‘Vị thánh của thế kỷ hai mươi’
Thành thật mà nói, trong mấy mươi năm diễn thuyết, Jiddu Krishnamurti chưa bao giờ đưa cho mọi người một đáp án cụ thể về bất cứ vấn đề nào. Thế nhưng, tầm ảnh hưởng của ông đã lan rộng khắp thế giới, đến mọi ngóc ngách của đời sống. Những triết lý của ông soi sáng cuộc sống hàng triệu người, từ tầng lớp bình dân cho đến trí thức, từ người trẻ cho đến người già. Trong số đó, không thể không kể đến Deepak Chopra, Van Morrison, Joseph Campbell, Tem Terence… Tư tưởng của Krishnamurti đã ảnh hưởng sâu sắc đến lối suy nghĩ của họ. Và từ đó, họ lại mang những khám phá, trải nghiệm của mình tác động đến hàng triệu người khác trên khắp thế giới.
Đức Đạt Lai Lạt Ma coi Krishnamurti là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thời đại, cả Phương Đông lẫn Phương Tây đều chào đón ông như bậc đạo sư uyên bác nhất. Tờ The Guardian gọi ông là “bậc thầy không tin vào những bậc thầy”. Còn tạp chí Times nhận định ông là “Một trong năm vị thánh của thế kỷ hai mươi”.
Thế nhưng, Krishnamurti luôn cảm thấy những danh xưng là hoàn toàn vô nghĩa và việc đồng hóa với cái to tát hơn chính là khước từ bản thân mình. Vì lẽ đó, ông đã từ bỏ vị trí đứng đầu hội Thông Thiên học (Theosophical Society) - một tổ chức lớn ở Ấn Độ - cùng những danh danh hiệu đi kèm vào năm 1929.
Về sau, Krishnamurti đã dành quãng đời còn lại của mình đi diễn thuyết khắp thế giới với mục đích mang những khám phá của mình đến những người cần lắng nghe, từ đó giúp họ giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc và hướng đến sự tự do thực thụ.
Theo tổng kết, số lượng tác phẩm của Krishnamurti và các tác phẩm viết về ông tương đương khoảng 400 quyển sách cỡ trung. Tuy số lượng các tác phẩm đồ sộ đến thế nhưng cũng không cách nào bao trọn hết tư tưởng và triết lý mà Krishnamurti đã truyền đạt. Tính đến nay, trên 70 đầu sách tổng hợp từ các buổi diễn thuyết, thảo luận của Krishnamurti được phát hành và tái bản nhiều lần.
Tại Việt Nam, có 9 đầu sách của Krishnamurti đã được xuất bản, bao gồm: Tự do đầu tiên và cuối cùng, Cuộc đời phía trước, Thế giới trong bạn, Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống, Bạn đang nghịch gì với đời mình, Tự do vượt trên sự hiểu biết, Như ta là, Đánh thức trí thông minh, Đôi điều cần suy ngẫm. Khi ra mắt, những tác phẩm này luôn được đông đảo bạn đọc đón nhận và trân quý.
Nếu lần đầu bạn biết đến Krishnamurti hẳn sẽ thắc mắc, liệu những tư tưởng, triết lý đã bắt nguồn từ thế kỷ trước có còn phù hợp với thế giới hiện nay? Đã có biết bao nhiêu trào lưu, bao nhiêu tư tưởng nổi dậy theo từng thời kỳ nhưng rồi cũng bị thời đại bỏ quên thì liệu thứ mà Krishnamurti đã truyền đạt có còn giá trị?
Sự thật là, những tư tưởng, triết lý của Krishnamurti dẫu đã đi qua hàng chục năm đằng đẵng nhưng không hề mất đi giá trị, mà ngược lại, càng ngày càng được củng cố bởi thời gian. Bởi lẽ, những vấn đề Krishnamurti từng đặt ra ở thế kỷ hai mươi không chỉ là vấn đề của một thời đại, mà hơn hết, nó còn là vấn đề chung của con người. Từ cái tôi, sự cô đơn, ham muốn, tình yêu, cho đến giáo dục, tôn giáo, chính trị, bạo lực… tất cả đều không xa lạ với những người sống trong thời đại ngày nay.
Như trong cuốn sách “Bạn đang nghịch gì với đời mình”, khi bàn luận về mối quan hệ giữa con người và những tiến bộ công nghệ, kỹ thuật, Krishnamurti suy ngẫm: “Kiến thức công nghệ, dù cần thiết đến đâu, sẽ không thể nào giải quyết được những áp lực và xung đột trong nội tâm con người; và cũng chính vì ta đã sở đắc kiến thức kỹ thuật mà không hiểu gì về toàn bộ diễn trình của cuộc sống nên kỹ thuật lại trở thành một phương tiện hủy hoại chính ta. Người biết cách tách một nguyên tử nhưng không có tình yêu trong tâm hồn sẽ trở thành quỷ dữ”.
Hay khi bàn về vấn đề giáo dục trong cuốn sách “Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống”, Krishnamurti cho rằng: “Nếu ta được giáo dục chỉ để trở nên khác biệt, giành lấy một công việc tốt hơn, có nhiều năng lực hơn, thống trị người khác nhiều hơn, thì cuộc sống của ta sẽ trở nên hời hợt và trống rỗng vô cùng”. Khi quan điểm này lần đầu được phát biểu đã gây rúng động không chỉ ở quê hương Ấn Độ của ông mà còn với cả thế giới. Thậm chí đến ngày nay, những quan điểm về giáo dục của Krishnamurti vẫn gây choáng váng cho người đọc bởi mức độ thực tế và chính xác, vượt qua cả không gian và thời gian.
Với tư duy sâu sắc, Krishnamurti đã xé bỏ tấm màn che phủ của các quan niệm hạn chế và phơi bày những sự thật trần trụi của thế giới. Vì vậy, khi đọc Krishnamurti bạn phải thực sự sẵn sàng. Bạn phải sẵn sàng để soi chiếu bản thân và học cách đối diện, thậm chí là phá bỏ những suy nghĩ hạn hẹp của mình. Nhưng cần phải nói thêm, Krishnamurti sẽ không mang đến cho bạn một lời khuyên, một hệ thống học thuyết hay bất kỳ phương pháp, kỹ thuật nào. Những cuộc trò chuyện của Krishnamurti - như ông vẫn nhấn mạnh - không phải với tư cách người truyền giáo hay người cho lời khuyên, mà chỉ là tự do trao đổi để bạn khám phá và thấu hiểu các vấn đề nền tảng nhằm đạt được sự tỉnh thức.
Triết gia nằm ngoài mọi tư tưởng, ý thức hệ
Trong nhiều cuộc đối thoại và diễn thuyết, Krishnamurti từng tuyên bố ông là người không quốc gia, không tôn giáo, không môn phái và cũng không thuộc bất kỳ tư tưởng, ý thức hệ nào. Có lẽ vì vậy mà tư tưởng, triết lý của ông không bị giới hạn bởi thời gian, địa điểm, hay hoàn cảnh.
Krishnamurti cho rằng sự thật là một vùng đất không có lối đi. Con người không thể đến được nó thông qua bất kỳ tổ chức, tín ngưỡng, nghi lễ hay hiểu biết triết học, kỹ thuật tâm lý nào. Mỗi người phải tự tìm ra nó thông qua sự phản chiếu các mối quan hệ, qua sự thấu hiểu và quan sát tâm trí của mình.
Như trong “Cuộc đời phía trước”, Krishnamurti đã chia sẻ: “Các cuộc cách mạng chính trị, kinh tế và xã hội cũng không giải quyết được gì cả, bởi vì chúng đã sinh ra những cuộc áp chế khủng khiếp, hoặc chỉ chuyển giao quyền hành và uy thế từ nhóm người này sang nhóm người khác. Các cuộc cách mạng như thế không bao giờ là lối thoát cho những hỗn loạn và xung đột của ta.
Nhưng có một cuộc cách mạng hoàn toàn khác phải diễn ra nếu ta muốn thoát khỏi sự tiếp nối bất tận của bao nhiêu khổ não, bao nhiêu xung đột, bao nhiêu nỗi thất vọng mà ta đang ngụp lặn vướng mắc trong đó. Cuộc cách mạng này phải bắt đầu không phải với lý thuyết và ý niệm, vì cuối cùng lý thuyết và ý niệm cũng chẳng có giá trị gì, mà phải bắt đầu bằng một cuộc biến đổi triệt để ngay trong tự thân trí não. Cuộc biến đổi như thế chỉ có thể xảy ra thông qua một nền giáo dục chân chính và sự phát triển toàn diện con người”.
Krishnamurti cho rằng chính sự hỗn loạn của xã hội và chính những thói quen, tư tưởng của một trí não bị ảnh hưởng là gốc rễ cho mọi bạo lực cũng như khổ đau trên toàn thế giới. Con đường giải thoát ở đây là tự biết mình; thấy chính ta như “ta là” trong thực tại, chứ không phải “ta phải là” hay “ta nên là”. Đây cũng là lối dẫn cho chúng ta đi đến tự do.
Trong phần lớn các cuộc trò chuyện và diễn thuyết, Krishnamurti thường bắt đầu bằng những câu hỏi dẫn dắt mọi người tự suy ngẫm. Ông cũng khuyến khích mọi người phải chất vấn mọi điều ông nói, tự đánh giá xem đối với những quan điểm đó có đúng đắn, phù hợp hay không. Thậm chí, khi được người khác hỏi, Krishnamurti cũng không lập tức trả lời mà lật ngược vấn đề về phía người hỏi để họ tự suy luận và tìm ra lời giải. Ông cho rằng “một trí não thông minh là một trí não luôn luôn học hỏi, chứ không bao giờ kết luận”.
Nói về Krishnamurti, Giáo sư Nguyên Phong có lần chia sẻ: "Nếu anh đọc kỹ sách của Krishnamurti thì ông ấy không hề khuyên bảo hay trả lời gì hết, mà bắt anh phải tư duy, chiêm nghiệm để tự tìm ra câu trả lời". Còn tờ Sunday Telegraph thì nhận xét: “J. Krishnamurti luôn luôn tươi mới, ông ấy bao giờ cũng gây ngạc nhiên”.
Sinh thời, Krishnamurti từng nhiều lần từ chối những danh xưng mọi người đặt cho mình. Thế nhưng, với những gì mà Krishnamurti đã đóng góp và để lại cho đời, ông luôn được xem là một trong những triết gia, nhà tâm linh vĩ đại nhất thế giới. Những tác phẩm của ông đã được dịch ra hàng chục ngôn ngữ khác nhau và được lan toả trên khắp thế giới. Nhiều người đã tìm đến ông như là tìm về dòng suối mát lành để có thể gột rửa tâm hồn.
J.Krishnamurti |