát lại những bài hát kinh nghiệm nào đó, những kết luận và ký ức nào đó, của mình hay của người khác".
Câu hỏi là, ta nên dựa vào đâu, hay ai và cái gì để tìm câu trả lời cho mỗi tình huống, vấn đề? Không một ai ngoại trừ chính bạn, Krishnamurti khuyên.
"Niềm hy vọng nằm ở con người, không phải ở xã hội, không phải trong các hệ thống, các hệ thống tôn giáo có tổ chức, mà ở bạn và ở tôi".
Krishnamurti
Cụ thể hơn, đó là việc "hiểu chính mình đúng như hiện trạng trong từng khoảnh khắc chứ không phải quá trình tích luỹ kiến thức", nhận thức một cách không định kiến về cái đang là, từ đó hiểu thật thấu suốt cái đang là, lẫn chính mình.
Đó là một hành trình không có hồi kết. "Bạn càng hiểu chính mình thì càng sáng tỏ. Việc tự hiểu mình không có điểm dừng - bạn sẽ không đạt được một thành tựu nào, bạn sẽ không đi tới một kết luận nào cả. Đó là dòng sông bất tận", ông nói.
Còn tất nhiên, như những gì Krishnamurti trình bày, bạn đọc hoàn toàn không nên tin ông! Thay vào đó, ta luôn luôn phải nghi ngờ, rồi tự soi rọi vào chính mình để xem đâu mới là "chân lý" đích thực đúng với ta trong thời khắc hiện tại.
Trong Tự do đầu tiên và cuối cùng, Krishnamurti chuộng những câu hỏi nối tiếp nhau hẳn cũng là vì vậy, ông trình bày quan điểm của mình cùng thái độ luôn chất vấn bạn đọc.
Còn đâu là sự thật đích thực hay chân lý, hay như chuyện dậy sớm hay dậy trễ thì tốt, ắt là chính bạn phải tự đi tìm câu trả lời cho mình thôi. Khi làm được điều đấy, hẳn bạn sẽ có được tự do...